"...trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng..."

Phạm thanh Phương (Úc Châu)

Ngày 10-12-2008, trong khi khắp thế giới rầm rộ kỷ niệm 60 năm ngày Quốc Tế Nhân Quyền, thì tại Việt Nam vẫn còn biết bao nhiêu người đang nằm trong ngục tối cũng chỉ vì muốn đòi lại cái quyền làm người cho dân tộc. Trải qua hơn nửa thế kỷ, các nước tự do trên thế giới đã thực thi và vun đắp cho hai chữ Nhân quyền mỗi ngày thêm tươi đẹp. Ngược lại dưới chế độ độc tài toàn trị CSVN thì hai chữ này không thể có chỗ đứng dù là một chỗ bấp bênh nghiêng ngả.

Nhìn vào tực tế, Nhân quyền là hai chữ thân thương nhất của tất cả mọi người trên trái đất, nhưng nó lại rất mờ ảo và xa xăm đối với dân Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ qua với miền Bắc và hơn 30 năm qua với miền Nam, mặc dù ý nghĩa của nó rất đơn giản và bình dị, hai chữ này chỉ nói lên quyền sinh sống của một con người, và được vo tròn trong một số điều kiện căn bản như quyền tự do đi lại, quyền tự do thông tin, tự do ngôn luận, tự do suy tư và tự do tín ngưỡng,v,v. Nói chung là tất cả sự tự do mà con người được quyền hưởng thụ như đã quy định trong bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân Quyền 1948...

Nhìn vào những quốc gia tiến bộ như Anh, Mỹ, Nhật,v,v, chúng ta thấy người dân của họ đã được hưởng trọn hai chữ nhân quyền một cách chính xác, đúng nghĩa và được pháp luật bảo vệ một cách trân trọng. Họ có quyền tự do đi lại, buôn bán, ngôn luận và chính trị ,v,v, họ có quyền nói lên những gì họ thích hay không thích kể cả chỉ trích hay phản đối dù hữu lý hay vô lý đối với chính quyền của họ. Chính quyền luôn luôn lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của họ để nghiên cứu, phân tích và giải bày, những gì có hay không thể thi hành trong thái độ tương kính và hài hòa. Từ đó người dân mới có được đời sống thoải mái mà yên tâm an cư lạc nghiệp cũng như tự tin để học hỏi và cống hiến tài năng phát triển quốc gia mỗi ngày một tươi sáng hơn. Ngược lại, chúng ta cũng có thể nhìn thấy được những nơi như Việt Nam, thì đời sống nhân dân như thế nào, đất nước có phát triển được hay không?... Hiện tại, chắc chắn ai cũng biết Việt Nam là một nơi đầy ắp những khủng bố, gian manh, lừa lọc. Đời sống người dân lúc nào cũng lo âu sợ sệt, bị áp bức, bóc lột cũng không dám lên tiếng, cuộc sống có thể nói là còn tệ hơn cảnh nô lệ dưới thời thực dân khi xưa.

Nói đến nhân quyền, tất nhiên không thể thiếu lãnh vực đạo đức và tâm linh. Nhưng rất tiếc nơi có thể gây dựng, phát triển đạo đức tâm linh là tôn giáo cũng đang phải ngậm ngùi khốn khổ trong tủi nhục. Bởi lẽ CS và Tôn giáo lúc nào cũng là hai thái cực nghịch chiều, tôn giáo mang nhiệm vụ dạy con người yêu mến và trân qúy nhân quyền qua sự bình đẳng, bác ái và phải tôn trọng triệt để sự bình đẳng và bác ái này. Thí dụ như Phật giáo thường nói trong con người ai cũng có Phật tánh và biết tu sẽ thành Phật, đó là sự bình đẳng trong xã hội loài người và con người được quyền tự do lựa chọn thành Phật hay không tùy theo lối sống của chính mình. Thiên Chúa giáo cũng dạy rằng, con người vốn dĩ là một thực thể tự do, con người có cũng quyền lựa chọn hướng đi của mình. Theo thánh kinh, với quyền năng của Thiên Chúa, ngài có thể khiến tất cả loài người đều trở nên tốt đẹp và khỏi phải bận tâm dạy dỗ... Nhưng nếu làm như vậy thì sự tự do của nhân quyền sẽ không còn nữa. Vì thế, ngài tôn trọng sự tự do ấy nhưng ngài vẫn muốn con người được toàn thiện cho nên ngài đã phải sai những sứ thần xuống gian trần hướng dẫn và dạy dỗ con người đi tìm “Chân, thiện, mỹ” của cuộc đời, như trong kinh thánh có nói “Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt”. Với câu kinh thánh n ày, Thiên Chúa đã không cưỡng bách con người trở thành thợ gặt mà chỉ khuyên răn dạy dỗ con người nên cố gắng tu thân, dưỡng tính để thành những người thợ gặt trên cánh đồng tràn đầy những bông lúa hạnh phúc của nhân gian. Ngược lại, CS không muốn cho con người được tự do, họ đã tước đi tất cả những quyền căn bản của con người, khống chế con người trở thành một thứ nô lệ bằng bạo lực. Do đó tại sao Tôn giáo lại là khắc tinh của CS mà họ luôn luôn muốn tiêu diệt bằng mọi cách.

