"...trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng..."

Từ xưa đến nay, khi nói đến dân chủ, tự nhiên ai cũng hiểu quyền tự do truyền thông và tự do ngôn luận là một điều căn bản quan trọng cần phải có. Một đất nước thực sự dân chủ, tất nhiên chính quyền phải biết lắng nghe tất cả những sự đóng góp ý kiến từ mọi tầng lớp, không phân biệt thành phần xã hội. Tuy nhiên trong chế độ CS, với chính sách ngu dân, hai chữ dân chủ hầu như không có trong tự điển, nếu có chăng thì là một loại định nghĩa bóp méo lệch lạc, để có thể tạo một bình phong với cái cảnh “áo thụng vái nhau” hay “mẹ hát con khen hay” một cách khôi hài như một vở tuồng lừa bịp, mỵ dân một cách trơ trẽn, lố bịch. Vở tuồng này được định nghĩa là một loại dân chủ theo “Định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa”.

Trong xu hướng dân chủ hoá toàn cầu, đảng và nhà nước CSVN lại tái diễn một vở tuồng trong tiêu đề “con đường dân chủ hoá”, hầu mong giảm thiểu sự căng thẳng trong cao trào đấu tranh đòi dân chủ hiện nay trong toàn dân. Vở tuồng này đã được trình diễn với một số diễn viên trong mọi thành phần được đảng đưa ra, và mới đây trong một bài phỏng vấn của báo Đại Đoàn Kết, ông Trần Xuân Giá, cựu bộ trưởng Kế Hoạch và Đầu Tư, đương kim chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng Á Châu nhận định:
"Phát huy dân chủ có nhiều kênh, nhưng “phản biện xã hội” là kênh hết sức quan trọng...''.
Một câu nói với những từ ngữ đao to, búa lớn, nhưng lại “hơi” tối nghĩa, do đó xin tạm dịch “Phát huy dân chủ có nhiều lãnh vực, nhưng lãnh vực tiếng nói từ người dân là quan trọng hàng đầu cần phải lưu tâm”.

Nếu sự nhận định của ông Giá được dừng ở đây, có lẽ nhiều người sẽ tỏ ra vui mừng vì đã có những tiếng nói đòi hỏi dân chủ từ những giới chức có tầm cỡ trong guồng máy cai trị của đảng. Nhưng rất tiếc, sự vui mừng ấy vừa được loé lên đã phải vút tắt khi ông Giá nói tiếp:
“đảng Cộng Sản Việt Nam cần phải trao cho Mặt Trận Tổ Quốc thêm một vai trò mới, vai trò "phản biện xã hội.".
Nếu nói đến dân chủ, chắc chắn ai cũng phải hiểu cái vai trò “phản biện xã hội” mà chỉ dành riêng cho một cơ quan mà ai cũng biết đó là cơ quan do đảng đẻ ra để phục vụ đảng, nó chẳng khác nào sự liên hệ của một tên nô lệ với ông chủ. Như vậy, sự “phản biện” mà ông Giá đưa ra có thực sự mang tính chất trung thực xã hội của quảng đại quần chúng hay không? Hay nó chỉ mang tính cách tung hứng bịp bợm theo kiểu “mẹ hát con khen hay” của một phe nhóm, tập đoàn.

Để tô đậm thêm tính dân chủ, ông Giá nói thêm
”Vai trò của Mặt trận là giúp Quốc hội tập hợp các ý kiến, kiến nghị lên Quốc hội, lên chính phủ và các cơ quan hành pháp”.
Khi nói câu này, đại đa số cho rằng ông Giá đã quên hay cố tình quên, vai trò Quốc Hội CSVN cũng là “con đẻ” cuả đảng trong cái thế “Đảng cử, dân bầu” mà ai cũng biết. Vì thế dưới chế độ CSVN, Quốc hội cũng chỉ là một công cụ tay sai của đảng, không thể đại diện cho toàn dân như như những quốc gia dân chủ trên thế giới với hệ thống “Tam quyền phân lập” rõ ràng. Ngược lại, ba cơ quan Hành pháp, Lập pháp, Tư pháp dưới chế độ CSVN chỉ được định nghĩa là một loại “Tam quyền phân công” mới đúng. Do đó, nhận định và khuyến cáo của ông Giá chính là “Dân chủ theo định hướng XHCN” do đảng đề ra. Cái loại dân chủ lưu manh này không phải lần đâu tiên được biết, mà nó đã từng được kêu gọi và thực hiện qua nhiều hình thức trong nhiều năm, và những cá nhân hay tổ chức, đảng phái chính trị “cánh tay nối dài” của đảng, trong và ngoài nước đã từng rêu rao.

Thực sự mà nói, với vai trò của ông Giá, ông không được phép nhìn xa hơn hay không thể nhìn xa hơn, để có một nhận định chính xác hơn với hai chữ dân chủ. Nếu ông Giá có đủ can đảm và thông minh nhìn vào thế giới hôm nay, chắc chắn ông sẽ tự nhận thấy chính ông vẫn còn đang bị luẩn quẩn trong cái cõi u mê bởi chính sách ngu dân cuả CS, cũng có thể ông đang mang một nhiệm vụ thi hành chính sách bịp bợm, tung hỏa mù mỵ dân. Tuy nhiên với phương tiện truyền thông đại chúng tối tân hiện nay, thiết nghĩ cái trò xảo trá này cũng không thể qua mặt được bất cứ ai. Vì vậy đại đa số nhận định, lời nói của ông Gía cũng chỉ là một sự lập lại chủ trương đã thực hiện trong suốt dòng lịch sử đảng CSVN từ xưa đến nay, nó tựa như một cuốn băng nhựa cũ nhão được mở ra nghe lại, chẳng có gì mới lạ để có thể tạo sự ngạc nhiên cho người dân.

