"...trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng..."

Phạm Thanh Phương (Úc châu)

Trong mục đích tìm sự bình an cho nhân thế và phát triển hệ thống Thiên Chúa Giáo tại Việt Nam, lần đầu tiên Bộ Ngoại Giao Vatican đã chính thức đến Việt Nam bàn thảo, nhằm xúc tiến việc thiết lập một sự “quan hệ bình thường” với CSVN sau 50 năm gián đoạn. Theo bản tin từ Thông Tấn Xã Thiên Chúa Giáo cho biết, qua hai ngày hội thảo (16 và 17-2-2009), Vatican đã đưa ra nhận định, cũng có “các tiến bộ tích cực trong cuộc sống tôn giáo tại VN”. Tuy nhiên theo nhận định chung trong dư luận, câu nhận định trên chỉ mang ý nghĩa ngoại giao và cuộc hội thảo củng chỉ mới bắt đầu một sự thăm dò, chưa thể có một kết quả nào được gọi là khả quan. Hơn nữa, nhìn vào tình hình tôn giáo dưới chế độ CSVN vẫn còn rất nhiều khó khăn, trắc trở trong sinh hoạt, bởi những đàn áp, cướp bóc và trù dập từ cường quyền và rất nhiều dị biệt trong quan điểm, chủ trương, và chắc chắn khó có thể giải quyết thoả đáng trong một khoảng thời gian ngắn.

Nhìn vào thực tế, Thiên Chúa Giáo vốn dĩ mang truyền thống hoàn vũ, với một hệ thống tự trị hàng dọc, hoàn toàn tự do trong mọi sinh hoạt dù bất cứ nơi đâu trên thế giới, họ không chịu ảnh hưởng từ bất cứ thế lực nào. Ngược lại, CSVN lại muốn “quốc doanh hóa”, đặt ảnh hưởng của đảng vào những sinh hoạt tôn giáo, trực tiếp kiểm soát, điều hành như một bộ phận trong cơ chế của đảng qua hình thức Ủy Ban Tôn Giáo trực thuộc cái gọi là “Mặt trận Tổ quốc”. Từ nhiều thập niên qua, CSVN vẫn đòi hỏi được quyền duyệt xét lý lịch tu sinh và khi thụ phong các chức sắc hoặc bổ nhiệm các chức vụ trong hệ thống Thiên Chúa giáo tại VN của Vatican, phải được sự chấp thuận hay đồng thuận của đảng. Đây là một điều rất khôi hài, nó trái ngược với lẽ tự nhiên, khó có thể chấp nhận. Cũng vì thế ngay tại cuộc hội thảo vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao Vatican, Đức ông Pietro Parolin đã khẳng định
“Hoạt động tôn giáo không nhằm mục đích chính trị”
. Với câu nói này, đại đa số đã hiểu như là một thông điệp mang ý nghĩa nhắn nhủ, đảng CSVN không nên can thiệp vào những hoạt động trong cơ chế hay hệ thống tôn giáo. CSVN cũng không thể hình sự hoá hay chính trị hoá những hoạt động tôn giáo một cách nghịch lý như họ đòi hỏi.

Cũng từ lời tuyên bố trên của Đức ông Pietro Parolin dư luận nhận định, đây cũng là một cách bày tỏ quan điểm một cách tế nhị, nhưng cũng đã xác quyết rõ ràng rằng, sự cầu nguyện ôn hòa vừa qua tại Tổng Giáo Phận Hànội phải được xem là thuần túy tôn giáo và xã hội, đi tìm công lý và sự thật, nó không thể bị chính trị hoá như nhà cầm quyền CSVN và giới truyền thông của họ xuyên tạc cấu thành. Hơn nữa, CSVN cũng không thể xuyên tạc hành xử của đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt và đòi Vatican phải thuyên chuyển hay cách chức ngài, chỉ vì ngài đã nói lên một sự thật đau lòng qua câu nói lịch sử vào cuối năm 2008 vừa qua.

Tưởng cũng nên nhấn mạnh ở đây, theo quan niệm nhân bản, muốn có một đời sống xã hội an bình, hạnh phúc, tất nhiên công lý và sự thật phải được thể hiện trong mọi lãnh vực của xã hội. Do đó, ở đâu có bất công, gian trá, ở đó người Thiên Chúa Giáo nói riêng và các tôn giáo khác nói chung đều phải có bổn phận làm sáng tỏ, hầu có thể mang lại cho xã hội một sự thanh bình, an lạc.

