"...trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng..."


Phạm Thanh Phương (Úc Châu).
 
LTS: Để rộng đường thảo luận, chúng tôi sẵn sàng chạy đăng các phản luận của quý độc giả đối với bài viết này, nếu có, trong tinh thần tìm hiểu và xây dựng
* * *
Được tin từ Hà nội và các hãng thông tấn loan tải, bà Võ Hồng đảng viên đảng Việt Tân vừa được CSVN phóng thích sau mười ngày tạm giữ vì tình nghi “khủng bố, vi phạm điều 84 của bộ luật hình sự CSVN. Trước nguồn tin này, dư luận người Việt tại hải ngoại tỏ ra rất vui mừng, vì it nhất một đồng hương đã thoát khỏi nanh vuốt của bầy dã thú CSVN. Đồng thời trong sự vui mừng ấy, vẫn không tránh khỏi những bàn tán xôn xao với nhiều chiều hướng khác nhau và một số câu hỏi được đặt ra liên quan đến hoạt động cuả đảng Việt Tân trong những năm gần đây. Trong dư luận chung, một số cho rằng đảng Việt Tân rất “mạnh và can đảm”, họ đã gửi đảng viên về hoạt động trực tiếp trong nước nhiều lần, không còn chỉ la hét xuông tại hải ngoại như trước đây. Trong khi đó một số khác lại cho rằng, nếu nhìn kỹ và phối kiểm sự kiện trong vài năm gần đây, tất nhiên có thể thấy được những nét kịch tính đã và đang xuất hiện mỗi ngày một rõ, tựa hồ như một vở kịch được dàn dựng sẵn, không có gì đáng quan tâm, lo âu, hy vọng hay thắc mắc.
Nhìn vào mặt hình thức, với tình hình đấu tranh tại hải ngoại, đa số đều nhận định Việt Tân là một đảng duy nhất đang hoạt động “mạnh”, lúc nổi lúc chìm, họ có mặt hầu như trên khắp thế giới, kể cả trong quốc nội. Tuy nhiên, một điểm lạ mà nhiều người suy nghĩ tìm không ra câu trả lời chính xác là những đảng viên Việt Tân gửi về nước hoạt động trực diện một cách công khai trong những năm gần đây đều là những có thành tích, có tiếng tăm tại hải ngoại như nhóm ông Nguyễn Quốc Quân hay bà Võ Hồng. Nhưng hình như hệ thống an ninh, tình báo của CSVN bị liệt, các toà lãnh sự và đại sứ không hoạt động, bởi thế dù là những nhân vật Việt tân nổi bật, có tiếng tăm, nhưng vẫn được toà đại sứ nơi sở tại cấp Visa nhập cảnh một cách rất “vô tư”. Đợi khi xẩy ra chuyện mới bắt giữ điều tra, rồi thả ra rất nhanh theo kiểu “Bắt cóc bỏ dĩa”. Sự kiện này đã trái ngược với bản chất gian manh của CSVN. Trong khi đó những người hoạt động trong nước, đòi hỏi dân chủ và lên án sự xâm lăng của Trung cộng như  Ls Lê Công Định, ông Trần Anh Kim, Nguyễn Tiến Trung, Phạm Thanh Nghiêm,v,v,  hay bốn nhân vật mới đây đã được Việt Tân công khai xác nhận là người của họ như Giáo sư Phạm Minh Hoàng, Mục sư Dương Kim Khải, bà Trần Thị Thúy và ông Nguyễn Thành Tâm thì vẫn bì giam giữ hoặc tù đầy chỉ vì lý do có liên quan đến đảng Việt Tân. Đây cũng là một câu chuyện đầy kịch tính trong hành xử của CSVN, chính thức bị lên án là khủng bố thì vô tội, nhưng chỉ liên quan thì lại trở thành nghiêm trọng để ngồi tù. Đúng là một chuyện khó tin, nhưng có thật đã và đang xẩy ra.
Nhân sự kiện bà Võ Hồng bị CSVN bắt giữ, ông Hoàng Tứ Duy, phát ngôn nhân đảng Việt Tân đã  cho BBC biết “Chúng tôi không có chủ trương bị bắt, chúng tôi cũng không muốn bị bắt. Nhưng chúng tôi chấp nhận rủi ro đó để làm sao có thể đấu tranh cùng với đồng bào”. Với câu nói này, hầu như tất cả dư luận đều đồng ý với Việt Tân là dưới một chế độ gian ác, dã man như CSVN, thì sự bị bắt bớ là một đại bất hạnh cho cuộc đời, không ai dại gì chủ trương quái đản như thế. Nếu CSVN không dã man, độc ác thì ngày nay cũng chẳng có gần ba triệu người Việt phải lang thang trên khắp thế giới, trong đó có đảng Việt Tân. Vì vậy lời nói này của ông Hoàng Tứ Duy được dư luận đánh giá như là một viễn kiến tuyệt vời, nó như một hàng giậu rào trước, hầu có thể dùng để hóa giải những cái nhìn xuyên suốt những kịch tính của sự việc. Bởi lẽ trong mấy năm gần đây, đảng viên Việt Tân về nước hoạt động rất ”vô tư”, CSVN bắt và thả ra cũng rất “vô tư”, xem ra tựa như có một sự thỏa hiệp nào đó rất khó ai có thể thấu triệt. Từ đó, một số nhận định, những đảng viên Việt Tân từ hải ngoại về hoạt động bị CSVN bắt, chắc chắn không thể cho là sự “rủi ro” như ông Hoàng Tứ Duy đã nói, mà cò lẽ là một chủ trương. Nếu nói rằng chủ trương về để bị bắt trù dập ở tù khốn khổ như  Ls Lê Công Định hay ông Trần Anh Kim thì chắc chắn là không, nhưng nếu biết rõ chỉ bị “tạm giữ điều tra” rồi thả ra một cách “vô tư” kiểu “bắt cóc bỏ đĩa” để hai bên đều có lợi thì dù có là một chủ trương cũng là điều rất hợp lý, có gì phải thanh minh, rào đón. Trong sự kiện bà Võ Hồng bị bắt giữ và khi thả ra bà Võ Hồng cũng cho BBC biết CSVN đã nói với bà lý do thả ra chỉ vì thiện chí hợp tác cuả bà trong lúc điều tra và chính sách khoan hồng cuả nhà nước CSVN, không phải vì áp lực cộng đồng người Việt hải ngoại hay từ bất cứ thế lực nào kể cả Bộ Ngoại Giao Úc.
