"...trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng..."

Phạm thanh Phương

Theo lịch sử đảng, CSVN đã từng hãnh diện chiến thắng ba đế quốc Nhật- Pháp- Mỹ, nhưng rất tiếc CSVN vẫn không thể khống chế được một thế lực nhỏ nhoi, vỏn vẹn chỉ khoảng ba triệu người Việt Tỵ nạn đang lang thang rải rác trên khắp thế giới. Trong hàng chục năm qua, lợi dụng chính sách “đổi mới”, đảng và nhà nước đã nỗ lực với đủ mọi chiến thuật chiến lược, từ hăm doạ, răn đe đến chiêu dụ, cuối cùng kết quả cũng chỉ có thể đạt được một con số rất khiêm nhường với danh hiệu “Việt Kiều Yêu Nước”, và lá cờ máu đốn mạt kia cũng không thể bay trên nền trời hải ngoại một cách danh chính, ngôn thuận. Để rồi khi lãnh đạo đảng và nhà nước bước chân ra hải ngoại vẫn phải chịu những cảnh bị xua đuổi, như tẩy uế, ngăn ngừa mội loại vi khuẩn truyền nhiễm nguy hiểm của thế gian

Trải qua ba mươi bốn năm được gọi là ”Thống nhất đất nước”, nhưng thực sự CSVN chỉ cưỡng chiếm được lãnh thổ, ngược lại nhân tâm mỗi ngày một ly tán, hầu như không còn ai có thể tin vào chế độ CS có thể đem lại hạnh phúc cho người dân và bẻ vang cho tổ quốc. Ngược lại, người dân chỉ thấy được mỗi ngày mỗi khốn khổ, uất nhục, tan hoang. Người xưa thường nói “Thức đêm mới biết đêm dài” và càng ở lâu, lòng người dân Việt càng nhận thức được rõ nét cái bản chất hèn hạ, lừa đảo, gian ác của chế độ CS mà trước đây có thể một số người đã bị tuyên truyền để có một cái nhìn lầm lẫn.

Nhìn vào bối cảnh của đất nưóc, có lẽ ai cũng thấy được cái thái độ ù lỳ, nhẫn nhục “dửng dưng mặc kệ đời” của đại đa số người dân trong nước. Tuy nhiên, trong cái “dửng dưng mặc kệ đời” ấy, CSVN vẫn tỏ ra sợ sệt vì họ thừa hiểu đó chính là khối thuốc nổ rất mãnh liệt, và một ngày nào đó khi có cơ hội và điều kiện, khối thuốc ấy sẽ được nổ tung để đưa chế độ dã man tàn bạo của họ đi vào hố sâu của lịch sử. Vì vậy, CSVN không bao giờ ngưng bưng bít, bịp bợm và nỗ lực lũng đoạn, gây phân hoá, hầu mong có thể triệt thoái niềm tin của người dân, hầu có thể dập tắt được những ngọn lửa đấu tranh đòi tự do, dân chủ và nhân quyền đang bập bùng khắp nơi trên thế giới.

Để đi vào thực tế, nhìn vào tình hình quốc nội trong những ngày gần đây, hầu như “sức căng” trong lòng dân tộc có chiều hướng dâng cao bởi sự hèn hạ đốn mạt của lãnh đạo đảng qua một số sự kiện vùng biển Việt Nam bị Trung cộng khống chế, ngư dân bị bắt bớ, khủng bố, bị “tầu lạ” tấn công ngay trong hải phận VN, đàn áp “dân oan”, hành hung giáo dân Tam Toà, v,v... Song song “sức căng” này, những cao trào đấu tranh đòi tự do dân chủ, đòi chủ quyền đất nước cũng có chiều hướng phát triển mạnh. Vì vậy, CSVN đã tung thêm một trận khói mù khác với chiến dịch gia tăng bắt bớ những người bất đồng chính kiến và tạo ra sự kiện “Nhận tội xin khoan hồng” hàng loạt của một số “nhà đấu tranh dân chủ” trong nước,v,v... Những sự kiện này cũng không ngoài mục đích mong hề hóa hình ảnh đấu tranh tiêu biểu cho chính nghĩa và khát vọng của toàn dân đang lan rộng.

