"...trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng..."

Phạm Thanh Phương (Úc Châu) 

Trước làn sóng tranh đấu đòi dân chủ tự do từ bắt nguồn từ Tunisia cho đến Egypt đã làm chấn động thế giới, sự kiện bất ngờ này cũng gây chấn động không kém cho thế giới như cuộc cách mạng hàng loạt tại Đông Âu vào đầu thập niên 90. Từ đó, nhiều người hy vọng luồng gió này sẽ thổi đến Á Châu trong một ngày rất gần, trong đó có Việt Nam. Đồng thời, đại đa số người những người yêu tự do, hoà bình đều tỏ ra vui mừng trong niềm tin và hy vọng một sự giải thoát thực sự sẽ phải đến với những kiếp người lầm than dưới những chế độ độc tài toàn trị như tại Tunisia và Egypt, để cùng nhau chia sẻ ánh sáng hạnh phúc, ấm no cùng nhân loại. 
 
Trước biến cố bất ngờ này, nhìn lại Việt Nam chắc chắn ai cũng hiểu, muốn có một hình ảnh Tunisia tại Việt Nam không phải chỉ vui mừng và hy vọng mà có, nó đòi hỏi nhiều yếu tố mà Việt Nam hiện tại chưa thấy một dấu hiệu nào có thể xẩy ra. Tất cả những tiếng nói đấu tranh hiện tại vẫn là những tiếng nói đơn lẻ của từng cá nhân mang tính thu hẹp, chưa có đủ phương tiện hay cơ hội có thể lan rộng đến toàn thể người dân, hầu có thể gây ý thức và vận động tập hợp sức mạnh. Nhiều người cũng cho rằng, những cuộc nổi dậy ở Tunisia, Algeria, hay ở  Egypt  đều là những cuộc “cách mạng không lãnh tụ” không có tổ chức, mà do sự đột phá của người dân khi không còn chịu đựng được những áp bức, bất công của xã hội do chế độ tạo ra. Dựa trên quan điểm này một số người tỏ ra trách móc người dân Việt Nam không có ý thức đấu tranh
 
”Quá an phận và nhẫn nhục” như lời Ls Lê Thị Công Nhân đã nhận định trong một bài phỏng vấn của RFA mới đây. 
 
Nhìn vào thực trạng của đất nước, Ls Công Nhân nhận định: “Tôi cảm thấy là cho tới giờ phút này, chế độ độc tài toàn trị VN vẫn bưng bít được thông tin, vẫn ngăn chặn được những sự kiện cách mạng dân chủ đang nổ ra tại hàng loạt những xứ Ả Rập như vậy”. Và cũng từ sự bưng bít thông tin cuả CSVN, Ls Lê Thị Công Nhân cho biết: ”Trong dân cư VN, trong cộng đồng mà tôi đang sống giữa thủ đô Hà Nội thì theo cảm nhận của tôi thực sự là những sự kiện ấy không ảnh hưởng đáng kể gì đến dân chúng. Nhiều người tôi thấy họ chẳng biết Tunisia là ở đâu hay Bắc Phi là ở chỗ nào. Một mặt thì khoảng cách địa lý khá xa xôi, mặt khác về văn hóa có một sự khác biệt rất lớn... Nhưng theo tôi, sự khác biệt quan trọng ở đây là hướng tiêu cực nghiên về phía VN. Tức là dân VN chúng ta, phải thẳng thắn mà nói, quá an phận và nhẫn nhục. Cho nên sự thay đổi theo hướng như các nước vừa nói thì có lẽ trong tương lai gần, tôi không nghĩ có ảnh hưởng gì nhiều tới VN”. Nói như thế có nghĩa là đại đa số người dân Việt Nam thiếu thông tin, không hiểu và cũng chẳng biết được những gì đang xẩy ra trên thế giới, con số người biết vẫn là một con số rất hạn hẹp, thậm chí những tin tức nội điạ người dân cũng không được biết rõ ràng, thì đòi hỏi gì ở người dân bây giờ? 
 
