"...trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng..."

Phạm Thanh Phương (Úc Châu)

Theo tinh thần Hội Nghị những quốc gia tài trợ cho Việt Nam tại Hànội trong hai ngày 3-4 /12/2009, đã cam kết tài trợ cho CSVN một số ngân khoản đáng kể khoảng 8 tỷ USD, trong đó 6 tỷ là cho vay và số con lại gần 2 tỷ là viện trợ. Tuy đã cam kết tài trợ, nhưng đa số đại diện các quốc gia hiện diện cũng tỏ ra rất quan ngại về một số vấn nạn quan trọng tại Việt Nam như tham nhũng, tự do thông tin và nhân quyền. Từ sự quan ngại này, một số dư luận nghĩ rằng ánh sáng của tự do và nhân quyền đang bắt đầu ló dạng trên quê hương Việt Nam, và đất nước chắc chắn sẽ tươi sáng hơn dù chế độ thối nát, tàn bạo dã man CSVN vẫn tồn tại. Tuy nhiên đại đa số lại cho rằng, tất cả những nhận định của các nước tài trợ cho VN vừa qua chỉ mang tính hời hợt theo kiểu “cỡi ngựa xem hoa”, nó không thể xem như là một áp lực hay một chất liệu để có thể đốt lên một ánh sáng thực sự cho đất nước, dù chỉ là một tia sáng le lói cuối đường hầm.

Nói về sự tài trợ năm nay, theo tin nhiều nguồn tinh chính thức cho biết, Ngân hàng Thế giới cam kết tài trợ 2,5 tỷ, Ngân hàng Phát triển Á châu 1,5 tỷ. Riêng nước Nhật đã cam kết tài trợ 1. 64 tỷ và Âu Châu 1.08 tỷ. Trên lý thuyết, mục đích của số tiền tài trợ năm nay là dùng vào việc phục hồi và phát triển nề kinh tế Việt Nam vốn đã từng suy thoái nhiều năm với chính sách bè phái, bóc lột và tham nhũng của chế độ CSVN. Điều đáng chú ý ở đây là tất cả các nước tài trợ đều biết tham nhũng tại Việt Nam dưới chế độ CS được coi như là quốc sách và mức độ tăng trưởng của nó càng ngày càng cao. Nhưng họ vẫn cam kết tài trợ và cũng tỏ ra rất “tha thiết”, mong mỏi có một nước Việt Nam tiến bộ với đầy đủ tự do, dân chủ và nhân quyền như quốc gia của họ. Tuy nhiên, những nhận định và sự “tha thiết” ấy hầu như chỉ là những lời nói xuông, họ nói lên những hiện tượng hiển nhiên mà ai cũng biết, nhưng lại không thấy điều kiện nào được chính thức đặt ra, hầu có thể dùng làm áp lực, buộc CSVN phải thực hiện phần nào để có thể thực hiện những “tha thiết” của họ. Như vậy, phải chăng đây chỉ là một loại xáo ngữ, dùng vấn đề tự do, dân chủ của người dân Việt Nam như một loại trang trí trong bang giao, hay tô điểm thêm cho cái bình phong, dùng che đậy những quyền lợi tiềm ẩn bên trong. Vỉ vậy, chẳng có gì có thể gọi là ánh sáng niềm tin hay hy vọng cho đất nước.

Nhận định về việc chống tham nhũng tại VN, trong một đoạn phỏng vấn của RFA, ông Rolf Bergman, Đại sứ Thụy Điển nhận định: 
" Trong cuộc chiến chống tham nhũng, để đạt được thành công cần có sự nỗ lực của tất cả mọi người dân. Chỉ có những luật lệ và quy định tốt là chưa đủ, muốn thành công cần phải có sự kết hợp tham gia của Đảng, Chính phủ, xã hội dân sự, các cơ quan báo chí và từng người dân trong xã hội.".
 Với nhận định này, không ai phủ nhận đây là vấn đề then chốt rất tốt đẹp, nhưng chỉ mang tính lý thuyết, còn lại thực tế không bao giờ có thể thực hiện. Một guồng máy mà tất cả sinh hoạt xã hội đều nằm trong tay đảng, đảng kiểm soát mọi mặt kể cả hệ thống tư duy của từng người dân, thì thử hỏi làm sao có thể tìm được “sự nỗ lực của tất cả mọi người dân” hay “sự kết hợp tham gia ... của xã hội dân sự, các cơ quan báo chí và từng người dân trong xã hội." như ông Rolf Bergman nhận định. Có chăng chỉ nói để mà nói cho vui như những câu chuyện huyền thoại trong dân gian.

