"...trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng..."

Phạm thanh Phương
(Tưởng niệm về ngày 30-4)

Tháng tư lại đến , niềm đau Quốc hận lại chất thêm một tuổi để khơi lại trong tâm thức mỗi người dân miền Nam Việt Nam thêm trăn trở ưu tư. Hơn ba mươi năm đã qua kể từ ngày miền Nam hoàn toàn bị mất vào tay CS (30-4-1975), một ngày đen tối của lịch sử, toàn cõi miền Nam bàng hoàng ngơ ngác từ giã tất cả những điều trân qúy nhất của đời người như tự do, dân chủ, nhân quyền, để lún dần vào bóng đêm khốn khổ. Trong khi đó, đối với bọn lãnh đạo CSVN, đây lại chính là “Chiến thắng vĩ đại” để chúng hãnh diện, tự hào đã đưa được cả một dân tộc chìm sâu trong vũng lầy tăm tối nhất của nhân loại...

Đất nước đã im tiếng súng, dòng sông Bến Hải không còn là bức màn, cách chia tình dân tộc như ngày xưa. Nhưng tại sao vẫn còn hận thù để biết bao kẻ ra đi không bao giờ trở lại, hoặc có được trở về cũng “thân tàn ma dại” dưới mỹ từ “Cải Tạo”... Biết bao nhiêu tài nguyên trí tuệ đã bị hủy diệt bởi chính sách ngu xuẩn tham tàn với những nông trường đồng chua nước mặn và những trại tù rải rác khắp Quê Hương... Tất cả những uất ức, đau thương đã được đưa vào kho tàng uất hận của dân tộc bằng những câu đối truyền khẩu trong nhân gian, như những tiếng thở dài của Tổ Quốc để đánh dấu cho một khúc quanh đen tối của lịch sử..

“Trong chinh chiến đôi ta gần gũi
Giờ thanh bình sao lại biệt ly”

Ngay trong việc đổi tên đường cũng đã như một lời tiên tri cho những khủng bố đầy máu tanh trong một xã hội đau buồn dưới sự lãnh đạo của chế độ đầy thú tính...

“Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý
Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do”...

Cũng vì thế, tất cả mọi người phải cố tìm đường chạy trốn với những chiếc thuyền mong manh trên đại dương đầy phẫn nộ, hay lầm lũi trong những cánh rừng chông gai thập tử nhất sinh với những bầy thú dữ đang chực chờ ... Biết thế, nhưng từng đoàn người vẫn tiếp tục dẫn dắt díu nhau đi, họ đã phải gom góp tất cả tài sản, kể cả sinh mạng để mong đánh đổi lấy được hai chữ tự do...Ôi! hai chữ tự do sao mà quá đắt, nó được đánh đổi bằng tất cả những nhục nhằn pha máu và nước mắt. Tuy nhiên, những hình ảnh khủng khiếp ấy cũng không làm người dân hãi sợ bằng những lá cờ đầy máu tanh và hai chữ “Bác - Đảng”...

Ta đã thấy Biển Đông từng bỡ ngỡ
Trong những lần vĩnh biệt cõi âm dương
Lòng biển sâu vang tiếng nấc đoạn trường
Bầy hải tặc nhận làm phu đưa đám

Trải qua hơn ba mươi năm, đất nước được mang tiếng là "thống nhất, thanh bình”. Nhưng thử hỏi CSVN đã làm gì ích lợi cho non sông, dân tộc, hay chỉ thấy toàn những lọc lừa, khủng bố, bóc lột. Đẩy người dân đến tân cùng rách nát , băng hoại....

Điều đáng buồn là nếu có những tâm huyết ích quốc, lợi dân đi chăng nữa cũng hiếm ai có đủ tự tin và can đảm lên tiếng đóng góp. Những người can đảm đóng góp ý kiến hay nói lên tiếng nói của lương tri như Lm Nguyễn văn Lý, HT Quảng Độ, Đức Tăng Thống Huyền Quang, hay Lê chí Quang, Phạm hồng Sơn, v, v, thì lại được hồi đáp bằng những bản án mơ hồ với hai chữ “Gián điệp”, để được quản chế và tù đầy một cách danh chính, ngôn thuận. Điều đáng nói là bọn CSVN luôn luôn tự hào với “Đỉnh cao trí tuệ” mà lại không ý thức giác ngộ để lắng nghe những đóng góp từ những trái tim yêu nước, mà lại ngược đãi họ như súc vật... Ngoài ra chúng còn hãnh diện với chiêu bài “Xuất khẩu lao động, lấy chồng ngoại quốc” để được ăn bám như một loại ký sinh trùng đang nhởn nhơ trên những vết thương loang lở tủi nhục của họ...