Tuy nhiên, với bao nhiêu cố gắng trong việc xử dụng bạo lực, nhưng CS chỉ có thể kiểm soát và khống chế con người về mặt vật chất một cách tương đối và vẫn thất bại trong mặt tinh thần cũng như tư tưởng. Điều này được thể hiện qua những cá nhân cũng như tổ chức đã và đang trang đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền trong nước hiện nay.

Tóm lại, Thượng Đế tạo ra loài người là một sinh vật thông minh trên vạn vật và hoàn toàn tự do, tốt, xấu, thiện, ác, xướng, khổ là do chính con người tự tạo. Như vậy trong quan niệm hữu thần có thể nói “Mưu sự tại thiên, thành sự tại nhân” và với CS vô thần thì “ Mưu sự tại đảng và thành sự tại dân”. Chính vì vậy, hai chữ nhân quyền không thể cầu xin ở thượng đế hay được ban phát từ bất cứ một thế lực nào. Thượng Đế có thể soi sáng phần tâm linh và tạo điều kiện hay cơ hội, nhưng muốn có nhân quyền hay hạnh phúc thực sự thì phải chính con người tranh đấu tìm về cho mình....

Trước năm 1975, tuy dưới một chế độ Cộng Hoà non trẻ mang tính cách phôi thai, cộng với tình hình an ninh bất ổn do Cộng quân ngày đêm quấy nhiễu, Tuy vậy, hai chữ nhân quyền vẫn được tôn trọng một cách đúng đắn. Do đó người dân miền Nam ít ai nhắc nhở đến hai chữ này, họ không quan tâm lắm bởi vì tất cả họ đã có và đang được hưởng cái quyền làm người một cách trân qúy. Để chứng minh cho điều này, trong tác phẩm “Tù binh và Hòa bình“ của nhà văn Phan Nhật Nam cũng có nhắc đến hình ảnh hai thái cực của hai chế độ VNCH và CSBV, để thể hiện rõ nét hai chữ Nhân quyền qua tâm trạng tù binh của hai bên khi trao đổi vào năm 1973. Phía quân đội Quốc Gia bị bắt làm tù binh của CS thì lo sợ không có tên trong danh sách trao đổi, còn ngược lại cán binh CS bị bắt làm tù binh tại miền Nam thì lại rất sợ có tên trong danh sách trao đổi. Vì những cán binh CS này thừa biết rằng nếu họ được trao đổi để phải trở lại kiếp sống tệ hơn trâu bò mà họ đã được CS ban bố trong những năm dài đen tối trước khi bị bắt làm tù binh trong chế độ miền Nam tự do. Họ muốn ở lại miền Nam dù là một tù binh nhưng họ vẫn được hưởng đầy đủ no ấm và ý nghĩa của hai chữ nhân quyền theo tiêu chuẩn quốc tế.

