"...trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng..."

Dư Âm....

Posted by Lien Mang Viet San Friday, August 01, 2008

Phạm thanh Phương

Đại Hội Giới Trẻ Công Giáo Thế Giới đã kết thúc một cách hoàn mỹ, kể cả phần đạo lẫn phần đời trong tinh thần hiệp thông đúng nghĩa. Tuy vậy, những dư âm hoàn mỹ ấy vẫn còn đọng lại trong tâm tư mọi người những cảm giác thân thương rất đậm nét, và cũng từ đó có lẽ không ai có thể quên được lời phát biểu của hùng hồn mang đầy tính nhân bản của Đức Thánh Cha Benedict XVI trong buổi lễ bế mạc 20-7-2008. Lời phát biểu của ngài đã như một tiếng chuông cảnh tỉnh những con người vì vô tình hay cố ý đam mê trong quyền lực, vật chất mà “xa rời về mặt tinh thần", để có những tư tưởng, lời nói hay hành động, mang tính đồng loã hay thỏa hiệp với những ác tính, để tự chính bản thân và xã hội phải gánh chịu nhiều nỗi đắng cay.

Trong câu nói “xa rời về mặt tinh thần” của Đức Thánh Cha, hiển nhiên mang ý nghĩa một thông điệp, nhắn gởi nhân loại nên vận dụng trí tuệ suy nghĩ về những điều nhân bản một cách sáng suốt, trang bị cho mình một hành trang đối kháng mạnh mẽ, hầu có thể hiên ngang chống lại những ác tính trong một thế giới bon chen của thế nhân hiện tại, điển hình là những con người đầu cơ thời cuộc, những chế độ độc tài toàn trị đầy ác tính, trong đó CSVN là một thế lực đứng đầu trong cái ác tính này. Ngoài ra, ngài cũng nhắn nhủ tha nhân là “chúng ta đang cần một thời đại mới, không còn bóng dáng của sự ích kỷ, tham lam và lãnh đạm với thời cuộc”. Với câu nói này đại đa số nhân định, nếu muốn tẩy trừ những “sự ích kỷ, tham lam và lãnh đạm với thời cuộc” tất nhiên phải có ý thức đấu tranh, đấu tranh ngay chính tự bản thân, gia đình và xã hội. Như vậy cái tính đối kháng mà Hồng Y Phạm Minh Mẫn đã đưa ra trong “Bức thư mục vụ” chắc chắn phải mang một ý nghĩa cao cả, tốt đẹp. Nó không thể cưỡng từ đoạt lý một cách cẩu thả, bao hàm sự miệt thị, phỉ báng bằng hai chữ “thói đời”.

Thực sự mà nói, có lẽ ai cũng biết cuộc đời là một đấu trường, mang tính đối kháng trường kỳ trong mọi mặt. Bởi lẽ, nếu không có sự đối kháng tự ngay chính bản thân, gia đình và xã hội, thì thử hỏi lấy cái gì có thể tiêu trừ những vị kỷ thấp hèn mang đầy ác tính của nhân gian, hầu có thể đem lại đời sống an vui, hạnh phúc cho nhân loại kể cả vật chất lẫn tinh thần. Ngược lại, nếu chỉ lập lờ, đánh lận hiểu cái theo cái “thói đời” của HY Phạm Minh Mẫn để tìm sự “an toàn, hạnh phúc” cá nhân thong thoả hiệp với những kẻ mang đầy ác tính, thì có lẽ Đức Thánh Cha không bao giờ phải bận tâm nhắn gởi đến tha nhân những điều này. Tinh thần đối kháng nhằm tiêu diệt những “sự ích kỷ, tham lam và lãnh đạm với thời cuộc” là một điều rất cần thiết trong cuộc đời, nhất là đối với hoàn cảnh của dân Việt Nam hiện nay. Nếu không, làm sao có thể quang phục quê hương, phục hồi đạo đức, và thăng hoa cuộc sống.

Cũng với những câu nói của Đức Thánh Cha, thiết nghĩ đây cũng là một thông điệp nhắn gởi riêng giáo dân và nhất là hàng giáo phẩm Việt Nam cũng đừng vì “sự ích kỷ, tham lam” mưu cầu sự an bình, lợi ích cho bản thân, phe nhóm, để phải bưng tai nhắm mắt “lãnh đạm với thời cuộc” nhiễu nhương đang xẩy ra trên khắp nẻo đường đất nước. Như vậy có thể hiểu sự hiệp thông ở đây là sự hiệp thông của những con người ý thức với thời cuộc để đối kháng lại những “sự ích kỷ, tham lam” bạo ngược của CSVN. Nó không thể là một sự đánh đồng lịch sử để cưỡng từ, đoạt lý cho rằng dù mẹ Việt Nam “mặc áo đỏ” hay “mặc áo vàng” cũng như nhau, hầu nhập nhằng cưỡng bách trộn chung cái ác và cái thiện.