Tất cả chìm sâu chốn khổ đau
Đường đời hun hút cố tìm nhau
Tìm trong vô vọng, trong hoang lạnh
Tìm dấu chân chim, tóc úa màu

Tình hình hôm nay đã đổi khác, người dân ý thức hơn và quốc tế cũng thấy rõ hơn được bộ mặt bỉ ổi, dã man của đám quái thú CSVN. Hơn nữa, các phong trào đấu tranh dân chủ cũng đang lan rộng trong cũng như ngoài nước. Trong khi căn bệnh hủ hóa tham ô trong các cấp lãnh đạo CSVN đã đến thời kỳ hết thuốc chữa. Như vậy, chắc chắn chúng sẽ tự sâu xé nhau ngay trong nội bộ cho đến ngày tự hủy không xa, nếu sức mạnh dân tộc được khôi phục.

Ngày 30-4 năm nay sẽ mang một mầu sắc mới, mầu sắc của niềm tin và hy vọng... Sự kiện phản kháng trực diện của đồng bào trong nước, với những cuộc biểu tình đòi nhà, đòi đất, đòi tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, và những nỗ lực của cộng đồng người Việt Hải Ngoại đã làm cho cả thể giới thức tỉnh hơn, để yểm trợ cho người dân Việt Nam đòi lại quyền tự quyết một cách tích cực hơn... Trong niềm tin chính nghĩa, thiết nghĩ chúng ta cần phải tích cực hơn nữa trong đấu tranh, hầu có thể cùng toàn dân tạo thế trận “nội ứng , ngoại hợp”, làm sáng tỏ ý nghĩa của tình yêu dân tộc trước nhãn quan quốc tế và cho CSVN thấy rằng chế độ bạo tàn, toàn trị ấy không thể tồn tại và sẽ phải lùi dần vào bóng tối của lịch sử trước tâm huyết và quyết tâm của toàn dân.

Quê hương còn đó sao xa quá
Ai xót chăng ai một chữ tình
Tìm nhau chia sẻ dòng huyết quản
Tái tạo sơn hà, ánh bình minh

Trong hoàn cảnh hiện tại, khí thế đấu tranh càng dâng cao, tất nhiên sẽ có nhiều phức tạp kèm theo. Do đó, chúng ta càng phải sáng suốt hơn với những trận hoả mù của CSVN và đám tay sai hoạt đầu chính trị, đang len lỏi trong các cơ chế Cộng đồng, Hội đoàn, Đoàn thể và đảng phái đấu tranh. Điển hình như những luận điệu tiếp cận với CS, để xoá bỏ ngăn cách Quốc-Cộng, khép lại quá khứ, xoá bỏ hận thù, cùng bắt tay canh tân đất nước, trong khi chế độ tham tàn, bạo ngược đang còn thống trị và thú tính của chúng đang phát triển mạnh mẽ hơn và tinh vi hơn trên khắp nẻo đường đất nước. Như vậy, tất cả những luận điệu ấy chỉ là những trận hoả mù lừa bịp, chúng ta cần cảnh giác.

Phạm thanh Phương (Úc Châu)

Phạm Thanh Phương (Úc Châu)

Kể từ khi ngọn đuốc Olympic 2008 bắt đầu rời Hy Lạp (Greece) đếán nay, đã có biết bao nhiêu biến cố xẩy ra để biến một ngọn đuốc tượng trưng cho hòa bình và nhân bản đã trở thành như một con rối, đang lưu diễn tấm tuồng hề khắp nơi trên thế giới với những tên “biệt kích” bảo vệ trong trang phục hai mầu trắng xanh rất “hiền hòa” mà nhà báo Chris Hughes tại Anh quốc đã mệnh danh là các “sát thủ tinh nhuệ” (highly-trained killers). Cũng theo nhiều nguồn tin cho biết, những sát thủ này được tuyển từ các đơn vị biệt kích của TQ, võ nghệ rất cao cường, không cần vũ khí nhưng có thể giết chết đối phương rất nhanh chóng và tinh vi. Và đây cũng là sở trường của CS, sẵn sàng gieo tang tóc bất cứ nơi đâu. Vì thế ngọn đuốc tượng trưng cho nhân bản, bỗng nhiên trở thành một vật gây tai họa, đi đến đâu cũng gây ra sự phẫn nộ, bất hòa cho mọi người.

Một ngọn đuốc, sáng soi tình nhân bản
Bởi vì đâu phải ô nhiễm vương sầu
Thế nhân buồn, thương cuộc thế bể dâu
Cùng đứng dậy tẩy trừ mầu yêu đạo

Xuyên qua những sự kiện đã xẩy ra trong những ngày gần đây, ngọn đuốc đi đến đâu cũng bị người dân địa phương biểu tình đấn đó, ngăn chặn đòi dập tắt ngọn đuốc, gây ra cảnh giằng co, bắt bớ một cách bất đắc dĩ của nhân viên công lực. Trước sự kiện này, một số người cho rằng những hành động biểu tình, bao vây ngăn chặn ngọn đuốc thế vận là một “hành động thiếu văn minh, bôi nhọ truyền thống hòa bình của thể thao”. Số người này cũng than phiền về hệ thống an ninh của các nước quá kém để xẩy ra những cảnh dở khóc, dở cười cho ngọn đuốc, hay nói đúng hơn là cho nhà nước Trung Cộng. Ngược lại đại đa số lại cho rằng, có lẽ những lời nói nêu trên đã xuất phát ra từ những kẻ mang trong người một “đỉnh cao trí tuệ, chính vì thế họ không hiểu thế nào là dân chủ và nhân bản, hoặc chỉ hiểu theo “định hướng XHCN” cũng không chừng.