Trong cục diện hiện tại, CSVN đang bước vào thế lúng túng kể cả đối nội cũng như đối ngoại. Vì thế để giảm thiểu sức mạnh đấu tranh của cộng đồng người Việt tỵ nạn tại hải ngoại, CSVN đang cố gắng dùng một số tay sai len lỏi lũng đoạn trong các cơ chế sinh hoạt đấu tranh, tạo ra những phi lý, nghịch lý làm mất niềm tin của người dân. Đồng thời tung ra những trận khói mù nhằm tập trung dư luận vào những tranh cãi vô bổ, hầu ru ngủ lực lượng người Việt lưu vong tại hải ngoại trên mọi ngõ ngách. Do đó, đây cũng là giai đoạn khó khăn nhất của chúng ta. Chúng ta cần xiết chặt tay nhau trong sáng suốt để đẩy mạnh công cuộc đấu tranh cho đến khi chế độ CS phải biến mất trên Quê hương, trả lại quyền làm người thự sự cho dân tộc như các quốc gia tự do trên thế giới.

* Phạm thanh Phương (Úc Châu)

-Phạm Thanh Phương (Úc Châu)-


Trong những năm gần đây, sức ép đòi dân chủ từ mọi phía, mọi tầng lớp, đã tạo nên một làn sóng khá mạnh, khiến chế độ độc tài toàn trị CSVN cũng phải bập bềnh giao động. Từ đó không còn cách gì hơn, đảng và nhà nước bắt buộc phải quanh co, tìm cách bịp bợm để mong chế độ được tồn tại một cách hợp lý, dù chỉ là những ngụy biện cưỡng từ đoạt lý. Song song với thủ đoạn bỉ ổi này, CSVN tung một số con rối tuyên truyền chủ trương của đảng tại hải ngoại là “muốn có dân chủ cần phải nâng cao dân trí trước", cần phải hợp tác với đảng để “canh tân” đất nước trong mọi lãnh vực, từ đó dân chủ mới có thể xuất hiện, phát triển và tồn tại”. Họ cho rằng “dân chủ chỉ có thể phát triển và tồn tại ở những quốc gia có một nền dân trí cao”.

Chính với những lý luận bịp bợm này, tất cả những tiếng nói đòi hỏi dân chủ đã bị CSVN dập tắt bằng những hành xử thô bạo, rừng rú như trường hợp Lm Nguyễn Văn Lý, Bs Nguyễn Đan Quế, Hoà Thượng Thích Quảng Độ,v,v. và còn rất nhiều những tiếng nói khác đã và đang bị đè bẹp hàng ngày trên khắc nẻo đường đất nước. CSVN cho rằng chưa đén lúc có thể có dân chủ , nên tất cả những người đòi hỏi dân chủ đều mangcái tội tính “nhiễu loạn, âm mưu lật đổ chế độ” và hàng loạt những tội danh khác. Trong khi đó, tại hải ngoại một số tay sai lại kêu gọi “canh tân” đất nước, làn từ thiện “cứu đói giản nghèo” hay giúp những khốn cùng, bệnh hoạn trong xã hội mà đáng lẽ CSVN có nhiệm vụ phải giải quyết.

Vấn đề được đặt ra ở đây, thế nào là đúng lúc để dân chủ phát triển khi toàn dân cứ phải lầm lũi đi “dưới tấm bảng chỉ đường XHCN” từ áp lực của những họng súng, những đe dọa, khủng bố, bắt bớ? Một xã hội mà toàn dân bị ép trong cái cảnh “cá chậu, chim lồng” thì làm sao có thể bung ra đại dương hay tung cánh trên bầu trời để tiếp cận, học hỏi và tìm hiểu để dân trí được nâng cao. Ngược lại, với sự bưng bít, khống chế, khủng bố như hiện tại thì chắc chắn chỉ làm cho dân trí mỗi ngày một tàn lụi theo thời gian, và một lúc nào đó con người trở nên ngu ngơ, đần độn trước ánh sáng văn minh của nhân loại. Như vậy, lối lý luận cưỡng từ đoạt lý của CSVN và đám “Việt gian tân thời” này có đúng không? Hay chỉ là sự bịp bợm một cách ấu trĩ ngu xuẩn, hầu có thể “canh tân” quyền lực cho chế độ độc tài khát máu CSVN thêm vững chắc, đưa đất nước lùi dần thêm vào tối tăm, lạc hậu.