Nói về quyền lợi song phương qua sự kiện “Bắt cóc bỏ dĩa” này, theo sự phân tìch của dư luận có hai điểm quan trọng. Thứ nhất, Việt Tân tạo được thành tích hô hoán, đánh bóng lại chiêu bài “yêu nước” một cách danh chính, ngôn thuận rất tự nhiên, chứng minh được sức mạnh và lòng can đảm một cách rất “vô tư”. Thứ hai, CSVN cũng được dịp chứng minh sự minh bạch cuả “Đỉnh Cao Trí Tuệ” một cách cũng rất “vô tư”. Đồng thời chứng minh được dưới chế độ CSVN không có tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm như đại đa số lên án,  những người bị giam giữ hiện nay hoàn toàn thuộc về lãnh vực hình sự như CSVN đã và đang rêu rao trước nhãn quan quốc tế. Còn lại chuyện tình nghi là một việc phải có, nhưng sau khi điều tra, xét thấy không vi phạm hình sự, chỉ là bất đồng chính kiến hoặc đấu tranh bất bạo động đều được nhà nước CSVN “hồ hởi, phấn khởi” chấp nhận, dù những người này thuộc một đảng đã bị lên án là tập đoàn khủng bố.
Để nhìn sự việc một cách rõ ràng hơn, ngược thời gian cách đây vài tháng một nhóm đảng viện Việt Tân từ hải ngoại về phát áo, mũ chống Trung cộng tại Hoàn Kiếm, và khi phóng viên Nguyễn Khanh của RFA hỏi về sự hiện diện của Công an hay An ninh của CSVN tại hiện trường và đã được một đảng viên Việt Tân tại hiện trường cho biết "Dĩ nhiên là có những anh công an khu vực, công an mặc đồng phục (sắc phục) hay họ mặc đồ bình dân. Nhưng mà tôi nghĩ công việc chúng tôi làm rất là trật tự, ôn hòa, không có gì gọi là trái pháp luật Việt Nam. Chúng tôi có nói với những người trật tự ở đây là tại sao chúng tôi làm việc này và với mục đích gì... Thứ hai là chúng tôi tiếp nối công việc làm của các nhà yêu nước khác như là anh Điếu Cày, nhà báo Huy Đức, nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, Ls Lê Thị Công Nhân và chị Phạm Thanh Nghiêm, v,v...".  Ngược lại, lần này bà Võ Hồng trở về Hànội, cũng làm công việc tương tự thì lại bị bắt và ghép tội theo điều 84 hình sự của CSVN. Như vậy là thế nào, CSVN đã bị điên hay sao? Hay lần trước không bắt một vài người lấy lệ rồi thả ra là một điều thất sách, vô tình đã để lộ tính chất “kịch tính” quá rõ rệt, cho nên lần này bà Võ Hồng mới bị “rủi ro” như ông Hoàng Tứ Duy, phát ngôn nhân đảng Việt Tân đã tuyên bố.
Bàn tán xoay quanh sự kiện, phối kiểm xuyên qua nhiều sự việc nhiều người đã nhận định, đây là lúc đảng Việt Tân đang cố gắng tạo một chút uy tín hầu đánh bóng một chiêu bài dường như đã bị mốc meo từ hàng thập niên qua. Từ những chuyện xa xưa với 10 ngàn tay súng Đông Tiến cho đến chuyện đổi một tháng Tư đen tối nhất cuả lịch sử thành một “tháng tư xanh” đầy hy vọng cho đến “ngày tự do cho VN”. Sau đó là một chuỗi giao lưu văn hoá, loan tải hàng loạt những bài viết của Hà Dương Dực với nội dung phỉ báng chế độ và quân cán chính VNCH công khai trên đài phát thanh Chân Trời Mới..v..v. Với một số sự kiện điển hình nêu trên, đa số nhận thấy niềm tin của cộng đồng người Việt tại hải ngoại đối với Việt Tân rất mỏng manh. Thậm chí còn có chiều hướng đặt nghi vấn Việt Tân đang giữ vai trò ngoại vi của đảng CSVN qua Nghị Quyết 36. Do đó, Việc Việt Tân cố gắng tạo chút thành tích hầu có thể vớt vát một chút uy tín là chuyện rất bình thường. Chỉ tiếc rằng việc làm và lời nói của Việt Tân đã để lộ nhiều khuyết điểm rất thô sơ trong chính trị, nhất là lại dùng chiêu bài “bắt cóc bỏ dĩa” để tạo thành tích thì thật là một điều không nên. Mong rằng Việt Tân sẽ rút đựơc kinh nghiệm khá hơn, hầu có thể tránh được sự “ngộ nhận” là một sự bịp bợm khôi hài và ấu trĩ.
Phạm Thanh Phương (Úc Châu)