Riêng tại hải ngoại, mặc dù trong nhiều năm qua CSVN đã cố gắng tung ra một số cán bộ, kết hợp với một số cá nhân, đảng phái hay tổ chức “ăn phải bả CS” bị “chệch hướng” hay đã quay gót phản bội Quê hương và dân tộc, để len lỏi nằm vùng, lũng đoạn các tổ chức đấu tranh, cộng đồng. Tuy vậy, nhưng kết qủa cũng không được là bao nhiêu. Ngược lại, mỗi ngày con số nằm vùng này lại bị lộ diện nhiều hơn, và người Việt tỵ nạn vẫn sáng suốt giữ vững tinh thần đấu tranh và yểm trợ, ủng hộ những cao trào trong nước hữu hiệu hơn. Do đó, để thực hiện ý đồ gây phân hoá một cách hiệu quả, trong dịp cuối năm, CSVN tổ chức một đại hội với danh xưng “Hội Nghị Việt Kiều Toàn Thế Giới” và sẽ được thực hiện tại Hànội vào tháng mười một tới đây. Điều đáng nói là nguồn tin này đã được tung ra khá lâu, nhưng dường như cũng được ít người để ý quan tâm, có lẽ ai cũng biết được đó là một trò hề nhằm nhiễu loạn nhân tâm, hầu mong tập trung dư luận, đánh lạc hướng đấu tranh của những cao trào trong hiện tại. Biết được điều này, CSVN tiếp tục tung ra một chiêu thức mới, cho loan tải trên hệ thống Email một danh sách “Đại biểu Việt Kiều” sẽ về tham dự đại hội, trong danh sách này CSVN đã nêu đích danh một số cá nhân, chức sắc có tiếng tăm trong cộng đồng người Việt tỵ nạn, một số Hội đoàn, Đoàn thể, đảng phái chính trị “chống cộng” tại hải ngoại, trộn lẫn với một số cò mồi tay sai, nằm vùng sẵn có và hy vọng sẽ tạo ra một trận “thư hùng” quanh quẩn rất sôi nổi trong cộng đồng người Việt tỵ nạn tại hải ngoại.

Khi mới biết được bảng danh sách, đầu tiên cũng đã gây được một chút ngộ nhận, cũng có một vài người đã tỏ ra tức giận. Nhưng sau khi theo dõi vấn đề, đại đa số đều biết đây chỉ là một danh sách “ma” không ngoài mục đích tạo một làn sóng dư luận xôn xao để chửi bới, lên án “đánh quẩn” lẫn nhau trong cái thế “Bạng Duật Tương Trì”mà đảng và nhà nước sẽ đóng vai trò “Ngư Ông Đắc Lợi”, sở trường của CSVN đã xử dụng trong suốt dòng lịch sử của đảng. Tuy nhiên, dù sở trường là lưu manh bịp bợm, nhưng CSVN lại không biết những trò bịp bợm này đã trở thành quá ấu trĩ và lạc hậu. Nó không thể có hiệu lực như xưa. Bởi lẽ hiện nay nhân loại đã bước vào thế kỷ thứ hai mươi mốt, trình độ nhận thức của người dân không còn u mê như thời thập niên ba mươi, hiếm có ai có thể đặt niềm tin một cách mù quáng vào những trò bịp bợm cũ rích này, để phải vô tình bị lạc sâu trong cái vòng luận quẩn, hầu giúp cho cái ý đồ đốn mạt của đám Việt gian và CS được toại nguyện một cách dễ dàng. Ngược lại, đa số đã tỏ ra dửng dưng, chỉ coi sự kiện này như một vở tuồng hề rẻ tiền của “đỉnh cao trí tuệ” đã và đang thực hiện trên mọi lãnh vực từ trước đến nay. Không có gì phải bàn ra, tán vào cho mất thời gian mà thiếu tập trung được vào những vấn đề thực tiễn đang theo đuổi....