Nhìn vào hoàn cảnh đất nước hiên tại, tham nhũng cửa quyền được bao che và phát triển như sóng dậy, triều dâng, tài sản của người dân bị cướp bóc đến cùng cực, “dân oan” khiếu kiện khắp nơi. Hệ thống truyền thông chỉ là một công cụ tuyên truyền bịp bợm cho đảng, tất cả những nguồn thông tin khác đều bị ngăn cấm. Như thế thì thử hỏi, bao giờ dân trí mới được khai thông để phát triển.

Ngược dòng lịch sử thế giới, tất cả các quốc gia văn minh tiến bộ hiện nay với một nền dân trí cao, đều là những quốc gia có một nền dân chủ vững chắc. Chính nền dân chủ của họ đã có trước, từ đó dân trí mới có cơ hội được nâng cao, phát triển để trở thành những cường quốc trên thế giới hôm nay.

Một điều cần nhấn mạnh ở đay, dân chủ chỉ là một thể chế, một chính sách được quy định trong hiến pháp của một quốc gia, với mục đích tạo sự tự do để con người phát triển, một khi con người được làm chủ lấy chính mình, không bị o ép, khống chế bởi thế lực cầm quyền, người dân được tự do ngôn luận, tự do thông tin và tiếp cận các nguồn thông tin từ nhiều khía cạnh, tất nhiên sự học hỏi sẽ được trải rộng để nâng cao trình độ hiểu biết và nhân thức, đó chính là dân trí. Ngược lại, một khi những điều căn bản này bị bạo lực tước đoạt như tại Việt Nam dưới chế độ CS, thì mãi mãi dân trí chỉ là một vùng lầy đen tối dầy đặc. Do đó, phải có dân chủ thì mới có thể phát triển dân trí và dân sinh.

Tại Việt Nam hiện nay, dưới chế độ độc tài, khát máu, phi nhân CSVN, dân chủ chính là một đề tài cấm kỵ, ẩn tàng đầy máu và nước mắt mà dân tộc đang phải gánh chịu. Nhìn lại “Lộ Trình Chín Điểm” của Bs Nguyễn Đan Quế; Bản “Tuyên Ngôn 8406” của Lm Nguyễn Văn Lý hay những bài viết “Thế Nào Là Dân Chủ” của Bs Phạm Hồng Sơn, đều là những tiếng nói hữu ích để nâng cao dân trí, giúp người dân có thể ý thức được những điều căn bản của nhân bản mà thế giới đã và đang phát triển. Từ đó người dân có thể mạnh dạn cống hiến tâm huyết cùng tài năng trong công việc phát triển và giữ gìn đất nước. Nhưng rất tiếc, chỉ vì đất nước không có dân chủ nên những tiếng nói lương tri đầy nhiệt huyết với quê hương, dân tộc này đã bị đè bẹp và triệt tiêu một cách tức tưởi trong thô bạo. Những tư tưởng ấy có chăng chỉ được phổ biến trên một số Website tại hải ngoại, còn lại người dân quốc nội chỉ lác đác một số người đọc được, nhưng chỉ đọc cho biết, không thể trải rộng trong toàn dân.

