"...trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng..."

Trong những ngày gần đây, sự kiện dự án đường sắt cao tốc tại Việt Nam đã trở  trành một đề tài khá xôn xao, kể cả trong và ngoài nước với nhiều chiều hướng khác nhau.
Nói về dự án này, nhiều người cho rằng đây chỉ  là một giấc mộng điên cuồng của CSVN, xuất phát từ bản chất khoe khoang, thích trò chơi nổi bật để chứng tỏ một sự phát triển đang lên cao nhờ sự lãnh đạo tài ba của đảng và nhà nước CSVN. Ngược lại, đại đa số cho rằng dự án chỉ là cái cớ để đảng bán rẻ tài nguyên quốc gia hầu tiếp tục vơ vét, đong đầy cho cái túi tham không đáy của giai cấp lãnh đạo, đồng thời biến toàn thể gần 90 triệu dân Việt trở thành những kẻ nô lệ của thế giới trong tương lai qua nhiều thế hệ và đất nước Việt Nam sẽ trở thành tan hoang, khô cằn sỏi đá. Tuy nhiên, đảng và nhà nước lại cho rằng dự án này rất cần thiết để phát triển đất nước đi đến giầu mạnh, hầu có thể vươn lên đứng ngang hàng với các nước trong vùng.
Để đi sâu vào vấn đề, theo dự án sơ khởi, kinh phí phải chi ra khoảng 56 tỷ Mỹ kim và theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng cho biết dự án sẽ tăng lên đến khoảng 63.114 triệu USD. Như vậy, những câu hỏi được đặt ra là tiền ở đâu để thực hiện dự án này ngoài việc đi vay nợ, và với số nợ khổng lồ này ai sẽ phải trả và trả ra sao??? Với sự kiện này, đại đa số cho rằng sau này đảng và nhà nươc CSVN sẽ có đầy đủ lý do để bán rẻ tài nguyên với chiêu bài trả nợ, đồng thời người dân Việt Nam cũng sẽ phải “thắt lưng, buộc bụng” hy sinh rất nhiều mồ hôi, nước mắt qua nhiều thế hệ một cách danh chính, ngôn thuận. Hơn nữa, với một quốc gia qúa nghèo và lạc hậu như Việt Nam dưới XHCN, một con đường sắt cao tốc không phải là một nhu cầu cần thiết trong đời sống hàng ngày của người dân đến nỗi phải hy sinh quá nhiều như thế, có chăng chỉ để phục vụ cho một số người thuộc giai tầng thống trị tiện việc du hí, làm ăn. 
Ngoài ra, theo ước tính của một số tin trong nước cho biết, vấn đề trước mắt nếu thực hiện dự án này, tất nhiên sẽ có khoảng hơn 16 ngàn gia đình sẽ bị ảnh hưởng, trong đó gần 9 ngàn 500 gia đình bị mất chỗt ở, và hơn 7 ngàn gia đình bị mất đất sản xuất, điều này không biết đảng và nhà nước giải quyết thế nào, hay dự trù xếp họ vào thành phần “dân oan” để được lang thang khiếu nại như những “dân oan” đã và đang lang thang “khiếu kiện” trong nhiều năm qua. Một xã hội còn quá nhiều nhiêu khê, bất công, bất ổn, thì làm sao đất nước có thể phát triển bằng những dự án vĩ đại như thế này được, vì thế  những giải thích của đảng và nhà nước chỉ là những khẩu hiệu trấn an và bịp bợm.
Một nghịch lý rõ ràng mà ai cũng thấy, trong khi đảng và nhà nước tính những công trình vĩ đại thì đời sống người dân lại đói rách, bấp bênh đầy sự may rủi. Điển hình theo báo Tuổi Trẻ và Thanh Niên đưa tin, “Người dân thuộc Huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kontum hàng ngày phải đu dây qua sông Pô Kô vì toàn bộ hệ thống cầu treo đều đã bị lũ cuốn trôi”. Người dân Ngọc Hồi đang phải đánh đu với mạng sống để mưu sinh, trong đó phải nói đến những em bé cũng phải đu dây qua qua một con sông với lưu lượng khá mạnh để đi học. Đó là chưa kể đến cả hàng triệu người vẫn chưa có đủ cơm ăn, áo mặc, môi sinh ô nhiễm, bệnh hoạn không có đủ thuốc chữa, đang nhan nhản trên khắp nẻo đường đất nước và biết bao nhiêu trẻ em thất học cũng đang cần được giải quyết. 