Trước ánh sáng văn minh nhân loại, có lẽ ai cũng biết quyền biểu tình hay chống đối là một quyền rất tự nhiên của mọi người dân trong bất cứ lãnh vực nào và bất cứ lúc nào, nó không bị cấm đoán ngặt nghèo như tại các nước độc tài toàn trị. Hơn nữa, hành động biểu tình chống đối mạnh mẽ như tại Anh, Pháp và Mỹ vừa qua cũng không phải là họ chống ngọn đuốc Thế Vận, chống tinh thần thể thao, mà họ đang cố gắng phát huy ánh sáng hòa bình trong nhân bản của ngọn đuốc Thế Vận. Sự chống đối ấy cũng chính là hành động dùng chính nghĩa của nhân bản, tẩy rửa những nhơ nhớp mà chế độ CS Trung Hoa đang bôi bẩn lên ngọn đuốc. Để phát huy chính nghĩa nhân bản và yểm trợ người dân Tây Tạng, trong các cuộc biểu tình vừa qua tại Anh, Pháp, Mỹ cũng không thiếu sự tham gia của cộng đồng người Việt Tỵ nạn và lá cờ vàng cũng đã hiện diện khắp nơi trong những cuộc biểu tình này, đây cũng là một điểm son của cộng đồng tỵ nạn chúng ta, cần được phát huy mạnh hơn trên khắp thế giới, hầu có thể đóng góp chung vào công cuộc vận động cho hòa bình, tự do trên toàn cầu giữa cái thiện và cái ác, giữa bóng tối CS và anh sáng của lương tri.

Trở lại thực tế, vấn đề được đặt ra ở đây là, nếu Trung Cộng là một nước có tự do, dân chủ, không dùng cường lực và những thủ đoạn tàn nhẫn dã man đối với người dân Tây Tạng, thì chắc chắn ngọn đuốc sẽ thong dong và cũng được một sự đón tiếp rất nồng hậu từ trên khắp thế giới như Thế Vận Hội 2000 tại Úc vừa qua.

Một điều nên biết là tất cả những cuộc biểu tình ngăn cản chống rước đuốc không phải chỉ có người dân Tây Tạng Lưu Vong, họ chỉ là một thiểu số, còn lại đại đa số là dân bản xứ, họ không phải là những người mang một “quá khứ hận thù” hay thuộc loại “thế lực thù địch” chống phá nhà nước Trung Cộng, mà chỉ là những người đang sống trên những đất nước tự do, dân chủ và nhân bản, họ chỉ muốn tất cả mọi người trên trái đất này đều được quyền sống đúng nghiã của một con người như nhau, không thể biến con người thành súc vật giống như các thể chế độc tài toàn trị, điển hình là Trung Cộng và CSVN.

Cũng trong sự kiện này, phía Trung Cộng đã không biết tự nhìn lại hành vi của họ, mà còn ngoan cố lên án những người biểu tình là thành phần “đê tiện” và tuyên bố nhất quyết sẽ rước đuốc tới cùng. Với sự lên án này của Trung Cộng, đại đa số cũng nhận ra một sự cưỡng từ đoạt lý rất khôi hài và cũng chứng tỏ cái bản chất dã man côn đồ của CS nói chung và Trung Cộng nói riêng. Nó cũng chẳng khác nào cái đám bầy tôi CSVN khi kết tội, khủng bố, cầm tù những tiếng nói của lương tri trong các mặt trận đấu tranh dân chủ cho Việt Nam trong hiện tại.

Riêng tại Úc Châu, mặc dù người Tây Tạng lưu vong rất ít, nhưng các cộng đồng nạn nhân CS như cộng đồng người Việt tỵ nạn và Pháp Luân Công cũng không phải là ít. Do đó Thủ tướng Úc tuyên bố, không muốn dùng những “sát thủ tinh nhuệ” của Trung Cộng mà chỉ dùng lực lượng an ninh của Úc để bảo vệ đuốc, hầu có thể tránh những “tại nạn” đáng tiếc xẩy ra. Đây cũng là một quyết định sáng suốt của Thủ tướng Úc và cũng như một gáo nước lạnh tạt vào mặt Trung Cộng một cách rất tế nhị và nhân bản, mặc dù ông không có một dấu hiêu nào phản đối hay tẩy chay Thế Vận Hội.