Riêng tại hải ngoại, mặc dù đang sống trong những quốc gia có một nền tảng dân chủ có thể gọi là tuyệt đỉnh, tất cả mọi quyền tự do căn bản đều được tôn trọng tới mức tối đa, nhưng rất tiếc vẫn còn một số người chưa thể thấu triệt được ý nghĩa căn bản của dân chủ trong hành xử. Những người này chưa biết lắng nghe những ý kiến, tư duy từ nhiều chiều hướng khác nhau, khi gặp những ý kiến khác biệt họ không thể chấp nhận để trao đổi, nới rộng, hầu cùng nhau đi đến cái chiết chung, tìm cho nhau một mẫu số chung của vấn đề. Ngược lại, họ chỉ biết hùng hục chụp cho đối phương một bộ “nón cối và đôi dép râu”, không cần chứng minh với những bằng chứng khả dĩ, dù chỉ để có thể thuyết phục phần nào của sự việc. Ngoài ra, sự kiện “tôn sùng lãnh tụ” một cách mù quáng vẫn còn tồn tại, không cần dùng lý trí để xét đoán đúng, sai, dù chỉ đối với một chủ tịch một Hội Đoàn, một Cộng Đồng hay một chức sắc của quá khứ. Họ không muốn chấp nhận sự thật, cố gắng tìm mọi cách ngụy biện che đậy, khi quá rõ ràng không còn cách nào khác thì lại dùng câu tục ngữ “đừng vạch áo cho người xem lưng” mà phải đóng góp ý kiến theo tính cách “đóng cửa bảo nhau”, như thế thì lam sao có thể nâng cao dân trí. Sự kiện này đã và đang xẩy ra nhan nhản hàng ngày trong mọi sinh hoạt, mọi lãnh vực, từ những diễn đàn điện tử, sinh hoạt bên ngoài cộng đồng và nhiều nhất là trên các diễn đàn Paltalk. Điều này chẳng những rất bất lợi cho công cuộc đấu tranh đi tìm một nền tự do dân chủ cho toàn dân mà còn tạo ra bằng chứng cho CSVN và đám tay sai xuyên tạc sự đấu tranh dân chủ của người Việt hải ngoại, đồng nghĩa với tố cộng cực đoan. Điều đáng buồn là dù đang sống trong một thế giới văn minh, nhưng không hiểu sao não trạng của số người này vẫn bị sơ cứng một cách quái đản như tập đoàn CSVN, nó chẳng khác nào Hồ Chí Minh trong hang Pắc Pó với câu thơ lục bát đã được lưu truyền trong dân gian:

“Trong hang Ở trong Pắc Pó chui ra....
Ngó qua, ngó lại, rồi ta chui vào...”


Đây cũng là một nan đề khó giải quyết, nếu sự kiện này không được chính đốn lại từ ý thức của mỗi cá nhân, thì làm sao có thể thuyết phục được người dân trong nước, vốn dĩ đã bị CSVN kềm kẹp, nhồi nhét từ hơn nửa thế kỷ qua, để cùng nhau đòi hỏi thực thi dân chủ và phát triển một nền dân chủ cho nước nhà....

Tóm lại, muốn có một nền dân trí cao để có thể hội nhập vào thế giới văn minh tiến bộ hôm nay và xây dựng đất nước giầu mạnh và có thể giữ gìn giang sơn bờ cõi. Điều tiên quyết là đòi hỏi phải thực thi được một nền dân chủ đích thực. Người dân phải có tự do thông tin và tự do ngôn luận. Tự do thông tin để học hỏi, nới rộng tư duy và kiến thức. Tự do ngôn luận để có thể mạnh dạn cống hiến ý thức và tài năng xây dựng quốc gia. Từ đó dân trí sẽ tự động phát triển và sẽ vực dậy được sức mạnh của toàn dân để bảo vệ giang sơn bờ cõi.

Phạm Thanh Phương (Úc Châu)

-Phạm Thanh Phương (Úc Châu)-


Theo tin RFA, Ngày 18-11- 2008, [1] CSVN một lần nữa lại lên tiếng kêu gọi sự hợp tác của “Trí Thức Việt Kiều” về nước cùng nhà nước xây dựng đất nước. Sự kiện này thực ra cũng không có gì gọi là sáng kiến mới lạ, nói chỉ là một “Bổn cũ soạn lại” trong một tình huống mới đã cho tay sai lũng đoạn, tuyên truyền, và hy vọng lần này có thể thực hiện được những mong muốn đã thất bại trong nhiều năm qua.

Ngược dòng thời gian, biết bao nhiêu nghị quyết, quyết định với những lời lẽ rất nồng nàn, kêu gọi khối người Việt hải ngoại "khép lại quá khứ, xóa bỏ hân thù" để bắt tay với Đảng và nhà nước qua chiêu bài “giữ gìn bản sắc văn hóa và cải tiến dân sinh”. Đảng cũng thành lập những “Hội Thân Nhân Việt Kiều” tại quốc nội, nhằm ”khuyến khích” những người có thân nhân tại nước ngoài, cố gắng khuyên nhủ thân nhân mình về du lịch, làm thương mại, đóng góp tài năng hay từ thiện để phát triển đất nước, nhưng kết quả “cốt khỉ vẫn hoàn cốt khỉ”, chẳng có gì thay đổi.

