"...trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng..."

-Phạm Thanh Phương (Úc Châu)-

Khác với những lần bầu cử quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp những lần trước, lần này trong dịp bầu cử quốc hội khóa 13, nhà nước CSVN và khối truyền thông trong nuớc đã tạo ra một không khí ồn ào hơn. Với những nhận định, quan tâm, phỏng vấn cử tri và phỏng vấn ứng viên rất sôi nổi. Ngoài ra, cũng có những đóng góp ý kiến đóng góp từ những đại biểu quốc hội đương nhiệm và tiền nhiệm với những kinh nghiệm, nhằm hướng dẫn các ứng viên mới về cách vận động, chức năng và bổn phận của một đại biểu khi ứng cử và khi đắc cử một cách rõ ràng. Tuy vậy, đại đa số người dân vẫn cho rằng tất cả chỉ là bánh vẽ, có nói gì chăng nữa cũng chỉ là những giọt rượu cũ được trút sang một chiếc bình mới, chẳng có gì đặc biệt đáng qua tâm.

Nhìn vào hình thức cuộc bầu cử khoá 13 sắp tới đây, người ta có thể thấy được một sự cải tiến khá hấp dẫn như lời khuyến cáo của ông Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ Nhiệm văn phòng quốc hội CSVN. Theo kinh nghiệm, ông Dũng cho biết
“khi tiếp xúc với cử tri, nếu các ứng viên trình bày đường lối, chủ trương hành động của mình theo kiểu học thuộc bài, cử tọa có thể vỗ tay, hoan nghênh, nhưng chưa chắc cử tri sẽ dồn phiếu cho những người ăn nói lưu loát, hấp dẫn người nghe, vì lý thuyết và thực hành khác xa nhau rất nhiều”. [1]
Điều này không sai, nhưng trên thực tế chính ông Dũng cũng đang nói toàn lý thuyết, bởi lẽ ai cũng biết cử tri dưới chế độ CS chưa bao giờ quan tâm việc phải dồn phiếu cho ai, vì họ thừa biết lá phiếu của họ chỉ là một sự trang trí cho chế độ, thực chất danh sách ứng viên đắc cử đã có sẵn, không thể thay đổi trong chính sách “Đảng cử, dân bầu”, trong suốt dòng lịch sử CSVN. Hơn nữa, dưới chế độ độc tài toàn trị CSVN chưa bao giờ có được thế “Tam quyền phân lập”, mà chỉ là “Tam quyền phân công”. Hành pháp, Tư pháp và Lập pháp đều là những cơ quan được dùng để thi hành chỉ thị của đảng, họ không thể lên tiếng và hành động theo lẽ phải, hay đáp ứng nguyện vọng của người dân. Như vậy, các ứng viên có hay, có giỏi hay có khôn khéo mấy chăng nữa trong vận động, cũng chỉ nói cho vui, giống như một diễn viên trong vở kịch, khi sân khấu đã khéo màn thì “cốt khỉ lại hoàn cốt khỉ”. Do đó, tại sao những ứng viên chỉ cần học thuộc bài, khỏi cần phải quan tâm đến trình độ cử tri, cũng chẳng cần quan tâm đến việc phải thực hiện đúng những gì đã “trả bài” trước cử tri.

Cũng trong những nhận định về vai trò đại biểu quốc hội hay “hội đồng nhân dân” các cấp, đa số dư luận cho rằng những người thực sự có tài, có tâm huyết với đất nước, muốn lo cho dân được một cuộc sống ấm no, muốn nhân quyền và nhân phẩm của người dân được tôn trọng thì họ lại không dám đệ đơn xin ứng cử với một số lý do điển hình như không đủ điều kiện để được đề bạt, dù có vận động để được đề bạt cũng khó lòng mà đắc cử. Hơn nữa, dù những người này có khôn khéo luồn lách để đi qua được hai cửa aỉ đề bạt và đắc cử chăng nữa thì chắc chắn họ sẽ trở thành một “ông phỗng” nơi nghị trường, nếu họ không muốn trở thành tội nhân của chế độ với những tội danh điển hình như "âm mưu lật đổ chế độ" hay "tiết lộ bí mật nhà nước",v,v...