Nói đến hệ thống tham nhũng của CSVN, hầu như ai cũng biết nó không khác nào một loại bệnh ung thư đã đến thời gian hết thuốc chữa. Nếu nhìn kỹ vào bối cảnh của đất nước, có lẽ không ai có thể phủ nhận những kẻ đang hô hào chống tham nhũng lại là những thủ phạm chính hay nói đúng hơn là những “đại gia” đã tạo ra và nuôi dưỡng mạng lưới tham nhũng. Hơn nữa, chính họ là những kẻ đang nắm quyền sinh sát, thao túng đất nước từ những vai trò Chủ tịch nước, Tổng bí thư , Thủ tướng và những nhân vật then chốt trong bộ chính trị trung ương đảng. Từ đó, tham nhũng tại Việt Nam hiện tại chẳng khác nào một mạng lưới được đan bằng một chất liệu rất bền chặt từ trung ương đến địa phương. Tất cả những chương trình hay biện pháp chống tham nhũng được đưa ra, chẳng qua chỉ là những trái khói mù bịp bợm. Vì vậy, những nhận định của các nhà tài trợ cho VN cũng chỉ có thể tạo một lớp sơn, vẽ vời sự hợp lý trong bang giao hầu che phủ những quyền lợi của họ, nó không có gì để có thể cho rằng là những dấu hiệu ánh sáng tự do, nhân quyền đang ló dạng trên đất nước Việt Nam.

Xoay quanh sự kiện, các nước tài trợ cho Việt Nam hầu như cũng tỏ ra quan tâm nhiều đến lãnh vực thông tin và họ cho rằng một hệ thống thông tin tự do sẽ đưa đất nước đến sự ổn định và phát triển. Trong lãnh vực này, ông Michael Michalak, Đại sứ Hoa kỳ tại Việt Nam nhận định “tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội đòi hỏi môi trường lành mạnh, minh bạch cho tất cả các bên...” Trong khi đó ông Rolf Bergman, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam cũng cho biết có yêu cầu chính phủ Việt Nam bãi bỏ mọi hạn chế đối với lãnh vực Internet. Đồng thời ông Rolf Bergman cũng cho biết  
“Chúng tôi nhấn mạnh rằng báo chí cũng như các trang mạng xã hội giữ vai trò hết sức trọng yếu trong việc nối kết thông tin, để dẫn đến thành quả, chứ không tác hại gì đến các kế hoạch của chính phủ. Chúng tôi thật sự quan ngại khi nhận được tin chính phủ kiểm soát trang xã hội Facebook vì làm như thế là cản trở sự phát triển chứ không thể gặt hái kết quả tốt được.... Các nước có mặt trong hội nghị như Hoa Kỳ, Canada, Na Uy, New Zealand cũng như các nước châu Âu khác đều có chung những quan ngại như của chúng tôi...”.

Tuy nhiên, đã trải qua nhiều năm, biết bao nhiêu nhận định, đề nghị, khuyến cáo của các nước có sự tài trợ và bang giao với CSVN, nhưng khi nhìn lại xã hội và đất nước Việt Nam hiện nay thì hầu như không ai thấy được một dấu hiệu nào chứng tỏ khá hơn mà ngược lại có chiều hướng tệ hơn rất nhiều, và trong những ngày tháng gần đây, mức độ đàn áp, trù dập đã gia tăng đến độ khối truyền thông nói riêng và toàn dân tại quốc nội nói chung, hầu như càng ngày càng tỏ ra “ngoan ngoãn”, luôn luôn “nhất quán” với đường lối của đảng đưa ra, kể cả những vấn đề quan trọng liên quan đến sự tồn vong của đất nước như sự kiện Boxite tại Tây Nguyên hay chủ quyền về lãnh thổ, lãnh hải đã và đang bị mất dần trong tay Tầu cộng.

Với những diễn biến nêu trên đại đa số nhận định, nếu các nước tài trợ thực sự quan tâm đến tự do, dân chủ và nhân quyền của Việt Nam, tất nhiên họ không thể chỉ đưa ra những nhận định hay khuyến cáo xuông. Đối với một tập đoàn lưu manh, thủ đoạn như CSVN mà chỉ nói xuông rồi đổ tiền vào một cách vô tội vạ thì chỉ tạo cơ hội cho tập đoàn CSVN có cơ hội, nhảy muá, sơn phết những tấm bình phong tuyệt đẹp để bên trong tiếp tục, chia chác, bóc lột xương máu của người dân và bán rẻ giang sơn với câu “Nối giáo cho giặc” mà người Việt Nam thường dùng. Tất cả những khẩu hiệu, vẽ vời hình thức của CSVN thực sự chẳng che mắt được ai, ngoài sự đồng lõa tung hứng cho quyền lợi. Để cuối cùng “mười voi vẫn không được một bát nước xáo”, chẳng có gì thay đổi để có thể thấy được những điều mà toàn dân VN đang mơ ước. Điều này cũng đã được ông Rolf Bergman xác nhận:
“Chúng tôi hy vọng sẽ thấy nhiều hơn nữa những tiến bộ trong lĩnh vực này nhưng phải thật lòng mà nói chúng tôi chưa thấy chính phủ có phản hồi tích cực trong vấn đề này và vì vậy chúng tôi cảm thấy hơi thất vọng...”. 