Cũng trong những năm gần đây, vào ngày 14 tháng 3 năm 2005, Tạ Nguyên Ngọc, vụ trưởng Vụ quan hệ kinh tế khoa học và công nghệ, Ủy Ban Về Người Việt ở nước ngoài đã cho biết:

"Tôi cho rằng vận động người VN ở nước ngoài là cuộc vận động quần chúng đặc biệt, trí vận lại càng đặc biệt hơn. Chính vì thế nếu không có hình thức tổ chức, cách tiếp cận phù hợp thì không thể tạo dựng được quan hệ và huy động sự đóng góp của trí thức kiều bào cho công cuộc xây dựng đất nước"...[2]

Ngược lại, cũng trong thời điểm ấy, trong nghị quyết nhân quyền cho VN, Quốc Hội Âu Châu đã xác định:

"VN Không thể phát triển bất cứ lãnh vực nào khi không có dân chủ". [3]

Họ đòi hỏi CSVN phải thực sự có dân chủ, phải có đa đảng, phải trả lại quyền "Tự Do cho Tôn giáo và Báo Chí,v,v,....”. Trước nhận định quan trọng và chính xác của Quốc hội Âu Châu, CSVN vẫn tảng lờ coi như không có gì xẩy ra, tiếp tục tung một số tay sai tại hải ngoại tuyên truyền bịp bợm “Với một hoàn cảnh đói khổ khó khăn, dân trí thấp, chưa thể có dân chủ, có đưa dân chủ đến, cũng không có lợi mà chỉ tạo thêm rối loạn. Dân chủ chỉ có thể tồn tại ở những nơi dân trí đã cao”. Vì vậy trước mắt chúng ta hãy “khép lại qúa khứ, đầu tư và làm từ thiện thật nhiều, trí thức hải ngoại nên trở về cộng tác tiếp tay với nhà nước CSVN, cùng cải tiến dân sinh, nâng cao dân trí. Một khi dân sinh được nâng cao, dân trí sẽ phát triển và đó chính là lúc hạt giống dân chủ nẩy mầm và lớn mạnh để đi đến một cuộc đại cách mạng, thay đổi bộ mặt chính trị và quang phục quê hương”.

Với những lý luận trên, mới nghe rất êm tai và hữu lý. Tuy nhiên nếu suy nghĩ thêm một tí, chắc chắn ai cũng sẽ nhận ra đây chỉ là những ngụy biện, bịp bợm. Một khi đất nước chưa có dân chủ, người dân chưa có tự do thông tin, tự do ngôn luận, thì làm sao có cơ hội tự do tìm hiểu để phát triển dân trí. Như vậy, nếu lực lượng trí thức đổ về “phục vụ quê hương” trong lúc này, chẳng khác nào tiếp tay, củng cố cho chế độ độc tài toàn trị CSVN thêm sức mạnh để tiếp tục khống chế, bóc lột, buôn dân bán nước, còn lại người dân dù có đủ miếng ăn một ít, nhưng kiếp người nô lệ cũng chẳng hề thay đổi. Chính vì thế trước lời kêu gọi này của CSVN, một trí thức tại Canada nhận định

"Tôi nhận thấy rằng lúc này chưa phải là lúc mà ngừơi Việt trí thức hải ngọai có thể về Việt Nam để mà đóng góp, bởi vì Việt Nam hiện giờ vẫn chưa có sự an toàn trong vấn đề tự do, chưa có những quyền tự do căn bản để quyết định; hoặc là được tự do làm việc theo sáng kiến."

Trong khi đó Tiến sĩ điện tử Phùng Thanh Sơn ở Mỹ cũng cho biết:

"Chính quyền Việt Nam cần phải thực sự muốn thay đổi, chứ đừng lợi dụng trí thức Việt kiều.... Chính quyền Việt Nam có sẵn sàng cho trí thức Việt kiều có tiếng nói trong việc xây dựng đất nước hay không?... “.

