"...trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng..."

Ánh Sáng Của Tự Do &Nhân Quyền Cho Việt Nam

Posted by Lien Mang Viet San Sunday, December 20, 2009

Phạm Thanh Phương (Úc Châu)

Theo tinh thần Hội Nghị những quốc gia tài trợ cho Việt Nam tại Hànội trong hai ngày 3-4 /12/2009, đã cam kết tài trợ cho CSVN một số ngân khoản đáng kể khoảng 8 tỷ USD, trong đó 6 tỷ là cho vay và số con lại gần 2 tỷ là viện trợ. Tuy đã cam kết tài trợ, nhưng đa số đại diện các quốc gia hiện diện cũng tỏ ra rất quan ngại về một số vấn nạn quan trọng tại Việt Nam như tham nhũng, tự do thông tin và nhân quyền. Từ sự quan ngại này, một số dư luận nghĩ rằng ánh sáng của tự do và nhân quyền đang bắt đầu ló dạng trên quê hương Việt Nam, và đất nước chắc chắn sẽ tươi sáng hơn dù chế độ thối nát, tàn bạo dã man CSVN vẫn tồn tại. Tuy nhiên đại đa số lại cho rằng, tất cả những nhận định của các nước tài trợ cho VN vừa qua chỉ mang tính hời hợt theo kiểu “cỡi ngựa xem hoa”, nó không thể xem như là một áp lực hay một chất liệu để có thể đốt lên một ánh sáng thực sự cho đất nước, dù chỉ là một tia sáng le lói cuối đường hầm.

Nói về sự tài trợ năm nay, theo tin nhiều nguồn tinh chính thức cho biết, Ngân hàng Thế giới cam kết tài trợ 2,5 tỷ, Ngân hàng Phát triển Á châu 1,5 tỷ. Riêng nước Nhật đã cam kết tài trợ 1. 64 tỷ và Âu Châu 1.08 tỷ. Trên lý thuyết, mục đích của số tiền tài trợ năm nay là dùng vào việc phục hồi và phát triển nề kinh tế Việt Nam vốn đã từng suy thoái nhiều năm với chính sách bè phái, bóc lột và tham nhũng của chế độ CSVN. Điều đáng chú ý ở đây là tất cả các nước tài trợ đều biết tham nhũng tại Việt Nam dưới chế độ CS được coi như là quốc sách và mức độ tăng trưởng của nó càng ngày càng cao. Nhưng họ vẫn cam kết tài trợ và cũng tỏ ra rất “tha thiết”, mong mỏi có một nước Việt Nam tiến bộ với đầy đủ tự do, dân chủ và nhân quyền như quốc gia của họ. Tuy nhiên, những nhận định và sự “tha thiết” ấy hầu như chỉ là những lời nói xuông, họ nói lên những hiện tượng hiển nhiên mà ai cũng biết, nhưng lại không thấy điều kiện nào được chính thức đặt ra, hầu có thể dùng làm áp lực, buộc CSVN phải thực hiện phần nào để có thể thực hiện những “tha thiết” của họ. Như vậy, phải chăng đây chỉ là một loại xáo ngữ, dùng vấn đề tự do, dân chủ của người dân Việt Nam như một loại trang trí trong bang giao, hay tô điểm thêm cho cái bình phong, dùng che đậy những quyền lợi tiềm ẩn bên trong. Vỉ vậy, chẳng có gì có thể gọi là ánh sáng niềm tin hay hy vọng cho đất nước.