Để làm sáng tỏ hơn về bản chất CSVN, đi ngược dòng lịch sử từ năm 1945, sau khi CSVN cướp được chính quyền đến nay, đã có biết bao nhiêu khẩu hiệu cải tổ, kêu gọi diệt trừ tham nhũng, tôn trọng tự do thông tin, tự do ngôn luận của người dân... Nhưng kết quả ra sao chắc ai cũng biết. Tất cả hình ảnh những tù nhân lương tâm hay chính trị còn nằm nơi nhà lao trong hiện tại cũng đủ chứng minh rõ ràng cái “thiện chí” cải tổ của hệ thống CSVN từ hơn nửa thế kỷ qua. Ngoài ra, mới đây cái Nghị Định 97/2008/NĐ-CP- do Nguyễn Tấn Dũng ban hành cũng là một bằng chứng xác định cái “thiện chí” ấy một cách rất hùng hồn và minh bạch. Một nghị định phản dân chủ, đi ngược lại Công ước Quốc tế về quyền dân sự và chính trị năm 1982 mà CSVN đã tham gia ký tên. Đồng thời cái nghị định 97 này cũng đang phỉ nhổ vào cái đống giấy lộn được gọi là Hiến pháp nhà nước CSVN với điều 69. Như vậy, cái ánh sáng tự do nhân quyền mà một số người đã nhận định đang nằm ở đâu??? Và những nhận định của các nước tài trợ sẽ có ảnh hưởng gì đến tự do, dân chủ và nhân quyền cho đất nước Việt Nam hay không, một khi không có những điều kiện đi kèm và người dân Việt Nam vẫn chưa thể tỉnh táo dứng dậy đòi lại.

• Phạm Thanh Phương (Úc Châu)


Phạm Thanh Phương (Úc Châu)

Trong mấy tuần lễ gần đây, dư luận bàn tán khá xôn xao về hiện tượng Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch nhà nước CSVN yết kiến Đức Giáo Hoàng Benedicto 16 tại Vatican từ ngày 09 đến ngày 12-12-2009 vừà qua.Với sự kiện này, một số người cho rằng Triết sang Vatican để “cầu hoà”, xin lỗi về những xung đột với Giáo hội Công giáo Việt Nam về vấn để tài sản, đất đai như sự việc Tòa Khâm Sứ ở Hà Nội; Thánh địa La Vang; Giáo Hoàng Học Viện ở Đà Lạt; Dòng Thánh Giuse, Nha Trang; Giáo xứ Thái Hà; Nhà thờ Tam Tòa ở Quảng Bình,Tu viện thánh Phaolô ở Vĩnh Long ,v,v... Ngược lại, đại đa số lại nhìn đây chỉ là dấu hiệu của những thỏa thuận, tương nhượng từ một số quyền lợi tương quan song phương giữa hai quốc gia, mặc dù không có bất cứ một sự tiết lộ nào từ cả hai bên.

