"...trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng..."

Lối Mòn Tư Tưởng

Posted by Lien Mang Viet San Tuesday, September 08, 2009

Phạm Thanh Phương


Trong chế độ độc tài toàn trị CSVN, lãnh vực tự do truyền thông và tự do ngôn luận chưa bao giờ được thực hiện. Tất cả những thông tin đưa ra, đều được chỉ thị theo một khuôn mẫu đã quy định. Ngoài ra tất cả những ý kiến đóng góp hay phê bình, nhận định cũng được hạn chế tới mức tối đa trong một khôn khổ “xử lý nội bộ”, không ai có thể đưa ra ánh sáng của đại chúng, dù là những tin tức tầm thường cuả xã hội hay liên quan đến vận mệnh đất nước. Bất cứ ai can đảm lên tiếng ngoài “qũy đạo”, tất nhiên đều trở thành những tội phạm và hậu quả có thể khốn khổ suốt cuộc đời hay được vĩnh viễn từ giã thế gian.


Tuy nhiên, trước trào lưu tiến bộ văn minh của nhân loại. Kỹ nghệ thông tin đã phát triển vượt bực và đưa con người đến gần nhau hơn. Từ đó, bức màn bưng bít của CSVN cũng đã bị phá vỡ phần nào, để có một sự giao lưu thông tin đại chúng trong và ngoài nước mỗi ngày một nhiều hơn và nhanh hơn. Vì thế, CSVN cũng không thể khống chế người dân một cách dã man trắng trợn như trước, và trong cái thế bất đắc dĩ CSVN buộc phải chấp nhận những hình thức đối lập, hay lên tiếng chỉ trích trực tiếp hay gián tiếp “ngoài luồng” quy định. Từ cái thế bất đắc dĩ ấy của chế độ, các phong trào đấu tranh đòi tự do, dân chủ hay đòi công lý và công bằng được dịp dâng cao và cũng đã gây được ảnh hưởng phần nào, khiến CSVN cũng có phần chao đảo và nhận biết đây chính là những “hạt giống dân chủ ” đang được gieo trên khắp nẻo đường đất nước và có thể sẽ đưa chế độ tàn bạo, dã man ấy đi đến con đường phải cáo chung như những nước CS Đông Âu trước đây.


Để ngăn chặn sự phát triển của những “hạt giống dân chủ” này, CSVN đã phải tạo biết bao nhiêu trận hoả mù, đưa các phong trào “đấu tranh dân chủ” trở thành “hư hư, thực thực”, chân, giả bất minh hầu mong làm mất niền tin nơi người dân. Đồng thời CSVN cũng tốn rất nhiều tiền của để bung những cán bộ hoặc mua chuộc những thành phần tay sai, len lỏi, lũng loạn trong các cơ cấu tổ chức của cộng đồng người Việt tỵ nạn tại hải ngoại. Tuy nhiên sau một thời gian dài, những nỗ lức ấy cũng chỉ đạt được một kết qủa có thể nói là qúa “khiêm nhường”.

Vì vậy, vào ngày 24-7-2009, Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng CSVN đã đưa ra Quyết định mang số 97/2009/QĐ-TTg “Quy định về Phản Biện Chính Sách”. Trong Quyết định này cho biết

"Nếu có ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước, cần gửi ý kiến phản biện đó cho cơ quan Đảng, nhà nước có thẩm quyền, không được công bố công khai...”.
Với nội dung của quyết định, đại đa số người dân cho rằng, trong cơn bối rối, một lần nữa đảng và nhà nước CSVN lại phải xử dụng “chiếc khăn lông” khổng lồ cũ rích, nhằm bịt miệng người dân và chức năng thực sự của giới truyền thông cũng nằm ngoài chiếc khăn ấy. Nhìn lại sự việc, Quyết định 97 cũng không phải là một sáng kiến mới lạ. Nó chỉ là sự lập lại cái chính sách lưu manh, ấu trĩ đã từng áp dụng trong suốt dòng lịch sử của đảng. Nó không khác nào một vở tuồng hề lừa bịp cũ kỹ, diễn đi, diễn lại dưới nhiều hình thức khác nhau. Chẳng có gì có thể tạo cho “khán giả” những cảm xúc mới mẻ dù vui, buồn hay giận dữ.


