"...trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng..."

Năm Sửu nói chuyện Trâu

Posted by Lien Mang Viet San Wednesday, February 04, 2009

-Phạm Thanh Phương-


(Tản Mạn)


Từ lâu, không biết từ bao giờ, Trâu đã trở thành một loại gia súc rất thân thương trong đời sống nhân loại nói chung và Việt Nam nói riêng. Trâu là một hình ảnh rất gần gũi với đời sống xã hội, nhất là những quốc gia nông nghiệp như VN chúng ta.

Cũng như những con vật khác, đầu tiên Trâu sống nơi hoang dã trong những khu rừng nhiệt đới như Pakistan, Ấn Độ, Bangladesh, Nepal, Bhutan, Thái Lan, Việt Nam và cả miền Bắc của nước Úc. Tuy vậy, cũng không ai xác định được từ lúc nào Trâu đã được thuần hóa để trở thành một loại gia súc phục vụ cho đời sống loài người.

Nói về Trâu có hai loại trắng và đen, Trâu là một loại tuy chậm chạp nhưng rất khỏe, da dầy không có tuyến mồ hôi nên rất dai sức. Trọng lượng trung bình của Trâu thường từ 250kg đến 500kg, có cặp sừng rất dài và rất khỏe dùng để tự vệ khi bị tấn công. Tuy nhiên, có lẽ trong điều kiện đã thuần thục sống chung với loài người, Trâu nhà trở nên nhỏ hơn so với Trâu rừng trong điều kiện hoang dã. Theo nhiều tài liệu cho biết, một con trâu rừng to và khỏe gấp đôi trâu nhà, hoạt động nhanh nhẹn hơn và nặng từ 800kg cho Trâu cái và 1200kg cho Trâu đực.

Ngoài ra, người ta còn tìm thấy dấu tích của một loại Trâu tí hon trên đảo Cebu (Phi Luật Tân), sau khi khảo sát 2 cái răng và 2 đốt xương sống đã tìm được, các khoa học gia xác quyết, đây là một loại trâu tí hon đã tuyệt chủng cách đây cả chục ngàn năm và đặt cho nó một cái tên khoa học là Bubalus cebuensis. Các khoa học gia cũng phỏng đoán lại Trâu này có chiều cao khoảng 75cm và nặng chừng 150kg. Hiện nay những di tích này đang được trưng bày tại viện bảo tàng “Field Museum” Chicago, Hoa Kỳ. Cũng tại phi Luật Tân, trên đảo Mindoro người ta cũng thấy có loại Trâu nước nhỏ con, cao chừng 90cm và nặng chùng 270kg và có tên khoa học là Bubalus mindorensis. Tuy thế loại này vẫn lớn hơn lại trâu tí hon Bubalus cebuensis rất nhiều.

Nói về đời sống của Trâu, Trâu sinh nở mỗi năm một lần và mỗi lần chỉ một con, thông thường thì loài Trâu mang thai mười hai tháng mới sanh, khi trâu còn bé được gọi là nghé khi trưởng thành mới được gọi là Trâu..... Thực phẩm chính của Trâu là cỏ, nhưng khi thiếu cỏ trâu cũng sống được với những bó rơm khô, trâu có răng rất to nhưng không bén nhọn như loài thú khác và lúc nào cũng nhai, vì trong cơ thể có bao tử phụ đễ dự trữ thức ăn, vì thế miệng trâu lúc nào cũng hoạt động lép nhép mà người ta gọi là loài nhai lại.

Vào thời gian trước đây khi văn minh cơ khí chưa phát triển, tại những quốc gia nông nghiệp, Trâu giữ vai trò lao động chính trong xã hội. Ngoài ra, Trâu còn là nguồn cung cấp thực phẩm như sữõa trâu, thịt trâu, đến cả bao tử trâu, da trâu cũng đều hữu dụng. Người ta dùng da Trâu trong nhiều việc như làm giầy, dép, dây kéo cày, v,v.... Riêng bao tử trâu dùng đựng nước, rượu rất tốt và rất bền với một dung tích có thể hơn 20 lít.

Với một sức khỏe bền bỉ, ngoài việc cày ruộng, Trâu còn dùng để kéo xe, tuy chậm chạp nhưng có thể di chuyển được cả tấn hàng hóa trên một đoạn dường dài. Ấn Độ là quốc gia nuôi nhiều Trâu nhất thế giới, vì một số rất đông người Ấn coi bò như là một linh vật, vì thế ngoài lãnh việc dùng sức lao động của Trâu, người ta cũng cần dùng một số lượng lớn sữa và thịt trâu trong đời sống xã hội hàng ngày.

