"...trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng..."

Phạm thanh Phương

Từ những năm đầu tiên, khi khối người Việt tỵ nạn CS trên khắp thế giới đã ổn định đời sống, ăn nên làm ra. Đảng và nhà nước CSVN nghĩ rằng, với những xa hoa vật chất nơi xứ người, tất nhiên sẽ làm cho người Việt tỵ nạn CS say mê để quên đi tất cả, trở thành những kẻ vong bản, vô tình, vô nghĩa, vô thủy, vô chung như họ đã từng rêu rao. Tuy nhiên khi nhìn lại thực chất, đảng và nhà nước CSVN mới bừng tỉnh để thấy được chính những hạnh phúc phồn vinh ấy, đã tạo cho người Việt tỵ nạn một sự trăn trở khi nhìn về quê hương và dân tộc đang ngụp lặn trong khốn cùng, đau khổ, nhục nhã dưới bàn tay khát máu, tàn bạo của tập đoàn đốn mạt CSVN. Từ đó, tinh thần quốc gia, yêu tự do, hoà bình và nhân bản được phát triển một cách mạnh mẽ hơn và tinh thần đấu tranh mỗi ngày một dâng cao, cố gắng bương trải tìm mọi cách để có thể chia sẻ những hạnh phúc ấy với quê hương dân tộc, đặc biệt là những điều căn bản tự do, dân chủ và nhân quyền. Điều này đã khiến đảng và nhà nước CSVN trở nên bối rối và lo sợ, và cũng chính vì thế đảng và nhà nước CSVN đã phải thay đổi “tư duy”, không còn chửi bới phỉ báng, mà ngược lại bắt đầu o bế, nịnh bợ và phát động chiến dịch kêu gọi “hòa giải”.

Sau nhiều năm kêu gọi bằng nhiều cách, như thành lập “Hội thân nhân Việt Kiều; Qũy yểm trợ cộng đồng” và sau cùng hệ thống hoá một cách mạch lạc, bịp bợm khôn khéo bằng một nghị quyết rất tha thiết mang số 36 đã được đưa ra vào cuối tháng 3 năm 2003, mà đại đa số cộng đồng hải ngoại ai cũng biết. Mặc dù đã cố gắng dùng mọi thủ đoạn bịp bợm trong nhiều năm, nhưng chiêu bài “hòa giải” này cũng không được “ăn khách”, tưởng chừng như đã bị trôi vào lãng quên lãng.

Đến nay, sau khi phát động “chiến dịch chống Tầu cộng” qua sự kiện Hoàng Sa và Trường Sa (Một chiến dịch chỉ dành cho khối người Việt tỵ nạn), một lần nữa chiêu bài “hoà giải” bịp bợm này lại tái xuất hiện qua một bài viết mang ý “Hoà giải là sống còn của đất nước, là nhu cầu khẩn trương” [1] được ký dưới bút hiêu Nguyễn Tường Long. Theo bài viết, tác giả cố gắng kêu gọi khối người Việt tỵ nạn CS tại hải ngoại nên “khép lại qúa khứ, xóa bỏ hận thù” để bắt tay “hòa giải” với đảng và nhà nước CSVN, tạo sức mạnh cùng nhau “chống ngoại xâm”. Và bài viết này cũng đang tạo ra một làn sóng tranh cãi trong dư luận, nhất là trên các diễn đàn điện tử. Nó tựa như một trái khói mù tung ra, mong đánh lạc hương đấu tranh trong cục diện hiện tại.

Để làm sáng tỏ vấn đề, một lần nữa câu hỏi được đặt ra ở đây là "Hòa giải như thế nào? Ai hòa giải với ai ?" và "Tại sao hoà giải vốn mang một ý nghĩa tốt đẹp đã trở thành một đề tài cấm kỵ, dị ứng ?", đối với đại đa số cộng đồng người Việt tỵ nạn CS tại hải ngoại.... Không cần giải thích dài dòng, có lẽ ai cũng hiểu khi dùng hai chữ hòa giải có nghĩa là thế lực gây lầm lỗi phải tỏ lòng thành bằng hành động với nạn nhân một cách cụ thể, trong những điều kiện thỏa đáng. Nó cũng giống như cuộc hòa giải giữa người da trắng tại Úc với người Thổ dân trước đây vậy. Trong việc hoà giải tại Úc, chính phủ Úc đã bày tỏ tất cả sự hối tiếc những hành động gây phương hại đến người Thổ dân trong quá khứ một cách chân thành, không những bằng lời nói mà bằng cả hành động cụ thể như dành ưu tiên nâng đỡ phát triển đời sống văn hóa, chính trị và tâm linh của họ hoàn toàn trong tự do, dân chủ,v,v... Đây mới là thực tâm trong "Hòa Giải". Ngoài ra có lẽ cũng cần nhấn mạnh thêm một thí dụ khác để làm sáng tở vấn đề hơn, như câu chuyện trong thời đệ nhị thế chiến, Quân Phiệt Nhật đã bắt nhiều thiếu nữ Triều Tiên, xung vào đội "Gái an ủi" (comfort girls) để phục vụ sinh lý cho binh sĩ Thiên Hoàng. Nửa thế kỷ sau, dân Đại Hàn vẫn không thể quên được mối hận nhục nhã này. Cuối cùng, Thủ Tướng Nhật đã phải chính thức lên tiếng xin lỗi và bồi thường cho nạn nhân một cách thỏa đáng. Tuy nhiên, trong bài viết, tác giả Nguyễn Tường Long đã kêu gọi một sự “hoà giải” mang đầy tính nghịch lý, lập lờ khi cho rằng khối người Việt tỵ nạn CS (nạn nhân) phải “hoà giải” với thể lực đã gây ra đau khổ tang thương cho nạn nhân (CSVN). Nói như thế chẳng khác nào kêu gọi những nạn nhân tiếp tục cúi đầu làm tôi mọi, dâng hiến thân xác và của cải cho bọn cướp tiếp tục bóc lột, hành hạ. Như vậy, nhân vật Nguyễn Tường Long là ai, đang làm nhiệm vụ gì trong chiêu bài bịp bợm này?...

