"...trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng..."

“Tấn Thối Lưỡng Nan”

Posted by Lien Mang Viet San Saturday, July 16, 2011

Trong những ngày gần đây, sự kiện biển đông đã trở nên sôi nổi trong dư luận khắp thế giới, mặc dù những chuyện xẩy ra không phải là điều mới lạ, mà từng xẩy ra trong nhiều năm qua. Riêng với cái nhìn của người dân Việt Nam, bỗng nhiên đã trở nên nghiêm trọng như một hiện tượng rất lạ, phải chăng đây là hiện tượng báo hiệu một sự “tức nước, vỡ bờ” khi sức chịu đựng của con người đã vượt qúa mức giới hạn. Tuy nhiên theo dư luận chung, tất cả những phản ứng vẫn còn rất hạn chế và khiêm nhường, dường như đang chờ nơi thái độ ứng xử của đảng và nhà nước CSVN. Trong sự chờ đợi này, một số người hy vọng CSVN sẽ giác ngộ quay về cùng dân tộc, dùng sức mạnh dân tộc làm tiềm năng đối ngoại bảo vệ giang sơn. Ngược lại, đa số lại tỏ ra thất vọng, và sự thất vọng có vẻ đã lên đến một đỉnh cao, vì họ cho rằng hèn nhược đối với Trung cộng là một bản chất cố hữu bất khả di của đảng và nhà nước CSVN.

Nhận định về thái độ ứng xử của đảng và nhà nước CSVN, một số cho rằng đảng và nhà nước CSVN không hèn, nhưng vì không đủ lực đối đầu với Trung cộng, nên đành phải “Nín thở qua sông”, nếu tỏ thái độ cứng rắn trực diện đối đầu để bảo vệ chủ quyền, e rằng sẽ làm mất lòng quan thầy và tạo ra chiến tranh, xương lại rơi, máu lại đổ, tất cả thiệt thòi, cuối cùng chỉ có người dân Việt Nam là thành phần phải gánh chịu toàn thể hậu quả. Với nhận định này đã được đa số cho là một sự phỉ báng tinh thần dân tộc của người dân Việt, trong khi tinh thần yêu nước và truyền thống bất khuất của dòng lịch sử hơn bốn ngàn năm vẫn còn đó, người dân Việt không bao giờ có thể bình tĩnh cúi đầu nhìn giang sơn đang mất dần trong tay ngoại bang một cách nhục nhã giống như đảng và nhà nước CSVN. Người dân Việt luôn sẵn sàng bảo vệ tổ quốc khi lâm nguy. Hơn nữa, đây là thời điểm của thế khỷ 21, không phải thời tiền sử hay trung cổ mà có thể ỷ thế mạnh hiếp yếu một cách trắng trợn như xưa. Sự không đủ lực của Việt Nam thì ai cũng biết, nhưng còn công luận, công pháp quốc tế ở đâu,  sao không thấy đảng và nhà nước CSVN thực hiện.