Thực sự mà nói, các quốc gia dân chủ trên thế giới, họ không có những chữ đao to, búa lớn một cách tối nghĩa “phản biện xã hội” như ông Giá xử dụng, nhưng họ vẫn hiểu và thực hiện hai chữ dân chủ đúng nghĩa và đúng mức. Thí dụ như tại Mỹ, Tổng thống Obama khi vừa nhậm chức, đã có ngay những phân tích, phê bình chính sách của Tổng thống đủ mọi góc cạnh, từ đủ mọi tầng lớp trong xã hội một cách ồ ạt mà không sợ bị bịt miệng, cầm tù như hình ảnh một Linh mục Nguyễn Văn Lý tại Việt Nam, hoặc một số ký giả đang bị cầm tù chỉ vì nói lên một phần sự thật những ung nhọt của guồng máy cai trị độc tài toàn trị hiện hành.

Nói như vậy, có lẽ đảng CSVN và ông Gía sẽ cho rằng Mỹ là một nước đã có một nền dân chủ tương đối lâu dài, còn nước ta chỉ mới “thống nhất” được hơn ba mươi năm, vì thế phải định nghĩa hai chữ dân chủ khác đi cho phù hợp, mặc dù là một loại quái thai của thế kỷ hiện nay. Tuy nhiên, nếu ông Giá chịu khó nhìn lại lịch sử của một miền Nam Việt Nam chúng ta trước năm 1975, có lẽ ông Giá sẽ tự xấu hổ với chính mình. Nếu không biết, thiết nghĩ đảng CSVN và ông Gía nên tham khảo với những nhân chứng sống của miền Nam Việt Nam trước 1975 hiện còn tồn tại trong đất nước tất sẽ hiểu. Ngày ấy, VNCH dẫu là một nền dân chủ phôi thai, nhưng người dân vẫn được cái quyền tự do ngôn luận, truyền thông vẫn thi hành được chức năng “đệ tứ quyền” của họ một cách tương đối có thể gọi là hoàn hảo. Tất cả mọi tầng lớp dân chúng có quyền nói lên những suy tư của chính họ qua nhiều phương tiện, kể cả những cuộc biểu tình chống chính phủ. Những tiếng nói của người dân không hẳn hoàn toàn đúng, có khi đúng, khi sai, nhưng chính phủ VNCH vẫn phải tôn trọng lắng nghe. Đó mới đúng nghĩa của hai chữ dân chủ. Ngược lại, nếu những tiếng nói mà ông Giá gọi là “phản biện xã hội” mà chỉ trao cho cơ quan tay sai của đảng như “Mặt trận Tổ quốc” thì dân chủ ở đâu, bao giờ đất nước mình mới được mở mặt, mở mày với thế giới bao la hôm nay.

Tóm lại, theo ông Giá con đường “dân chủ hoá đất nước” cứ trao cho đảng là xong. Chính vì những tư tưởng u tối, ấu trĩ như thế này mà đất nước ngày nay dưới chế độ CSVN mới bầy hầy như một đống rác khổng lồ của nhân loại. Cái gì cũng là đảng, đảng làm luật, đảng vi phạm luật và đảng phân xử rồi đảng “phản biện”. Cuối cùng đất nước chỉ được cai trị bởi một đám phường chèo man rợ, không hơn, không kém, và người dân lúc nào cũng là những con cừu cho đảng muá may gọt lông đem bán, hầu phục vụ đời sống xa hoa của tầng lớp cai trị mỗi ngày khá hơn. Đây chính là “Con đường dân chủ theo định hướng XHCN” tuyệt vời mà chỉ có những “Đỉnh cao trí tuệ “ như ông Gía mới có thể nhìn thấy để nêu ra.

Phạm Thanh Phương (Úc Châu)

Phạm Thanh Phương (Úc Châu)


Trong chế độc CSVN, có lẽ khó có ai có thể phủ nhận tham nhũng đã được đưa vào hàng quốc sách, tham nhũng đã trở thành huyết mạch của tầng lớp cán bộ và cũng nằm trong hơi thở của người dân. Kể từ sau khi miền Nam bị cưỡng chiếm (30-4-1975), trong những sinh hoạt hàng ngày, bất cứ một việc gì liên hệ đến hệ thống “chính quyền”, người dân đều phải nghĩ đến “thủ tục đầu tiên” (1), bốn “thủ tục đầu tiên” này không biết xuất hiện từ bao giờ, nhưng nó được xử dụng rất nhiều tại Việt Nam gần như là một loại “kinh nhật tụng”. Nó chính là chiếc chìa khóa vạn năng của sinh hoạt xã hội, thiếu nó tất nhiên vạn sự sẽ trở thành vô năng.