Nhìn vào hoàn cảnh đất nước dưới chế độ độc tài, toàn trị CSVN từ hơn 60 năm qua với miền Bắc và 36 năm qua với miền Nam, chắc chắn không ai có thể ngộ nhận CSVN là một tập đoàn cai trị có thể có ý thức và giác ngộ để đưa đất nước và con người hướng thượng, mà chỉ toàn thấy đưa cả một đất nước và dân tộc hướng hạ đến tận cùng.

Nếu một người nào đó cho rằng những đại biểu quốc hội hay các hội đồng nhân dân các cấp được quyền nói lên tiếng nói trung thực từ những tư duy của họ để tranh đấu quyền lợi cho dân, thì thử hỏi tại sao những bất công vẫn tràn lan, càng ngày càng tăng, chưa bao giờ thấy giảm. Và nếu nói rằng các đại biểu không phải là một công cụ để đảng CSVN xử dụng như con rối, thì chẳng lẽ tất cả đã bị mù hết sao mà họ không thấy những bất công, băng hoại của xã hội. Biết bao nhiêu oan khiên đã và đang ngự trị trên từng nẻo đường đất nước, quốc hội và các đại biểu đã thấy gì và làm gì? Đây là một câu hỏi lớn và không có câu trả lời từ nhiều thập niên qua, từ khi các đại biểu xuất hiện. Cũng chính vì thế người dân đã mất hết niềm tin nơi hệ thống cầm quyền, có nói gì chăng nữa cũng chẳng ai thèm quan tâm.

Nhìn lại thập niên vừa qua, từ những việc dâng đất, biển cho Trung cộng qua hai hiệp định “Phận định lãnh thổ và lãnh hải” do Lê Công Phụng Ký trong hai năm 1999 và 2000; Hiện tượng mất Hoàng Sa và việc cho Trung cộng “thuê dài hạn” 300 ngàn Hecta đất thuộc 10 tỉnh biên giới phiá bắc, thậm chí ngư dân Việt Nam bị Trung cộng bắt giữ, hành hạ và sát hại, quốc hội cũng có làm được gì ? Đó là đối ngoại, còn lại đối nội thì lại quá nhiêu khê, người dân phải ngụp lặn trong một xã hội rối beng như một đống rác, ai là người quan tâm và giải quyết? Lãnh vực y tế thì lạc hậu, bất công. Giáo dục suy đồi, bằng cấp đem rao bán như mớ rau, ký cá, xã hội đầy rẫy tệ đoan, tôn giáo bị trù dập, bắt bớ, cầm tù bừa bãi, tùy tiện... Một vấn đề đặc biệt đã trở thành một câu chuyện dài nhiều tập với tự đề “Dân oan” vẫn tiếp diễn suốt mấy chục năm qua, quốc hội và đại biểu các cấp có thấy không? Nếu thấy thì họ đã làm được gì để giúp đỡ cho những người dân khốn cùng đang lang thang “khiếu kiện” vì nhà, đất, ruộng vườn của họ đã bị cướp đi một cách trắng trợn chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại.

Thực ra, nếu nói rằng quốc hội CSVN hoàn toàn chỉ biết im lặng cúi đầu “nín thở qua sông” thì không đúng hẳn, họ cũng có lên tiếng, lên tiếng một cách lác đác như những những chiếc lá thu cuối mùa. Hơn nữa sự lên tiếng của họ cũng phải được chỉ thị từ đảng để tạo ra một bình phong dân chủ che mắt thế gian, giống như cảnh “:cỡi ngựa xem hoa” cho vui, cuối cùng cũng chẳng có gì ảnh hưởng đến ai. Điều này có lẽ ai cũng nhìn thấy qua hiện tượng ồn ào như họp hành khuyến cáo nhà nước ngưng thực hiện dự án cho nước ngoài khai thác Bauxite, ngưng các hợp đồng cho nước ngoài thuê rừng dài hạn, làm ảnh hưởng đến an ninh lãnh thổ, chủ quyền quốc gia, tác hại đến môi trường,v,v.. Tất cả, rộ lên như một trái bóng rồi lại xẹp lép để đi vào quên lãng một cách rất ư là tự nhiên.