Cũng trong ngày lễ bế mạc Đại hội, Đức Thánh Cha đã cảnh giác, nhắn nhủ: "Thế giới của chúng ta ngày càng chia rẽ, bóc lột và hám lợi, với những thần tượng sai lệch, những sự phản kháng rời rạc cùng nỗi đau từ những lời hứa giả tạo". Đây cũng là một lời nhắn gởi, khuyên chúng ta phải can đảm chấp nhân sự thật, bạch hóa những sai trái lập lờ, đoàn kết trong cái thiện (chính nghĩa), đối kháng để tẩy trừ tất cả những “thói đời” lấp lửng “mượn gió bẻ măng” trong âm mưu thỏa hiệp, tiếp tay cho sự bóc lột đầy máu và nước mắt của CSVN đã và đang gieo rắc trên khắp nẻo đường quê hương hơn nửa thế kỷ qua. Do đó, người Công Giáo Việt Nam và hàng giáo phẩm cũng đừng bao giờ để hiện tượng “những sự phản kháng rời rạc” như hoàn cảnh của Linh Mục Lý phải tiếp diễn, mà hãy xiết tay nhau trong niềm tin, tạo sự hiệp thông cùng đứng lên đối kháng tẩy rửa “nỗi đau từ những lời hứa giả tạo” từ những con buôn chính trị và CSVN. Tưởng cũng nên nhắc lại ở đây, Đức Giáo Hoàng Jean Paul II khi sinh tiền, ngài đã từng nhắn nhủ: “Mỗi người công giáo là một chiến sỹ của giáo hội” trên con đường đấu tranh với cái ác để tìm ánh sáng hạnh phúc toàn thiện cho nhân loại, như vậy chắc chắn người Công giáo không thể là những con cừu thụ động chỉ biết núp dưới đàn chiên tìm sữa uống cho no bụng, mà “lãnh đạm với thời cuộc”, bỏ mặc dân tộc đang ngụp lặn trong vũng lầy đen tối của thế gian do CSVN tạo ra.

Trở về “nỗi đau từ những lời hứa giả tạo”, đi ngược dòng lịch sử để thấy được CSVN không bao giờ có một thiện chí làm đúng những gì đã hứa, những lời hứa giúp đỡ thành phần bần nông trong chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất, sự cam kết hưu chiến ba ngày tết trong Tết Mậu Thân và còn rất nhiều lời hứa khác, nhưng chẳng bao giờ được CSVN thực hiện. Ngay trên cả lãnh vực quốc tế cũng không có gì khác biệt, tất cả những cam kết của Hiệp định Genève 1954 hay Hiệp định Paris 1973 và rất nhiều cam kết trong công ước Quốc Tế Nhân Quyền, cũng chỉ là những lọc lừa bỉ ổi, để rồi đã hơn nửa thế kỷ qua dân tộc Việt Nam phải quằn quại trong những “nỗi đau từ những lời hứa giả tạo” ấy và tác hại của nó vẫn còn tiếp diễn.

Tóm lại, lời nói của Đức Thánh Cha trong ngày lễ bế mạc Đại Hội Giới Trẻ Công Giáo tại Sydney, có thể nói là một thông điệp nhắn gởi riêng đến giáo dân và đặc biệt hàng giáo phẩm trong hệ thống Thiên Chúa Giáo Việt Nam rằng: Hãy cố gắng đề cao cảnh giác, đừng bao giờ chỉ vì một sự thoải mái, an toàn giả tạo cho bản thân, cho phe nhóm, để rồi phải khép kín lương tri “cuốn theo chiều gió”, hay mù quáng trong nhận định sự thật chỉ vì tôn sùng những “thần tượng” một cách “sai lệch” như một số người đã cố gắng ngụy biện cho hành xử của Hồng Y Ph ạm Minh Mẫn vừa qua, để rồi nỗi đau của dân tộc tiếp tục mãi lê thê dưới ách thống trị của thế lực đầy ác tính CSVN.

Tuổi Trẻ Lưu Vong!!!


(Thân tặng những bạn trẻ Việt Nam trong Đại Hội Thanh Niên Công Giáo Thế Giới 2008 tại Sydney với ngọn cờ Vàng Nhân Bản)

Thương biết mấy
Những tâm hồn son trẻ
Những cánh hồng e ấp tuổi ngây thơ
Bởi vì đâu ! vọng cố quốc xa mờ
Yêu đất tổ trải lòng phơi gió bụi
Ánh sáng đức tin
Vương nỗi hờn sông núi
Thương giống nòi, giá lạnh buổi chiều đông
Tay trong tay, trực diện với non sông
Đường khấp khểnh, miệt mài thiên lý cước
Những mái đầu xanh
Chung lòng nguyện ước
Chí tung hoành, nốùi gót bậc cha, anh
Xây vẻ vang giòng giống Việt hùng anh
Không khuất phục trước vuốt nanh Cộng Phỉ
Tuổi trẻ hôm nay
Tràn đầy nghĩa khí
Trang sử oai hùng, mãi chói rạng nghìn thu
Quyết đánh tan mầu đen tối, âm u
Đem dân chủ, tự do, tràn sông núi
Rách rưới, Giang sơn
Đức tin, tù tội
Không ngập chìm hoa gấm để thờ ơ
Sức mạnh hoa niên, như nước vỡ bờ
Cuốn trôi hết bọn sói lang Cộng Sản
Dẫu lớn lên
Trong đoạn đời Tỵ Nạn
Mượn nhà người, làm tổ ấm dung thân
Có gì vui, khi Tổ quốc trầm luân
Cố gắng học, thành nhân tài giúp nước
Dõi theo bước
Gương anh hùng thủa trước
Nặng thù nhà, nợ nước, quyết vùng lên
Thay mộng mơ bằng ý chí vững bền
Dòng máu thắm, Việt Nam ơi! bất diệt

Phạm Thanh Phương (Úc Châu)

0 Responses to Dư Âm....