"...trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng..."

Xin Lỗi...

Posted by Lien Mang Viet San Sunday, March 16, 2008

Phạm Thanh Phương (Úc Châu)

Xin lỗi, một lời nói diễn tả sự hối tiếc về hậu quả của sự việc nào đó, khi một cá nhân hay một tập thể đã tạo ra thiệt hại, đau khổ hay sự khó chịu cho một cá nhân hay một tập thể khác. Xin lỗi có thể là một lời nói xuông và cũng có thể phải kèm theo những bồi thường thiệt hại cả vất chất lẫn tinh thần, tùy theo mức độ tác hại của sự việc. Sự xin lỗi có thể tìm thấy khắp nơi trong mọi sinh hoạt hàng ngày nơi xã hội văn minh nhân bản như các nước tiền tiến hiện nay, dù chỉ là thể hiện những hối tiếc từ những sự việc vô tình nhỏ nhặt.

Trong những năm gần đây, có những lời xin lỗi quan trọng rất cần thiết để giải tỏa những hận thù, thể hiện một nền tảng văn minh nhân bản đã được thực hiện và đưa đến cho thế giới một sự kính phục như Đức Giáo Hoàng xin lỗi về cuộc Thập Tự Chinh, Thủ tướng Nhật xin lỗi những phụ nữ Đại Hàn với những sai trái trong Đệ nhị Thế chiến và mới đây là lời xin lỗi của Thủ tướng Úc với Thổ dân. Tất cả đã làm nức lòng thế giới nói chung và dân Úc nói riêng.

Lời xin lỗi chân thành trong ý thức
Là tin yêu, hạnh phúc với an bình
Thăng hoa đời chói rạng ánh bình minh
Tô đậm nét văn minh và nhân bản

Có lẽ ai cũng biết, sự kiện Thủ tướng Rudd ngỏ lời xin lỗi Thổ dân không đơn giản chỉ là một bài diễn văn, mà chắc chắn theo sau là những nhiêu khê đòi hỏi bồi thường những mất mát của người thổ dân trong qúa khứ. Tuy nhiên, qua làn sóng truyền thanh và truyền hình, đại đa số người dân Úc đã nhận thấy một sự chân thành hối tiếc qua âm thanh và hình ảnh của Thủ tướng Rudd trong bài diễn văn xin lỗi của ông, và đại đa số tin chắc chắn rằng, chính phủ Úc sẽ có những hành xử đãi ngộ đặc biệt để bù đắp những gì mất mát, đau khổ của người Thổ dân trong quá khứ do lỗi lầm của người da trắng đã đem lại cho họ. Đây mới chính là một sự chân thành thể hiện tính chất của văn minh và nhân bản, mà nhân loại nói chung, người Việt Nam chúng ta nói riêng cần học hỏi và ghi nhớ.

Đối với xã hội văn minh hiện nay, lời xin lỗi không thể kèm theo những ngụy biện cho những lỗi lầm đã làm tổn thương dù vật chất hay tinh thần bằng cách cưỡng từ đoạt lý với hai chữ “ngộ nhận” như sư xin lỗi qua sự kiện đài phát thanh Chân Trời Mới, đã quảng bá những bài viết phỉ báng quân, dân, cán, chính VNCH trong cuộc chiến trước 1975, hoặc hiện tượng lời xin lỗi qua sự kiện Nhật báo Người Việt đăng tải lá cờ Vàng tổ quốc trong cái chậu rửa chân, nhưng vẫn ngụy biện với hai chữ “nghệ thuật”.

Nhìn vào những sự kiện này đại đa số cho rằng, những lời xin lỗi lập lờ nêu trên chẳng những đã không thể hiện được bất cứ một sự ý thức, chân thành nào, mà ngược lại nó đã làm nổi bật một sự gian xảo, khuất lấp, khó có thể chấp nhận trong thế giới văn minh hôm nay.