Trong thập niên gần đây, dịch tham nhũng tại Việt Nam đã bộc phát qúa mạnh một cách “vô tư” như một tinh túy trong quốc sách của chế độ. Vi trùng tham nhũng đã ăn sâu trong huyết mạch của từng cán bộ đảng từ trung ương đến địa phương, từ thượng tầng đến hạ tầng, tất cả đan vào nhau như một mạng lưới vững chắc. Trong trường hợp một mắt lưới nào đó bị rách, họ phải tìm cách vá lại, nếu không toàn thể cái lưới sẽ bi bung ra nát bét và chế độ sẽ phải cáo chung. Do đó, trong nhiều năm gần đây, hiện tượng chống tham nhũng đã được các cán bộ trung ương thay nhau kêu gào rất thảm thiết, hết nghị quyết đến quyết định, họp tới, bàn lui như một chiến dịch. Nhưng nhìn vào kết quả, tất cả những “nỗ lực kêu gào” ấy vẫn không thể vuợt qua được câu tục ngữ “Mười voi không được một bát nước xáo”. Ngược lại, loại vi trùng này lại được phát triển mạnh hơn nữa và lan tràn sang lãnh vực quốc tế như đã thấy qua công trình PMÙ8 hay PCI mới đây. Sự việc này cũng đã làm cho một số quốc gia đã tỏ ra e ngại khi quyết định đầu tư hay viện trợ cho Việt Nam.

Để trấn an các nhà đầu tư ngoại quốc tế, trong một phiên họp các nhà tài trợ cho Việt Nam tại Buôm Mê Thuột vào ngày 29-5-2009, Nguyễn Văn Truyền, Tổng Thanh Tra Chính Phủ CSVN đã tuyên bố, sẽ
"đảm bảo cơ chế, luật pháp để người phát hiện tiêu cực, tố tham nhũng sẽ không bị trả thù cũng như cơ chế khen thưởng cho người tố giác tham nhũng".
Trước tuyên bố này, tưởng chừng như CSVN đã thay đổi, “giác ngộ” một cách đột ngột, hầu có thể tạo được một sự ngạc nhiên hay phấn khởi trong xã hội. Tuy lời tuyên bố của ông Truyền có vẻ rất tự tin và chắc nịch, nhưng rất tiếc cũng không sức làm cho các nhà tài trợ tỏ ra tin tưởng. Hơn nữa, theo đại đa số nhận định, những câu nói “giác ngộ” như thế này không có gì để lấy làm ngạc nhiên, nó đã từng rả rích trong nhiều năm qua, tuy cách diễn ta có khác nhau, nhưng kết qủa cũng vẫn chỉ là một con số không to tướng, hay nói đúng hơn cũng chỉ là một chiêu bài bịp bợm.

Trong thực tế, nếu lời tuyên bố của ông Truyền được áp dụng một cách “nghiêm túc” người dân và truyền thông thực sự được tự do bạch hóa tham nhũng mà không bị trù dập, thì có lẽ từ Trung Ương Đảng CSVN đến cán bộ hạ tầng xã, ấp và cả chính bản thân ông cũng đều phải ra hầu tòa, thọ án và trả lại tài sản cho quốc dân. Nhìn lại bối cảnh xã hội, chắc chắn không ai có thể phủ nhận, đã có rất nhiều can đảm nói lên cái căn bệnh “tham nhũng mãn tính” của chế độ và cũng đã và đang bị trù dập, tù đầy, trong đó có đủ thành phần kể cả những nhà tu hành và giới truyền thông. Như vậy lời tuyên bố của Tổng Thanh Tra Chính Phủ có gì để tin tưởng. Ngoài ra, ông Truyền cũng tuyên bố
“Việt Nam sẽ sớm phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng”.
Nói về Công ước của Liên Hiệp Quốc chống tham nhũng, đa số cho rằng may ra chỉ có thể áp dụng với những dịch vụ mang tính quốc tế trong lãnh vực đầu tư, viện trợ mà thôi. Còn lại đối với nội địa, tất nhiên sẽ cũng chẳng có gì thay đổi, xã hội vẫn tiếp tục phát triển bóc lột, trù dập và khủng bố, cán bộ nhà nước vẫn tiếp tục cướp nhà, đất của dân và trong sinh hoạt xã hội, cái “thủ tục đầu tiên” vẫn được lưu hành, phát triển.

Một điều rất quan trọng và hiển nhiên mà ai cũng biết, dưới chế độ độc tài toàn trị CSVN, không thể có một hệ thống “Tam Quyền Phân Lập” như các quốc gia tự do, dân chủ trên thế giới, mà ngược lại chỉ có “Tam Quyền Phân Công”. Ba cơ quan Hành Pháp, Tư Pháp và Lập Pháp đều là công cụ của đảng, lập ra để thi hành chỉ thị. Vì thế trong cái gọi là Nghị quyết 21 được Nguyễn Tấn Dũng ký hôm 12/5/2009, Dũng cũng chẳng biết nói gì hơn ngoài một được một điều mà cả thế giới đều biết “tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp". Điều quan trọng hơn nữa là trong hệ thống quái đản CSVN, đảng là nơi làm ra luật, đảng thi hành luật, đảng tham nhũng và đảng xét xử, thì kết qủa chống tham nhũng sẽ đi về đâu, có lẽ ai cũng hiểu.

