"...trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng..."

“Cộng Đồng Liên Châu”

Posted by Lien Mang Viet San Thursday, April 09, 2009

Phạm Thanh Phương (Úc Châu)

Trong những ngày gần đây, dư luận khá xôn xao về sự kiện một số người đang xúc tiến thành lập một tổ chức được gọi là “Cộng Đồng Liên Châu” và dự trù sẽ ra mắt trước ngày 30-4-2009 tới đây. Trước sự kiện bất ngờ này đa số dư luận nhận định, sự thành lập tổ chức “Cộng Đồng Liên Châu” này không được chính danh, hơn nữa rất nguy hiểm cho khối cộng đồng người Việt tại hải ngoại trên mọi lãnh vực, nhất là trong công cuộc đấu tranh chung, đối đầu với đảng CSVN, đòi tự do, dân chủ và nhân quyền của toàn dân trong hiện tại.

Nói về sự chính danh, một câu hỏi được đặt ra ở đây tại sao là “Liên Châu” mà không là liên Cộng Đồng các nơi trên thế giới. Đa số nhận định hai chữ “Liên Châu” quá rộng lớn, mà thực chất không thể có một sự thống nhất của từng Châu lục để có được một đại diện chính danh như mong muốn.

Thí dụ ngay tại Mỹ là một cộng đồng có hơn một triệu người Việt tỵ nạn cư ngụ với rất nhiều Ban Chấp Hành Cộng Đồng địa phương, có nơi thì do dân bầu đúng nguyên tắc dân chủ, có nơi tự dựng lên một nhóm, chẳng cần ai bầu, thậm chí có nơi có tới hai Cộng Đồng như tại thành phố San Joe chẳng hạn, Như vậy, ai là người đủ uy tín đại diện cho cộng đồng Châu Mỹ, và những người này có thực sự được toàn thể người Việt tại Mỹ ủy thác vai trò đại diện cho họ không?

Nói về sự thống nhất cộng đồng người Việt tỵ nạn của một Châu lục, có lẽ chỉ có cộng đồng Úc Châu là có điều kiện thuận lợi để thực hiện điều này. Với những điều kiện thuận lợi về địa lý và số người Việt tỵ nạn tại Úc chỉ với gần 200 ngàn, cư ngụ trên sáu tiểu bang, và được tổ chức dựa theo hệ thống hành chánh của quốc gia sở tại. Mỗi tiểu bang dù ít hay nhiều người, cũng được người dân bầu ra một Ban Chấp Hành để đại diện, các hội đoàn đoàn thể được coi như hình thức quốc hội, những vị chủ tịch Cộng Đồng tiểu bang đều giữ vai trò Phó Chủ Tịch Liên bang. Do đó, những ý kiến hay biểu quyết của các hội Đoàn, Đoàn thể trong tiểu bang sẽ được đưa lên liên bang thảo luận để đi đến một quyết định chung tối hậu. Ngoài ra, mỗi Cộng Đồng Tiểu bang đều có một Hội Đồng Tư vấn và Giám sát dùng giúp đỡ, chia sẻ và đóng góp ý kiến với BCH cộng đồng trong mọi lãnh vực. Tuy nhiên, dù đã có một cơ cấu dân chủ tương đối chắt chẽ, như trong quá khứ vẫn có sự sơ sót để xẩy ra bởi những sự lạm dụng hay tiếm danh của một và cá nhân để các hội đoàn, đoàn thể cũng phải vất vả lên tiếng chấn chỉnh.

Nói về sự nguy hiểm, khi thành lập một cơ chế “Cộng đồng Liên Châu” tất nhiên Ban Chấp Hành này sẽ đại diện cho toàn thể người Việt tỵ nạn CS tại hải ngoại. Như vậy, lỡ một khi bị chệch hướng, hay bị một vài thế lực nào đó khuynh loát, để rồi xẩy tra những sự lạm dụng hay tiếm danh, tạo ra những điều trái khoáy có hại cho công việc chung thì sao, kể cả việc xử dụng danh xưng để đối thoại hay bắt tay với CSVN chỉ chút vì quyền lợi của phe nhóm.

Với hai lý do đơn giản nêu trên, thiết nghĩ dù có thành hình được cái “Cộng đồng Liên Châu” đi nữa, chắc chắn không thể thực hiện một cơ chế dân chủ để có những hành xử hay sinh hoạt một cách thực sự dân chủ, và cũng khó có thể được toàn thể người Việt tỵ nạn CS tại hải ngoại chấp nhận. Nếu không đủ điều kiện chính danh, thì lại lâm vào tình trạng áp đặt và tiếm danh, e rằng sẽ có nhiều nhiêu khê, thiếu trong sáng trong tương lai.