Cũng trong hiện tượng này, theo kinh nghiệm chính trị của những người am tường CS cho biết, sự im lặng coi rẻ của dư luận cũng chưa đủ để trở thành một yếu tố then chốt cho đám Việt gian và CS buông tha. Ngược lại, chắc chắn họ sẽ dùng một vài tay sai trong cái danh sách “ma” ấy lên tiếng thanh minh, lên án, chửi rủa và chụp mũ một số người khác. Từ đó, hy vọng sẽ khuấy động được dư luận đi vào thế trận. Do đó, trước thế trận lưu manh này, thiết nghĩ tất cả những cá nhân hay tổ chức có tên trong danh sách “ma” của CS, nên giữ một thái độ im lặng, sự lên tiếng thanh minh trong sự kiện này, không phải là một sự cần thiết. Tất cả những xuyên tạc, bôi nhọ bất cứ từ đâu cũng chỉ nên xem là một tuồng hề rẻ tiền cho vui. Bởi lẽ, tục ngữ có câu “vàng thật thì chẳng bao giờ sợ lửa”, chỉ cần kiên nhẫn đợi thêm một thời gian ngắn, khi cái “Hội Nghị Việt Kiều Toàn Thế Giới” được khai mạc, lúc ấy ai là Việt gian, ai chính, ai tà, nhận diện cũng chưa muộn. Ngược lại, nếu chỉ vì nóng nảy nhất thời, vội vàng lên tiếng ồn ào, tất nhiên sẽ gây ra tranh cãi vô bổ, không có lợi cho bất cứ ai, nà chỉ làm náo loạn tinh thần đấu tranh của đồng hương, để vô tình quên đi mục tiêu cao đẹp, chống CS và Việt gian đã và đang thực hiện trên khắp thế giới.



Với đại hội này, một số người nhận định tiềm ẩn hai mục đích: Thứ nhất sẽ gây ra một làn sóng náo loạn tại hải ngoại, gây phân hoá, tạo chán nản cho những người thực sự còn tâm huyết với quê hương và dân tộc. Thứ hai, bạch hoá, “đốt cháy” một số tay sai khi nhân thấy không còn giá trị lợi dụng.

“Bạng Duật Tương Trì”


(Ðược tin Việt gian & VC đã tung ra một danh sách ma, liệt kê đại biểu tham dự cái gọi là “Hội Nghị Việt Kiều Toàn Thế Giới” được CSVN tổ chức tại Hànội trong tháng 1-2009 tới đây, trong đó có một số cá nhân, đoàn thể, Cộng đồng “chống cộng” tại hải ngoại)

Tạo thế trận “Cò Nghêu tương sát”
Ðảng rung đùi, hềnh hệch vuốt râu
Kẻ ngu đần, khoái chốn lâu nhâu
Người sáng dạ, buồn nơi nhiễu loạn
Ðất nước kia, lắm điều ai oán
Non sông này, nhiều nỗi đắng cay
Bình tâm xem, cuộc thế phơi bày
Ai chính đạo, Việt gian ắt tỏ.

Phạm Thanh Phương

Phạm Thanh Phương


Trong chế độ độc tài toàn trị CSVN, lãnh vực tự do truyền thông và tự do ngôn luận chưa bao giờ được thực hiện. Tất cả những thông tin đưa ra, đều được chỉ thị theo một khuôn mẫu đã quy định. Ngoài ra tất cả những ý kiến đóng góp hay phê bình, nhận định cũng được hạn chế tới mức tối đa trong một khôn khổ “xử lý nội bộ”, không ai có thể đưa ra ánh sáng của đại chúng, dù là những tin tức tầm thường cuả xã hội hay liên quan đến vận mệnh đất nước. Bất cứ ai can đảm lên tiếng ngoài “qũy đạo”, tất nhiên đều trở thành những tội phạm và hậu quả có thể khốn khổ suốt cuộc đời hay được vĩnh viễn từ giã thế gian.