Nhận định về việc chống tham nhũng tại VN, trong một đoạn phỏng vấn của RFA, ông Rolf Bergman, Đại sứ Thụy Điển nhận định: 
" Trong cuộc chiến chống tham nhũng, để đạt được thành công cần có sự nỗ lực của tất cả mọi người dân. Chỉ có những luật lệ và quy định tốt là chưa đủ, muốn thành công cần phải có sự kết hợp tham gia của Đảng, Chính phủ, xã hội dân sự, các cơ quan báo chí và từng người dân trong xã hội.".
 Với nhận định này, không ai phủ nhận đây là vấn đề then chốt rất tốt đẹp, nhưng chỉ mang tính lý thuyết, còn lại thực tế không bao giờ có thể thực hiện. Một guồng máy mà tất cả sinh hoạt xã hội đều nằm trong tay đảng, đảng kiểm soát mọi mặt kể cả hệ thống tư duy của từng người dân, thì thử hỏi làm sao có thể tìm được “sự nỗ lực của tất cả mọi người dân” hay “sự kết hợp tham gia ... của xã hội dân sự, các cơ quan báo chí và từng người dân trong xã hội." như ông Rolf Bergman nhận định. Có chăng chỉ nói để mà nói cho vui như những câu chuyện huyền thoại trong dân gian.

Nói đến hệ thống tham nhũng của CSVN, hầu như ai cũng biết nó không khác nào một loại bệnh ung thư đã đến thời gian hết thuốc chữa. Nếu nhìn kỹ vào bối cảnh của đất nước, có lẽ không ai có thể phủ nhận những kẻ đang hô hào chống tham nhũng lại là những thủ phạm chính hay nói đúng hơn là những “đại gia” đã tạo ra và nuôi dưỡng mạng lưới tham nhũng. Hơn nữa, chính họ là những kẻ đang nắm quyền sinh sát, thao túng đất nước từ những vai trò Chủ tịch nước, Tổng bí thư , Thủ tướng và những nhân vật then chốt trong bộ chính trị trung ương đảng. Từ đó, tham nhũng tại Việt Nam hiện tại chẳng khác nào một mạng lưới được đan bằng một chất liệu rất bền chặt từ trung ương đến địa phương. Tất cả những chương trình hay biện pháp chống tham nhũng được đưa ra, chẳng qua chỉ là những trái khói mù bịp bợm. Vì vậy, những nhận định của các nhà tài trợ cho VN cũng chỉ có thể tạo một lớp sơn, vẽ vời sự hợp lý trong bang giao hầu che phủ những quyền lợi của họ, nó không có gì để có thể cho rằng là những dấu hiệu ánh sáng tự do, nhân quyền đang ló dạng trên đất nước Việt Nam.

Xoay quanh sự kiện, các nước tài trợ cho Việt Nam hầu như cũng tỏ ra quan tâm nhiều đến lãnh vực thông tin và họ cho rằng một hệ thống thông tin tự do sẽ đưa đất nước đến sự ổn định và phát triển. Trong lãnh vực này, ông Michael Michalak, Đại sứ Hoa kỳ tại Việt Nam nhận định “tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội đòi hỏi môi trường lành mạnh, minh bạch cho tất cả các bên...” Trong khi đó ông Rolf Bergman, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam cũng cho biết có yêu cầu chính phủ Việt Nam bãi bỏ mọi hạn chế đối với lãnh vực Internet. Đồng thời ông Rolf Bergman cũng cho biết  
“Chúng tôi nhấn mạnh rằng báo chí cũng như các trang mạng xã hội giữ vai trò hết sức trọng yếu trong việc nối kết thông tin, để dẫn đến thành quả, chứ không tác hại gì đến các kế hoạch của chính phủ. Chúng tôi thật sự quan ngại khi nhận được tin chính phủ kiểm soát trang xã hội Facebook vì làm như thế là cản trở sự phát triển chứ không thể gặt hái kết quả tốt được.... Các nước có mặt trong hội nghị như Hoa Kỳ, Canada, Na Uy, New Zealand cũng như các nước châu Âu khác đều có chung những quan ngại như của chúng tôi...”.