Song song với lời tuyên bố của Tổng Thanh Tra Chính phủ Trần Văn Tuyền, trả lời phỏng vấn BBC, Nguyễn Vân Nam một tiến sĩ Luật khoa “Việt Kiều” làm việc tại Việt Nam cho biết, thông thường Hối lộ là tham nhũng, nhưng tại
“Việt Nam chưa có quy định rõ ràng thế nào là tiền hoa hồng, thế nào là tiền hối lộ”.
Ts Nam cũng định nghĩa
“Hoa hồng là khoản tiền trả cho công sức môi giới một giao dịch. Quan trọng ở chỗ người nhận tiền, vị trí đó nó quan trọng như thế nào. Nếu là một người có một vị trí trực tiếp (hay gián tiếp có thể quyết định được thành hay bại của một giao dịch) mà nhận khoản tiền như thế. Hoặc chưa cần phải nhận, chỉ cần đưa ra lời hứa hẹn thôi, để mà quyết định cho giao dịch thành đạt. Thì đó là hối lộ. Trong khi khoản tiền gọi là hoa hồng, thì người nhận cái khoản tiền đó, hoàn toàn không phải nằm trong vị trí có thể trực tiếp hay gián tiếp quyết định sự thành bại của mối giao dịch”.
Tuy nhiên, Ts Nam đã quên, hay cố tình quên rằng, trong các dịch vụ làm ăn tại Việt Nam, tất cả những số tiền hối lộ đều không bao giờ được đưa trực tiếp cho “người có một vị trí trực tiếp hay gián tiếp có thể quyết định được thành hay bại của một giao dịch”, mà chắc chắn sẽ được chuyển qua từ một trung gian, môi giới hay còn gọi là cò mồi. Như vậy, theo định nghĩa của Ts Nam, trong chế độ CSVN sẽ không thể tìm ra hối lộ, vì tất cả đã được chuyển thành hoa hồng.

Xoay quanh vấn đề, thiết nghĩ theo căn bản về ngôn ngữ, không cần phải định nghĩa dài dòng có lẽ ai cũng biết, hai chữ hoa hồng được hiểu là một sự quy định rõ ràng cho từng dịch vụ, nó là điều kiện được đặt ra trước khi ký một hợp đồng hay thoả thuận làm một điều gì. Nếu hai chữ hoa hồng được áp dụng trong những dịch vụ thương mại, tất nhiên nói đã trở thành một điều kiện được ghi rõ trên văn bản. Thí dụ, một thương vụ địa ốc sẽ trả hoa hồng 0.5% cho trung gian bán được một căn nhà trị giá dưới 500 ngàn hay 0.2% cho những căn nhà trị giá trên 500 ngàn, hoặc một số tiền nào đó được xác định trước cho một dịch vụ. Những khoản tiền khác qua lại liên quan đến hợp đồng hay dịch vụ mà thiếu sự minh bạch, đều quy vào hối lộ. Riêng tại các nước dân chủ như Pháp, Anh, mỹ, Úc chẳng hạn, tất cả những món quà biếu xén, dù to hay nhỏ có liên quan đến một sự việc sau khi được giải quyết đều được coi là hối lộ, dù là trực tiếp hay gián tiếp qua trung gian.

Với một hệ thống điều hành đất nước của “đĩnh cao trí tuệ”, chỉ một khía cạnh nhỏ chung quanh “hoa hồng và hối lộ” mà cũng không thể minh bạch, thì thử hỏi những lãnh vực khác như biển thủ công quỹ, những khoản tiền viện trợ nhân đạo như “xóa đói, giảm nghèo”, nâng cao hạ tầng cơ sở, giáo dục, y tế, từ thiện bị “rút ruột”, hay cái gọi là “thuế bôi trơn”(2) cho một dịch vụ nào đó thì sao? Có lẽ những việc này nhà nước CSVN cũng không thể có một định nghĩa nào rõ ràng trong pháp luật. Bởi lẽ, nếu những việc này mà được định nghĩa rõ ràng, rành mạch thì vô hình trung cả cái “cơ chế” CSVN sẽ hiện nguyên hình là một bọn thảo khấu trước nhãn quan nhân loại.

Ông bà ta thường nói, “nhổ cỏ phải nhổ tận gốc”. Do đó, muốn diệt tham nhũng tại Việt Nam, tất nhiên phải diệt cái “cơ chế” tạo ra tham nhũng mới có thể tuyệt nọc di căn. Bởi lẽ, tham nhũng dưới chế độ CSVN đã trở thành một căn bệnh mãn tính, nó tựa như một bứu độc ung thư đến thời kỳ hết thuốc chữa. Vì vậy, chỉ còn một cách duy nhất là làm sao có thể kết hợp được sức mạnh của toàn dân, lật đổ chế độ độc tài toàn trị này, để người dân có thể thay thế nó bằng một chế độ tự do, dân chủ trong sạch. Lúc đó mới mong đất nước được khởi sắc và dân tộc hết lầm than. Ngược lại, ngày nào chế độ phi nhân, tàn bạo, thối nát CSVN còn tồn tại. Tất cả những chiến dịch, nghị quyết, quyết định chống tham nhũng cũng chỉ là tấm bình phong, rêu rao lừa bịp trong cái cảnh “Mười voi, không được một bát nước xáo” như những gì đã xẩy ra trong suốt chiều dài lịch sử của đảng và chế độ CSVN.