Đi ngược dòng lịch sử đất nước, với “Một ngàn năm đô hộ bởi giặc Tầu và một trăm năm nộ lệ bởi giặc Tây”, Hoàng Sa, Bản Giốc, Nam Quan vẫn còn nguyên vẹn. Nhưng chỉ hơn ba mươi năm được gọi là thống nhất, độc lập dưới chế độ đốn mạt, phi nhân của CSVN thì tất cả đã mất. Vậy thử hỏi bọn CSVN là giống gì, mà đần độn, hèn hạ đến nỗi, làm mất cả đất đai của Tổ Tiên. Hơn nữa, đất nước hiện tại cũng đã trở thành một "nhà tù vĩ đại" không cửa sổ. Tất cả những lọc lừa, khủng bố, đàn áp, bóc lột, không chừa một ai, từ những nhà bất đồng chính kiến, những vị lãnh đạo tôn giáo và thậm chí những phụ nữ tay yếu chân mềm, những em bé ngây thơ cũng không thoát khỏi bị đem bán làm nô lệ tình dục dưới mọi hình thức. Ngay cả những nơi ăn, chốn ở, thậm chí đến cả nải chuối buồng cau, con gà, con vịt, là những tư hữu tối thiểu của người dân, nhưng bây giờ tất cả những thứ đó, có thực sự còn là của họ hay không, hay tất cả đã thuộc về Đảng và nhà nước CSVN? Như vậy sự đấu tranh của người dân Việt nói chung và cộng đồng người Việt tỵ nạn nói riêng trong hiện tại, chắc chắn không phải thuần túy phát xuất từ một qúa khứ hận thù, mà nó được kết tinh từ những khốn cùng của đất nước, đau thương của dân tộc trong quá khứ cũng như hiện tại từ hơn nửa thế kỷ qua.

Thực sự mà nói, người dân cả ba miền (Bắc Trung Nam), đã bỏ nước ra đi bằng những con đường khốn khổ, đau thương nhất, không phải thuần túy đi tìm miếng cơm, manh áo cá nhân, hay vì sợ sự trả chế độ CS, hoặc vì sự hận thù của một thời quá khứ như CSVN đã gán ghép, mà tất cả chỉ vì họ quá kinh tởm cái chế độ khát máu, phi nhân, được cai trị bởi một bọn thú đội lốt người. Do đó, nhớ hay quên quá khứ không phải là điểm then chốt của vấn đề, mà chính là cái đốn mạt, dã man, cuồng bạo của guồng máy cai trị CSVN. Người ta thường nói "kẻ nào cột, thì người ấy phải gỡ" . Vì vậy, muốn xóa bỏ hận thù, khép lại quá khứ để “hoà giải”, chắc chắn phải thiêu hủy cái cơ chế đã gây ra hận thù, tạo ra những đau thương cho dân tộc và điếm nhục cho quê hương mới là điểm then chốt.

Trở lại vấn đề, ai hoà giải với ai, thực sự cộng đồng người Việt tỵ nạn tại hải ngoại và đồng bào ruột thịt trong nước chưa bao giờ bất hoà, nên không cần thiết phải nhắc đến hai chữ "Hoà giải ", những bương trải đấu tranh của họ không ngoài mục đích đi tìm tự do, hạnh phúc cho toàn dân, không phải để đòi lại những tài sản hay thân xác của từng cá nhân đã bị CSVN cưỡng đoạt. Do đó, nói đến một sự “hoà giải” đúng nghĩa và hợp lý, thì chính CSVN là kẻ gây ra đau thương, hận thù, nhục nhã cho Quê Hương và dân tộc, tất nhiên phải biết ăn năn, hối cải để hoà giải với với toàn dân. CSVN phải thật lòng, đừng mỵ dân thêm nữa, hãy cúi đầu xám hối, chế độ phải thay đổi toàn bộ, phải vất bỏ cái lý thuyết CS không tưởng, đốn mạt phi nhân bản CS vào thùng rác lịch sử như các nước CS Đông Âu đã thực hiện.

Ngoài ra, CSVN phải thể hiện thiện chí bằng một xã hội tự do dân chủ đúng đắn, phóng thích ngay những nhà đấu tranh dân chủ, các vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo đang bị quản chế hay giam cầm, phải lắng nghe tất cả những tiếng nói lương tri từ mọi tầng lớp xã hội một cách chân thành bằng tự do thông tin và tự do ngôn luận, trả lại quyền tự quyết của dân tộc mà CSVN đã từng cưỡng chiếm. Nếu thực hiện được như vậy, chắc chắn người dân sẽ không hẹp hòi gì để nhắc lại quá khứ. Họ sẵn sàng khép lại tất cả những hận thù đau khổ, để cùng nhau bắt tay xây dựng lại non sông sau bao nhiêu năm khốn khổ, băng hoại do CSVN gây ra.

Tóm lại, thiết nghĩ có lẽ giờ đây cũng không còn ai có thể ngây ngô, lầm lẫn với chiêu bài “hoà giải” của CSVN nữa, và nếu bất cứ ai đòi hỏi mộ sự hoà giải mà không đi kèm những điều kiện nêu trên, thì đó chỉ là một sự cưỡng từ đoạt lý lừa bịp, nếu không phải là CS chính gốc thì cũng là những “con vẹt” tay sai đang giúp CSVN trong mưu đồ xích hoá cộng đồng người Việt tỵ nạn hầu củng cố cho chế độ phi nhân CSVN thêm vững chắc để tiếp tục buôn dân, bán nước, phá hoại Giang Sơn.