Tuy nhiên, đã trải qua nhiều năm, biết bao nhiêu nhận định, đề nghị, khuyến cáo của các nước có sự tài trợ và bang giao với CSVN, nhưng khi nhìn lại xã hội và đất nước Việt Nam hiện nay thì hầu như không ai thấy được một dấu hiệu nào chứng tỏ khá hơn mà ngược lại có chiều hướng tệ hơn rất nhiều, và trong những ngày tháng gần đây, mức độ đàn áp, trù dập đã gia tăng đến độ khối truyền thông nói riêng và toàn dân tại quốc nội nói chung, hầu như càng ngày càng tỏ ra “ngoan ngoãn”, luôn luôn “nhất quán” với đường lối của đảng đưa ra, kể cả những vấn đề quan trọng liên quan đến sự tồn vong của đất nước như sự kiện Boxite tại Tây Nguyên hay chủ quyền về lãnh thổ, lãnh hải đã và đang bị mất dần trong tay Tầu cộng.

Với những diễn biến nêu trên đại đa số nhận định, nếu các nước tài trợ thực sự quan tâm đến tự do, dân chủ và nhân quyền của Việt Nam, tất nhiên họ không thể chỉ đưa ra những nhận định hay khuyến cáo xuông. Đối với một tập đoàn lưu manh, thủ đoạn như CSVN mà chỉ nói xuông rồi đổ tiền vào một cách vô tội vạ thì chỉ tạo cơ hội cho tập đoàn CSVN có cơ hội, nhảy muá, sơn phết những tấm bình phong tuyệt đẹp để bên trong tiếp tục, chia chác, bóc lột xương máu của người dân và bán rẻ giang sơn với câu “Nối giáo cho giặc” mà người Việt Nam thường dùng. Tất cả những khẩu hiệu, vẽ vời hình thức của CSVN thực sự chẳng che mắt được ai, ngoài sự đồng lõa tung hứng cho quyền lợi. Để cuối cùng “mười voi vẫn không được một bát nước xáo”, chẳng có gì thay đổi để có thể thấy được những điều mà toàn dân VN đang mơ ước. Điều này cũng đã được ông Rolf Bergman xác nhận:
“Chúng tôi hy vọng sẽ thấy nhiều hơn nữa những tiến bộ trong lĩnh vực này nhưng phải thật lòng mà nói chúng tôi chưa thấy chính phủ có phản hồi tích cực trong vấn đề này và vì vậy chúng tôi cảm thấy hơi thất vọng...”. 

Để làm sáng tỏ hơn về bản chất CSVN, đi ngược dòng lịch sử từ năm 1945, sau khi CSVN cướp được chính quyền đến nay, đã có biết bao nhiêu khẩu hiệu cải tổ, kêu gọi diệt trừ tham nhũng, tôn trọng tự do thông tin, tự do ngôn luận của người dân... Nhưng kết quả ra sao chắc ai cũng biết. Tất cả hình ảnh những tù nhân lương tâm hay chính trị còn nằm nơi nhà lao trong hiện tại cũng đủ chứng minh rõ ràng cái “thiện chí” cải tổ của hệ thống CSVN từ hơn nửa thế kỷ qua. Ngoài ra, mới đây cái Nghị Định 97/2008/NĐ-CP- do Nguyễn Tấn Dũng ban hành cũng là một bằng chứng xác định cái “thiện chí” ấy một cách rất hùng hồn và minh bạch. Một nghị định phản dân chủ, đi ngược lại Công ước Quốc tế về quyền dân sự và chính trị năm 1982 mà CSVN đã tham gia ký tên. Đồng thời cái nghị định 97 này cũng đang phỉ nhổ vào cái đống giấy lộn được gọi là Hiến pháp nhà nước CSVN với điều 69. Như vậy, cái ánh sáng tự do nhân quyền mà một số người đã nhận định đang nằm ở đâu??? Và những nhận định của các nước tài trợ sẽ có ảnh hưởng gì đến tự do, dân chủ và nhân quyền cho đất nước Việt Nam hay không, một khi không có những điều kiện đi kèm và người dân Việt Nam vẫn chưa thể tỉnh táo dứng dậy đòi lại.

• Phạm Thanh Phương (Úc Châu)


0 Responses to Ánh Sáng Của Tự Do &Nhân Quyền Cho Việt Nam