Nói đến hai chữ “Xin lỗi” chắc không ai có thể quên một cách xin lỗi mang tính lưu manh, bịp bợm, mỵ dân cho qua chuyện, và sau đó sự việc còn tác tệ hơn trước nữa như lời xin lỗi để sửa sai của tập đoàn CSVN, mà Hồ Chí Minh đã thực hiện sau chiến dịch dã man, tàn bạo Cải cách Ruộng Đất của thập niên 50 khi xưa, và rồi những dã man tàn bạo ấy tiếp tục phát triển một cách rất tự nhiên cho đến hôm nay.

Tuy rằng ai cũng biết, sự xin lỗi của CS là một điều bịp bợm, luôn kèm theo những ngụy biện cưỡng từ đoạt lý, nhưng nó vẫn là một điều vô cùng khó khăn khó có thể thấy dù trong bất cứ hoàn cảnh nào dù đối với những người đã được mệnh danh là “giác ngộ” hay “phản tỉnh”.

Nhìn lại những năm gần đây, khi phong trào đấu tranh dân chủ bộc phát, người ta cũng thấy được những nhân vật được mệnh danh là thành phần “phản tỉnh” hay “giác ngộ”, nhưng cũng chưa bao giờ thấy được một nơi họ một sự hối tiếc chân thành, để can đảm nhận lãnh sự thật sai trái về những hành động đầy máu tanh của chính họ đối với dân Việt, chứ chưa dám nói đến chính thức cúi đầu xin lỗi. Ngược lại, chỉ thấy được những ý đồ lươn lẹọ, lợi dụng chiếc áo “phản tỉnh”, cố gắng tìm đủ cách xuyên tạc, bóp méo lịch sử một cách thô thiển, cưỡng từ đoạt lý, để chạy tội cho tập đoàn khát máu CSVN và cũng là chạy tội cho chính bản thân họ như những sự kiện giết người dã man trong chiến dịch “Cải Cách Ruộng Đất” hay tàn sát người dân vô tội tại Huế trong dịp tết Mậu Thân,v,v...

Trong dịp tết vừa qua, nhân kỷ niệm bốn mươi năm tết Mậu Thân, thay vì nói lên sự thật và tỏ lòng ăn năn với những tội ác đã thực hiện, nhân vật Bùi Tín lại xuất hiện trên BBC, tiếp tục bóp méo lịch sử, chối bỏ tất cả những tội ác dã man nhất thế kỷ qua hơn 6000 cái chết oan khiên tại Huế, hầu chạy tội cho tập đoàn khát máu CSVN trong đó cũng có chính bản thân của đương sự. Và sự kiện này cũng đã chứng minh thêm cho cái bản chất bịp bợm, lừa đảo “bất khả di” của những con người CS dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Này Cộng Sản hãy mở to đôi mắt
Học cho thông, để đứng thẳng làm người
Khắp sơn hà, dòng máu lệ còn rơi
Hãy thức tỉnh, cúi dầu xin tạ tội

Tóm lại, một lời xin lỗi khi biết mình làm sai là hành xử tượng trưng cho văn hóa và văn minh của nhân loại cần được trân trọng và phát huy hầu kiến tạo một nền hòa bình trong nhân bản. Sự ý thức văn minh này cũng là một trong những yếu tố để thăng hoa xã hội, “hòa giải” dân tộc để củng “hòa hợp” phát triển đất nước, nó không thể bịp bợm như CSVN chỉ biết rêu rao “hòa giải, hòa hợp”với dân tộc mà không bao giờ biết nhìn nhận sự thật để có một sự chân thành trong hối hận. Do đó, muốn “hòa giải” thực sự, ít nhất CSVN phải học được hành xử văn minh này, cúi đầu nhận lỗi trước quốc dân và trả lại quyền tự quyết cho dân tộc.

Phạm Thanh Phương (Úc Châu)

0 Responses to Xin Lỗi...