"...trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng..."

Muà Xuân Chết

Posted by Lien Mang Viet San Tuesday, February 16, 2010

Phạm Thanh Phương (Úc Châu)

Trong không khí nôn nao của một mùa xuân mới, người Việt khắp nơi trên thế giới hầu như vẫn mang nặng trong mỗi cá  nhân những ưu tư, trăn trở của từng hoàn cảnh khác nhau. Tại hải ngoại, nhìn vào một số nơi cũng vẫn có những sinh hoạt chợ tết, diễn hành, chào cờ đầu năm, hay những bữa tiệc “tống cựu, nghinh tân” của một số hội đoàn, đoàn thể hay tổ chức Cộng Đồng. Tuy vậy, có lẽ cũng không phải một niềm vui trọn vẹn, mà chỉ là phần hình thức để níu kéo những nét đặc thù trong nền tảng văn hóa truyền thống của dân tộc, còn lại thực chất ai cũng cảm thấy có cái gì đó mất mát một cách bàng bạc, bập bềnh. Thực sự, những muà xuân trên đất khách đã không còn đầy đủ niềm vui của tình tự quê hương như những muà xuân của một thời xa xưa tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975, mặc dù đó chỉ là những mùa xuân trong khói lửa. Cũng có một số người nghĩ rằng, nếu về nước ăn tết, chắc chắn sẽ tìm lại một mùa xuân thực sự của quê hương, một mùa xuân vui tươi được thắm tình người. Nhưng rất tiếc, tất cả chỉ là những ảo tưởng quá xa rời thực tại với những ngỡ ngàng, trăn trở ưu tư, ngoại trừ một số người vô tâm, sống hoàn toàn theo bản năng.  

Theo nhiều tin tức cho biết, tết năm nay tại quốc nội hầu như không khí  đã trở nên ảm đạm hơn mọi năn, ngoại trừ  một số thành phần quan chức trong guồng máy CS có cơ hội “làm ăn”, những người buôn bán lớn, hoặc những người có thân nhân ở ngoại quốc trở về vui xuân cùng gia đình. Còn lại, đại đa số thì hầu như đang phải nhìn một muà xuân méo mó, dúm dó vì thiếu thốn tài chánh đến mức cạn kiệt. Riêng thành phần công nhân vẫn đang mỏi mắt mong chờ món tiền cuối năm, nhưng chẳng ai thấy, có nơi cả hai tháng rồi cũng chẳng được lãnh lương, như thế thì tết ở đâu, xuân ở đâu mà tìm. Thậm chí, có những người từ quê ra tỉnh làm việc, tết đến không đủ tiền trả tiền nhà trọ thì lấy đâu ra tiền để mua vé xe về quê xum họp với gia đình. Vì thế hiện tượng lang thang vất vưởng đầu đường, xó chợ chờ lương năm nay cũng nhiều hơn mọi năm. Đó là chưa kể phải lo sợ đến sự “an toàn của thực phẩm” trong những ngày tết, ai cũng sợ khi tiền ăn  chưa có, thì tiền đâu để vào bệnh viện nếu có gì xẩy ra.  

Riêng thị trường hàng hoá tại quốc nội trong những ngày cận tết đột nhiên cũng trở nên rất xáo trộn đến chóng mặt, nhất là những mặt hàng thuộc loaị nhu yếu. Điều này đã tạo thêm rất nhiều khó khăn cho đại đa số giới bình dân, vốn dĩ “đã nghèo lại còn mắc phải cái eo”, tiền bạc thiếu thốn lại gặp vật giá leo thang thì không biết phải làm sao bây giờ, vì vậy không khí tết tại Việt nam đã trở nên tất tưởi, ngược xuôi hơn mọi năm. Sự tất tưởi, ngược xuôi này không mang theo những nét vui tươi hớn hở chờ đón muà xuân mới mà thay thế vào đấy những nét ư tư, vất vưởng, sự ngược xuôi nhớn nhác với những đôi mắt đăm chiêu lạc thần, hầu như không còn thấy những nụ cười mừng xuân dù chỉ là những nụ cười gượng gạo, không trọn vẹn.  

Cũng trong tình hình khó  khăn ấy, nhiều người cho rằng, số lượng “Việt Kiều” về trong dịp tết năm nay cũng đông hơn mọi năm để đã tạo thêm ”sinh khí” cho sinh hoạt xã hội và tô điểm thêm nét đẹp của ngày xuân, đồng thời đóng góp một bàn tay đáng kể trong lãnh vực ngoại tệ đối với đảng và nhà nước. Do đó, đảng và nhà nước cũng tỏ ra rất “hồ hởi, phấn khởi” ưu ái để đón tiếp “Việt Kiều”. Tuy nhiên, nhiều người cũng cho rằng, sự xáo trộn thị trường trong những ngày cận tết, một phần cũng vì hiện tượng “Việt Kiều” hưởng ứng lời kêu gọi của đảng và nhà nước CSVN một cách hơi “tích cực”, họ mang những đồng tiền thơm phức từ hải ngoại về tiêu xài phung phí trên đất nước. Điều này, dù vô tình hay cố ý cũng đã đóng góp một phần lớn trong hiện tượng thị trường nhu yếu của những ngày tết bị phá giá. Từ đó, hoàn cảnh của đại đa số dân lạo động hoặc thôn quê được tăng thêm phần khó khăn, tất tưởi, bương trải ngược xuôi. Và đây cũng là điểm son để đảng và nhà nước ưu ái, mặn nồng hơn.   