Để chứng minh điều này, trước đây không lâu, trong một bài phỏng vấn của báo Đại Đoàn Kết, ông Trần Xuân Giá, cựu bộ trưởng Kế Hoạch và Đầu Tư, đương kim Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Á Châu nhận định:

"Phát huy dân chủ có nhiều kênh, nhưng "phản biện xã hội" là kênh hết sức quan trọng...''.
Xin tạm dịch lại cho dễ hiểu là "Phát huy dân chủ có nhiều lãnh vực, nhưng lãnh vực tiếng nói từ người dân là quan trọng hàng đầu cần phải lưu tâm". Nếu chỉ nghe câu này, có lẽ ai cũng cảm thấy một niềm vui vì đã có một tiếng nói đòi hỏi dân chủ từ thượng tầng trong guồng máy cai trị của đảng. Nhưng rất tiếc, ông Giá nói tiếp:
"đảng Cộng Sản Việt Nam cần phải trao cho Mặt Trận Tổ Quốc thêm một vai trò mới, vai trò "phản biện xã hội.".

Thực sự mà nói, nếu "phản biện xã hội" mà chỉ dành riêng cho một cơ quan mà ai cũng biết đó là cơ quan của đảng thì có gì để nói. Vì vậy đại đa số cho rằng, trước sự căng thẳng trong xã hội về những uất nhục của tổ quốc, đau khổ cuả dân tộc, đảng và nhà nước mới tái diễn trò hề này, hầu mong tung một trận hỏa mù bịp dân, đồng thời che đậy bớt một số hành vi buôn dân, bán nước của đảng bị bạch hoá rộng rãi trong dân gian. Đây chính là cái “lối mòn” cố hữu của đảng và nhà nước CSVN, có lẽ không có gì để phải bàn sâu, tán rộng thêm.


Tuy nhiên, điều đáng nói và đáng buồn là cái “lối mòn” ngu xuẩn này của CSVN cũng được lan tràn và ngự trị trong công đồng người Việt tỵ nạn tại hải ngoại một cách khá phổ biến nơi một số cá nhân, tổ chức hay đảng phái. Họ cũng đang trơ trẽn, hí hửng đi trên cái “lối mòn” này một cách hiên ngang và cũng được một số “tương cận” tung hô, mà tất cả mọi ngưòi có thể thấy trong nhiều sinh hoạt, nhất là trong lãnh vực đấu tranh.


Nhìn vào những sinh hoạt “đấu tranh dân chủ” tại hải ngoại, hầu như đa số các tổ chức, phe nhóm thường kêu rêu, ai oán “cộng đồng mình thiếu đoàn kết, thường hay phê bình, chỉ trích,v,v...”, nhưng rất tiếc những thành phần này lại quên rằng, những phê bình, chỉ trích đó lại chính là nét đặc thù ưu việt của một nền dân chủ văn minh thực sự, nó không thể rập khuôn theo “lối mòn” của CS để phải cưỡng bách tất cả những “phản biện” hay góp ý, nhận định, phê bình phải đi “đúng tuyến, đúng cơ quan” như CSVN đã và đang thực hiện.


Nhìn lại những ngày gần đây, có lẽ ai cũng thấy cái “lối mòn” này, đã được thể hiện một cách rõ rệt qua hành xử của một số tổ chức hay phe nhóm đã tỏ ra giận dữ khi người khác chỉ ra những thiếu sót hay sai trái của họ, để rồi mất bình tĩnh buông những lời thoá mạ, thách thức một cách rất thiếu văn hoá, ấu trĩ và khôi hài như “Nếu qúy vị không làm được tốt đẹp hơn chúng tôi, thì hãy câm miệng lại...”. Với luận điệu cưỡng từ đoạt lý này đã chứng tỏ được một điều là, những thành phần này dù đã khổ công, vất vả vượt qua nghìn trùng để được tiếp cận với ánh sánh văn minh của nhân loại, nhưng vẫn chưa thể bước ra được khỏi mê lộ. Vì thế, nên họ đã không hiểu được sự phân tích, góp ý về những sai trái ấy chỉ là những cái nhìn khác nhau trong tư tưởng và đời sống dân chủ, những cái nhìn ấy chính là những chất liệu dùng kiện toàn sự việc khá hơn, tốt đẹp hơn và nó cũng là điều tối cần thiết đang cần phải phát huy tại Việt Nam.