Ai dám bảo, Cộng nô giờ thay đổi
Còn ai tin, bè lũ quỷ vô thường
Bản chất hèn, gieo rắc cảnh tai ương
Gây máu lửa, hận thù và tang tóc

Duyệt qua những sự kiện và thái độ ngoan cố, hung hăng của Trung Cộng, đại đa số nhận định, một cuộc đổ máu dã man, tàn bạo nữa sẽ không thể tránh, nếu ngọn đuốc tiếp tục được rước ngang qua Tây Tạng, và có lẽ không ai có thể phủ nhận CS lúc nào cũng là CS, bản chất thủ đoạn dã man không bao giờ thay đổi dù bất cứ tình huống nào. Vì thế, tất cả những kẻ hy họng bắt tay với CSVN để thay đổi hoàn cảnh, cùng tiến đến con đường “dân chủ hoá” đất nước là một điều không tưởng, nếu không muốn nói là lừa bịp, mỵ dân.

Đuốc Thế Vận

(Cảm xúc trước khí thế các cuộc biểu tình phản đối Trung Cộng qua ngọn đuốc Thế vận Hội tại Anh, Pháp & Mỹ trong những ngày qua và được biết có rất nhiều “sát thủ” Trung Công mặc y phục Thế Vận, sẵn sàng ra tay tàn độc khi cần)

Đuốc Thế Vận, một tình yêu nhân bản
Rơi vào tay kẻ khát máu bạo tàn
Chuốc thêm sầu, cảnh nghiệt ngã trái ngang
Làm ô nhiễm cả tin yêu nhân loại

Đuốc Thế vận vào tay phường vô loại
Là niềm đau, trăn trở với tội tình
Ngọn đuốc buồn lạc lõng cõi vô minh
Buồn leo lét, chập chờn cơn gió thổi

Đuốc Thế Vận có làm chi nên tội
Để hôm nay phải tức tưởi dày vò
Trời ơi trời! bầy “sát thủ” mặt mo
Mắt lấm lét, thụt thò, đau ngọn đuốc

Đuốc Thế Vận nay để phường bạo ngược
Mượn danh thơm, che khuất những tội tình
Thế gian này đâu phải chốn u minh
Toàn thế giới phất cao cờ nhân bản

Đuốc Thế Vận, thấy chăng người Tây Tạng
Máu xương rơi, phủ lấp bởi oán hờn
Bao năm rồi, nay bớt nỗi cô đơn
Toàn thế giới, cất vang lời công đạo

Phạm Thanh Phương

Phạm Thanh Phương (Úc Châu)

Đã từ lâu, sau khi nghị quyết 36 của CSVN ra đời, cộng đồng người tỵ nạn Việt Nam tại hải ngoại đã có rất nhiều ưu tư, chú ý và lo lắng sự kiện những tổ chức, đảng phái mang danh nghĩa “quốc gia chống cộng”, nhưng lại đi đêm với đảng CSVN để tạo thành một thế lực “đối lập cuội”, củng cố cho vị thế đảng CSVN thêm vững chắc hầu có thể chia chắc quyền lợi trên xương máu của dân tộc... Trong bối cảnh phức tạp ấy, nếu nói rằng người Việt hải ngoại đã nhận diện và xác định được những thành phần này một cách rõ rệt thì rất ít, nhưng hiện tượng nhiễu loạn mập mờ từ những cá nhân, đảng phái thì lại nhất nhiều, trong đó đảng Việt Tân là một điển hình tương đối có thể nói là đậm nét nhất.

Nói về những hoạt động của đảng Việt Tân từ khi chính thức ra đời trên văn bản từ cuối năm 2004 đến nay, có lẽ khó ai có thể phủ nhận được sự lập lờ đáng nghi ngại đầy huyền hoặc, mập mờ của họ. Ngoài những hình thức nỗ lực vận động tích cực trong lãnh vực ngoại vận trên khắp thế giới tự do, hành xử của họ đã đưa đến cho cộng đồng người Việt tỵ nạn một cái nhìn rất nghi ngại, để những niềm tin trong sáng của một thời “Mặt trận” nay cũng bị nhạt nhòa từ từ theo năm tháng.

Sơ lược lại những dấu hiệu lập lờ, đại đa số cũng thấy được chính sách của Việt Tân đã thay đổi ngược hẳn lại với Mặt Trận Kháng Chiến do Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh chủ trương khi còn sanh tiền. Thay vì lật đổ CSVN trước khi canh tân đất nước, thì Việt tân lại chủ trương “Canh Tân” trước khi lật đổ chế độ tham tàn bạo ngược CSVN, hoặc cùng thực hiện song song trong cái thế nhập nhằng “rồng rắn chung xuồng”.