Tuy nhiên, trước trào lưu tiến bộ văn minh của nhân loại. Kỹ nghệ thông tin đã phát triển vượt bực và đưa con người đến gần nhau hơn. Từ đó, bức màn bưng bít của CSVN cũng đã bị phá vỡ phần nào, để có một sự giao lưu thông tin đại chúng trong và ngoài nước mỗi ngày một nhiều hơn và nhanh hơn. Vì thế, CSVN cũng không thể khống chế người dân một cách dã man trắng trợn như trước, và trong cái thế bất đắc dĩ CSVN buộc phải chấp nhận những hình thức đối lập, hay lên tiếng chỉ trích trực tiếp hay gián tiếp “ngoài luồng” quy định. Từ cái thế bất đắc dĩ ấy của chế độ, các phong trào đấu tranh đòi tự do, dân chủ hay đòi công lý và công bằng được dịp dâng cao và cũng đã gây được ảnh hưởng phần nào, khiến CSVN cũng có phần chao đảo và nhận biết đây chính là những “hạt giống dân chủ ” đang được gieo trên khắp nẻo đường đất nước và có thể sẽ đưa chế độ tàn bạo, dã man ấy đi đến con đường phải cáo chung như những nước CS Đông Âu trước đây.


Để ngăn chặn sự phát triển của những “hạt giống dân chủ” này, CSVN đã phải tạo biết bao nhiêu trận hoả mù, đưa các phong trào “đấu tranh dân chủ” trở thành “hư hư, thực thực”, chân, giả bất minh hầu mong làm mất niền tin nơi người dân. Đồng thời CSVN cũng tốn rất nhiều tiền của để bung những cán bộ hoặc mua chuộc những thành phần tay sai, len lỏi, lũng loạn trong các cơ cấu tổ chức của cộng đồng người Việt tỵ nạn tại hải ngoại. Tuy nhiên sau một thời gian dài, những nỗ lức ấy cũng chỉ đạt được một kết qủa có thể nói là qúa “khiêm nhường”.

Vì vậy, vào ngày 24-7-2009, Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng CSVN đã đưa ra Quyết định mang số 97/2009/QĐ-TTg “Quy định về Phản Biện Chính Sách”. Trong Quyết định này cho biết

"Nếu có ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước, cần gửi ý kiến phản biện đó cho cơ quan Đảng, nhà nước có thẩm quyền, không được công bố công khai...”.
Với nội dung của quyết định, đại đa số người dân cho rằng, trong cơn bối rối, một lần nữa đảng và nhà nước CSVN lại phải xử dụng “chiếc khăn lông” khổng lồ cũ rích, nhằm bịt miệng người dân và chức năng thực sự của giới truyền thông cũng nằm ngoài chiếc khăn ấy. Nhìn lại sự việc, Quyết định 97 cũng không phải là một sáng kiến mới lạ. Nó chỉ là sự lập lại cái chính sách lưu manh, ấu trĩ đã từng áp dụng trong suốt dòng lịch sử của đảng. Nó không khác nào một vở tuồng hề lừa bịp cũ kỹ, diễn đi, diễn lại dưới nhiều hình thức khác nhau. Chẳng có gì có thể tạo cho “khán giả” những cảm xúc mới mẻ dù vui, buồn hay giận dữ.


Để chứng minh điều này, trước đây không lâu, trong một bài phỏng vấn của báo Đại Đoàn Kết, ông Trần Xuân Giá, cựu bộ trưởng Kế Hoạch và Đầu Tư, đương kim Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Á Châu nhận định:

"Phát huy dân chủ có nhiều kênh, nhưng "phản biện xã hội" là kênh hết sức quan trọng...''.
Xin tạm dịch lại cho dễ hiểu là "Phát huy dân chủ có nhiều lãnh vực, nhưng lãnh vực tiếng nói từ người dân là quan trọng hàng đầu cần phải lưu tâm". Nếu chỉ nghe câu này, có lẽ ai cũng cảm thấy một niềm vui vì đã có một tiếng nói đòi hỏi dân chủ từ thượng tầng trong guồng máy cai trị của đảng. Nhưng rất tiếc, ông Giá nói tiếp:
"đảng Cộng Sản Việt Nam cần phải trao cho Mặt Trận Tổ Quốc thêm một vai trò mới, vai trò "phản biện xã hội.".

