"...trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng..."

 Phạm Thanh Phương (Úc Châu)

Từ hơn tháng qua, truyền thông trên khắp thế giới tập trung, đưa tin và bình luận về những biến động tại Tunisia, Egypt, Libya, Algeria, Syria, Iran một cách rất chi tiết và sôi nổi, và từ đó giới truyền thông Việt Nam cũng được phép tham gia để loan tải đến người dân một số hình ảnh và tin tức khá chính xác. Sự kiện này cũng đã tạo ra một sự ngạc nhiên đến nhiều người, nhất là giới quan tâm theo dõi tình hình chính trị của Việt Nam. Một số người cho rằng, sự kiện truyền thông Việt Nam được phép loan tải những tin tức này là một dấu hiệu đáng mừng, và đó cũng chứng tỏ thiện chí “cởi mở, thông thoáng” của nhà nước CSVN trước làn sóng đòi dân chủ đang bùng lên tại Bắc Phi và Trung Đông. Tuy nhiên đa số lại cho rằng, đây chỉ là một sự kiện bất đắc dĩ trong hoàn cảnh ngăn không được, bịt không xong, nên đành phải “thông thoáng” chút đỉnh, tiện thể lấy tiếng là đảng và nhà nước đã giác ngộ trong ý thức dân chủ, trong xu hướng “Dân chủ hoá toàn cầu” hiện nay.
Theo dõi truyền thông trong nước từ ngay những ngày đầu, khi làn sóng đòi dân chủ bùng nổ tại Tunisia, báo chí Việt Nam đưa tin một cách rất ì ạch và thận trọng, và mãi cho đến nay, mới thấy có vẻ dồn dập, sôi nổi chút đỉnh. Tuy nhiên nếu ai theo dõi sẽ thấy, trong sự dồn dập ấy vẫn chỉ là những bản tin thuần túy, không thấy một sự bình luận rộng rãi nào có thể gây chú ý, tạo sự quan tâm đến người dân, hầu có thể đưa đến một ý thức cách mạng, hay ý niệm dân chủ. Như vậy, sự kiện được một số người định nghĩa là “thiện chí “ cho lãnh vực truyền thông được “thông thoáng” của nhà nước CSVN có thật không, hay chỉ là một việc bất đắc dĩ không thể tránh.
Nói về giới truyền thông trong nước, có lẽ ai cũng biết, họ là những người hành nghề theo khuôn khổ, họ phải “học tập” rất kỹ trước khi hành nghề và luôn luôn được “giám sát” rất chu đáo dưới sự chỉ đạo của đảng CSVN, tất cả phải đi theo định hướng duy nhất, đó là “định hướng XHCN”, họ luôn cảnh giác những gì có thể và không thể đưa tin hay bình luận. Bất cứ sự “phá rào” nào cũng sẽ phải gánh chịu một hậu quả thê thảm có thể nguy hiểm đến sinh mạng và ảnh hưởng rất nặng nề đến với gia đình của họ như đã và đang xẩy ra cho một số ký giả đi hơi leo lề một chút. Vì vậy, sự kiện loan tin dồn dập về những biến động tại Bắc Phi và Trung Đông cũng không nằm ngoài quỹ đạo mà từ xưa đến nay họ phải theo.
Xoay quanh sự kiện, một câu hỏi nhiều người nêu ra, với những thông tin người dân Bắc Phi vùng lên chống độc tài, đòi dân chủ đã thành công, dĩ nhiên đó là những thông tin rất bất lợi cho những thể chế độc tài, toàn trị như CSVN, nhưng tại sao CSVN lại cho phép cho báo chí loan tin dồn dập như vậy? Phải chăng CSVN đang sợ, và từ sự sợ hãi ấy nên đảng và nhà nước đành phải thay đổi, cởi mở để tránh sự phẫn uất từ một Tunisia hay Egypt sẽ tràn đến Việt Nam trong một tương lai rất gần nào đó. Và từ đó, ánh sáng dân chủ tại Việt Nam sẽ trở về mà không cần phải cánh mạng, mà chính từ sự “thiện chí, giác ngộ” chuyển hoá của đảng và nhà nước CSVN? 