Nói về khả năng cuộc chiến có thể xảy ra hay không, theo một số phân tích và nhận định, dù CSVN có tỏ ra cứng rắn, dứt khoát chăng nữa, một cuộc chiến đẫm máu cũng khó có cơ hội xẩy ra. Sự ngang ngược cuả Trung cộng đối với Việt Nam chỉ là sự “nắn gân”, nếu mềm thì “nằn tiếp”, nếu rắn thì buông. Bởi lẽ một khi Trung cộng khai diễn cuộc chiến cũng rất nhiêu khê và phức tạp, tất nhiên không chỉ với Việt Nam, mà họ phải đối đấu với nhiều quốc gia trong vùng, nhất là những quốc gia trong vùng tranh chấp đã từng bất mãn nhiều năm. Đồng thời với những phong trào nổi dậy đòi độc lập hay tự trị trong nội địa Trung cộng cũng sẵn sàng bùng nổ mạnh khi có chiến tranh xảy ra. Hơn nữa vì quyền lợi chung, tất nhiên một số cường quốc Âu Mỹ cũng sẽ phải quan tâm, can thiệp. Như vậy, Trung cộng sẽ bị cô lập về đối ngoại, xáo trộn trong đối nội, làm sao cò thể kiện toàn. Đây cũng là yếu tố quan trọng khiến cuộc chiến khó xẩy ra và cũng là một mối ưu tư lớn của Trung cộng trong hiện tại. Chính vì thế mà Bộ ngoại giao Trung cộng đã tuyên bố sẽ “không giải quyết những tranh chấp trên biển Đông bằng vũ lực”, và kêu gọi “các nước trong vùng liên quan nên tự chế để có thể giải quyết thỏa đáng trong ôn hoà qua đàm phán ngoại giao”. Như vậy, luận điểm chỉ vì lực yếu mà chịu nhục, không dám dứt khoát bày tỏ quan điểm, lập trường về chủ quyền đất nước bằng những hành động cụ thể, chắc chắn không thể thuyết phục được ai. Bằng chứng, trong tranh chấp vùng biển đông không chỉ có Tầu cộng và CSVN mà còn nhiều quốc gia khác trong vùng, trong đó có Philippines. Riêng Philippines là một quốc gia nhỏ hơn và có tiềm năng quân sự yếu hơn Việt Nam rất nhiều. Tuy nhiên họ vẫn có thái độ cứng rắn trong lập trường bảo vệ chủ quyền của họ. Bằng chứng, sau những bức thư ngoại giao lên Liên Hiệp Quốc để phản đối sự khoanh vùng lưỡi bò của Trung cộng, họ cũng đang chuẩn bị gởi lên LHQ một bản phúc trình về những hành động bá quyền của Trung cộng trên vùng biển thuộc quần đảo Trường sa. Philippines cũng đưa một số tầu chiến đến biển Đông để sẵn sàng đối phó với những sự ngang ngược của Trung cộng. Ngoài ra, Philippines còn nhổ những cọc lạ trên ba bãi đá ở vùng biển đang tranh chấp . Như vậy, lý do không đủ sức mạnh quân sự mà phải cúi đầu chịu nhục hoàn toàn sai trái. Đó chỉ là những lời ngụy biện của những kẻ yếu hèn, mang bản chất nô lệ.
Cũng trong vấn đề này, Lê Đức Anh, một cựu Chủ tịch nước của CSVN cũng nhìn nhận “Muốn bảo vệ chủ quyền ờ biển Đông, phải giữ thái độ không sợ... Công khai thông tin là cách thể hiện sự đồng thuận và sức mạnh toàn dân”. Nhận định này rất chính xác và sáng suốt, nhưng rất tiếc Lê Đức Anh chỉ dám nhận định khi đã hết quyền lực. Còn lúc đương thời thì cũng “Cá mè một lứa”, cũng kính cẩn tung hô khẩu hiệu 4 tốt và 16 chữ vàng như  đảng và nhà nước hiện tại, chẳng có gì khác biệt.