Thực sự mà nói, nếu "phản biện xã hội" mà chỉ dành riêng cho một cơ quan mà ai cũng biết đó là cơ quan của đảng thì có gì để nói. Vì vậy đại đa số cho rằng, trước sự căng thẳng trong xã hội về những uất nhục của tổ quốc, đau khổ cuả dân tộc, đảng và nhà nước mới tái diễn trò hề này, hầu mong tung một trận hỏa mù bịp dân, đồng thời che đậy bớt một số hành vi buôn dân, bán nước của đảng bị bạch hoá rộng rãi trong dân gian. Đây chính là cái “lối mòn” cố hữu của đảng và nhà nước CSVN, có lẽ không có gì để phải bàn sâu, tán rộng thêm.


Tuy nhiên, điều đáng nói và đáng buồn là cái “lối mòn” ngu xuẩn này của CSVN cũng được lan tràn và ngự trị trong công đồng người Việt tỵ nạn tại hải ngoại một cách khá phổ biến nơi một số cá nhân, tổ chức hay đảng phái. Họ cũng đang trơ trẽn, hí hửng đi trên cái “lối mòn” này một cách hiên ngang và cũng được một số “tương cận” tung hô, mà tất cả mọi ngưòi có thể thấy trong nhiều sinh hoạt, nhất là trong lãnh vực đấu tranh.


Nhìn vào những sinh hoạt “đấu tranh dân chủ” tại hải ngoại, hầu như đa số các tổ chức, phe nhóm thường kêu rêu, ai oán “cộng đồng mình thiếu đoàn kết, thường hay phê bình, chỉ trích,v,v...”, nhưng rất tiếc những thành phần này lại quên rằng, những phê bình, chỉ trích đó lại chính là nét đặc thù ưu việt của một nền dân chủ văn minh thực sự, nó không thể rập khuôn theo “lối mòn” của CS để phải cưỡng bách tất cả những “phản biện” hay góp ý, nhận định, phê bình phải đi “đúng tuyến, đúng cơ quan” như CSVN đã và đang thực hiện.


Nhìn lại những ngày gần đây, có lẽ ai cũng thấy cái “lối mòn” này, đã được thể hiện một cách rõ rệt qua hành xử của một số tổ chức hay phe nhóm đã tỏ ra giận dữ khi người khác chỉ ra những thiếu sót hay sai trái của họ, để rồi mất bình tĩnh buông những lời thoá mạ, thách thức một cách rất thiếu văn hoá, ấu trĩ và khôi hài như “Nếu qúy vị không làm được tốt đẹp hơn chúng tôi, thì hãy câm miệng lại...”. Với luận điệu cưỡng từ đoạt lý này đã chứng tỏ được một điều là, những thành phần này dù đã khổ công, vất vả vượt qua nghìn trùng để được tiếp cận với ánh sánh văn minh của nhân loại, nhưng vẫn chưa thể bước ra được khỏi mê lộ. Vì thế, nên họ đã không hiểu được sự phân tích, góp ý về những sai trái ấy chỉ là những cái nhìn khác nhau trong tư tưởng và đời sống dân chủ, những cái nhìn ấy chính là những chất liệu dùng kiện toàn sự việc khá hơn, tốt đẹp hơn và nó cũng là điều tối cần thiết đang cần phải phát huy tại Việt Nam.