Tuy nhiên khi nhìn vào thực tế có lẽ ai cũng hiểu, với hệ thống kỹ thuật thông tin ngày nay, thế giới đã đưa con người đến gần nhau, gần đến độ không thể giấu giếm hay ngăn chặn bất cứ một sự kiện nào, nhất là những sự kiện nổi bật làm chấn động thế giới như tại Tunisia và Egypt vừa qua. Vì thế cực chẳng đã nhà nước CSVN bắt buộc phải “bật đèn xanh” cho giới truyền thông loan tin để hoà nhập cùng dòng thời sự thế gìới, tiện thể chứng tỏ được “thiện chí” của đảng và nhà nước đối với người dân Việt Nam nói riêng và xu thế “Dân chủ hoá” toàn cầu nói chung. Tuy nhiên, trong sự bất đắc dĩ này vẫn có sự cân nhắc và chỉ đạo kỹ lưỡng, những gì có lợi hay vô hại thì có thể một thổi phồng thành mười, những gì bất lợi thì mười sẽ thu hẹp lại thành một, đại khái là cũng có quan tâm đưa tin, để chứng tỏ CSVN không còn độc tài, bưng bít như xưa. 
Cũng trong sự kiện này, nhiều người quan tâm cho biết, hiện tại báo chí trong nước đang tập trung khai thác những diễn biến bất lợi đang xẩy ra sau lưng hai cuộc cách mạng tại Tunisia và Egypt một cách rất chi tiết, họ khai thác vào những bất ổn chính trị, kinh tế và xã hội mà người dân hai quốc gia này đang gánh chịu. Điều này rất có lợi cho CSVN, nó có thể tạo cho người dân Việt một suy nghĩ đơn thuần sợ hãi sự xáo trộn, tất nhiên họ sẽ  cố gắng bảo vệ cuộc sống èo uột mà họ đang có, còn hơn là mất tất cả khi có biến động, từ đó họ sẽ tránh xa những ý tưởng vùng lên. Ngoài ra, dựa theo một số suy đoán của giới bình luận trong thế giới tự do cho rằng, rất có thể những cuộc cách mạng ấy sẽ thất bại, có nghĩa là người dân tại Tunisia và Egypt vẫn không tìm được một sự dân chủ đích thực như mong muốn, ngược lại có thể sẽ bị rơi vào hoàn cảnh “Tránh vỏ dưa, lại gặp vỏ dừa”, tránh độc tài thì lại gặp quân phiệt, thì bao nhiêu công lao, xương máu của người dân đã trao ra lại trở thành vô nghĩa “Cốt khỉ vẫn hoàn cốt khỉ”... Mặc dù đó chỉ là những suy đoán, nhưng đối với một dân tộc đã bị đầy đọa, bưng bít quá lâu như người dân Việt Nam, tất nhiên sẽ vướng phải những cái nhìn rất gần, điều này sẽ có lợi rất nhiều cho đảng và nhà nước CSVN. Do đó, sự khai thác tin tức nửa vời của báo giới Việt Nam sẽ không tạo được một ảnh hưởng nào bất lợi cho đảng và nhà nước CSVN. Ngược lại, còn là những yếu tố để đám cò mồi được dịp tung hô đảng và nhà nước đã “giác ngộ” tạo sự  “thông thoáng” trong lãnh vực truyền thông...
Trên thực tế có lẽ ai cũng hiểu, chức năng và ảnh hưởng của truyền thông không chỉ đơn thuần là đưa tin, mà điều cần thiết, quan trọng hơn nữa chính là bình luận, phân tích, càng nhiều ngòi bút bình luận, phân tích, độc giả càng có nhiều cơ hội tìm hiểu, so sánh và tổng hợp để tạo cho chính họ một hướng đi. Sự bình luận đa chiều sẽ hấp dẫn được độc giả nhiều mặt và độc giả sẽ quan tâm nhiều hơn. Nếu chỉ đưa tin hạn chế “Theo định hướng XHCN” như báo chí trong nước thì có lẽ cũng chỉ tạo ra một sự ồn ào chút đỉnh với một số người nào đó, rồi đâu cũng vào đấy, nó giống như “nước chảy qua cầu”, không để lại một chút dư âm nào đáng ghi nhớ hay suy nghĩ. Đây chính là nét lưu manh đặc thù của những chế độ CS như CSVN. Như vậy, ngu gì mà CSVN không cho “thông thoáng” một chút trong sự kiện này.