Tóm lại, dưới chế độ độc tài, toàn trị CSVN, đại biểu quốc hội hay đại biểu hội đồng nhân dân các cấp chẳng khác nào những con rối cuả đảng, đảng giựt dây nhảy muá cho vui, đồng thời dùng làm bình phong ra chuyện dưới chế độ CSVN vẫn có dân chủ, người dân vẫn được chọn người đại diện để bảo vệ nhân phẩm và quyền lợi của họ. Điều này chỉ có thể bịp được quốc tế, tạo điều kiện để một số nước có lý do chính đáng để bang giao qua quyền lợi, nhưng đối với người dân Việt thì không thể. Chính vì vậy, tại sao suốt mất chục năm qua dưới chế độ CSVN, người dân không quan tâm đến sự bầu chọn “người dại diện”, mặc dù đảng và nhà nước cố tạo sự sổi nổi để gây chú ý, nhưng tất cả vô hiệu. Một điều bất khả chối từ như một chân lý mà ai cũng biết là dưới một chế độ lạc hậu, độc tài, toàn trị như CSVN thì muôn đời chẳng bao giờ có thể giác ngộ thay đổi để thăng hoa đất nước và dân sinh. Dù có tạo sự kiện ồn ào ra sao chăng nữa, thì cũng không ra ngoài câu tục ngữ “Mười voi không được một bát mước xáo”. Muốn người dân quan tâm, hăng hái tham gia sự lựa chọn người đại diên cho họ, chỉ khi nào quyền làm người của họ thực sự được tôn trọng, lúc đó sự lựa chọn của họ mới có giá trị và những đại diện họ đã tin bầu ra cũng sẽ được quyền tự do bảo vệ họ. Muốn được như thế, đảng và nhà nước CSVN phải ra đi, trả lại tự do, dân chủ cho toàn dân. Ngược lại, một ngày CSVN còn tồn tại, ngày đó người dân vẫn phải lầm lũi đi trong bóng tối của nhân loại và cũng chẳng thèm quan tâm đế hệ thống cai tri, ngoài sự cảnh giác và sợ sệt cho bản thân.
Tài Liệu Tham Khảo
[1]
Đỗ Hiếu, 2011, Cử tri sẽ bầu người đại diện xứng đáng, RFA
http://rfavietnam.wordpress.com/2011/05/10/c%E1%BB%AD-tri-s%E1%BA%BD-b%E1%BA%A7u-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-d%E1%BA%A1i-di%E1%BB%87n-x%E1%BB%A9ng-dang/

-Phạm Thanh Phương (Úc Châu)-

Trong những ngày gần đây, dư luận quan tâm và bàn tán rất nhiều về vụ án buôn người xẩy ra tại Texas Hoa Kỳ, một vụ án liên quan mật thiết đến nhà cầm quyền CSVN. Một vụ án mà đa số người Mỹ cho là một việc quái đản, khó có thể chấp nhận trong xã hội văn minh tiến bộ của thế kỷ 21 này. Tuy thế, nhưng đối với Việt Nam, những sự kiện này cũng không có gì được gọi là mới lạ, để lấy làm ngạc nhiên, mà chỉ là một câu chuyện dài nhiều tập, đã xuất hiện từ khi chế độ CS hình thành trên đất nước Việt Nam.