(1)- Thủ tục đầu tiên = Thủ tục tiền đâu ?
(2)- Thuế bôi trơn... Số tiền hối lộ cho công việc hay dịch vụ được trôi chảy được dùng trong xã hội VN hiện nay.

Phạm Thanh Phương (Úc Châu)

Phạm Thanh Phương (Úc Châu)

Theo nhiều nguồn tin cho biết, trong thời gian gần đây CSVN đã và đang nỗ lực tăng cường quân sự về mọi mặt, đặc biệt là lực lượng Không quân và Hải quân và cũng đã được một số giới chức, tại chức cũng như thành phần hồi hưu cuả tập đoàn CSVN mô tả như một sự chuẩn bị quy mô, nhằm ứng phó với một cuộc chiến có thể xẩy ra trong việc bảo vệ chủ quyền đất nước. Tuy đã cố gắng thổi phồng sự kiện một cách tối đa, nhưng theo dư luận chung nhận định, việc CSVN ồn ào phô trương sự kiện này, chẳng qua chỉ là một hình thức trấn an lòng dân, nhằm che đậy những khuất lấp không thể bạch hóa. Đảng và Nhà nước CSVN chỉ muốn tạo một tấm bình phong, để người dân có thể tin rằng đảng và Nhà nước cũng biết yêu nước, thương dân, không hèn nhược như những lập luận từ “những thế lực thù địch” tuyên truyền, nhất là trong giai đoạn sôi động về vấn đề khai thác Boxite tại Tây Nguyên và lãnh hải hiện nay.

Cũng trong sự kiện này, qua nhiều nguồn tin cho biết, cách đây không lâu, trước sự phản đối từ các thành phần dân tộc về hiện tượng Boxite tại Tây Nguyên, ông Hoàng Trung Hải, Phó Thủ tướng CSVN đã nói với những nhà phân tích khoa học tại quốc nội rằng
“sẽ không theo đuổi kế hoạch Boxite bằng mọi giá”.
Với lời nói này của ông Hải tựa như một lời trấn an, và cũng đã tạo được niềm tin cho một số người, để vui mừng cho rằng, ít nhất đảng và Nhà nước cũng đã giác ngộ, nghĩ đến quốc gia dân tộc và biết lắng nghe nguyện vọng của dân. Nhưng rất tiếc, sự vui mừng này chỉ như một nụ hoa chưa hé đã vội tàn, bởi ngay sau đó vài ngày, đảng lại chỉ thị cho đám Quốc Hội bù nhìn nhóm họp, đưa ra quyết định hoàn toàn ủng hộ kế hoạch khai thác Boxite của Nhà nước đang thực hiện. Ngoài ra, theo dõi những hành xử của những cấp lãnh đạo CSVN khi sang Bắc Kinh, không ai có thể thấy được một dấu hiệu nào có thể gọi là một sự cương quyết, dứt khoát quan điểm, để xác định chủ quyền Việt Nam về lãnh thổ và lãnh hải như ông Dương Danh Dy, một nhà ngoại giao kỳ cựu có nhiều chục năm làm việc tại sứ quán Việt Nam ở Trung Cộng và số giới chức CSVN đã nhận định. Ngược lại, người ta chỉ thấy được sự bợ đỡ “mẫu quốc” một cách hèn nhược qua việc tiếp tục tung hô “tình hữu nghị thắm thiết, môi hở răng lạnh”một cách trơ trẽn, vô thức. Mặc dù đại đa số đều đã thấy được hàm răng lởm chởm “mẫu quốc” đang cố nghiền nát bờ môi “chư hầu” một cách tàn nhẫn không một chút tiếc thương. Hơn nữa, cũng trong thời điểm này, chuyến đi Bắc Kinh và lưu lại một tuần của Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng CSVN cũng không thấy gì đặc biệt, ngoài việc tung hô “mười sáu chữ vàng”cũ rích và cam kết sẽ dành mọi dễ dãi cho các công ty Trung Cộng hoạt động tại Việt Nam.

Trước hành động quái đản này, dư luận cũng nhận định, vai trò Nguyễn Tấn Dũng đi “triều kiến” Bắc Kinh, chẳng qua chỉ để thực hiện bổn phận một chư hầu, thi hành “mật lệnh”, hầu hợp thức hoá sự xâm lăng của Trung Cộng vào Việt Nam được “danh chính, ngôn thuận” qua lời mời gọi chính thức của CSVN. Sự kiện này cũng đã được tạp chí Times mệnh danh là một “Cuộc xâm lăng hữu nghị”. Cũng chính vì chiến thuật “Xâm lăng hữu nghị” mà tờ báo Du Lịch đã bị đình bản chỉ vì đăng những bài viết mang tính cách quan tâm đến lãnh thổ và lãnh hải, đề cao tinh thần yêu nước cuả người dân Việt đối với Tổ quốc. Đồng thời, một số Bloggers trong nước cũng đang được đảng và Nhà nước CSVN “quan tâm, săn đón” “chiếu cố” rất tận tình khi họ có những tin tức hoặc bình luận về vấn đề lãnh thổ và lãnh hải mà đã được CSVN mệnh danh là những vấn đề “nhạy cảm”.