Một vấn đề rất thực tế được đặt ra ở đây, trên thế giới tự do này biết bao nhiêu vị Nguyên Thủ Quốc gia, hay những cuốn phim, những tác phẩm văn chương, nghệ thuật đã được đưa ra phục vụ nhân loại, họ cũng đã phải trực diện với nhiều chiều hướng khen chê khác nhau, hoặc những nhà chuyên môn phê bình, chỉ trích. Nhưng cũng không bao giờ thấy ai lớn tiếng yêu cầu mọi người “câm miệng”, và cũng không bao giờ thách thức những người phê bình, chỉ trích rằng “nếu có giỏi hãy thực hiện như chúng tôi và hay hơn”. Tại sao??? Để trả lời một cách đơn giản, có lẽ ai cũng biết những cá nhân hay tập thể này là những người sống trong những xã hội dân chủ văn minh, họ là những người văn minh có ý thức dân chủ thực sự, vì vậy họ không thể có những tư tưởng và hành xử ấu trĩ trong cái “lối mòn” của CSVN. Một điều đáng buồn hơn nữa, những người đang đi trên “lối mòn” này của CS lại thường nằm trong giai tầng khoa bảng, chức sắc có tiếng tăm, miệng họ vẫn đang kêu gào đấu tranh đòi dân chủ, tự do cho dân tộc Việt Nam, nhưng hành xử lại trái ngược. Như vậy, thử hỏi làm sao có thể tạo được niềm tin nơi toàn dân để thực hiện lý tưởng “giải phóng dân tộc” bây giờ.


Nhìn vào hoàn cảnh thực tế cuả đất nước, đang còn trầm luân trong bàn tay độc ác tàn bạo của CSVN, muốn lấy được niềm tin trong chính nghĩa để có thể thực hiện được một con đường dân chủ thực sự cho đất nước. Thiết nghĩ mỗi người trong chúng ta nên xét lại chính bản thân, hầu có thể thức tỉnh thay đổi tư tưởng và hành xử một cách dân chủ văn minh hơn như người Tây phương, cố gắng tránh xa cái “lối mòn tư tưởng” đốn mạt của CS. Từ đó. Được như thế mới có thể hy vọng tránh được những ngộ nhận, và từ đó có thể có kết hợp được lòng người trong niềm tin, tư tưởng và mục tiêu. Nếu không, chắc chắn con đường “giải phóng” quê hương sẽ còn rất xa xăm, gian nan và có thể trở thành một con “đường đi không đến”.


Hố Thẳm Cuộc Đời


Em khắc khoải bên dòng đời nhẫn nhục

Bước chân mòn, hờ hững giữa mù sương

Hồn quanh co, văng vẳng khúc đoạn trường

Cố vươn mãi, rồi cũng về chốn cũ

Thế nhân ơi, sao vẫn còn mê ngủ

Mặc cuộc đời, êm ả giấc đông miên

Bỏ quên em, cuộn xoáy giữa nghiệp duyên

Tiếng nấc nghẹn, từng đêm dài nghiệt ngã

Em phất phơ mang mảnh đời tơi tả

Không gian kia, ôi uất nhục đong đầy

Khung trời buồn mờ xám một áng mây

Bay lừ lững vào cuối trời nhẫn nhục

Ôi quê hương! vùng gian nan vẩn đục

Em còn không, lẩn quẩn thế gian này

Đang miệt mài cùng giông bão cuồng vây

Hay gục ngã giữa dòng đời khắc khổ

Ta ngồi đây, ôm mảnh đời loang lổ

Chia cùng em, dòng huyết lệ tuôn trào

Tận sức người, thực hiện nỗi ước ao

Mang ánh sáng soi cõi đời tăm tối

Phạm Thanh Phương

Phạm Thanh Phương

Trong tuần lễ vừa qua, CSVN lại tung thêm một số Video Clip, trình chiếu sự hối hận “nhận tội, xin khoan hồng” cuả ba nhân vật Trần Anh Kim, Nguyễn Tiến Trung và Huỳnh Duy Thức trên đài truyền hình quốc nội và cũng đã được phổ biến một vài nơi trên Internet. Tuy nhiên, sự kiện “nhận tội, xin khoan hồng” của ba nhân vật này có vẻ kém ”hấp dẫn” hơn trường hợp của Ls Lê Công Định trước đây rất nhiều. Dó đó dư luận cũng không tỏ ra xôn xao, sôi nổi như trước, mà chỉ bàn luận qua loa. Bởi lẽ, đến nay hầu như ai cũng hiểu sự kiện “nhận tội, xin khoan hồng” của những “nhà đấu tranh dân chủ” này chỉ là một vở tuồng do CSVN tạo ra, hay nói đúng hơn là một chiến dịch, nhằm hề hoá hình ảnh của các phong trào đấu tranh, đồng thời triệt thoái niềm tin của toàn dân trong công cuộc đấu tranh chung, đi tìm tự do, dân chủ và nhân quyền của quê hương.