Nhận định về sự kiện, phía CSVN ông Nguyễn Hồng Dương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo tại Hà Nội cho biết  
“Tôi nghĩ mối quan hệ đó đang trong lộ trình. Sau khi Thủ tướng Việt Nam đến Vatican thì nay chuyến đi của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến gặp Giáo hoàng thì hai phía đang trong lộ trình thiết lập quan hệ đầy đủ giữa Vatican và Việt Nam”.
Trong khi đó, Gs Nguyễn Đăng Chúc thuộc Phân khoa Thần học, Đại học Strasbourg, Pháp hầu như cũng đồng quan điểm với ông Dương trong nhận định:
“Chắn chắn có thiện chí từ phía hai bên, dù cả hai bên không ai tiết lộ, đến bây giờ cũng chưa có những gì cụ thể cả.” 
Từ những nhận định trên, một số người tỏ ra rất phẩn khởi cho rằng, dù sao Vatican cũng là một Trung tâm quyền lực có ảnh hưởng rất nhiều trên toàn thế giới, và dù ít hay nhiều CSVN cũng không nằm ngoài quỹ đạo. Như vậy, họ cho rằng hai chữ “thiện chí” cuả Gs Chúc ở đây mang ý nghĩa CSVN sẽ phải nhân nhượng bày tỏ thiện chí bằng cách trả lại một số tài sản của Giáo hội Công giáo Việt Nam đã bị CSVN cướp đi từ nhiều năm qua, ít nhất là những vụ việc gần nhất. Tuy nhiên, cũng nhiều nguồn dư luận lại cho rằng thế giới ngày nay đã khác xưa, ảnh hưởng của giáo quyền cũng không còn tồn tại, do đó ảnh hưởng của Vatican chỉ có thể đứng trên giá trị tinh thần tại một số quốc gia có nhiều tín đồ Công giáo, lãnh đạo của họ biết tôn trọng đạo đức và lẽ phải. Ngược lại CSVN là một loại phi nhân tính, cộng thêm chủ nghĩa tam vô. Do đó, CSVN sẽ không bao giờ bị chi phối bởi ảnh hưởng giá trị đạo đức và tâm linh. Có chăng là những giá trị kinh tế và chính trị khi có lợi cho họ. Hơn nữa, theo chủ trương của Vatican cũng chỉ muốn cố gắng thực hiện một sự "hợp tác lành mạnh" tìm một sự "sống chung hoà bình giữa Giáo hội và cộng đồng Chính trị" CSVN, hầu có thể tạo nên một "xã hội công bằng". Ngoài ra Vatican cũng không chủ trương đối kháng với CSVN và cũng "không chủ trương tìm cách thay thế những người có trách nhiệm lãnh đạo đất nước và chỉ mong muốn trên một tinh thần đối thoại, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau để thực hiện vai trò của mình nhằm phục vụ mọi tầng lớp người dân..." như lời Đức Giáo Hoàng Benedicto 16 đã tuyên bố trong lần gặp phái đoàn Công giáo tại Vatican cách đây không lâu. Do đó, hai chữ “thiện chí” cuả Gs Chúc ở đây chắc chắn phải được áp dụng cho cả hai bên trong tinh thần “Dĩ hoà vi qúy”, để có thể tiến đến một hệ thống bang giao trong hài hoà. Như vậy, trong cái “Dĩ Hoà Vi Qúy" ấy, chắc chắn hai bên sẽ phải thông qua một số khúc mắc, không thể làm khó nhau và chuyện trả lại tài sản cho Giáo hội Công giáo Việt Nam cũng rất khó có thể xẩy ra.

Nói về việc CSVN trả lại tài sản cho giáo hội Công giáo Việt Nam, thiết nghĩ nên đi trở ngược dòng lịch sử từ khi CSVN xuất hiện trên đất nước đến nay, có bao giờ CSVN có “thiện chí” ăn năn, hối lỗi, trả lại cho khổ chủ những gì họ đã cướp hay không, ngoại trừ lấy lại từ sức mạnh của vũ lực, nếu có. Do đó, muốn lấy lại được những gì đã mất, người Công giáo Việt Nam không thể tin tưởng vào những thoả hiệp hay tương nhượng từ Vatican trong lãnh vực bang giao với CSVN. Ngược lại phải đoàn kết tập trung sức mạnh đấu tranh, lúc đó mới có thể đạt được kết qủa như mong muốn. Tuy nhiên, dù sao chăng nữa dư luận cũng hy vọng Vatican không vì quyền lợi riêng của Toà Thánh mà quên đi sự đau khổ của toàn dân Viện Nam nói chung và Giáo hội Công giáo tại Việt Nam nói riêng như lời Lm Trần Công Nghị đã nhận định:
“Giáo Hội lo phần linh hồn, Giáo Hội lo cho sự tốt đẹp của một giáo hội khác, không thể Giáo Hội Vatican đi trên đầu trên cổ Giáo Hội Việt Nam đang khi người Việt Nam ở khắp nơi đều mong muốn một giáo hội có sự yên bình"...