Trở về vấn đề xâm lăng có lẽ ai cũng hiểu, ngày nay Trung Cộng không thể ngang nhiên dùng bạo lực chiếm đóng, xoá tên Việt Nam trên bản đồ thế giới, hay ra lệnh cho chư hầu CSVN chuyển nhượng, biến Việt Nam trở thành một tỉnh lỵ của Trung Cộng. Do đó, Trung Cộng bắt buộc phải dùng chiến thuật xâm lăng bằng kinh tế, chính trị và di dân qua hình thức đầu tư. Với lời “mời gọi” của Nguyễn Tấn Dũng, Trung Cộng sẽ “danh chính, ngôn thuận” xây dựng hạ tầng cơ sở, thiết lập các nhà máy điện, hoạt động hầm mỏ, nhất là khai thác tài nguyên như hiện tượng Bauxite tại Tây Nguyên. Đây chính là một bằng chứng rất rõ ràng thể hiện bản chất vong nô hèn nhược của CSVN và dã tâm của Trung Cộng đối với Việt Nam.

Trước những hiện tượng đau lòng đã và đang xẩy ra, có hai vấn đề được đại đa số người dân Việt quan tâm, trăn trở. Thứ nhất, đi ngược dòng lịch sử để thấy được cái mộng xâm lăng của Trung Cộng hôm nay không phải là một hiện tượng mới lạ, mà thực sự nó đã xẩy ra liên tục từ cả nghìn năm qua. Tuy nhiên, trong suốt dòng lịch sử ấy, dân Việt vẫn may mắn có được những vị Minh Quân yêu nước, thương dân, tập trung được tinh thần bất khuất của dân tộc. Vì vậy, dù kẻ thù có mạnh hơn cả trăm lần, nhưng tiền nhân vẫn lèo lái con thuyền Quốc gia một cách khôn khéo, giữ vững được giang sơn, mở mang thêm bờ cõi, mà cho con cháu được thừa hưởng hôm nay. Thứ hai, trước tình hình hiện tại, với bản chất vong nô, hèn nhược chỉ vì quyền lợi cá nhân, tập đoàn CSVN cam tâm làm tay sai, giúp Trung Cộng thực hiện cái mộng xâm lăng mà họ đã từng thất bại trong suốt dòng lịch sử. Cuộc “Xâm lăng hữu nghị” này là một sự xâm lăng “danh chính, ngôn thuận” rất khó hóa giải, nếu tập đoàn CSVN vẫn tiếp tục tồn tại trên quê hương.

Tóm lại, trước tình hình nguy khốn của đất nước, thiết nghĩ không ai có thể tin CSVN biết giác ngộ quay về với quê hương, dân tộc để cùng toàn dân “canh tân” đất nước như một số con buôn chính trị đã đưa ra, những luận điệu này chỉ là những điều lừa bịp, nó chẳng khác gì những con ký sinh trùng đang soi mòn niềm tin và sức mạnh của dân tộc. Muôn cứu nguy đất nước, thiết nghĩ chỉ còn một cách duy nhất là CSVN phải ra đi, trả lại quyền tự quyết cho dân tộc, lúc đó mới có hy vọng chuyển ngược được hoàn cảnh để bảo tồn di sản của tiền nhân để lại và phát triển quê hương. Tuy nhiên, ngạn ngữ có câu “Tri dị, hành nan”, muốn hoá giải cái “Tri dị, hành nan” này, người Việt Nam cần có một sự ý thức để làm sao có thể đưa cái tri hoà nhập với cái hành. Muốn có một sự “Tri hành hợp nhất”, tất nhiên cần nhìn thẳng vào vấn đề, cùng nhau kết hợp được toàn dân trong và ngoài nước, hầu vực dậy sức mạnh dân tộc trong tinh thần bất khất truyền thống đang tiềm ẩn trong từng huyết quản của từng cá nhân. Do đó, kính mong những cá nhân, tổ chức, đảng phái đang lầm đường lạc bước trong vai trò “hoạt đầu chính trị” hay “con buôn chính trị” hoặc đang vì quyền lợi cá nhân, phe nhóm, đang tiếp tay với tập đoàn buôn dân, bán nước CSVN. Xin tất cả nên thức tỉnh suy nghĩ lại, từ bỏ những vị kỷ thấp hèn, tham quyền cố vị bởi hoài vãng hay danh lợi hiện tại, tạo ra những phân hoá, nhiêu khê. Hãy trở về với hiện tình đất nước trong chính tâm và chính nghĩa. Nếu thực sự được như vậy, chắc chắc ngày cáo chung của tập đoàn vong nô CSVN sẽ phải đến rất gần và đất nước sẽ thoát được cái họa xâm lăng từ kẻ thù truyền kiếp phương Bắc, xoá tan cái viễn tượng đen tối diệt vong trên quê hương Việt Nam.