Những sự kiện buôn người tại Việt Nam dưới chế độ CS đã được thực hiện qua rất nhiều hình thức từ sự cấu kết giữa tập đoàn cai trị và băng đảng xã hội đen, hoặc chính thức qua các công ty môi giới, mà nạn nhân cũng thuộc nhiều lứa tuổi, nhiều thành phần. Điều dã man và tang thương nhất là hàng trăm ngàn trẻ em tuổi từ 5 đến 14 đã được “xuất khẩu” làm nô lệ tình dục tại các nước lân bang, những phụ nữ bị buôn bán qua hình thức hôn nhân và hàng loạt thanh niên được buôn bán qua chiêu bài “xuất khẩu lao động” như đã xẩy ra tại Hoa Kỳ hiện nay.

Riêng lãnh vực “Xuất khẩu lao động”, tất cả những lừa đảo của các công ty mối giới liên thủ với nhà nước đã tạo ra biết bao nhiêu cảnh thương tâm từ hàng thập niên qua như tại Mã Lai, Đài Loan, Đại Hàn,v,v... Từ những hợp đồng dối trá và sự ngược đãi nơi làm việc đã khiến những công nhân “xuất khẩu” trở thành nạn nhân của chính sách buôn bán nô lê mới, thậm chí có nhiều nữ công nhân đã bị hành hạ và trở thành nô lệ tình dục, hoặc trong đời sống kiệt quệ nơi xứ người, một số nữ công nhân phải tự nguyện hành nghề mãi dâm để tìm lộ phí trở về gia đình, trong khi nhà nước CSVN không hề quan tâm giải quyết, thậm chí còn ép buộc những nạn nhân không được bỏ trốn, nếu bỏ trốn về nước sẽ mất luôn khoản tiền thế chân và sẽ bị phạt “cải tạo lao động” từ sáu tháng đến ba năm. Tuy nhiên “đi đêm mãi rồi cũng có ngày gặp ma”, bởi quen thói lừa đảo, bóc lột nên CSVN đã quên Mỹ là một nơi tôn trọng nhân quyền và Mỹ cũng là nơi cộng đồng người Việt tỵ nạn đông nhất, thành công nhất trên thế giới. Vì thế với tình nhân loại và nghĩa đồng bào, vụ việc lừa đảo buôn người cuả CSVN đã được phơi một cách rõ rệt và trở thành một sự kiện làm chấn động lương tâm đối với Hoa Kỳ nói riêng và thế giới nói chung.

Theo dõi tin tức, hai công ty Interserco và Vinamotors, có trụ sở tại Hà Nội, đã bị 13 trong số 50 công nhân đến từ Việt Nam đứng đơn khởi kiện tại Texas [1]. Theo các nguyên đơn tố cáo, họ đã bị lừa bởi các quảng cáo hoa mỹ trên đài truyền hình VN, họ đã phải trả một số tiền lớn đến hàng ngàn Dollars để được sang Texas làm thợ hàn trong xưởng đóng tầu Houston Ship Channel với hợp đồng là 30 tháng, trong những điều kiện sinh hoạt khá tiện nghi và số lương khá hấp dẫn. Nhưng rất tiếc khi đến đặt chân đến Mỹ, tất cả đã hoàn toàn trái ngược với những quảng cáo và điều kiện đã ký kết, những công nhân này đã phải làm việc và sinh hoạt trong một hoàn cảnh rất tồi tệ như những tù nhân nô lệ, họ bị hiếp đáp đủ điều và còn bị khấu trừ mỗi tháng 2000 dollars. Tuy thế, nhưng mới làm được 8 tháng họ lại bị sa thải chơ vơ nơi xứ người.