Ngay từ khi chính thức với danh xưng đảng Việt Tân, Tổng Bí Thư Lý Thái Hùng ca tụng sự “giác ngộ” của các đời tổng Bí Thư đảng CSVN qua bài viết mang tên “Dân giầu nước mạnh” trên Web Việt Tân năm 2004 như sau:

“...tại Hội nghị lần thứ tư của Ban chấp hành trung ương đảng Cộng sản Việt Nam khóa VII vào năm 1993, ông Đỗ Mười, lúc đó là Tổng bí Thư, đã đề cập đến mục tiêu của đường lối đổi mới là thực hiện “dân giàu nước mạnh, xã hội văn minh”. Trong chủ trương nói trên, ông Đỗ Mười còn nhấn mạnh đến nhiệm vụ bồi dưỡng thế hệ thanh niên, vì ông cho rằng: “đây là lực lượng quyết định sự sống còn của dân tộc, quyết định vị trí xứng đáng của nước Việt Nam trong cộng đồng thế giới ở thế kỷ 21, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” .

Trong một đoạn khác, Lý Thái Hùng viết tiếp:

“Qua sự xác định chủ trương nói trên, rõ ràng là những người lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam cách nay 10 năm, đã có một số chuyển biến trong cách nhìn và cách hành xử mới về con đường cải cách. Chính vì nhìn ra vấn đế cốt lõi nói trên, những người lãnh đạo sau ông Đỗ Muời như các ông Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh cũng đã tiếp nối, coi vấn đề phát triển con người trở thành một chiến lược quan trọng, đưa giáo dục lên hàng quốc sách...”.

Với đoạn trích dẫn trên, phải chăng đây là sự “ngộ nhận” của Lý Thái hùng hay một tiến trình trong chính sách “đổi mới” của Việt Tân. Như vậy, thử hỏi cái “ý thức, giác ngộ” của CS mà ông Lý Thái Hùng ca tụng là những gì? Phải chăng là những phương sách làm giầu kiểu mới để cùng ngoại nhân bóc lột xương máu của người dân nghèo Việt Nam. Sự giác ngộ ấy phải chăng là hiện tượng phản phúc cắt đất nhượng biển cho Trung Cộng, “xuất khẩu” phụ nữ đi làm nô lệ tình dục ồ ạt dưới bình phong hôn nhân, xuất khẩu các em bé đi làm nô lệ tình dục tại Cam Bốt, tôn giáo, niềm tin bị khủng bố, kìm kẹp dã man và cảnh người dân mất nhà, mất đất nhan nhản xẩy ra trên khắp nẻo đường đất nước như hôm nay. Có lẽ cũng nhờ sự “ý thức giác ngộ” ấy, mà ngày nay giới lãnh đạo trung ương đảng mỗi cá nhân ít nhất cũng có vài trăm triệu Mỹ Kim trong các ngân hàng ngoại quốc. Như vậy sự “ý thức, giác ngộ” của VC là cái gì, có lẽ ai cũng biết. ..Bây giờ cái “ý thức giác ngộ” ấy lại được tiếp tục phát triển thì không biết Giang Sơn Việt và con Hồng cháu Lạc sẽ phải trôi dạt về đâu ???

Đảng “giác ngộ” dân đen thên tàn tạ
Thôi “Đảng” ơi, đừng phát triển thêm nhiều
Quê Hương mình, đói rách ”vượt chỉ tiêu”
Nỗi điếm nhục, Non Sông thừa thãi quá

Cũng trong chủ trương “giác ngộ”, trong năm 2005 nhân dịp kỷ niệm 30 năn tỵ nạn, Việt Tân lại vận động đổi ngày tưởng niệm 'Tháng Tư Đen đầy máu và nước mắt của dân tộc Việt trở thành một “Tháng Tư Xanh” tốt tươi hy vọng, sau lại đổi thành “Ngày Tự Do cho Việt Nam”. Khi bị cộng đồng khắp nơi lên tiếng phản đối, Việt Tân lại lập lờ thêm chữ đấu tranh để tiêu đề trở thành “Ngày Đấu Tranh Tự Do cho Việt Nam” cho thoát phần nham nhở. Qua sự kiện ấy, tưởng như đã qua đi, nhưng trong Năm 2006 và 2007, Việt Tân lại tạo thêm những hành xử rất trái khoáy như sự kiện đài phát thanh Chân Trời Mới và đài Tiếng Nước Tôi (Cơ quan ngôn luật chính thức của VT) đã phổ biến những bài viết xuyên tạc lịch sử của Hà Dương Dực, ca tụng chính nghĩa của CSVN trong cuộc chiến Việt Nam trước năm 1975, đồng thời bôi nhọ danh dự và chính nghĩa của quân, dân, cán chính VNCH. Sự kiện này cũng đã được lực lượng cựu quân nhân VNCH khắp nơi trên thế giới lên tiếng và đặc biệt tại Úc Châu, tổng hội Cựu Quân Nhân cũng ra tuyên cáo lên án và chất vấn Lý Thái Hùng. Tuy không thể chối cãi sự việc, buộc phải xin lỗi cho qua chuyên, và Lý Thái Hùng vẫn ngoan cố ngụy biện cho đây chỉ là một sự “ngộ nhận”, không phải chủ trương của Việt Tân. Ngoài ra, trong sự kiện Hoàng sa, Trường Sa vừa qua, Việt Tân cũng vận động kêu gọi chỉ biểu tình chống Trung Cộng mà không lên án thủ phạm chính đã bán nước chính là CSVN. Cũng trong sự kiện này, nhóm Việt Tân tại Anh quốc cũng đẵ tổ chức một cuộc biểu tình trước tòa đại sứ Trung Cộng, không mang cờ quốc gia mà lại chỉ mang một bản đồ Việt Nam mầu đỏ làm biểu tượng để nhập nhằng đánh đồng Quốc Cộng. Hơn nữa, Bác sĩ Nguyễn Trọng Việt (Ủy viên trung ương đảng việt tân) từng tuyên bố trên đài Tiếng Nước Tôi là ông rất tâm đắc với chủ trương “biểu tình mang lá cờ nào cũng được”...