Phạm Thanh Phương (Úc Châu).

Tài Liệu Tham Khảo:

#Nguyễn Tường Long (Đăng ngày 31.07.08), Hòa giải là một nhu cầu có thật, Đàn Chim Việt Online, nguồn http://danchimviet.com/articles/255/1/Hoa-gii-la-mt-nhu-cu-co-tht/TrangPage1.html

Phạm Thanh Phương (Úc Châu)

Sau sự thành công mỹ mãn của cộng đồng người Việt tỵ nạn tại Úc Châu qua sự kiện “Biểu Dương Cờ Vàng” trong dịp Đại Hội Giới Trẻ Công Giáo Thế Giới, cộng đồng người Việt tỵ nạn tại hải ngoại lại nhận được một bài viết với dung rất mâu thuẫn và như hàm ý một sự đánh đồng lịch sử hầu mong nhập nhằng “khuyến cáo” cộng đồng người Việt tỵ nạn hải ngoại nên có thái độ nên tôn trọng lá cờ máu CSVN và chấp nhận nó như lá cờ Vàng chính nghĩa mà đại đa số người dân đang trân trọng. Sự kiện này cũng tao ra một làn sóng dư luận với nhiều nhận định khác nhau và cũng làm sáng tỏ hơn về nhà “đấu tranh dân chủ” Phương Nam Đỗ Nam Hải hiện nay.

Trong bài viết “Một số suy nghĩ về hai lá cờ Việt Nam” [1] gởi ra từ Saigòn ngày 7-8-2008, Đỗ Nam Hải (ĐNH) đã nhận định rõ chế độ CSVN là một chế độ khát máu phi nhân
“...Không ai khác, chính họ là những kẻ khủng bố, chính họ là lũ giặc nội xâm của dân tộc Việt Nam hôm nay!”.
Với một nhận định quá chính xác này đã khiến người đọc tưởng như là những lời tâm huyết của một chàng trai nước Việt rất trong sáng trong ý thức quê hương, đang mang nỗi niền trăn trở với cái đau của dân và cái nhục của nước trong hoàn cảnh hiện tại, và cũng có thể nói đây chính là một ngôi sao sáng trong cuộc chiến cam go lật đổ chế độ phi nhân CSVN, đi tìm tự do, dân chủ và nhân quyền cho dân tộc. Tuy nhiên khi đọc tiếp, có lẽ ít ai tránh khỏi được sự ngỡ ngàng với những nhận định mang tính lập lờ đánh lận, giữa cái thiện và cái ác, giữa bóng tối và ánh sáng, giữa chính đạo và tà đạo của ĐNH. Trong đoạn kế tiếp, ĐNH kêu gọi cộng đồng người Việt tỵ nạn nên tôn trọng lá cờ máu đã gây nên bao nhiêu đau thương tác tóc cho quê hương và dân tộc trong suốt gần một thế kỷ qua với đoạn văn:
“Chúng ta cần hết sức tôn trọng tất cả những ai, dù ở phía bên này hay phía bên kia đã từng đứng dưới lá Cờ Vàng 3 Sọc Đỏ hay lá Cờ Đỏ Sao Vàng, vì lòng tin của họ mà đã dũng cảm chiến đấu và ngã xuống trên lòng đất Mẹ Việt Nam thân yêu”
Đọc đoạn văn này, có lẽ ai cũng thấy một sự cưỡng từ đoạt lý để cho rằng bất cứ ai, thế lực, phe nhóm nào, dù tốt hay xấu, nhưng một khi đã “ngã xuống trên lòng đất Mẹ Việt Nam thân yêu”, thì lá cờ của họ đều phải được chấp và tôn trọng. Nếu nói như vậy, thử hỏi những tên thảo khấu cướp của giết người, những tên thực dân, đế quốc giết dân, cướp nước và khi chúng “ngã xuống trên lòng đất Mẹ Việt Nam” thì lá cờ của chúng cũng đều phải được tôn trọng ngang hàng với lá cờ chính nghĩa, nhân bản của dân tộc hay sao? Với lý luận này, đại đa số cho rằng ĐNH đang cố gắng đánh đồng sự kiện lịch sử một cách qúa ấu trĩ, để vô tình bạch hoá cả một sự khuất lấp trong chiếc áo “đấu tranh dân chủ” mà ĐNH đã khoác trên người từ trước đến nay. Điều đáng tiếc là ĐNH đã quên hay cố tình quên rằng chính lá cờ đỏ ấy đã đưa đến cho dân tộc biết bao nhiêu đau thương điếm nhục, đồng thời cũng chính lá cờ đỏ ấy đã thiêu chết một cách dã man biết bao nhiêu sinh linh vô tội qua những vết nhơ của lịch sử như “Cải cách ruộng đất, tết Mậu Thân..v..v” và cũng chính lá cờ đó biết bao nhiêu sinh linh vô tội đã phải ra đi vĩnh viễn trong những trại tập trung hay trên những đoạn đường vượt biên, vượt biển. Ngoài ra, cũng duới lá cờ đỏ đầy máu tanh ấy, thử hỏi những người bộ đội CS có thực sự chiến đấu “dũng cảm cho lý tưởng” như ĐNH nhận định hay không? Nếu có, tại sao CSVN phải xích chân họ vào xe tăng và các ổ đại pháo để họ phải giãy chết trong sợ hãi, tức tưởi trong oan nghiệt...