Trong tất cả các nước văn minh tiến bộ trên thế giới ngày nay, hoạt động tôn giáo là một sự cần thiết không thể thiếu. Tôn giáo được hoàn toàn tự do hoạt động và phát triển, trở thành một bộ phận rất đắc lực trong việc giúp chính quyền chăm sóc đời sống tâm linh con người, đóng góp một phần lớn trong giáo dục, nâng cao đạo đức, giữ gìn kỷ cương và ổn định trật tự xã hội. Ngược lại, trong một xã hội hoàn toàn duy vật, tôn giáo bị ngăn cấm, trù dập, đời sống tâm linh sẽ khô cằn, đạo đức suy đồi và xã hội sẽ băng hoại. Tất nhiên, đời sống người dân sẽ không bao giờ tim thấy ánh sách của hạnh phúc, không khác nào đời sống của súc vật trong cái cảnh “cá chậu, chim lồng”, và đất nước không thể phát tiến bộ, phát triển.

Tuy nhiên tại Việt Nam dưới chế độ độc tài toàn trị CSVN hiện nay, tôn giáo luôn được coi là một trở ngại lớn cho chế độ. Bởi lẽ CSVN không bao giờ chủ trương mưu cầu hạnh phúc cho người dân để phát triển đất nước. Với bản chất vong nô, tàn độc, CSVN chỉ muốn nô lệ hóa con người, biến xã hội trở thành công cụ của đảng. Do đó, CSVN phải tìm đủ mọi cách khống chế, đoàn ngũ hoá tất cả các tôn giáo, hội đoàn, đoàn thể trong xã hội trở thành một hệ thống duy nhất dưới sự “quản lý” và chỉ đạo của đảng. Vì vậy, không mấy ai tỏ ra ngạc nhiên khi thấy CSVN luôn luôn tìm cách hình sự hoá, chính trị hoá tất cả những sinh hoạt dân sự bằng bạo lực một cách trắng trợn như hiện nay. Ngoài ra với lòng tham không đáy vốn dĩ, CSVN cũng khó lòng trao trả những tài sản đã cưỡng của Giáo Hội từ hơn nửa thế kỷ qua. Như vậy, một sự nhượng bộ, hoà hoãn từ phía CSVN rất khó xẩy ra để đi đến một sự “bình thường hóa quan hệ” với Vatican, ngoại trừ có một sự trao đổi đặc biệt nào đó, được thoả hiệp ngầm bên trong.

Riêng Vatican, nếu chỉ vì một quyền lợi nào đó, mà chấp nhận đáp ứng những đòi hỏi phi lý từ CSVN, tất nhiên dù vô tình hay cố ý, Vatican đã phá vỡ hệ thống tự trị mang tính hoàn vũ truyền thống của Giáo Hội và vô tình đã giúp CSVN “quốc doanh hoá” Giáo hội Công giáo Việt Nam một cách nghiệt ngã, oan ức. Và từ đó, niềm tin của tín đồ Công Giáo Việt nam đối với Vatican cũng sẽ phai nhạt dần. Từ đó, một sự phân hoá trầm trọng sẽ xuất hiện ngay trong nội bộ, giữa các tôn giáo với nhau và có thể khối Thiên Chúa Giáo sẽ bị cô lập giữa lòng dân tộc. Như thế, Thiên Chúa Giáo sẽ không thể phát triển xa hơn tại Việt Nam như Vatican mong muốn.

Tóm lại, nếu hai bên thực tâm muốn có một “quan hệ bình thường”, tất nhiên Vatican sẽ phải có một sự hoà hoãn nhượng bộ nào đó, nhưng không để khối Thiên Chúa Giáo Việt Nam bị “quốc doanh hóa” như CSVN mong muốn. Riêng về phía CSVN, các nhà lãnh đạo phải ý thức đi theo trào lưu nhân bản của nhân loại. CSVN phải từ bỏ những đòi hỏi phi lý, phải biết lắng nghe, không thể cưỡng từ, đoạt lý để hình sự hoá hay chính trị hoá những hoạt động tôn giáo nói chung và Thiên Chúa Giáo nói riêng. Phải đánh tan đi tất cả bóng tối khủng bố, bạo ngược đang bao trùm mọi mặt trong xã hội. Như vậy, tất cả mọi việc sẽ trở nên đơn giản. Từ đó, tôn giáo nói riêng và toàn dân tộc nói chung sẽ có những ngày tháng yên vui đề cùng thăng hoa đất nước. Tuy nhiên, dù sao chăng nữa, với bản chất vong nô nan di, CSVN không thể làn bất cứ điều gì trước khi Trung cộng cho phép. Vì vậy, đa số tin rằng, chỉ khi nào Trung cộng hoàn tất sự “quan hệ bình thường” với Vatican, lúc đó mới có hy vọng những “thiện chí” từ CSVN.

* Phạm Thanh Phương (Úc châu)