Phạm Thanh Phương (Úc Châu)

Phạm Thanh Phương (Úc Châu)

Sau ba mươi bốn năm được gọi là thống nhất đất nước, nền giáo dục tại Việt Nam dưới chế độ CS vẫn “dậm chân tại chỗ”, không thấy một tiến triển nào được gọi là khả quan để có thể theo kịp đà văn minh của thế giới. Trên mặt hình thức, nhà nước CSVN cũng tỏ ra quan tâm và đã có nhiều dự án, nghị quyết, quyết định nhằm nâng cao trình độ giảng dạy để có được đào tạo được một số tài năng xây dựng đất nước, và có thể đưa đất nước đi lên một vị trí khá hơn so với các nước trong vùng. Tuy nhiên, theo một số nhà giáo dục trong nước nhận định, hầu như tất cả chỉ là những lời nói xuông, không thấy một kết quả nào có thể gọi là khả quan, mặc dù con số tốt nghiệp bậc đại học có gia tăng. Mới đây, theo tin trong nước, Bộ Giáo Dục & Đào Tạo CSVN lại đưa ra dự án “Đổi Mới Cơ Chế Tài Chính Giáo Dục và Đào Tạo Giai Đoạn 2008 - 2012". Trong đó đa số tập trung về lãnh vực tài chánh như tăng học phí và “cổ phần hoá” hệ thống, nhưng không thấy chú trọng đến những lãnh vực cần thiết khác như cải tổ đường lối và chất lượng giảng dạy, đặc biệt trong lãnh vực đại học.

Xoay quanh vấn đề này, theo nhận định chung của giới nhà giáo trong nước cho biết, điều đang quan tâm và khó cải tổ hiện nay là sự yếu kém về phẩm chất, bởi hệ thống giảng dạy vẫn đi theo lối mòn từ chương, giáo điều, vì thế sinh viên khi ra trường không đủ kiến thức để theo kịp thực tế của môi trường xã hội. Hơn nữa, “đội ngũ” giảng viên cũng thiếu chất lượng chuyên môn, có bao nhiêu thì truyền lại bấy nhiêu như một cái máy photo copy, không có gì mới lạ. Sinh viên giống như những con cá nuôi trong hồ, phải nhai mãi một thứ “thức ăn” nhàm chán, không thể bơi ra sông, biển, để tự phát triển thêm kiến thức theo khả năng như những sinh viên khác tại các quốc gia tự do trên thế giới. Và đây cũng là hậu quả của chính sách bưng bít, ngu dân mà CSVN đã áp dụng từ hơn nửa thế kỷ qua.

Theo dự án đề xuất của Bộ Giáo Dục & Đào Tạo CSVN đưa ra, hệ thống giáo dục Việt Nam sẽ cho “cổ phần hoá” một số trường sở thuộc lãnh vực cao đẳng và đại học, sự “cổ phần hoá” này nhằm tạo ra sự cạnh tranh, để có thể nâng cao chất lượng giảng dạy. Tuy nhiên đa số lại nhận định, với hệ thống tham nhũng đã ăn sâu trong xương tủy trong mọi tầng lớp, ban ngành, e rằng khi ngành giáo dục được “cổ phần hoá”, tất nhiên sẽ trở thành một thị trường thương mại như đã và đang xẩy ra trên khắp nẻo đường đất nước. Từ đó, những hiện tượng “Học tiền thi hộ” hoặc mua bán bằng cấp, lại có cơ hội tiếp tục phát triển một cách mạnh mẽ hơn, và hậu qủa sẽ càng thê thảm hơn.

Theo quan niệm chung của đa số những nhà làm giáo dục tại quốc nội cho rằng, hệ thống tư thục tại các nước tiền tiến như Mỹ, Úc, Anh, Pháp.v,v, cũng chỉ là những nơi làm thương mại như những lãnh vực khác. Họ không đủ thiện chí, sáng suốt để nhìn thấy được sự thật, hệ thống tư thục tại các quốc gia tự do trên thế giới đều luôn đặt trọng tâm vào việc đào tạo nhân tài, sự cạnh tranh và lợi nhuận tài chánh được đo lường bằng chất lượng giảng dạy, chất lượng của con số nhân tài mà họ đào tạo, sinh viên hay học viên của họ không bị nhồi nhét bởi giáo điều, mà ngược lại hoàn toàn tự do, như những cánh chim bay nhảy thoải mái trên cánh đồng kiến thức bao la của thế giới. Nó cũng giống như hệ thông tư thục đã từng phát triển trong miền Nam Việt Nam dưới thời VNCH khi xưa. Vì thế, nhiều nhà giáo tại Việt Nam cũng tỏ ra lo ngại khi “cổ phần hoá “hệ thống giáo dục, phát triển tư thục “Nếu không được nghiên cứu kỹ lưỡng, tất nhiên sẽ đưa đến một hậu quả tai hại khó có thể đo lường cho nền giáo dục Việt Nam”..