Một sự nhận định rất so le khi ĐNH cho rằng;
“Bản thân hai lá cờ không phải là nguyên nhân gây nên sự phân hóa dân tộc. Nguyên nhân gây nên sự phân hóa dân tộc chính là những kẻ cầm đầu trong Đảng cộng sản Việt Nam đã và đang cố tình duy trì một cách bất lương cái chế độ độc tài, độc đảng, phản dân tộc và phản dân chủ ở Việt Nam”
Trong khi đó đoạn kế tiếp ĐNH lại viết
“Lá Cờ Đỏ Sao Vàng đang là biểu trưng cho một chế độ độc tài, độc đảng, phản dân tộc và phản dân chủ, phản lại các quy luật khách quan và các xu thế tiến bộ của thời đại mới.... Thực chất là bởi súng đạn, nhà tù của bộ máy công an trị khổng lồ và bởi sự lừa bịp một cách trắng trợn dân tộc cùng cộng đồng quốc tế, chứ không phải là cái gì khác”.
Như vậy những dòng chữ ngụy biện ĐNH cho rằng lá cờ máu của CSVN “không phải là nguyên nhân gây nên sự phân hóa dân tộc” có mâu thuẫn lắm không? Sự mâu thuẫn này nó đã phát xuất từ đâu? Phải chăng từ những khuất lấp tự chính bản thân của người viết và cũng có thể nói là một hành động “hiếp dâm” chữ nghĩa “hiếp dâm” tư tưởng trong mục đích nào đó rất ư là khuất lấp.

Một điều mẫu thuẫn và khôi hài hơn nữa khi ĐNH đã biết rằng
“Lá Cờ Vàng 3 Sọc Đỏ mỗi khi được đồng bào Việt Nam ta hiện đang sinh sống ở hải ngoại giương cao, chính là biểu trưng cho ý chí và nguyện vọng, cho nỗi khát khao của gần 90 triệu nhân dân Việt Nam ở cả trong và ngoài nước hôm nay. Họ đã và đang dũng cảm, kiên trì đứng lên cùng với đồng bào mình ở trong nước quyết giành lại các quyền tự do dân chủ đã bị Đảng cộng sản Việt Nam qua nhiều thế hệ ngang nhiên tước đoạt của dân tộc trong suốt gần 63 năm qua (2/9/1945 - 7/2008)”
. Nhưng tại sao ĐNH lại cố đánh đồng một cách trơ trẽn để “khuyến cáo” cộng đồng người Việt tỵ nạn tại hải ngoại phải “tôn trọng và chấp nhận” lá cờ máu CSVN giống như lá cờ Vàng tượng trưng cho chính nghĩa nhân bản. Với những lời văn và bố cục tương phản lẫn nhau một cách “rất thô thiển” trong bài viết của ĐNH, đã khiến người đọc phải nghĩ đến một “thói đời” mang đầy tính khuất lấp với một mục đích không trong sáng trong cục diện đấu tranh hôm nay. Như vậy, Đỗ Nam Hải có thật một “Nhà Đấu Tranh Dân Chủ Dũng Cảm” như giải thưởng của nhóm Hoàng Cơ Định (Việt Tân) đã trao tặng trước đây hay không, có lẽ tự bản thân mỗi người đều đã có câu trả lời.

Nhân tiện đọc bài viết mang tính khuất lấp này của Đỗ Nam Hải, tưởng cũng nên nhắc lại ở đây là Đỗ Nam Hải đã từng sống ở Úc từ năm 1995 đến năm 2003 không biết với lý do gì. Ngay trong những lần trả lời phỏng vấn, Đỗ Nam Hải đã xác định rõ anh không phải là một du hoc sinh hay một nghiên cứu sinh và cũng không đến Úc để làm ăn, buôn bán. Như vậy thời gian 8 năm ở Úc Đỗ Nam Hải để làm gì, có mang một nhiệm vụ đặc biệt gì không, thì mãi cho đến nay cũng chưa ai có được một sự giải đáp chính xác. Hơn nữa, theo một giới chức đại diện Việt Tân tại Úc lúc ấy cũng cho biết, họ đã móc nối và kết nạp Đỗ Nam Hải trong mục đích gây dựng mầm mống dân chủ tại quốc nội khi Đỗ Nam Hải về nước, và cũng từ đó ba chữ Đỗ Nam Hải bắt đầu được nhiều người biết đến với năm chữ “Nhà Đấu Tranh Dân Chủ” và nổi bật như hôm nay. Như vậy Đỗ Nam Hải là ai, đang mang một nhiệm vụ gì có lẽ phải chờ thêm một thời gian nữa mới có thể có một sự trả lời chính xác.

Một “Thói Đời”....


(Cám ơn “Nhà Đấu Tranh Dân Chủ” Đỗ Nam Hải qua bài viết “Một số suy nghĩ về hai lá cờ Việt Nam” đã tạo nguồn cảm hứng cho bài thơ này”

Trí thức mà sao khéo nhập nhằng
Đánh đồng lịch sử có buồn chăng
Cạn đường liêm sỉ đau lòng chữ
Khánh kiệt lương tri xót mảnh bằng
Xót nước, khom lưng, tuồng múa bậy
Thương nhà, uốn lưỡi, khúc ca nhăng
Đớn đau, cám cảnh đời khoa bảng
Lẫn lộn vàng thau qủy hoá tăng

Phạm Thanh Phương (Úc Châu)


[1] Phương Nam - Việt Nam (2008) Một số suy nghĩ về hai lá cờ Việt Nam. Hội Quán Nhà Việt Nam, nguồn
http://thongtin.brinkster.net/diendan/motsosuynghivehailacovietnam.htm