Nếu nói về sự sợ hãi của CSVN, thực sự nó chỉ có thể xảy ra khi nào người dân hiểu được về chân giá trị và nguồn gốc đích thực, cùng nguyên nhân sâu xa của hai cuộc cách mạng tại Tunisia hay Egypt. Đó chính là sự bất mãn, chịu đựng của người dân dưới những chế độ độc tài ấy như thế nào và ý thức cách mạng đã được kết tụ âm ỷ từ lâu, đợi khi có cơ hội và trở thành hành động như hôm nay ra sao. Từ đó người dân mới có thể nhìn lại chính mình và chế độ, hầu có thể vùng lên đòi lại tự do dân chủ mà chế độ CSVN đã cướp đi của họ từ hơn nửa thế kỷ qua. 
Cũng trong sự kiện này, nhiều nhận định cho rằng Internet là một nguyên nhân chính đưa đến cuộc cách mạng, nhờ những lời kêu gọi trên những trang mạng Twitter, Blog hay  Facebook đã tập trung được nhân lực, kết hợp thành những cuộc biểu tình, điều này không sai và báo chí trong nước cũng có đề cập đến, thí dụ như  trang Saigon Tiếp Thị điện tử ngày 12/2 đã đưa tin: “Cuộc cách mạng ở Ai Cập và Tunisia thành công một phần nhờ vai trò của các mạng xã hội như Twitter, Facebook và cả Wikileaks. Facebook và Twitter đã kết nối mọi người lại với nhau, thực hiện thành công các cuộc xuống đường lớn trên cả nước”, nhưng rất tiếc không thấy kèm theo một lời bình luận nào mang tính sâu, rộng để có thể nới rộng hoặc hướng dẫn tư duy đến với người dân, để người dân có thể hiểu được nguyên nhân, bản chất và đường lối dẫn đến những cuộc cách mạng ấy như thế nào. Như vậy, thử hỏi nếu các mạng Twitter, Blog hay Facebook nếu chỉ đuợc dùng làm phương tiện liên lạc, kêu gọi, mà không dùng để tạo ý thức, niềm tin và mục tiêu đến với người dân thì chắc chắn một sự kiện tương tự như  Tunisia hay Egypt sẽ không bao giờ có thể xẩy ra tại Việt Nam.
Tóm lại, nhìn vào làn sóng chống độc tài, đòi dân chủ đã và đang diễn ra tại một số quốc gia Bắc Phi và Trung Đông, một số người cho rằng, với sự “giác ngộ” cuả CSVN để giới truyền thông trong nước được “thông thoáng”, chắc chắn làn sóng này sẽ tràn đến Việt Nam trong một ngày không xa, dân Việt Nam sẽ có những ngày an vui, cùng xiết chặt tay nhau xây dựng đất nước giầu mạnh. Tuy nhiên điều này rất khó xẩy ra, vì những chế độ độc tài ở Egypt và Tunisia khác xa CSVN như lời LM Nguyễn Văn Lý đã nhận định qua làn sóng RFA: “Chế độ độc tài tại Ai Cập và Tunisia còn non kém, khác xa với chế độ độc tài có khoa học của chủ nghĩa Lenine”. Đồng thời LM Lý cũng cho biết “Sự thông hiểu và ý thức về sự kiện tại Ai Cập và Tunisia hiện còn đang nằm trong nhận thức của một số người có theo dõi, chứ chưa liên quan đến từng tế bào, gân, thịt của người dân...” Từ đó, Việt Nam muốn có một sự thay đổi như Egypt hay Tunisia, điều quan trọng, LM Lý cho rằng những “nhà đấu tranh dân chủ” phải nỗ lực hơn và khôn khéo hơn để “Làm sao để người dân Việt Nam thoát khỏi sự sợ hãi và dối trá” đó chính là nền tảng của cách mạng. Thiếu nền tảng này, tất nhiên những hy vọng cách mạng sẽ trở thành ảo vọng. Vì thế, nhận định báo chí Việt Nam đã có một sự “thông thoáng” từ ý thức, giác ngộ hay sợ sệt của đảng và nhà nước CSVN là những điều mơ hồ, nếu không muốn nói là bịp bợm, mỵ dân.