Riêng tại hải ngoại, mặc dù vật chất dư thừa, cũng có những sinh hoạt của một ngày tết cổ truyền, nhưng đại đa số những người còn nặng lòng với quê hương, dân tộc vẫn cảm thấy mất đi hẳn niềm vui, họ cũng chẳng biết muà xuân có đến hay không nữa.Càng đến những ngày cận tết thì trong tâm não lại lóe lên nhiều ưu tư, trăn trở hơn thường ngày. Rất nhiều người cho rằng, từ hơn ba mươi năm qua họ cũng chưa  thấy được một muà xuân nào thực sự có ý nghĩa như những ngày cách đây hơn ba mươi năm của một miền Nam khi xưa. Tất cả những không khí vui tươi, tình tự của mùa xuân đã thay vào bằng hình ảnh của cả một dân tộc lầm than, một giang sơn uất nhục do đảng và chế độ CSVN tạo ra. Muà xuân của chu kỳ tất định vũ trụ đã đến, nhưng hầu như không còn được nghe được tiếng chim líu lo chào mừng, mà chỉ nghe được những tiếng than thở, tiếng gông cùng khua vang từ bên kia bờ đại dương vọng về nơi tâm thức.  

Riêng năm nay, muà  xuân đã đến bằng những tiếng thở dài của tổ quốc, muà xuân thực sự là những bản án phi nhân mà CSVN đã áp đặt lên những tâm hồn yêu nước, là những tiếng lạy lục van xin của những trẻ em đang bị hành hạ ép buộc làm nô lệ tình dục tại các nước lân bang, là những tiến rên rỉ chua xót của những chị, em lang thang lao động nước ngoài hay đang ngụp lặn trong vũng lầy đen tối nơi xứ người, là những tiếng kêu thất thanh, những tiếng cầu khẩn từ những nỗi đoạn trường của ngư dân Việt Nam bị Trung cộng cướp bóc, hành hạ, là tiếng nấc của biển đông, tiếng nghẹn ngào, quằn quại của những đợt sóng Hoàng Sa hay những vết thương hằn sâu trên thân thể giáo dân, những tiếng cầu kinh ảo não vẫn vọng về từ Thái Hà, Tam Toà, Đồng Chiêm, Bát Nhã.. Và sau cùng là những đôi mắt lạc thần ngược xuôi của cả một dân tộc. Tất cả những hình ảnh ấy đã tạo nên một muà xuân héo uá, ủ rũ của đại đa số người Việt Nam trên toàn thế giới. Như vậy, mùa xuân thực sự đang ở đâu, còn sống hat đã chết....?  

Nhìn vào hoàn cảnh quê  hương và dân tộc dưới chế độ CSVN, có  lẽ khó có ai có thể phủ nhận muà xuân thực sự của người Việt Nam đã chết, chết một cách quằn quại đớn đau, chết dần chết mòn trong tủi nhục vì loài vi khuẩn CSVN đục khoét. Vì vậy, những ai còn nghĩ đến quê hương, dân tộc, nghĩ đến tiền đồ của tổ quốc, xin hãy cố gắng gạt bỏ đi tất cả những vị kỷ thấp hèn của thế nhân, hãy cùng dắt díu nhau đi tìm một muà xuân thực sự ấm no, hạnh phúc cho tổ quốc, đồng bào. Muốn có một muà xuân thự sự như mong muốn, tất nhiên đảng và chế độ phi nhân CSVN phải ra đi. Muốn tẩy uế vi khuẩn CS trên quê hương, trước tiên cần cảnh giác tẩy trừ bè lũ Việt gian đang len lỏi lũng đoạn trong các hội đoàn, đoàn thể, tổ chức Cộng Đồng. Tẩy chay và tránh xa những luận điệu tuyền truyền “Giao lưu - Nối kết- Về nguồn- Đem tình thương xoá bỏ hận thù để cùng canh tân đất nước”,v,v... Từ đó mới mong có thể kết hợp sự mạnh trong và ngoài nước, cùng nhau đi tìm lại một muà xuân thực sự để hờn cho dân và rủa nhục cho nước . 
 
Xuân Buồn Xứ Lạ

Đêm xứ lạ, bên thềm nghe lá đổ
Khung trời buồn hờ hững ánh trăng tan
Hồn lênh đênh theo gió cuộn mây ngàn
Hương trừ tịch, sương về ôm mái tóc
Đã bao xuân, lê bước đời ô trọc
Gót chân mòn, gối mỏi, kiếp lưu vong
Nợ quê hương còn canh cánh bên lòng
Muốt trả đứt, dòng đời hoài dang dở
Đón xuân sang, nhạt nhòa nghe tiếng thở
Cùng cỏ cây giăng mắc mối hận lòng
Xin thời gian thu gọn kiếp long đong
Để được thấy mùa xuân hồng đất mẹ
Bước tha hương, ôi quá nhiều ngã rẽ
Người miệt mài, đầy rẫy kẻ vô tri
Quên quê hương, quên mối hận từ ly
Quên tất cả một khung trời nghiệt ngã
Đời vất vưởng, kìa tâm hồn chắp vá
Khát lợi danh, loang lở cả tâm hồn
Non sông buồn, dòng suối lệ đang tuôn
Ôi! " Tổ quốc- Danh dự" ai "Trách nhiệm"

 
•  Phạm Thanh Phương (Úc Châu)

0 Responses to Muà Xuân Chết