Ngoài những câu chuyện đã qua nêu trên, câu chuyện mới nhất đã làm đại đa số người Việt tỵ nạn thất vọng là hiện tượng bức thư ngỏ của nhóm “Our Voice Open Letter” tại San Jose với nội dung “...Nhóm người ủng hộ tên gọi Little Saigon, dù có ồn ào đến đâu cũng không là đa số và không đại diện cho những người Mỹ gốc Việt sống tại San Jose và vùng phụ cận... Tên gọi Little Saigon tuy được một vài người ưa thích nhưng chắc chắn không biểu tượng cho người Mỹ gốc Việt.",v,v... Và bức “thư ngỏ” này cũng được những nhân vật then chốt của Trung ương đảng Việt Tân như Hoàng Cơ định, Hoàng thế Dân, Phạm Thành Long và một số đảng viên Việt Tân khác tại bắc Cali đồng ký tên ủng hộ.

Mặc dù sự việc trái khoáy của Việt Tân tại San Joe Bắc Cali chưa ổn, thì một lần nữa Việt Tân lại làm cho đại đa số người Việt tỵ nạn trên toàn thế giới tỏ ra tức giận và rất bất mãn qua lời tuyên bố của Đỗ Hoàng Điềm (Chủ tịch đảng Việt tân) trong buổi tham khảo ý kiến được tổ chức bởi Ủy Ban Đông Á Thái Bình Dương của Quốc Hội Hoa Kỳ vào ngày 12 tháng 3 năm 2008 vừa qua, do bà Nghị Sĩ Barbara Boxer làm chủ tịch, trong đó cũng có rất nhiều chính giới quan trọng Hoa Kỳ như có ông John Kerry, Nghị Sĩ Barack Obama v.v... và đặc biệt có cả sự hiện diện của Thứ Trưởng Ngoại Giao phụ trách Đông Á Thái Bình Dương Christopher Hill.

Trong buổi hội thảo lấy ý kiến, Nghị Sĩ Jim Webb đặt vấn đề về chính sách “đối xử khác biệt” của CSVN đối với thành phần quân, cán chính VNCH tại Việt Nam trong hiện tại, Đỗ Hoàng Điềm tuyên bố: “...việc phân biệt đối xử xem như đã chấm dứt từ lâu kể từ thập niện 1990”. Đây là một sự kiện hoàn toàn sai sự thật mà chính Nghị Sĩ Jim Webb đã phải lên tiếng phủ nhận.

Với câu trả lời này, một số cho rằng Đỗ Hoàng Điềm thiếu kiến thức thực tế và chính trị, nên đã vô tình xuyên tạc sự thật để chạy tội cho tập đoàn kháp máu CSVN. Tuy nhiên, đại đa số lại nhận định: Với một nhân vật khoa bảng, lại là Chủ Tịch một đảng chính trị “tầm cỡ” như Việt Tân thì lý luận “thiếu kiến thức chính trị và sự thật” thực sự hoàn toàn vô lý, không thể thuyết phục được bất cứ ai. Như vậy, đây không phải là một sự vô tình, mà là một sự cố ý chạy tội cho CS với chủ trương “Canh tân” của Việt Tân từ khi ra mắt đấn nay.

Nói về chủ trương “canh tân” của Việt Tân đa số lý luận, trong lúc CSVN đang thống trị đất nước, muốn dùng chiêu bài “canh tân” để chia quyền, tất nhiên phải nối kết hòa hợp. Do dó, muốn nối kết hòa hợp thì bằng mọi cách phải chạy tội cho CS trước dư luận quốc tế. Và sự kiện bóp méo, xuyên tạc sự thật là một chuyện dĩ nhiên sẽ phải có, đúng theo tôn chỉ “Cứu cánh biện minh cho phương tiện” mà CS vẫn thường xử dụng.