Nói về việc phát triển đất nước, thiết nghĩ lãnh vực quan trọng nhất vẫn là làm sao phát triển được nhân tài, một đất nước có nhiều nhân tài tất nhiên sẽ phát triển được tất cả mọi mặt của xã hội. Nhìn lại lịch sử thế giới từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim, không một quốc gia nào được gọi là phát triển mà chỉ biết đi vay nợ xây dựng, mà không chú trọng đến việc phát triển nhân tài. Điển hình như Nhật và Nam Hàn, hai quốc gia này phát triển mạnh là nhờ vào nhân tài của nước họ, họ biết đầu tư vào giáo dục, họ luôn cập nhật để đào tạo chuyên gia, vì vậy họ mới có được sự giầu mạnh như ngày nay. Trong khi đó, nền giáo dục tại Việt Nam dưới XHCH quá lạc hậu và yếu kém về mọi mặt, chương trình học hạn chế, hạn chế cả trường sở và số người đi học. Theo nhiều nhận định của ngành giáo dục trong nước cho thấy,  một nửa chương trình học hầu như tập trung vào lịch sử đảng, đạo đức và tư tưởng Hồ Chí Minh, một tư tưởng và đạo đức bịp bợm, vong nô, băng hoại của lịch sử. Như vậy đến bao giờ Việt Nam mới thực sự được phát triển hay chỉ được phát triển trên giấy tờ và những khẩu hiệu của đảng và nhà nước đã và đang rêu rao từ nhiều thập kỷ qua. Một hệ thống xã hội “hồng hơn chuyên” vẫn tồn tại một cách hiên ngang, mạnh mẽ, thêm vào đó bằng cấp được mua bán như hàng hoá, từ đó toàn thể thành phần lãnh đạo, điều hành xã hội đều là những kẻ ngu đần chỉ biết tung hô khẩu hiệu như cái máy, thì dù có thực hiện được cả ngàn dự án to lớn gì đi chăng nữa cũng chỉ khiến đất nước tan hoang và dân tộc tiếp tục lầm than, nô lệ để trả nợ hết từ đời này đến đời kia cũng chưa xong, nói chi đến phát triển để chen vai với các nước trong vùng.
Cũng trong sự kiện này đa số cho rằng, ngoài vấn đề tạo điều kiện tham ô chia chác trong dự án, CSVN còn tạo ra một hình thức dân chủ bịp nhằm tập tung dư luận, đánh lạc hướng sự quan tâm của người dân trước vấn đề tồn vong của đất nước. Sự bịp bợm này được thể hiện qua việc họp hành, bàn bạc rất sôi nổi của Quốc hội trong nhiều ngày qua. CSVN đã tạo ra những tranh cãi trong Quốc hội giống như các nước dân chủ trên thế giới, xem ra cũng có vẻ hấp dẫn để tạo một hình thức đa nguyên, mặc dù vẫn nằm trong hệ thống độc đảng, độc tôn. Tuy vậy, đại đa số người dân vẫn biết được tất cả không nằm ngoài câu tục ngữ  “mười voi không được một bát nước xáo”, và cuối cùng chỉ thị của đảng đưa xuống vẫn được Quốc hội thi hành nghiêm chỉnh dù thuận hay nghịch lại dự án, nó cũng sẽ chẳng khác nào sự kiện Bauxite tại Tây Nguyên vừa qua. Đây cũng là một chiêu bài “bật đèn xanh” cho một vài phe nhóm chính trị “ngoại vi” tại hải ngoại có đầy đủ lý do thực hiện sự nối kết, hoà nhập để cùng canh tân đất nước theo định hướng XHCN. Một khi có sự nối kết từ những thế lực hay phe nhóm chính trị tại hải ngoại. Tất nhiên, tiềm lực đấu tranh của khối cộng đồng người Việt Tỵ nạn CS trên khắp thế giới sẽ bị hoá giải từng phần và đi đến triệt tiêu. Từ đó, các cao trào đấu tranh trong nước cũng lung lay, mất định hướng và cuối cùng chỉ còn lại hệ thống đảng và nhà nước mặc tình thực hiện sự nghiệp buôn dân, bán nước theo tư tưởng vong nô của Hồ Chí Minh để lại. 
Tóm lại, dự án “Đường Sắt Cao Tốc” chắc chắn không có lợi gì cho đất nước, nó cũng không phải là một sự phô trương mang tính láu cá vặt của đảng và nhà nước CSVN để chứng tỏ một sự phát triển đối với các nước trong vùng. Ngược lại, chính là một âm mưu tạo cơ hội  để vơ vét, chia chác của thành phần thống trị, bóc lột bồ hôi, xương máu của giai cấp bị trị qua nhiều thế hệ mai sau. Đồng thời, có cớ để khai thác, bán rẻ tài nguyên quốc gia một cách danh chính, ngôn thuận qua việc trả nợ. Do đó, vì sự tồn vong của đất nước, hy vọng người dân Việt Nam nói chung và các thế lực chính trị nói riêng, cần nên tỉnh táo đối diện với thực trạng, hầu kết hợp đưọc sức mạnh cuả dân tọc làm vũ khí lật đổ tập đoàn gian manh bạo ngược CSVN. Chỉ khi nào CSVN biết mất trên quê hương, lúc đó đất nước mới có thể phát triển. Bằng ngược lại, một ngày CSVN còn tồn tại trên quê hương, một ngày nguy cơ mất nước còn đe dọa và dân tộc còn bị đoạ đầy. 
 
    • Phạm Thanh Phương