Nói về sự yên bình trong một cộng đồng, có lẽ không ai có thể phủ nhận điều kiện tiên quyết là hoà giải những tị hiềm, hận thù, và hoà hợp trong tình yêu nhân bản. Tuy nhiên, hoà giải như thế nào mới là một điều đáng quan tâm, hoà giải không có nghĩa là phải khuất phục để trở thành một thứ nô lệ hay tay sai như lời Lm Nguyễn Văn Khải đã xác định:
"Chúng tôi được mời gọi để hòa giải chứ không phải để khuất phục trước các thế lực, sự dữ, trước các bất công, trước việc cá lớn nuốt cá bé, hình thức lấy thịt đè người. Cái đó tùy thuộc vào thái độ của chính quyền đối với chúng tôi. Vấn đề là chính quyền có tôn trọng công lý và sự thật hay không. Chính quyền có tôn trọng tự do tôn giáo hay không. Chính quyền có tôn trọng quyền lợi của cộng đồng linh mục tu sĩ và giáo dân Thái hà hay không. Tùy thuộc vào thái độ ứng xử của chính quyền mà chúng tôi phải biết đáp lại thế nào cho đúng, đúng với tư cách là một công dân và tín hữu Công giáo.".
 Cùng một quan điển với Lm Khải, trong đêm khái mạc lễ Năm Thánh, Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh đã xác định trong bài giảng "... Đã đến lúc người Việt Nam phải thẳng thắn nhìn nhận rằng chúng ta đã làm khổ nhau quá nhiều vì bảo thủ chính kiến và thành kiến, vì độc tôn phe nhóm và quyền lợi”. Như vậy, thiết nghĩ muốn có một sự “sống chung hoà bình” để tạo “một xã hội công bằng”, đương nhiên người Việt Nam nói chung và người Công giáo nói riêng phải có một sự đoàn kết vững mạnh trong đấu tranh, tận diệt những “bảo thủ chính kiến và thành kiến, vì độc tôn phe nhóm và quyền lợi”... Không thể chỉ dựa “trên một tinh thần đối thoại, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau” như Đức Giáo Hoàng Benedicto 16 đã mong ước. Bởi lẽ CSVN không phải là một loại còn nhân tính và tâm linh, họ không bao giờ có được cái “thiện chí” biết lắng nghe, để có thể thấu hiểu được sự hơn thiệt của Tổ quốc và dân tộc. Ngược lại, họ là những kẻ mang dòng máu lạnh, chỉ biết dùng thủ đoạn gây tang thương, máu lửa, cướp bóc, lọc lừa. Vì vậy, tin vào “thiện chí” của CSVN coi như tự sát, để muôn đời sẽ luẩn quẩn mãi trong cái màn đêm đau khổ tận cùng của nhân loại.

Tóm lại, việc Nguyễn Tấn Dũng hay Nguyễn Minh Triết có sang yết kiến, bàn bạc, tương nhượng hay thoả hiệp gì với Vatican chăng nữa, thì bổn phận của người dân Việt nam nói chung và khối Công giáo Việt Nam nói riêng vẫn phải giữ vững niềm tin, đoàn kết gây sức mạnh, tiếp tục công cuộc đấu tranh đòi công lý, sự thật. Đòi lại tự do, dân chủ và quyền tự quyết của dân tộc. Riêng hàng giáo phẩm "Giáo Hội cũng luôn luôn kêu gọi rằng Giám mục là một vị mục tử luôn luôn phải nói tiếng nói của công lý, của chân chính, của sự thật, mà ví dụ phải chết chăng nữa để nói sự thật...". Vì thế nếu các Giám mục, Linh muc Việt Nam triệt để thi hành chức năng của mình, can đảm đặt quyền lợi tổ quốc, dân tộc lên trên quyền lợi của Tôn giáo và giáo quyền như Đức Giáo Hoàng Jean Pau lI đã thực hiện đối với tổ quốc và dân tộc Balan của ngài. Nếu được như thế, thiết nghĩ Giáo hội Công giáo Việt Nam sẽ là một yếu tố quan trọng dùng vực dậy sức mạnh truyền thống của dân tộc, để cùng đứng lên tận diệt những “phe nhóm độc tôn”, tận diệt những độc ác, những thủ đoạn gian manh lừa bịp của CSVN, đòi lại tự do, dân chủ cho, nhân quyền đất nước. Đồng thời, với sức mạnh ấy cũng có thể tẩy rửa được cả những uất nhục của non sông do đảng CSVN gây ra. Chỉ khi nào dân tộc có được tự do và quyền tự quyết, lúc đó mới có thể tìm được một đòi sống an bình thực sự trong tương kính giữa tình người với nhau. Ngược lại, một khi chế độ dã man tàn bạo CSVN còn ngự trị trên quê hương, dân tộc Việt Nam sẽ tiếp tục còn đau khổ, Tổ quốc sẽ còn nhiều nỗi đắng cay, uất nhục, và Giáo hội Công giáo Việt Nam cũng không thể nằm ngoài qũy đạo.

• Phạm Thanh Phương (Úc Châu)