Ngoài ra, một điều đáng quan tâm hơn nữa là số lượng giảng viên tại đại học tại Việt Nam hiện nay đang lâm vào tình trạng thiếu hụt trầm trọng. Theo nhiều nguồn tin cho biết con số giảng viên có học vị Tiến sĩ nay hiện nay tại Việt Nam không đạt được một mức độ khiêm nhường là 20%, nhưng với con số “khiêm nhường” này, cũng không biết có bao nhiêu phần trăm có đủ chất lượng và bao nhiêu phần trăm thuộc thành phần được đào tại theo hệ “chính quy, tại chức và chuyên tu”, đó là chưa kể đến loại bằng cấp được đào tạo bằng kim ngân hay quyền lực. Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại Học An Giang nhận định
"Tình trạng giáo dục của Việt Nam mình nói chung là đang gặp rất nhiều khó khăn về mặt chất lượng cán bộ giảng dạy. Xã hội cũng nói nhiều và các chuyên gia cũng nói nhiều nhưng mà sự thay đổi thì còn chậm lắm. Bây giờ số lượng tiến sĩ đang đứng trên lớp để mà dạy thì còn rất là thấp…”.
Để giải quyết sự thiếu hụt về số lượng và chất lượng hàng ngũ giảng viên đại học, đa số đặt hy vọng vào thành phần du học trở về. Nhưng rất tiếc số học bổng lại quá ít và đa số lại lọt vào thành phần “con ông cháu cha”, thành phần này đa số du học lấy lệ, mục đích của họ thường là chuyển tải một số tài sản đã tham nhũng, bóc lột được tại Việt Nam một cách hợp pháp, đồng thời cố gắng ở lại lập nền tảng khi hữu sự… Nếu phải trở về nước, họ cũng chỉ cần “mảnh bằng” chứng nhận để hợp thức hoá vị thế “ăn trên ngồi chốc”, chất lượng của kiến thức không phải là điều đáng quan tâm. Một số khác thuộc thành phần du học tự túc, nhưng con số này trở về cũng không được bao nhiêu, đa số cũng tìm cách ở lại ngoại quốc. Số còn lại, khi trở về lại không muốn tham gia nghành giáo dục, họ tìm đến những công ty ngoại quốc với số lương cao hơn, không bị gò bó trong chính sách “hồng hơn chuyên” và áp lực bởi bè phái. Trong khi đó, con số tiến sĩ đào tạo trong nước thì cũng không thay đổi được về chất lượng, bởi trong hệ thống yếu kém thì không thể nào đào tạo được những “sản phẩm” đủ phẩm chất, mặc dù thời gian đào tạo có được kéo dài hơn.

Nói về đường lối giảng dạy hiện tại Việt Nam, một số giảng viên nhận định là rất nhàm chán và đã bỏ ra ngoài làm việc khác. Theo ông Lê Văn Nam, một người từng giảng dạy tại Đại học Hà Nội cho biết,
“Cách dạy nhàm chán quá, sinh viên cũng không muốn học, không lắng nghe lời giảng, giảng viên thì lại thiếu kiến thức, không đáp ứng nhu cầu, v.v...”
Theo số liệu của Bộ Giáo dục Đào tạo CSVN cho biết, hiện nay con số giảng viên tại đại học thiếu khoảng 20 ngàn. Để mong đáp ứng nhu cầu số lượng, vào cuối năm 2008 vừa qua, Bộ Giáo dục Đào tạo CSVN đã đưa ra chỉ tiêu là phải cố gắng bằng mọi giá để có thể “sản xuất” được con số 20 ngàn tiến sĩ trong ít năm tới. Với chỉ tiêu này, đa số các nhà giáo dục Việt Nam đã cho đó là một điều không tưởng. Hơn nữa, họ nhận định, nếu không cải tổ được đường lới giáo dục để “nâng cấp” thi dù có “đạt chỉ tiêu” hay “vượt chỉ tiêu” chăng nữa, thì cũng chỉ là hình thức, không bao giờ có được một kết quả mong muốn thực sự của toàn dân.

Tóm lại, tất cả những dự án, quyết định hay nghị quyết về giáo dục tại Việt Nam cũng chỉ mang tính cách hình thức, để chứng tỏ với thế thế giới một thiện chí cầu tiến trong bang giao và bịp toàn dân. Hơn nữa, với chính sách bưng bít thông tin, khống chế truyền thông thì dù có làm gì chăng nữa cũng chỉ luẩn quẩn trong cái thế “giựt gấu, vá vai”, cắt miếng vải mục này, vá lại chỗ rách kia cho có lệ, cuối cùng vẫn là một chiếc áo mục nát tả tơi.

Người ta thường nói, thanh niên là rường cột quốc gia, nhưng dưới chế độ CSVN thì chắc chắn chỉ có thể tạo ra những cây cột èo uột hoặc bên ngoài có thế thấy những cây cột bê tông, nhưng bên trong lại là cốt tre như đã từng xẩy ra trong thực tế. Trong một chế độ độc tài toàn trị, với thành phần lãnh đạo ngu dốt, chỉ biết bóc lột, tham nhũng, đối ngoại thì hèn mạt thì làm sao có một sự cải tổ nào có thể kiện toàn, để đưa đất nước khá hơn. Do đó, muốn thực hiện được một nền giáo dục trong sáng, đào tạo nhân tài để có thể theo kịp đà phát triển của thế giới, chỉ còn một cách đảng CSVN phải ra đi, trả lại quyền tự quyết cho dân tộc, để từ đó toàn dân có thể lựa chọn, trao lại quyền lãnh đạo đất nước cho một lớp người tài năng, có tâm huyết xây dựng quê hương. Ngược lại, khi CSVN còn tồn tại trên quê hương, thì có làm gì chăng nữa cũng chỉ vô ích, dân tộc vẫn lầm than, giáo dục vẫn suy thoái như một căn bệnh trầm kha, không thể vực dậy và phát triển và đất nước suốt đời phải mang uất nhục như hiện nay.

• Phạm Thanh Phương (Úc Châu)