Cũng trong vấn đề này, Gs Vũ Quốc Thúc tại Pháp nhận định:

"Tôi thấy điều căn bản là phải có tự do đã. Tự do thông tin, tự do tìm hiểu, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do viết báo chí, tự do hội họp."

Đúng như lời nhận định của Gs Vũ Quốc Thúc, một đất nước không có tự do, nhất là phần tự do báo chí và tự do ngôn luận như Việt Nam hiện tại, thì dù các trí thức hải ngoại có đổ tâm huyết, tài năng về cống hiến cho đất nước cũng chỉ là làm cái công việc của “Dã Tràng xe cát” và vô tình lại trở thành tai sai của tập đoàn tài, khát máu, bán nước hại dân CSVN.

Nhìn lại trong những năm vừa qua, có lẽ ai cũng biết, hết Nghị Quyết 114, Quỹ Yểm Trợ Cộng Đồng, Hội Thân Nhân Việt Kiều, rồi lại đến Nghị Quyết 36,v,v... Trong những chiến dịch này, CSVN cũng đã chiêu dụ được một số cá nhân, phe nhóm, đảng phái “thối rữa lương tri” đã uốn lưng làm tay sai trong công tác thâm nhập, lũng loạn và khuynh loát trong một số cơ cấu tổ chức, sinh hoạt trong cộng đồng người Việt tỵ nạn tại hải ngoại, và cũng có một số "chuyên gia trí thức" đánh trống, khua chiêng về "giúp nước" theo kiểu cò mồi. Nhưng kết quả vẫn không có gì gọi là khả quan như nhận định của CSVN đã đưa ra:

“Tính đến năm 2008, số lượng chuyên gia về nước làm việc hàng năm chỉ khoảng 100 người, trong khi tổng số chuyên gia Việt kiều ở nước ngoài hiện giờ lên đến khỏang gần 400 ngàn”.

Với một con số khiêm nhường này, CSVN vẫn chưa dám nói sự thật là sau khi một số về làm việc, họ đã thất vọng và ra đi, chỉ còn lại số cò mồi dùng làm bình phong bịp bợm cho chê độ.

Cũng trong cuối Tháng Sáu 2008 vừa qua, Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng CSVN đã đưa ra một chỉ thị mang số 19, [4] nội dung "sẽ khen thưởng kịp thời đối với kiều bào có thành tích đóng góp cho đất nước" và "phát huy tiềm năng tri thức và kinh tế" của người Việt hải ngoại. Ngoài ra trong cuộc họp báo tại Hà Nội ngày 10-7-2008, Bộ Ngoại Giao CSVN cũng cho biết,

"Sẽ tổ chức một hội nghị của người Việt ở nước ngoài trên toàn thế giới vào năm 2009 để "gắn kết" Việt kiều với nhau và với đất nước".

Tuy những lời “tha thiết” này đã được lập đi lập lại nhiều năm, nhưng trên thực tế kết qủa vẫn như một tiếng chuông ngân dài trên sa mạc, không kết qủa phản hồi.

Nhìn vào thực tế, có lẽ không ai có thể phủ nhận, đối với một người Việt Nam yêu nước, thương dân, khi được đem tài năng ra phục vụ trên quê hương mình có lẽ là một điều hạnh phúc nhất, dù có phải hy sinh ít quyền lợi bản thân. Vấn đề được đặc biệt quan tâm ở đây là sự hy sinh của họ có đem lại được hạnh phúc thực sự cho người dân hay không, khi một khi chế độ dã man, thối nát CSVN vẫn còn tồn tại.

Tục ngữ Việt Nam có câu "Quốc gia hưng, vong, thất phu hữu trách", vì thế cái mục tiêu chính yếu của một trí thức chân chính là làm sao tạo được sự tự do, tự tại, ấm no hạnh phúc cho dân tộc để phát triển đất nước một cách đích thực, không phải chỉ là những hình thức bịp bợm. Như vậy, thiết nghĩ chỉ khi nào CSVN biết ý thức, trả lại quyền tự quyết cho toàn dân, để có được một nền tự do dân chủ thực sự, lúc ấy có lẽ không cần ai kêu gọi, chiêu dụ, chắc chắn các chuyên gia trí thức cũng sẽ tự động xin về phục vụ trên quê hương. Ngược lại, một khi đất nước còn đang đau khổ, người dân còn lầm than, đói rách bởi chế độ phi nhân, bạo ngược, thì CSVN có dùng mọi thủ đoạn lừa bịp gì chăng nữa, cũng chỉ làm cái công việc "Dã tràng se cát" mà thôi.