Trở lại vấn đề chính, tưởng cũng nên nhấn mạnh ở đây là cuộc hội thảo này của Ủy Ban Đông Á Thái Bình Dương của Quốc Hội Hoa Kỳ không ngoài mục đích tìm hiểu, để lấy quyết định cho dự luật về Nhân Quyền cho Việt Nam mang số HR 3096 đã được Hạ Viện biểu quyết tháng 9 năm 2009, nhưng mãi đến bây giờ vẫn còn đang chờ Thượng Viện thông qua. Như vậy, có lẽ tất cả người Việt tỵ nạn chúng ta cũng thấy lời tuyên bố của Đỗ Hoàng Điềm có tầm mức quan trọng như thế nào trong công cuộc đấu tranh đòi tự do, dân chủ cho Việt Nam hiện nay.

Năm Mậu Tý, như có chiều vượng địa
Tận hang cùng, mặt chuột đã lòi ra
Non sông gầy, ẩn hiện bóng qủy ma
Hãy lên tiếng, vạch chân dung đích thực

Tóm lại, tất cả những hành xử của Việt Tân được nêu trên chỉ là một số điển hình. Tuy nhiên, thiết nghĩ có lẽ cũng đủ cho tất cả người Việt tỵ nạn trên toàn thế giới có thể kết luận sự kiện xuyên tạc hiện thực của Đỗ Hoàng Điềm trong buổi tham khảo ý kiến của Ủy Ban Đông Á Thái Bình Dương của Quốc Hội Hoa Kỳ vừa qua là chủ trương của đảng Việt Tân hay chỉ vì sự “thiếu kiến thức chính trị và sự thật” của cá nhân Đỗ Hoàng Điềm thì có lẽ đã có câu trả lởi chính xác nhất cho mỗi cá nhân chúng ta. Và chân dung đích thực của Việt Tân như thế nào, họ là ai, đang đang vai trò gì trong công cuộc đấu tranh chung của toàn dân hôm nay.

Phạm Thanh Phương (Úc Châu)

Phạm Thanh Phương (Úc Châu)

Thế Vận Hội là một truyền thống thể thao tốt đẹp trên thế giới, tượng trưng cho hòa bình nhân bản, nhưng một khi được tổ chức tại một nước độc tài toàn trị, tàn bạo, dã man như Trung Cộng thì vô hình trung đã bị lợi dụng, chính trị hóa, chẳng những làm mất đi tính chất cao đẹp, mà còn bội nhọ cả truyền thống cao đẹp đã có từ xưa đến nay một cách bỉ ổi và đau buồn. Nhìn vào những chuẩn bị Thế vận Hội 2008 của Trung cộng, có lẽ không ai có thể phủ nhận khởi điểm của nó chính là những cuộc tranh tài chém giết đầy máu và nước mắt qua những cuộc đàn áp dã man tại Tây Tạng. Điều này cũng đã khiến thế giới phải trăn trở ưu tư lên tiếng.

Thế Vận hội, tình yêu nơi nhân loại
Rơi vào tay kẻ khát máu bạo tàn
Thế nhân sầu, nghiệt ngã cảnh trái ngang
Làm ô nhiễm niềm tin yêu nhân bản

Nhìn vào sự kiện, rất nhiều sự chống đối, tẩy chay bằng nhiều hình thức đã thể hiện trực tiếp hay gián tiếp trên khắp thế giới, và Đài Loan cũng đã lên tiếng từ chối, không cho ngọn đuốc Thế Vận đi qua quốc gia họ. Hành động của Đài Loan cũng chính là một sự phản kháng tích cực, lên án những hành động dã man tàn bạo của Trung Cộng đối với ngưòi dân Tây Tạng và cũng để xác định chủ quyền trên đất nước của họ, tránh ngộ nhận theo ý đồ đen tối của Trung Cộng dùng ngọn đuốc như một thông điệp xác nhận lãnh thổ Đài Loan là một phần của Trung Cộng. Ngoài ra Thái Lan cũng đã tỏ thái độ phản đối, tuy nhẹ nhàng nhưng cũng đủ làm cho Trung Cộng bẽ mặt và tức giận.
Riêng tại Việt Nam, mặc dù đang sống trong một chế độ phi nhân tàn bạo và bưng bít thông tin. Nhưng trong bối cảnh đất, biển đã bị bọn CSVN dâng hiến cho Trung Cộng và ngọn lửa đấu tranh đòi Hoàng Sa, Trường Sa vẫn còn âm ỉ trong lòng dân tộc, vì thế một số thanh niên, sinh viên trong nước đã bày tỏ thái độ bằng cách thực hiện những Blog, kêu gọi đồng bào xuống đường biểu tình tẩy chay sự kiện rước ngọn đuốc Thế vận qua một số thành phố lớn tại Việt Nam như báo chí trong nưóc đã loan tải.