Một vấn đề rất thực tế được đặt ra ở đây, trên thế giới tự do này biết bao nhiêu vị Nguyên Thủ Quốc gia, hay những cuốn phim, những tác phẩm văn chương, nghệ thuật đã được đưa ra phục vụ nhân loại, họ cũng đã phải trực diện với nhiều chiều hướng khen chê khác nhau, hoặc những nhà chuyên môn phê bình, chỉ trích. Nhưng cũng không bao giờ thấy ai lớn tiếng yêu cầu mọi người “câm miệng”, và cũng không bao giờ thách thức những người phê bình, chỉ trích rằng “nếu có giỏi hãy thực hiện như chúng tôi và hay hơn”. Tại sao??? Để trả lời một cách đơn giản, có lẽ ai cũng biết những cá nhân hay tập thể này là những người sống trong những xã hội dân chủ văn minh, họ là những người văn minh có ý thức dân chủ thực sự, vì vậy họ không thể có những tư tưởng và hành xử ấu trĩ trong cái “lối mòn” của CSVN. Một điều đáng buồn hơn nữa, những người đang đi trên “lối mòn” này của CS lại thường nằm trong giai tầng khoa bảng, chức sắc có tiếng tăm, miệng họ vẫn đang kêu gào đấu tranh đòi dân chủ, tự do cho dân tộc Việt Nam, nhưng hành xử lại trái ngược. Như vậy, thử hỏi làm sao có thể tạo được niềm tin nơi toàn dân để thực hiện lý tưởng “giải phóng dân tộc” bây giờ.


Nhìn vào hoàn cảnh thực tế cuả đất nước, đang còn trầm luân trong bàn tay độc ác tàn bạo của CSVN, muốn lấy được niềm tin trong chính nghĩa để có thể thực hiện được một con đường dân chủ thực sự cho đất nước. Thiết nghĩ mỗi người trong chúng ta nên xét lại chính bản thân, hầu có thể thức tỉnh thay đổi tư tưởng và hành xử một cách dân chủ văn minh hơn như người Tây phương, cố gắng tránh xa cái “lối mòn tư tưởng” đốn mạt của CS. Từ đó. Được như thế mới có thể hy vọng tránh được những ngộ nhận, và từ đó có thể có kết hợp được lòng người trong niềm tin, tư tưởng và mục tiêu. Nếu không, chắc chắn con đường “giải phóng” quê hương sẽ còn rất xa xăm, gian nan và có thể trở thành một con “đường đi không đến”.


Hố Thẳm Cuộc Đời


Em khắc khoải bên dòng đời nhẫn nhục

Bước chân mòn, hờ hững giữa mù sương

Hồn quanh co, văng vẳng khúc đoạn trường

Cố vươn mãi, rồi cũng về chốn cũ

Thế nhân ơi, sao vẫn còn mê ngủ

Mặc cuộc đời, êm ả giấc đông miên

Bỏ quên em, cuộn xoáy giữa nghiệp duyên

Tiếng nấc nghẹn, từng đêm dài nghiệt ngã

Em phất phơ mang mảnh đời tơi tả

Không gian kia, ôi uất nhục đong đầy

Khung trời buồn mờ xám một áng mây

Bay lừ lững vào cuối trời nhẫn nhục

Ôi quê hương! vùng gian nan vẩn đục

Em còn không, lẩn quẩn thế gian này

Đang miệt mài cùng giông bão cuồng vây

Hay gục ngã giữa dòng đời khắc khổ

Ta ngồi đây, ôm mảnh đời loang lổ

Chia cùng em, dòng huyết lệ tuôn trào

Tận sức người, thực hiện nỗi ước ao

Mang ánh sáng soi cõi đời tăm tối

Phạm Thanh Phương

0 Responses to Lối Mòn Tư Tưởng