-Phạm Thanh Phương (Úc Châu)-

Theo tin chính thức cho biết, CSVN vừa công bố sẽ chi ra một số tiền rất lớn với nhiều triệu Mỹ kim, nhằm thúc đẩy mạnh chương trình kêu gọi nguồn tài năng hải ngoại về giúp nước. Thực ra chương trình này không phải là một điều mới lạ, hay mới được xuất hiện bởi ý thức, giác ngộ “đột xuất” của đảng CSVN trước hoàn cảnh suy thoái mọi mặt của hiện tình đất nước, mà nó đã được “phát động” rêu rao từ nhiều năm qua. Cách đây mấy năm, CSVN cũng đã kêu kọi, chiêu dụ bằng bằng nhiều hình thức, qua nhiều nghị quyết. Tuy nhiên, đến nay vẫn không thấy được một tia sáng nào có thể gọi là khả quan, ngoài một con số rất nhỏ bất tài, vô tướng đã trở về tung hô xuông trong cái cảnh “mười voi không được một bát nước xáo”, rồi cũng phải âm thầm ra đi, hay bỏ cuả chạy lấy thân.

Nhìn lại cục diện trong những năm vừa qua có lẽ ai cũng biết, hết Nghị Quyết 114 , Quỹ Yểm Trợ Cộng Đồng, Hội Thân Nhân Việt Kiều, rồi lại đến Nghị Quyết 36,v,v... Trong những chiến dịch này, CSVN cũng đã chiêu dụ được một số cá nhân, phe nhóm, đảng phái, uốn lưng làm tay sai trong công tác thâm nhập, lũng loạn và khuynh loát trong một số cơ cấu tổ chức, sinh hoạt trong cộng đồng người Việt tỵ nạn tại hải ngoại, và cũng có một số “chuyên gia trí thức” đánh trống, khua chiêng về “giúp nước” theo kiểu cò mồi. Còn lại đại đa số những thành phần “chuyên gia trí thức” thực sự có ý thức quê hương thì chưa ai thấy lên tiếng.

Đến nay có lẽ CSVN nhận thấy một chút thành quả từ sự lũng loạn qua một số tổ chức tay sai đã thâm nhập trong cộng đồng người Việt tỵ nạn, từ đó nghĩ rằng đã đến lúc phải nhắc lại, tái “phát động” chương trình này, hy vọng có thể thu gom những thành phần được gọi là “chất xám” tại hải ngoại để mong cứu vãn tình thế và củng cố cho chế độ được vững chắc trước tình trạng suy thoái hiện nay.

Trong chương trình này, Bộ Giáo Dục và Đào Tại CSVN cho biết sẽ cố gắng thu hút khảng 300 ngàn chuyên gia có trình độ đại học hiện đang sinh sống và làm việc tại các nước như Anh, Pháp, Mỹ, Úc, Canada,v,v... Bộ Giáo Dục và Đào Tại CSVN cũng cho trong tất mọi lãnh vực, sự thiếu chuyên gia có thể nói là rất trầm trọng, nhất là trong lãnh vực kỹ thuật.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Phụ, giáo sư trường Đại học Quốc gia tại Sàigòn lại cho rằng lãnh vực giáo dục đại học mới là quan trọng, vì hệ thống giáo dục đại học dưới chế độ CSVN quá yếu kém. Hơn nữa ông Phụ cũng cho biết, “nếu muốn những tài năng “chất xám” về làm việc thì ít nhất phải có mức lương đãi ngộ tối thiểu để họ bảo đảm cuộc sống. Ngoài vấn đề lương bổng còn “Phải làm thế nào tạo được một môi trường làm việc hữu hiệu, minh bạch, thì đó mới là điều cơ bản”. Điều quan trọng hơn nữa là dù sao những “chuyên gia” này cũng là người Việt Nam, vì thế ngoài khả năng chuyên môn cao, họ còn thấu hiểu được văn hóa, phong tục tập quán,v,v... Do đó rất dễ dàng hoà nhập trong dòng xã hội và chắc chắn sẽ không có những trở ngại như khi thuê mướn một chuyên gia người ngoại quốc”.

Song song với trương trình này, một chỉ thỉ mang số 19 đã được ban hành vào cuối tháng Sáu 2008, Nguyễn Tấn Dũng cũng có nói “sẽ khen thưởng kịp thời đối với kiều bào có thành tích đóng góp cho đất nước""phát huy tiềm năng tri thức và kinh tế" của người Việt hải ngoại. Ngoài ra trong cuộc họp báo tại Hà Nội ngày 10-7, Bộ Ngoại Giao CSVN cũng cho biết, “sẽ tổ chức một hội nghị của người Việt ở nước ngoài trên toàn thế giới vào năm 2009 để "gắn kết" Việt kiều với nhau và với đất nước”.

Khi nghe những lời đao to búa lớn của Dũng, đại đa số cho rằng đây cũng chỉ là phần lý thuyết xuông. Vấn đề thực tế là phải làm thế nào CSVN có thể thu gom và xử dụng được lực lượng “chất xám” tại hải ngoại mới là một điều thiên nan, vạn nan mà từ nhiều năm qua CSVN đã cố gắng nhưng vẫn chưa thành công.