Cũng trong vấn đề này, có nhiều người cho rằng, chương trình chiêu dụ "thu hút tài năng" của CSVN không phải thực sự muốn phát triển đất nước như lời kêu gọi, mà đây chỉ là một vở tuồng chính trị với nhiều mục đích khác nhau. Nếu chẳng may vì một lý do nào đó, một số trí thức "thiêu thân" bay về với đảng, tất nhiên đảng sẽ lợi dụng sự kiện, tuyên truyền tạo dựng một tiếng vang trước nhãn quan quốc tế là nhà nước CSVN đã có một chính sách đứng đắn, nhiệt tâm vì quê hương đất nước và đang trong sạch hóa xã hội, "tiến nhanh, tiến mạnh" trên con đường "dân chủ hóa" đất nước. Từ đó, CSVN cho đám đảng phái tay sai gia tăng đánh phá tại hải ngoại, để các thế lực đấu tranh càng ngày càng yếu và đi đến triệt tiêu, bởi lòng người mỗi ngày một chán ngán và mất hẳn niềm tin trong đấu tranh. Ngoài ra, những "trí thức" này sẽ đóng một vai trò không kém quan trọng hậu thuẫn trong lãnh vực bang giao, bởi họ chính là những người mang quốc tịch sở tại nơi họ đang sống. Đến khi mọi việc đã ổn định đi vào "quỹ đạo" vững trãi, có thể những "trí thức" này sẽ là những nạn nhân thê thảm nhất trong chính sách "vắt chanh bỏ vỏ" sở trường của CSVN như đã xẫy ra rất nhiều trên dòng lịch sử gần nửa thế kỷ qua.

Tóm lại, muốn phát triển dân sinh, nâng cao dân trí cho dân tộc, có lẽ không còn con đường nào khác hơn là chế độ thối nát, tàn bạo CSVN phải ra đi. Ngược lại, khi CSVN còn thống trị trên quê hương thì có giúp gì đi chăng nữa cũng chẳng khác nào công việc của Dã Tràng. Theo tình hình hiện tại, trước sức ép của Quốc Tế, các cuộc phản kháng của người dân trong nước. Chúng ta cần sáng suốt hơn trong đoàn kết đấu tranh của từng cá nhân., chứ không phải là con đường từ thiện và đầu tư như CSVN và những tên tay sai rêu rao.

Phạm Thanh Phương (Úc Châu)

Tài liệu tham khảo:

[1] Nhã Trân, 18-11-2008, RFA Trí thức Việt kiều nghĩ gì về việc đóng góp xây dựng đất nước?, phóng viên RFA
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Viet-overseas-intellectuals-opinions-on-Vietnamese-Govert-call-on-their-contribution-to-motherland-THoai-11182008145820.html?searchterm=None

[2]Tạ Nguyên Ngọc , 2005, Đóng góp của trí thức kiều bào: Có thể nhân lên gấp bội!, Sở Ngoại vụ - Thành phố Hải Phòng
http://haiphongdofa.gov.vn/vn/index.asp?menuid=499&parent_menuid=428&fuseaction=3&articleid=1555

[3] COMMITTEE ON INTERNATIONAL RELATIONS, 2005, HUMAN RIGHTS IN VIETNAM, GlobalSecurity.org

http://www.globalsecurity.org/military/library/congress/2005_hr/050620-transcript.pdf

[4] Chỉ thị 19/2008/CT-TTg ngày 06/06/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ về công tác với người Việt Nam ở nước ngoài, Tạp Chí Que Hương Online

http://www.quehuong.org.vn/vi/nr041215095635/nr050111144245/ns080723174221/newsitem_print_preview