Riêng tại VN cũng là một nước nông nghiệp, vì thế nói đến Trâu, người ta thường hình dung ra nột hình ảnh cần mẫn, chiïu đựng và khoẻ mạnh, không thể thiếu trong lãnh vựïc phát triển đời sống kinh tế trước khi văn minh cơ khí xuất hiện ồ ạt. Do đó, hình ảnh Trâu rất thân thương đã gắn liền trong xã hội và ngay cả trong văn học.

Để nói về sự lợi ích của trâu, tục ngữ có câu “Ruộng sâu, trâu nái, con gái đầu lòng” hoặc “Con Trâu là đầu cơ nghịêp”. Nói về nếp sống thanh bình nơi thôn dã, người ta thường nói đến cảnh trẻ em bé ngồi trên lưng trâu thả diều với tiếng sáo vu vu trên bầu trời trong xanh thanh bình, hay những cuộc vui như tắm trâu, trọi trâu,v,v..

Trong đời sống nông thôn VN, trâu là một con vật rất thân thương và cũng chia sẻ nhưng khó nhọc, hưng suy của đời sống xã hội qua bài ca dao:

“Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cấy cày vốn nghiệp nông gia
Ta đây, Trâu đấy ai mà quản công
Bao giờ cây lúa trổ bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”

Mặc dù ai cũng biết Trâu và Ngựa là loại gia súc hữu ích và rất gần gũi nhất với đời sống nhân loại nói chung và VN nói riêng, nhưng không hiểu tại sao trong ngôn ngữ VN lại tỏ ra miệt thị hai loại gia súc này một cách rất thậm tệ, chẳng hiểu như thế có bất công lắm không ? Người ta đã dùng Trâu để ví von nhiều sự việc hay hiện tượng xấu như: Để chỉ một người chậm hiểu, ngờ nghệch người ta ví “ngu như trâu” hay “đàn gẫy tai trâu”, với một người nói hoài không chịu nghe thì lại ví “Lì như trâu”, nói đến loại người côn đồ, lưu manh như dám CS thì họ lại gọi là bọn “đầu trâu, mặt ngựa”, hoặc bọn tay sai vô liêm sỉ chỉ biết sống vị kỷ cong lưng làm “thân trâu ngựa” cho CS để có những hành xử trái khoáy “đâm sau lưng chiên sĩ” như chúng ta đã từng thấy trong mặt trận đấu tranh chung tại hải ngoại. Khi nói đến một hoàn cảnh đòi sống khó khăn gấp khúc, không có lối thoái, người ta chán nản buông xuôi và tự an ủi “Mài sừng cho lắm cũng là trâu”. Ngay trong một vài động vật khác cũng có tên như “ruồi trâu, cá lưỡi trâu”,v,v.... Ví sự khỏe mạnh “khỏe như trâu”, chỉ sự vất vả “làm như trâu”. Nói về sức khoẻ của phái nữ trong cái tuổi trăng tròn lẻ “Gái mười bảy, bẻ gẫy sừng trâu”, v.v. Trong dân gian những phụ nữ mang thai quá thời gian bình thường 11 hay 12 tháng mới sanh được gọi là “chửa trâu”. Ngoài ra trâu còn được dùng chỉ một hiện tượng “già không nên nết” như hiện tượng các bác “Việt kiều’ lợi dụng sự khốn khổ của dân mình dưới ách CS, về VN lợi dụng thân xác gái tơ, người ta thường nói “trâu già thích gặm cỏ non”. Riêng sự kiện này thì theo nghĩa đen thấy có cái gì đó không ổn. Một số người lý luận, trâu già sức khỏe kém, hàm răng đã rệu rạo rồi, thì làm sao có thể nhai rơm hay cỏ già, vì vậy nếu trâu già mà thích gặïm cỏ non cũng là chuyện bình thường hợp lý thôi, đâu có gì phải than phiền, phải không qúy vị.