Nhìn vào sự kiện để đưa ra một câu hỏi, theo châm ngôn của đảng “thà giết lầm hơn bỏ sót” và nếu hành xử của những người như Nguyễn Tiến Trung, Trần Anh Kim, Huỳnh Duy Thức và Lê Công Định thực sự vi phạm những điều có hại cho nền an ninh quốc gia, hoặc ảnh hưởng lớn đến sự tồn vong của chế độ, thì tại sao CSVN không bắt họ ngay từ đầu mà phải đợi đúng vào thời điểm người dân đang trăn trở, ưu tư và uất ức khi danh dự đất nước bị chà đạp, tổ quốc đang bị uất nhục bởi sự vong nô, hèn nhược của tập đoàn lãnh đạo CSVN trước sự bành trướng xâm lăng của Trung cộng? Như vậy, sự kiện “nhận tội, xin khoan hồng” cuả ba nhân vật này chỉ là sự lập lại một vỡ tuồng mà CSVN đã tạo ra như Ls Lê Công Định trước đây mà thôi. CSVN cố dùng những thủ đoạn bỉ ổi này để biến những “Nhà đấu tranh dân chủ” trở thành những diễn viên trong cái tuồng hề ấu trĩ ấy, nhằm tạo một màn khói mù, hầu mong che khuất những sự kiện đang sôi sục trong lòng dân trước sự xâm lăng mang tính “hữu nghị” của Trung cộng đã và đang xẩy ra. Đồng thời dùng sự kiện “nhận tội, xin khoan hồng” tập trung dư luận, để người dân quên đi sự hèn nhược và bản chất tay sai, buôn dân bán nước của CSVN đang lộ ra rõ rệt nhất trong giai đoạn hiện tại.


Nói riêng về lãnh vực đấu tranh, những người thực sự dám trực diện với chế độ độc tài toàn trị dã man như CSVN, chắc chắn họ đã am tường bản chất và đường lối của chế độ. Hơn nữa, đa số họ là thành phần có học thức, khoa bảng cùng với lòng “dũng cảm” mà họ đã từng thể hiện trước đây. Vì thế, chắc chắn họ đã biết phải làm gì và cũng đã dự trù được những tình huống xấu nhất có thể xẩy ra trên con dường của họ đã chọn và đang đi. Như vậy, tại sao có việc “nhận tội xin khoan hồng” đồng loạt một cách khôi hài như vậy? Đây chính là một trận hoả mù khó hiểu.


Để đi tìm sự thật, Nguyễn Khắc Toàn, một nhân vật đã từng nhiều năm lăn lộn trong đấu tranh và cũng đã từng bị tù đầy, khủng bố nhận định "Một số nhân vật tranh đấu dân chủ ở trong nước nhận định tình hình công cuộc đấu tranh và tiến trình dân chủ hóa ở VN, quá đơn giản, ấu trí và thậm chí sơ sài nữa. Cho nên đã có những bước đi không đúng làm tổn thất lực lượng, bị bắt bớ thì không chịu được những thử thách trong lao tù và nhanh chóng đầu hàng trước áp lực của bộ máy công an trong nước”. Với nhận định này, nhiều người cho rằng ông Toàn đã dùng quá nhiều cảm tính chủ quan khi nhận định, nó không được trung thực, bởi lẽ những người dám đấu tranh chắc chắn họ cũng có một cái nhìn chính xác khi dấn thân, họ không thể đưa sinh mạng của họ ra đùa chơi với một chế độc tàn bạo, dã man như CSVN. Còn nếu nói rằng bốn nhân vật đã “Nhận tội” này là thiếu kinh nghiệm hay ấu trĩ, thì thiết nghĩ trình độ, khả năng và kinh nghiệm của họ chắc chắn không đến nỗi thua kém Ls Lê Thị Công Nhân, NguyễnVăn Đài hay Lê Chí Quang, mà có thể ngược lại kẻ đi sau thường học được nhiều kinh nghiệm từ người đi trước. Còn nếu đem so sánh thực tế thì giữa ông Trần Anh Kim và Lê Thị Công Nhân hay ông Nguyễn Khắc Toàn, thì không hiểu kinh nghiệm về cuộc đời và bản lãnh đối với CSVN thì ai đã hơn ai, có lẽ ai cũng hiểu. Như thế, tại sao Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Lê Chí Quang, Phạm Hồng Sơn đều đã bị khủng bố, trù dập, tù đầy, nhưng vẫn can đảm xiển dương công lý, không “nhận tội, xin khoan hồng” một cách bừa bãi, khôi hài như thế này.