Riêng tại Úc Châu, mặc dù có hệ thống Cộng Đồng Liên bang, nhưng trong tinh thần dân chủ. Tuy nhiên, khi thấy trong danh sách thành lập “Cộng Đồng Liên Châu” đã có tên ông Nguyễn Thế Phong, với danh nghĩa Chủ tịch Cộng Đồng NVTD Liên bang Úc Châu, nhưng khi thăm hỏi một số vị chức sắc trong Cộng Đồng, kể cả Hội Đồng Tư vấn & giám Sát, Cựu Quân Nhân, hầu như tất cả đều tỏ ra rất ngạc nhiên trước sự kiện này. Như vậy, không biết khi ông Nguyễn Thế Phong gia nhập nhóm này với tư cách đại diện Cộng Đồng Liên bang Úc Châu, ông có nghĩ đến hai chữ dân chủ hay không, hay ông chỉ nghĩ khi đã là chủ tịch, có nghĩa là muốn làm gì cũng được và các Hội đoàn, Đoàn thể đều chỉ mang tính chất “bù nhìn” như cái gọi là Quốc Hội của CSVN hiện tại, và tất cả đồng hương phải mặc nhiên phải chấp nhận bị áp đặt, trước một sự đã rồi. Như vậy, trong hoàn cảnh địa lý rộng lớn như Châu Mỹ, Châu Âu, thì làm sao có được sự thống nhất trong chính danh đây.

Thực sự ưu điểm trong cái thế dân chủ và độc lập của các cộng đồng người Việt tỵ nạn tại hải ngoại, chính là cái khó khăn cho CSVN trên nhiều mặt, nhất là theo tinh thần Nghị Quyết 36 mà CS đang cố gắng thi hành. Trong hoàn cảnh cộng đồng người Việt tỵ nạn CS đang sống rải rác tại nhiều quốc gia trên thế giới, mỗi nơi một hoàn cảnh, có sở trường, sở đoản khác nhau. Có những việc cộng đồng người Việt tại Mỹ có thể thực hiện một cách xuông sẻ, nhưng lại là vấn đề thiên nan, vạn nan tại Úc Châu và ngược lại. Thí dụ như chiến dịch cờ vàng. Vì vậy không thể có một chính sách hay một đường lối hành xử thống nhất trên toàn thế giới từ một cơ chế “Cộng Đồng Liên Châu” đề ra. Cũng từ cái thế rải rác đó, CSVN cũng không thể lũng loạn hay mua chuộc được toàn thể, để biến khối người Việt tỵ nạn trở thành “thần dân của chế độ” hoặc làm chệch hướng đấu tranh, như thay vì chống đối kịch liệt, tạo ra những áp lực qua nhiều mặt, nhằm yểm trợ cho những phong trào hay những “nhà đấu tranh dân chủ” tại quốc nội, thì lại ngồi xuống đối thoại, nối kết, hòa giải, hoà hợp để cùng canh tân đất nước như những khẩu hiệu từng được một số “con buôn chính trị” rêu rao trong nhiều năm qua.

Ngoài ra, khi có một Cộng Đồng Liên Châu, tất nhiên mỗi lần quyết định một sự việc, “Cộng Đồng Liên Châu” không thể tham khảo được toàn thể các nơi từ ngươì dân đến các hội đoàn, đoàn thể, khó có thể có những phiên họp hay điều trần mang tính khoáng đại cho toàn thể người Việt tỵ nạn trên toàn thế giới góp ý theo đúng nguyên tắc dân chủ. Một khi yếu tố dân chủ này bị mất đi, thì những quyết định của Ban Chấp Hành “Cộng Đồng Liên Châu” lại chỉ là một sự áp đặt phi dân chủ, tạo ra một sự xào xáo, phân hoá trước những sự đã rồi như những hiện tượng đã từng xẩy ra trong quá khứ như chính sách “Giao Lưu Văn Hóa” với CSVN, bỏ hai chữ “tỵ nạn” trong danh xưng của CĐNVTD tại hải ngoại, hoặc đi tìm “một ngày tỵ nạn chung”...v..v

Tóm lại, sự kiện thành lập “Cộng Đồng Liên Châu” có nhiều điều nhiêu khê, bất ổn, nếu không muốn nói mang một ý đồ không trong sáng, e rằng sẽ có hại hơn có lợi trong công việc đấu tranh chung hiện nay. Mong các vị suy nghĩ lại, đừng để những việc đáng tiếc phải xẩy ra trước một sự đã rồi.
• Phạm Thanh Phương (Úc Châu)

0 Responses to “Cộng Đồng Liên Châu”