Các tục lệ ngày lễ về trâu:

Lễ trọi trâu

Trở lại hình ảnh con trâu trong văn hóa VN, một vài nơi có tục lệ “chọi trâu” như tại Đồ Sơn miền Bắc VN. Tục lệ “chọi trâu” không biết xuất phát từ bao giờ nhưng tại Đồ Sơn có câu ca dao:

"Dù ai buôn đâu, bán đâu
Mồng chín tháng tám chọi trâu thì về
Dù ai bận rộn trăm bề
Mồng chín tháng tám nhớ về chọi trâu"

Tục lệ “chọi trâu” tại Đồ Sơn không đơn thuần chỉ vui chơi mà còn mang tính thiêng liêng trong đời sống tâm linh của người dân. Theo nhiều sự tìm hiểu cho biết, lễ “chọi trâu” còn mang ý nghĩa tưởng nhớ đến công ơn của các vị thần, duy trì kỷ cương làng xã, cầu nguyện cho sự hưng thịnh của địa phương với “mưa thuận, gió hòa”.

Lễ cúng vía trâu

Mốt số làng người Mường, Thái còn có tục lệ “cúng vía trâu” vào dịp tết của họ. Lễ được tổ chức vào ngày 14-7 âm lịch, thời gian này tất cả công việc đồng áng đã hoàn tất, trâu và người đều được nghỉ ngơi dưỡng sức chuẩn bị cho mùa tới. Ở đây cúng vía trâu để tạ ơn thần linh đã giúp họ làm ăn trong năm qua. Trâu đối với đời sống thôn dãõ rất quan trọng bởi sự vất vả của trâu đã giúp người quá nhiều, sự vất vả ấy cũng hòa đồng và gắn liền với sự vất vả của nông dân, do đó “cúng vía trâu” còn mang ý nghĩa như một sự tạ ơn và cảm thông.

Lễ đâm trâu

Theo tục của dân Ba Na, Gia Rai, Xơ Đăng, hàng năm dân làng tổ chức một lần hội đâm trâu rất lớn vào đầu tháng chạp âm lịch. Lễ đâm trâu này mang ý nghĩa tưởng nhớ công ơn tổ tiên đã xây dựng và giữ gìn làng mạc. Ngoài ra cũng có những lễ đâm trâu nhỏ để cúng thần linh, cầu an khi người ta bị bệnh hay tai nạn bất ngờ. Đây là những cổ tục, nhưng vẫn còn duy trì đến ngày nay.

Tóm lại, trâu là một con vật rất thân thương, không thể thiếu trong xã hội loài người, nhất là những quốc gia nông nghiệp như Việt Nam, vì vậy hình ảnh con trâu cũng từ đó đã đi sâu trong vào đời sống và văn hóa dân tộc Việt. Trong ngày tết người ta cũng thường bày bán những bức tranh một em bé ngồi thổi sáo trên lưng trâu để chỉ sự thanh bình, hồn nhiên, nhàn hạ. Nhưng những hình ảnh đơn sơ ấy, giờ đây lại là một sự kháo khát mỏi mòn của toàn dân Việt dưới chế độ CSVN. Tuy hình ảnh này rất tầm thường, đơn sơ và mộc mạc, nhưng ngày nay hầu như đã biến mất trên quê hương Việt Nam, bởi lẽ dưới chế độ CS, số trâu cũng bớt rất nhiều và con người đã thay thế hình ảnh con trâu trên những cánh đồng khô, cỏ cháy. Hơn nữa, số ruộng đất cũng đã thu hẹp quá nhiều và tập trung trong tay nhà nước, không còn những tiếng sáo vi vu trên lưng trâu, hoặc những tiếng vui đùa của trai gái làng cùng con trâu trên đồng ruộng. Ngược lại, người ta chỉ nghe được những tiếng kêu gào, than khóc tức tưởi của từng đoàn người lang thang “khiếu kiện” đòi nhà đòi ruộng của tầng lớp nông dân, tận cùng khốn khổ của loài người. Đây cũng chính là tuyệt tác ưu việt của cái gọi là “thiên đường XHCN” vậy.

Sau cùng, người viết cũng xin xác định, đây chỉ là một bài viết mang tính tản mạn, mong có thể chia sẻ cùng độc giả một ít kiến thức và tâm tư trong dịp xuân về, tất cả dữ kiện được sưu tầm, lượn lặt từ nhiều nơi. Do đó, chắc chắn có rất nhiều sai sót. Kính mong quý độc giả thứ lỗi và kính chúc qúy độc giả một mùa xuân con Trâu an khang, thịnh vượng. Hy vọng bững hình ảnh thân thương tiếng sáo thanh bình của trẻ em trên lưng trâu sẽ sớm trở về trên quê hương, hầu giải thoát những cơ cực, đầy máu và nước mắt do CSVN tạo ra từ trên nửa thế kỷ nay.

* Phạm Thanh Phương (Úc Châu)

0 Responses to Năm Sửu nói chuyện Trâu