Nhìn vào thực tế, có lẽ không ai có thể phủ nhận, đối với một người Việt Nam yêu nước, thương dân, khi được đem tài năng ra phục vụ trên quê hương mình có lẽ là một điều hạnh phúc nhất, dù có phải hy sinh ít quyền lợi bản thân, và đương nhiên vấn đề lương bổng sẽ không phải là điểm quan trọng đối với họ. Một vấn đề được đặc biệt quan tâm ở đây là sự hy sinh của họ có đem lại được hạnh phúc thực sự cho người dân hay không, khi một khi chế độ dã man, thối nát CSVN vẫn còn tồn tại. Người ta thường nói “Quốc gia hưng, vong, thất phu hữu trách”, vì thế cái mục tiêu chính yếu của một trí thức chân chính là làm sao tạo được sự tự do, tự tại, ấm no hạnh phúc cho dân tộc để phát triển đất nước. Như vậy, thiết nghĩ chỉ khi nào CSVN biết ý thức, trả lại quyền tự quyết cho toàn dân, để có được một nền tự do dân chủ thực sự, lúc ấy có lẽ không cần ai kêu gọi, chiêu dụ, chắc chắn các chuyên gia trí thức cũng sẽ tự động xin về phục vụ trên quê hương. Ngược lại, một khi đất nước còn đang đau khổ, người dân còn lầm than, đói rách bởi chế độ phi nhân, bạo ngược, thì CSVN có dùng mọi thủ đoạn lừa bịp gì chăng nữa, cũng chỉ làm cái công việc “Dã tràng se cát” mà thôi.

Cũng trong bối cảnh hiện tại, nếu có một số “chuyên gia trí thức” nào đó, chỉ vì cái vị kỷ thấp hèn của bản thân, mà quên đi sự đâu khổ của dân tộc, tan tác của quê hương, cúi mặt về làm việc cho CSVN, thì chắc chắn họ sẽ đòi hỏi một mức lương tương đương công việc họ đang làm tại hải ngoại. Như vậy, thử hỏi CSVN có đủ sức trả lương cho họ hay không? Nói đến một chuyên gia đã tốt nghiệp đại học tại hải ngoại, mức lương tối thiểu phải bắt đầu từ con số 70 ngàn Mỹ Kim một năm. Hơn nữa, với một đất nước lạc hậu về mọi mặt như Việt Nam trong hiện tại, thiết nghĩ dù có “thu hút” được một số “tài năng” chăng nữa cũng vô ích, bởi thị trường Việt Nam không phải là “đất dụng võ”, để có thể thi thố sở học. Ngoài ra với hệ thống luật lệ rừng rú của CSVN trong hiện tại, thì lấy gì bảo đảm được an ninh và ngay cả mạng sống của họ.

Nói về bản chất CSVN có lẽ ai cũng biết, khi cần chắc chắn họ sẽ o bế, lạy lục. Nhưng khi “cá đã căn câu”, chắc chắn thói du côn bóc lột sẽ xuất hiện, thậm chí nhà nước sẽ tặng cho vài “cái nón” gián điệp để được trắng tay, thân tàn ma dại một cách “danh chính, ngôn thuận” như đã từng xẩy ra với Nguyễn Gia Thiều (Pháp) hay Trịnh Vĩnh Bình (Hoà Lan) trước đây.

Cũng trong vấn đề này, có nhiều người cho rằng, chương trình “thu hút tài năng” của CSVN không phải thực sự muốn phát triển đất nước như kêu gọi, mà đây chỉ là một vở tuồng chính trị với nhiều mục đích khác nhau. Nếu chẳng may vì một lý do nào đó, một số trí thức “thiêu thân” bay về lí lô với đảng, tất nhiên đảng sẽ lợi dụng sự kiện, tuyên truyền tạo dựng một tiếng vang trước nhãn quan quốc tế là nhà nước CSVN đã có một chính sách đứng đắn, nhiệt tâm vì quê hương đất nước và đang trong sạch hóa xã hội, “tiến nhanh, tiến mạnh” trên con đường “dân chủ hóa” đất nước. Từ đó, CSVN cho đám đảng phái tay sai gia tăng đánh phá tại hải ngoại, để các thế lực đấu tranh càng ngày càng yếu và đi đến triệt tiêu, bởi lòng người mỗi ngày một chán ngán và mất hẳn niềm tin trong đấu tranh. Ngoài ra, những “trí thức” này sẽ đóng một vai trò không kém quan trọng hậu thuẫn trong lãnh vực bang giao, bởi họ chính là những người mang hai quốc tịch. Đến khi mọi việc đã ổn định đi vào “quỹ đạo” vững trãi, có thể những “trí thức” này sẽ là những nạn nhân thê thảm nhất trong chính sách “vắt chanh bỏ vỏ” sở trường của CSVN như đã xẫy ra rất nhiều trên dòng lịch sử gần nửa thế kỷ qua. Do đó, mong rằng các bậc “chuyên gia trí thức” cũng nên cẩn trọng suy xét, hầu có thể tránh được cái cảnh dở khóc, dở cười “tiền mất tật mang” qua bản chất lừa bịp cố hữu của CSVN.

Giúp nước...

(Trong tình hình suy thoái, trong Tháng Sáu vừa qua, đảng CSVN đã công bố một chương trình với nhiều triệu Mỹ kim, “thu gom chất xám” tại hải ngoại về “giúp nước”)

Đảng réo gọi em về giúp nước
Cõi Sơn Hà nghĩa nặng là đây
Em ơi Sông núi hao gầy
Ghé vai gánh hộ, những ngày gian nan

Tình dân tộc Đảng “ban” sắc thắm
Nghĩa đồng bào Đảng cẩn hoàng kim
Dẫu xa cách mấy cũng tìm
“Khúc ruột ngàn dặm” Đảng in tấc lòng

Bao nghị quyết lòng vòng quanh quẩn
Cũng bởi em lắm bạc nhiều tiền
Cây cầu “bản sắc” giao duyên
Em về nối nhịp, “ưu tiên” mặn nồng

Đảng khắc khoải một lòng ngóng đợi
Em về đi, :cứu đói giảm nghèo”
Môi sinh, Giáo dục tiếp theo
Bao giờ cho hết cái nghèo mới thôi...