Đi sâu vào sự kiện với hoàn cảnh của Việt Nam, đại đa số nhận định, nếu một cuộc biểu tình rầm rộ được thực hiện như lời kêu gọi của các Bloggers, chắc chắn nó sẽ thu hút được dư luận quốc tế hầu yểm trợ và hậu thuẫn một cách hữu hiệu cho các mặt trận đấu tranh đòi dân chủ tự do cho đất nước đã và đang miệt mài từ nhiều năm qua. Tuy nhiên với bản chất khát máu vong bản, CSVN sẵn sàng vì cái tình “hữu nghị bầy tôi” với Trung Cộng, chắc chắn họ sẽ xử dụng những thủ đoạn bỉ ổi tàn bạo nhất để đàn áp tối đa đối với dân Việt như Trung Cộng đã và đang áp dụng tại Tây Tạng. Hơn nữa với kinh nghiệm của đàn anh Trung cộng tại Tây Tạng, chắc chắn CSVN đã đề cao cảnh giác, tăng cường kiểm soát rất chặt chẽ, do đó rất khó có thể thực hiện một cuộc biểu tình như ý muốn.

Nói như thế, không có nghĩa là những lời kêu gọi của các Bloggers hoàn toàn vô lý và vô nghĩa, nếu người dân thực sự ý thức và dám hy sinh cho đại cuộc. Ngược lại, dù những cuộc biểu tình không thể thực hiện theo ý muốn chăng nữa, thì những lời kêu gọi của các Bloggers cũng đã thể hiện một tinh thần yêu nước hợp tình hợp lý, và chắc chắn sẽ có ảnh hưởng không nhỏ trong công cuộc đấu tranh chung của toàn dân trong hiện tại. Sự kêu gọi của các Bloggers đã chứng tỏ một quan điểm, một thái độ rất đúng đắn và trong sáng của những nguời Việt Nam chân chính, tha thiết quan tâm đến hoàn cảnh của Quê hương Dân tộc dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, và nó cũng là một trong những ngọn lửa tin yêu được nuôi dưỡng âm ỉ trong lòng dân tộc, và có thể bùng cháy để thiêu rụi chế độ phi nhân tàn bạo CSVN bất cứ lúc nào khi thời cơ thuận lợi.

Nói một cách khác, lời kêu gọi của các Bloggers hôm nay có thể chỉ là những cánh én lẻ tẻ đang bay lượn trên bầu trời quê hương, nhưng cũng là dấu hiệu của một mùa xuân thực sự sẽ phải trở về trên Tổ quốc trong một ngày không xa nếu được các cánh én khác từ khắp nẻo phương trời hưởng ứng hội tụ.

Xuyên qua sự kiện CSVN tổ chức rước ngọn đuốc Thế Vận qua một số thành phố lớn tại Việt Nam, đại đa số cũng nhận định: Với ý đồ của Trung Cộng, sự kiện ngọn đuốc xuất hiện tại Việt Nam một cách rầm rộ, được coi như là một thông điệp xác định quyền lực của Trung Cộng đang bao trùm trên toàn cõi Việt Nam và tập đoàn CSVN chỉ là những tên thái thú vong bản của Trung Cộng, mặc dù có dùng những mỹ từ bang giao, ngoại giao gì chăng nữa cũ ng không thể che đậy cái sự thật phũ phàng điếm nhục này. Nó cũng chứng tỏ được bộ mặt vong nô, hèn nhược của bọn tội đồ CSVN trước quốc dân một cách chính xác hơn và rõ rệt hơn trên dòng lịch sử.

Cũng trong sự kiện này, một số người cũng lên tiếng kêu gọi các “vận động viên” đã được nhà nước CSVN tuyển chọn, hãy từ chối rước đuốc để bày tỏ thái độ phản đối. Tuy vậy, rất tiếc Việt Nam không phải là một chế độ tự do dân chủ, ít nhất cũng được như Thái Lan, để người dân có quyền tự do hành xử. Hơn nữa, những nhân tuyển rước đuốc đều là thành phần cốt cán đã và đang được “ân sủng” của chế độ. Do đó, sự kêu gọi này không bao giờ được đáp ứng và thực hiện, và cũng chẳng có tác động gì trong công cuộc đấu tranh chung trong hiện tại.

Lời kêu gọi mang cõi lòng trắc ẩn
Thương non sông, uất hận kẻ tội đồ
Hỡi dân mình, chớ thúc thủ nằm co
Hãy vùng dậy trong niềm tin quật khởi

Tóm lại, sự kiện CSVN tổ chức rước ngọn đuốc Thế Vận Hội ủng hộ một kẻ thù khát máu tàn bạo như Trung Cộng là một điều điếm nhục cho dân tộc, khó có thể chấp nhận trong bất cứ hoàn cảnh nào. Hơn nữa, những lời kêu gọi tẩy chay từ các Bloggers hoàn toàn đúng đắn đáng được ủng hộ một cách trân trọng và hy vọng những lời kêu gọi ấy sẽ được thực hiện, không để cho ngọn đuốc hòa bình, nhân bản bị nhiễm mùi tanh của máu, và hiện tượng những Blogs xuất hiện, kêu gọi cũng là một chất liệu đóng góp vào công cuộc xây dựng một nền hòa bình chân chính trên một quê hương đã quá nhiều đau khổ, điếm nhục do bàn tay khát máu vong bản CSVN tạo ra.

Phạm Thanh Phương (Úc Châu)