Cũng trong biến cố này, Bs Nguyễn Đan Quế nhận định: "Việc đầu tiên cần phải nói là phong trào dân chủ nằm trong xu thế toàn cầu. Chúng tôi nương theo cả một xu thế toàn cầu, nghĩa là có được sự ủng hộ, hoan nghênh của xu thế thời đại. Bây giờ xu thế thời đại đang nằm trong tay của những người hoạt động trong nước này”. 
 
Với nhận định này của Bs Quế đã như một lời xác định, dưới chế độ độc tài, toàn trị bưng bít thông tin như CSVN, nhiệm vụ đưa tin bằng mọi cách là của những người đã biết, nhất là những người được mệnh danh là “nhà đấu tranh dân chủ” . Bởi lẽ “Bây giờ xu thế thời đại đang nằm trong tay của những người hoạt động trong nước này”,  mặc dù BS Quế không nói rõ “những người hoạt động trong nước này” là ai, hoạt động gì, nhưng có lẽ ai cũng hiểu đó là “Những nhà hoạt động đòi dân chủ” của hiện tại. Một khi người dân đã biết, đã hiểu, tất nhiên họ sẽ quan tâm, đặt vấn đề suy nghĩ và có thể tự tìm ra một hướng đi rõ ràng. Bằng ngược lại người dân bị bưng bít, không hiểu biết gì, mà lại trách họ “Quá an phận và nhẫn nhục” thì e rằng không đúng.
 
Nếu đi ngược dòng lịch sử từ cổ chí kim, từ đông sang tây tất nhiên sẽ thấy, khi nói đến một giai đoạn, một biến cố lịch sử của một đất nước, chăc chắc không thiếu sự hiện diện và trách nhiệm của tầng lớp “sĩ phu” với ngày xưa và có thể nói là tầng lớp trí thức ngày nay. Cũng xin nhấn mạnh ở đây, trí thức đúng nghĩa là những người dùng trí để thức ngộ hoàn cảnh đất nước, nhận biết và thấm nhuần cái đau của dân và cái nhục của nước để cùng chia sẻ đến nhân quần, xã hội, hầu tạo một ý thức chung cùng dân tộc. Đồng thời những người này cũng là những người đưa ra phương cách thực hiện những cuộc cách mạng nếu có cơ hội, mặc dù có thể họ không phải là lãnh tụ của bất cứ một tổ chức chính trị hay đảng phái nào. Đó chính là “sĩ phu” của thời đại hôm nay. Do đó, có lẽ không ai có thể phủ nhận một cuộc cách mạng có thể không cần lãnh tụ, nhưng chắc chắn không thể thiếu lãnh đạo. Những người lãnh đạo phong trào có thể không lộ diện, nhưng nếu không có những người hoạch định kế hoạch vận động, hò hẹn thì làm sao người dân nhận biết đươc mục tiêu, ngày giờ, địa điểm để cùng tập trung thực hiện. 
 
Nhìn vào thực tại, không thể nói đại đa số người dân Việt Nam không hiểu CS, không bất mãn với những gì đã và đang xảy ra, đè nặng lên đời sống xã hội từ chế độ độc tài, toàn trị CSVN. Tuy vậy, người dân cũng không thể tự nhiên chạy ra đường la hét đòi một sự thay đổi, mà họ cần một sự hướng dẫn vận động, làm sao cho họ có được một ý thức sự tương quan con người với xã hội, một niềm tin từ phong trào, mục đích, một niềm tin của một ngày mai tươi sáng. Điều này được đòi hỏi trách nhiệm nơi tầng lớp “sĩ phu”, những người hiểu biết và đảm lược. Tập thể dân tộc có thể ví như là những hoá chất dùng chế tạo thuốc nổ, đang cần những “chuyên gia” kết hợp thành khối thuốc nổ và châm ngòi. Như vậy, không thể đổ lỗi cho người dân thiếu ý thức hay “quá an phận và nhẫn nhục”. Nói như vậy e rằng sẽ là tạo ra một phản ứng ngược, làm người dân mất niềm tin nơi đấu tranh, và sự vận động, gây phong trào sẽ gặp khó khăn hơn trong tương lai.
 