Ai nghe dại những lời đường mật
Để vô tình bóp nát lương tâm
Bao nhiêu tuyến lệ âm thầm
Do bầy lang sói, nỡ lầm hay sao

Cảnh khốn khổ khi nào mới dứt
Dẫu biết rằng “tay đứt lòng đau”
Dân còn khắc khoải bể dâu
Đảng còn nặng túi, nát nhầu Quê Hương

Yêu dân tộc tìm đường tranh đấu
Diệt hết phường thảo khấu lưu manh
Tự nhiên non nước trong lành
Toàn dân hết khổ, yên bình tứ phương.

Phạm Thanh Phương (Úc Châu)

Phạm thanh Phương

Đại Hội Giới Trẻ Công Giáo Thế Giới đã kết thúc một cách hoàn mỹ, kể cả phần đạo lẫn phần đời trong tinh thần hiệp thông đúng nghĩa. Tuy vậy, những dư âm hoàn mỹ ấy vẫn còn đọng lại trong tâm tư mọi người những cảm giác thân thương rất đậm nét, và cũng từ đó có lẽ không ai có thể quên được lời phát biểu của hùng hồn mang đầy tính nhân bản của Đức Thánh Cha Benedict XVI trong buổi lễ bế mạc 20-7-2008. Lời phát biểu của ngài đã như một tiếng chuông cảnh tỉnh những con người vì vô tình hay cố ý đam mê trong quyền lực, vật chất mà “xa rời về mặt tinh thần", để có những tư tưởng, lời nói hay hành động, mang tính đồng loã hay thỏa hiệp với những ác tính, để tự chính bản thân và xã hội phải gánh chịu nhiều nỗi đắng cay.

Trong câu nói “xa rời về mặt tinh thần” của Đức Thánh Cha, hiển nhiên mang ý nghĩa một thông điệp, nhắn gởi nhân loại nên vận dụng trí tuệ suy nghĩ về những điều nhân bản một cách sáng suốt, trang bị cho mình một hành trang đối kháng mạnh mẽ, hầu có thể hiên ngang chống lại những ác tính trong một thế giới bon chen của thế nhân hiện tại, điển hình là những con người đầu cơ thời cuộc, những chế độ độc tài toàn trị đầy ác tính, trong đó CSVN là một thế lực đứng đầu trong cái ác tính này. Ngoài ra, ngài cũng nhắn nhủ tha nhân là “chúng ta đang cần một thời đại mới, không còn bóng dáng của sự ích kỷ, tham lam và lãnh đạm với thời cuộc”. Với câu nói này đại đa số nhân định, nếu muốn tẩy trừ những “sự ích kỷ, tham lam và lãnh đạm với thời cuộc” tất nhiên phải có ý thức đấu tranh, đấu tranh ngay chính tự bản thân, gia đình và xã hội. Như vậy cái tính đối kháng mà Hồng Y Phạm Minh Mẫn đã đưa ra trong “Bức thư mục vụ” chắc chắn phải mang một ý nghĩa cao cả, tốt đẹp. Nó không thể cưỡng từ đoạt lý một cách cẩu thả, bao hàm sự miệt thị, phỉ báng bằng hai chữ “thói đời”.

Thực sự mà nói, có lẽ ai cũng biết cuộc đời là một đấu trường, mang tính đối kháng trường kỳ trong mọi mặt. Bởi lẽ, nếu không có sự đối kháng tự ngay chính bản thân, gia đình và xã hội, thì thử hỏi lấy cái gì có thể tiêu trừ những vị kỷ thấp hèn mang đầy ác tính của nhân gian, hầu có thể đem lại đời sống an vui, hạnh phúc cho nhân loại kể cả vật chất lẫn tinh thần. Ngược lại, nếu chỉ lập lờ, đánh lận hiểu cái theo cái “thói đời” của HY Phạm Minh Mẫn để tìm sự “an toàn, hạnh phúc” cá nhân thong thoả hiệp với những kẻ mang đầy ác tính, thì có lẽ Đức Thánh Cha không bao giờ phải bận tâm nhắn gởi đến tha nhân những điều này. Tinh thần đối kháng nhằm tiêu diệt những “sự ích kỷ, tham lam và lãnh đạm với thời cuộc” là một điều rất cần thiết trong cuộc đời, nhất là đối với hoàn cảnh của dân Việt Nam hiện nay. Nếu không, làm sao có thể quang phục quê hương, phục hồi đạo đức, và thăng hoa cuộc sống.

Cũng với những câu nói của Đức Thánh Cha, thiết nghĩ đây cũng là một thông điệp nhắn gởi riêng giáo dân và nhất là hàng giáo phẩm Việt Nam cũng đừng vì “sự ích kỷ, tham lam” mưu cầu sự an bình, lợi ích cho bản thân, phe nhóm, để phải bưng tai nhắm mắt “lãnh đạm với thời cuộc” nhiễu nhương đang xẩy ra trên khắp nẻo đường đất nước. Như vậy có thể hiểu sự hiệp thông ở đây là sự hiệp thông của những con người ý thức với thời cuộc để đối kháng lại những “sự ích kỷ, tham lam” bạo ngược của CSVN. Nó không thể là một sự đánh đồng lịch sử để cưỡng từ, đoạt lý cho rằng dù mẹ Việt Nam “mặc áo đỏ” hay “mặc áo vàng” cũng như nhau, hầu nhập nhằng cưỡng bách trộn chung cái ác và cái thiện.