Nói về hoàn cảnh cư trú của công nhân, Nguyễn Trí Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty Công ty xuất khẩu lao động thương mại và du lịch trực thuộc Vinamotors ngoan cố lấp liếm, lừa bịp: 
”công nhân lưu trú trong khu gia cư đầy đủ tiện nghi, điều này được kiểm chứng bởi đoàn công tác của liên bộ Ngoại giao, Lao động Thương binh Xã hội trong chuyến viếng thăm Mỹ hồi tháng 5/2010” [1].
Về sự kiện bị sa thải sau 8 tháng làm việc, mặc dù trong hợp đồng đã ký kết là 30 tháng, Nguyễn Trí Dũng giải thích tiếp: 
“Theo thủ tục I-129 của Bộ Lao động Mỹ chỉ có hiệu lực trong vòng 10 tháng sau đó phải xin gia hạn visa tiếp. Nếu không được gia hạn visa thì phải về nước, người lao động trước khi lên đường sang Mỹ đã được cung cấp thông tin chính xác về thời hạn làm việc thực tế và khả năng tiếp nhận có thể được gia hạn giấy phép hoặc không".[1]
Trong khi đó, tại một buổi họp với công ty Luật sư Tammy Trần và các nạn nhân để giúp đỡ những nạn nhân này lo thủ tục xin Visa tại Đại học Luật Khoa South Texas College of Law tại Houston, tiểu bang Texas. Giáo sư Naomi Joyce Jiyoung Bang, một chuyên gia về di trú cho biết những công nhân Việt Nam: 
“Họ đến Mỹ với Visa H2B, loại Visa tạm thời cho công nhân làm việc tại Mỹ, và được công ty môi giới hứa hẹn là Visa sẽ được gia hạn, nhưng chưa bao giờ Visa của những công nhân này được gia hạn cả. Đến ngày mà đáng lẽ Visa của họ được gia hạn thì họ lại được chỉ thị là phải trở về nước trong vòng 24 giờ đồng hồ”. [2]
Như vậy, theo lời giải thích của Nguyễn Trí Dũng có lẽ ai cũng có thể nhìn thấy rõ rệt bản chất của những con người CS, nhất là CSVN. Bởi lẽ khi đã ký hợp đồng 30 tháng, tất nhiên công ty phải chắc chắn công nhân sẽ được lưu trú làm việc tại Mỹ đủ 30 tháng, việc gia hạn Visa là phần trách nhiệm của công ty, không thể nói vì không thể gia hạn Visa để phá vỡ hợp đồng sa thải một cách vô trách nhiệm như thế. Theo lẽ thường, trước khi tuyển công nhân, công ty bắt buộc phải nghiên cứu về luật lệ nước sở tại một cách cẩn trọng để bảo vệ hợp đồng cho công nhân. Điều này không riêng gi các công ty tuyên người, mà chính nhà nước CSVN phải có trách nhiệm kiểm soát để bảo vệ người dân khi “xuất khẩu”. Từ đó đa số nhận định, có lẽ vì bản chất độc quyền, độc đoán, dã man và sự tham lam đưa đến sự ngu xuẩn, nên những con người CS như Nguyễn Trí Dũng đã quên rằng đối với luật pháp tại nước Mỹ, sự lừa đảo mang tính buôn người đã được quan tâm và xem xép rất kỹ, do đó trong vụ kiện buôn người và ngược đãi công nhân lần này cũng được dư luận thế giới chú ý quan tâm. Vì vậy, một số chuyên gia về nhân quyền và di trú nhân định hoàn cảnh của những nguyên đơn đang được sự ủng hộ nồng nhiệt của công luận và họ cũng được bảo vệ tối đa, không sợ bị trục xuất như những lời đe doạ từ phía CSVN. Điều này cũng đã được Giáo sư Naomi Joyce Jiyoung Bang xác định: 
“Chúng tôi rất tin tưởng rằng họ đủ điều kiện để xin T-Visa, là loại Visa cho nạn nhân của sự buôn người. Chúng tôi tin rằng những sự kiện mà họ đã trải qua như phải trả tiền để được qua đây, rồi bị đối xử như những tù nhân mặc dầu phải trả những chi phí cho cuộc sống tại đây ... và họ đã hoàn toàn bị bóc lột, bị lợi dụng. Thật khó mà tưởng tượng được là những sự cố như vậy lại xảy ra ngay tại Hoa Kỳ” [2]
Xoay quanh vụ kiện, tưởng cũng nên nhắc lại một sự kiện đã xẩy ra cách đây vài năm tại đảo Samoa cũng thuộc nước Mỹ, một chủ nhân người Hàn Quốc bị kết án 40 năm tù vì tội ngược đãi hơn 200 công nhân xuất khẩu lao động từ Việt Nam và Trung cộng. Sau phiên tòa, một số lớn công nhân đã được cấp visa làm việc dài hạn ở Hoa Kỳ, trở thành thường trú nhân và được bảo lãnh thân nhân sang đoàn tụ ở Hoa Kỳ.