Cũng trong vấn đề này, theo cụ Nguyễn Trãi “Dân là nước, chế độ chỉ là thuyền, nước có thể đưa thuyền và cũng có thể lật thuyền”. Tuy nhiên, dòng nước lúc nào cũng hiền hòa, nhẹ nhàng, muốn có sóng lớn để lật được chiếc thuyền của kẻ cướp, tất nhiên cần những luồng gió mạnh thổi đến, cuộn nước thành sóng. Những luồng gió mạnh đó chính là những “sĩ phu” yêu nước và đảm lược và đó cũng là những người gây dựng và lãnh đạo. Người xưa có câu “Lãng Thủy vô tình, nhân, phong xô diện”, Lãng thủy” lúc nào cũng có sẵn, nhưng còn “Nhân, phong” ở đâu thì chưa thấy xuất hiện tạo sự “xô diện” cho dòng nước để dòng nước có cơ hội bùng lên thành cơn sóng lớn.
 
Xoay quanh sự kiện nổi dậy đòi dân chủ tự quyết của người dân Tunisia và Egypt, Ls Lê Thị Công Nhân tỏ ra lạc quan cho rằng: “Và tôi tin chắc rằng những người lãnh đạo của CSVN nói riêng và cả đảng CS nói chung sẽ quan tâm và suy nghĩ. Vì thực chất họ biết là có những tương đồng với những thế chế bị lật đổ đó, nên họ phải suy nghĩ đến sự đổi thay." Tuy nhiên, theo nhận của những người am tường CSVN lại cho rằng, với làn sóng dân chủ bùng lên tại Tunisia và Egypt, e rằng sẽ làm cho CSVN rút kinh nghiệm thêm, cũng giống như  biến cố CS cáo chung tại Đông Âu trong đầu thập niên 90. CSVN sẽ xiết chặt hơn để ngăn chặn một sự kiện tương tự như Tunisia hay Egypt tại Việt Nam, hầu có thể củng cố địa vị, tiếp tục “sự nghiệp” buôn dân, bán nước đã và đang thực hiện từ hơn nửa thế kỷ qua. Với nhận định này không phải vô lý, nó cũng chẳng khác gì di ngôn của cố Tổng thống nước Nga Boris Yeltsin để lại “CS chỉ thay thế, không thể thay đổi”.
 
Sau cùng, muốn có một cuộc cách mạng xuất phát từ dân như Tunisia hay Egypt, không cần đi tìm lãnh tụ, nhưng vẫn cần tổ chức và  lãnh đạo, dù chỉ là lãnh đạo từng nhóm nhỏ, tổ chức và kết hợp thành một khối, gây ý thức và vận động tạo phong trào trong toàn dân. Điều này cần sự khôn khéo và tích cực từ giới “sĩ phu” đảm lược. Tuy vậy, có lẽ ai cũng biết câu “Tri dị, hành nan”, nhất là dưới chế độ độc tài toàn trị và tàn nhẫn CSVN, tất nhiên không thể công khai bất cứ điều gì. Vì vậy, hy vọng có những bậc “sĩ phu” đã và đang hoạt động ngầm trong lòng dân tộc, và đến một lúc nào đó khi thời cơ chín mùi,  lúc đó chắc chắn sẽ những sự kiện tương tự như Tunisia hay Egypt phải xẩy ra và bình minh chắc chăn sẽ phải ló dạng, sưởi ấm mảnh quê hương đã bị tàn tạ, hoang lạnh gần một thế kỷ qua. “Bây giờ xu thế thời đại đang nằm trong tay của những người hoạt động trong nước này”. Thành hay bại, có hay không, tùy thuộc vào những bàn tay, khối óc, con tim của từng người Việt Nam dù bất cứ nơi đâu trên thế giới
Tài liệu tham khảo:
Thanh Quang, 2011, "Các nhà dân chủ VN nghĩ gì về cuộc cách mạng hoa lài". RFA, ngày 26 tháng 2, 2011