Cũng trong ngày lễ bế mạc Đại hội, Đức Thánh Cha đã cảnh giác, nhắn nhủ: "Thế giới của chúng ta ngày càng chia rẽ, bóc lột và hám lợi, với những thần tượng sai lệch, những sự phản kháng rời rạc cùng nỗi đau từ những lời hứa giả tạo". Đây cũng là một lời nhắn gởi, khuyên chúng ta phải can đảm chấp nhân sự thật, bạch hóa những sai trái lập lờ, đoàn kết trong cái thiện (chính nghĩa), đối kháng để tẩy trừ tất cả những “thói đời” lấp lửng “mượn gió bẻ măng” trong âm mưu thỏa hiệp, tiếp tay cho sự bóc lột đầy máu và nước mắt của CSVN đã và đang gieo rắc trên khắp nẻo đường quê hương hơn nửa thế kỷ qua. Do đó, người Công Giáo Việt Nam và hàng giáo phẩm cũng đừng bao giờ để hiện tượng “những sự phản kháng rời rạc” như hoàn cảnh của Linh Mục Lý phải tiếp diễn, mà hãy xiết tay nhau trong niềm tin, tạo sự hiệp thông cùng đứng lên đối kháng tẩy rửa “nỗi đau từ những lời hứa giả tạo” từ những con buôn chính trị và CSVN. Tưởng cũng nên nhắc lại ở đây, Đức Giáo Hoàng Jean Paul II khi sinh tiền, ngài đã từng nhắn nhủ: “Mỗi người công giáo là một chiến sỹ của giáo hội” trên con đường đấu tranh với cái ác để tìm ánh sáng hạnh phúc toàn thiện cho nhân loại, như vậy chắc chắn người Công giáo không thể là những con cừu thụ động chỉ biết núp dưới đàn chiên tìm sữa uống cho no bụng, mà “lãnh đạm với thời cuộc”, bỏ mặc dân tộc đang ngụp lặn trong vũng lầy đen tối của thế gian do CSVN tạo ra.

Trở về “nỗi đau từ những lời hứa giả tạo”, đi ngược dòng lịch sử để thấy được CSVN không bao giờ có một thiện chí làm đúng những gì đã hứa, những lời hứa giúp đỡ thành phần bần nông trong chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất, sự cam kết hưu chiến ba ngày tết trong Tết Mậu Thân và còn rất nhiều lời hứa khác, nhưng chẳng bao giờ được CSVN thực hiện. Ngay trên cả lãnh vực quốc tế cũng không có gì khác biệt, tất cả những cam kết của Hiệp định Genève 1954 hay Hiệp định Paris 1973 và rất nhiều cam kết trong công ước Quốc Tế Nhân Quyền, cũng chỉ là những lọc lừa bỉ ổi, để rồi đã hơn nửa thế kỷ qua dân tộc Việt Nam phải quằn quại trong những “nỗi đau từ những lời hứa giả tạo” ấy và tác hại của nó vẫn còn tiếp diễn.

Tóm lại, lời nói của Đức Thánh Cha trong ngày lễ bế mạc Đại Hội Giới Trẻ Công Giáo tại Sydney, có thể nói là một thông điệp nhắn gởi riêng đến giáo dân và đặc biệt hàng giáo phẩm trong hệ thống Thiên Chúa Giáo Việt Nam rằng: Hãy cố gắng đề cao cảnh giác, đừng bao giờ chỉ vì một sự thoải mái, an toàn giả tạo cho bản thân, cho phe nhóm, để rồi phải khép kín lương tri “cuốn theo chiều gió”, hay mù quáng trong nhận định sự thật chỉ vì tôn sùng những “thần tượng” một cách “sai lệch” như một số người đã cố gắng ngụy biện cho hành xử của Hồng Y Ph ạm Minh Mẫn vừa qua, để rồi nỗi đau của dân tộc tiếp tục mãi lê thê dưới ách thống trị của thế lực đầy ác tính CSVN.

Tuổi Trẻ Lưu Vong!!!


(Thân tặng những bạn trẻ Việt Nam trong Đại Hội Thanh Niên Công Giáo Thế Giới 2008 tại Sydney với ngọn cờ Vàng Nhân Bản)

Thương biết mấy
Những tâm hồn son trẻ
Những cánh hồng e ấp tuổi ngây thơ
Bởi vì đâu ! vọng cố quốc xa mờ
Yêu đất tổ trải lòng phơi gió bụi
Ánh sáng đức tin
Vương nỗi hờn sông núi
Thương giống nòi, giá lạnh buổi chiều đông
Tay trong tay, trực diện với non sông
Đường khấp khểnh, miệt mài thiên lý cước
Những mái đầu xanh
Chung lòng nguyện ước
Chí tung hoành, nốùi gót bậc cha, anh
Xây vẻ vang giòng giống Việt hùng anh
Không khuất phục trước vuốt nanh Cộng Phỉ
Tuổi trẻ hôm nay
Tràn đầy nghĩa khí
Trang sử oai hùng, mãi chói rạng nghìn thu
Quyết đánh tan mầu đen tối, âm u
Đem dân chủ, tự do, tràn sông núi
Rách rưới, Giang sơn
Đức tin, tù tội
Không ngập chìm hoa gấm để thờ ơ
Sức mạnh hoa niên, như nước vỡ bờ
Cuốn trôi hết bọn sói lang Cộng Sản
Dẫu lớn lên
Trong đoạn đời Tỵ Nạn
Mượn nhà người, làm tổ ấm dung thân
Có gì vui, khi Tổ quốc trầm luân
Cố gắng học, thành nhân tài giúp nước
Dõi theo bước
Gương anh hùng thủa trước
Nặng thù nhà, nợ nước, quyết vùng lên
Thay mộng mơ bằng ý chí vững bền
Dòng máu thắm, Việt Nam ơi! bất diệt

Phạm Thanh Phương (Úc Châu)