Tóm lại, dù có già mồm, ngụy biện hay cưỡng từ đoạt lý đến đâu chăng nữa, nhưng đối với luật pháp của một quốc gia văn minh, có dầy đủ Tam Quyền Phân Lập và tôn trọng nhân quyền như Hoa Kỳ, lẽ phải và sự công bằng đã được thể hiện minh bạch với phán quyết của toà án phạt hai công ty môi giới phải bồi thường dân sự cho các nạn nhân 60 triệu dollars. Đồng thời hai công ty Luật sư Tammy Trần và Tony Buzbee tiếp tục đại diện các công nhân Việt Nam chính thức khởi kiện 2 công ty Việt Nam là Interserco và Vinamotors về tội buôn người và vi phạm khế ước tại tòa án liên bang, khu vực Galveston, thuộc tiểu bang Texas.

Nhìn về sự kiện nêu trên đa số nhận định, trên hình thức sự lừa đảo, bóc lột xẩy ra chỉ là những công ty tư nhân, nhưng thực chất là từ chính sách của tập đoàn CSVN. Bởi lẽ ai cũng biết, lừa đảo bóc lột là bản chất cố hữu của CSVN. Nếu không có tập đoàn lãnh đạo CSVN nhúng tay, không công ty nào dám đưa người đi một cách vô trách nhiệm như đã từng xẩy ra tại Mã Lai, Đại Hàn, Đài Loan trong nhiều năm qua, và sự kiện buôn người xẩy ra tại Texas cũng là một bài học để đời cho CSVN. Đồng thời sự kiện cũng nới rộng hơn cái nhìn của nhân loại đối với chế độ phi nhân CSVN và cũng cho một số người còn u mê có thể thức tỉnh, không còn vương vấn với những nhận định mơ hồ cho rằng; 'CSVN đã giác ngộ thay đổi, đang tập trung xây dựng đất nước và con người, đất đã khởi sắc và đang trên đà phát triển mọi mặt, do đó ai còn mang trong người dòng máu Việt Nam, nên nỗ lực đóng góp để cùng “canh tân” đất nước, thay vì chống đối, đấu tranh'. [3]

Phạm Thanh Phương (Úc Châu)
 Tài Liệu Tham Khảo:

[1] Nam Nguyên, phóng viên RFA, 2011-04-22, Thực hư xuất khẩu lao động và buôn người, Radio Free Asia.Com, lâ'y trên web vào ngày 06 tháng 5, 2011 <http://www.rfa.org/vietnamese/programs/ReviewOnlineDomesticPress/react-on-human-trafficking-nn-04222011171504.html>

[2] Hiền Vy, thông tín viên RFA, 2011-04-26,  Khía cạnh pháp lý trong vụ kiện 2 công ty Việt Nam buôn người, Radio Free Asia, lâ'y trên web vào ngày 06 tháng 5, 2011 <http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/2-vn-firms-legal-issues-hv-04262011171820.html>

[3] Lý Thái Hùng, 2004, Dân Giàu Nước Mạnh, VietTan,org,  lâ'y trên web vào ngày 06 tháng 5, 2011 <http://viettan.org/spip.php?article226>