Nhận định về sự “sáng suốt” và chính xác của Lê Đức Anh, đi ngược dòng lịch sử để thấy được mặc dù ngày xưa dân trí còn thấp kém, chưa có sự bang giao quốc tế, chưa có công pháp quốc tế như ngày nay. Hơn nữa, các triều đại chống Tàu trong suốt cả nghìn năm, cũng chẳng có triều đại nào có sức mạnh ngang hàng với Tầu, thế nhưng tại sao tổ tiên vẫn có những chiến thắng lừng lẫy. Điều này thiết nghĩ có lẽ ai cũng biết, tổ tiên giữ vững và phát triển được giang sơn là nhờ vào sự khôn khéo biết nhu, cương đúng lúc. Ngoài ra yếu tố quan trọng nhất chính là sự đồng thuận với toàn dân, tất cả các triều đại chiến thắng Tầu đều nhờ vào niềm tin và sự đồng thuận của toàn dân, triều đình và toàn dân xiết chặt bàn tay, cùng chung một ý chí, một tâm huyết trong tình yêu nước. Ngược lại, ngày nay CSVN chỉ biết nịnh bợ ôm chân Tầu cộng, đàn áp và khống chế người dân, thậm chí tình yêu nước của dân tộc cũng bị bóp nghẹt. Người dân Việt Nam đã không có một tí niềm tin nào vào đảng và nhà nước. Đảng và nhà nước CSVN luôn coi dân như nô lệ dùng để bóc lột và hành hạ. Một nhà nước mà chỉ biết dùng vũ lực khống chế dân như CSVN thì chuyện làm tay sai cho ngoại bang để củng có địa vị cũng không phải là một chuyện lạ... Để chứng minh cho điều này, không cần nghiên cứu xa xôi, chỉ cần nhìn vào những cuộc biểu tình chống Tầu tại quốc nội trong mất ngày qua sẽ rõ. Người dân phẫn uất vì sự ngang ngược của Tầu cộng, nói lên tiếng nói của họ bằng những bàn chân gầy guộc niềm tin, mặc dù yếu ớt và lác đác, nhưng đảng và nhà nước vẫn cố gắng ngăn cấm, đàn áp. Như vậy, thử hỏi đảng và nhà nước CSVN đang làm việc cho ai? Cho dân Việt, nước Việt hay cho Tầu cộng. Đây là một câu hỏi lớn mà hầu như đại đa số đã có câu trả lời.
Xoay quanh vấn đề tại biển Đông, một số nhận định cho rằng đây là lúc đảng và nhà nước CSVN tỏ ra lo lắng và sợ hãi nhất trong suốt dòng lịch sử đảng của họ. Nỗi sợ hãi xuất phát từ sự mất niềm tin, đảng và nhà nước CSVN không tin dân và ngược lại dân cũng không tin đảng và nhà nước. Tuy nhiên, trong lúc nguy cấp, sôi động này, nếu nhà nước CSVN dám vận động dân, cho dù chỉ là vận động ngầm, chắc chắn những cuộc xuống đường biểu tình lên án sự xâm lăng ngang ngược cuả Tầu cộng sẽ quy mô, có thể lên đến con số hàng triệu người, và đó là điều thể hiện sức mạnh của dân tộc. Từ đó, đảng và nhà nước CSVN có thể dựa vào để hiên ngang đối diện sự việc, đồng thời cũng là một tiếng vang mãnh liệt để quốc tế phải quan tâm tích cực hơn. Điều này, thiết nghĩ đảng và nhà nước CSVN cũng đã biết, cho dù có ngu độn không nhìn ra, nhưng chắc chắn đã có nhiều người dạy cho biết, thế nhưng rất tiếc vì bản chất gian tham cố hữu, tham quyền cố vị, đảng và nhà nước CSVN lại sợ hãi không dám thực hiện, họ sợ nếu để cho dân tự do bày tỏ lòng yêu nước thì lại e rằng sẽ tạo ra một tiền lệ khó dẹp bỏ sau này, hoặc rất có thể người dân vừa chống Trung cộng xâm lăng vừa lên án chống đảng và nhà nước về tội buôn dân bán nước, cướp của, giết người mà người dân bị dồn nén từ nhiều thập niên qua. Ngược lại, nếu đảng và nhà nước CSVN tiếp tục nhu nhược, hèn hạ ôm chân Tầu cộng thì cũng không ổn, đất nước cũng sẽ mất, cùng lắm đảng CSVN được trở thành những tên Thái thú tay sai, và lúc đó trong cái thế “tức nước vỡ bờ”, người dân cũng không thể tiếp tục im lặng hay nhẹ nhàng, mà ngược lại những trận cuồng phong sẽ xuất hiện, quét sạch chế độ, nhận chìm trong hố sâu của lịch sử.

Tóm lại trong cái thế “Tấn, thối lưỡng nan” này, thiết nghĩ CSVN chỉ có một con đường duy nhất là phải trở về với chính nghĩa dân tộc, trả lại quyền tự quyết cho dân tộc, trả lại tự do và nhân quyền, cùng xiết chắt tay với toàn dân để vực dậy sức mạnh dân tộc mà chính CSVN đã kiềm chế từ gần một thế kỷ qua. Chỉ có thế mới có thể giữ vững được chủ quyền đất nước và đoái công chuộc tội với dân tộc và tổ quốc. Bằng ngược lại, cứ tiếp tục ôm chân Trung cộng, khống chế lòng yêu nước của dân tộc, có lẽ kết quả đảng và nhà nước sẽ nhận được là một hoàn cảnh tang thương khó lường. Đây là một khúc quanh của lịch sử để đảng và nhà nước lựa chọn, và cũng là lúc vận nước bắt đầu phải xoay chuyển, nhanh hay chậm còn tùy vào sự cương quyết và ý chỉ của toàn dân.

Phạm Thanh Phương (Úc Châu)

0 Responses to “Tấn Thối Lưỡng Nan”