Xoay quanh sự kiện “nhận tội xin khoan hồng” đồng bộ cuả bốn “nhà đấu tranh dân chủ” nêu trên, Lm PhanVăn Lợi nhận định "Bị can chỉ có thể nói mình có tội hay vô tội trong một phiên toà mà thôi, mà phiên toà đó phải là một phiên toà công minh, một phiên toà dân chủ, công khai, sau một tiến trình đúng với laiï pháp luật...”. Với . nhận định này của Lm Lợi, tuy chí lý, chí tình, nhưng rất tiếc nó chỉ có thể xẩy ra ở một nơi có đạo đức và nhân tính, biết tôn trọng con người và công lý. Hơn nữa, nếu CSVN biết tôn trọng công lý, nhân bản, thì bốn nhân vật này làm gì có tội mà xử. Vì vậy, CSVN mới phải tạo ra vở tuồng để mong đánh lừa thiên hạ, và triệt thoái niềm tin trong đấu tranh.


Cũng trong sự kiện, Lm Lợi nhận định thêm “Cái việc thú tội trước công an trong khám nó là điều hoàn toàn vô nghĩa.". Đúng vậy, sự kiện “nhận tội xin khoan hồng” cuả bốn nhân vật này đã vô nghiã ngay từ khởi điểm, không những vô nghĩa và còn mất cả lý lẽ, dù chỉ là một lý lẽ tối thiếu nhất. Tuy vậy, nó chỉ vô nghĩa và phi lý với những người thực sự là con người. Còn lại đối với loại mất tính người như CSVN, tất nhiên sẽ mang rất nhiều ý nghĩa. Bởi lẽ, CSVN tạo ra càng nhiều “Nhà đấu tranh dân chủ” kiểu này thì phong trào đấu tranh dân chủ sẽ khó có thể toàn vẹn được ý nghĩa cao đẹp, và hy vọng, niềm tin của toàn dân cũng bị ảnh hưởng, từ sự phai nhạt dần và đi đến tình trạng dửng dưng trước thời cuộc. Đây chính là điều ưu tư, trăn trở cho công cuộc đấu tranh chung của hiện tại. Do đó, nếu chúng ta không tỉnh táo, tất nhiên sẽ bị cuốn hút vào mê lộ, để rồi cảm thấy chán ngán và nhìn hình ảnh những “Nhà đấu tranh dân chủ” chỉ là những diễn viên đang nhẩy múa trong vở tuồng hề lừa bịp do CSVN tạo ra. Chúng ta không thể lún sâu vào một vũng lầy tư tưởng ấy, để chỉ biết quanh quẩn, ai oán, phê bình những người “Nhận tội, xin khoan hồng” là những kẻ hèn nhát hay thiếu kinh nghiệm, mà phải nhìn thẳng vào trọng tâm của sự kiện để nhận ra đây chỉ là một tấm tuồng hề trong âm mưu đen tối do CSVN tạo ra.


Tiếp theo sự kiện, được biết CSVN sẽ đưa bốn người “nhận tội xin khoan hồng” ra xét xử, và theo một số người nhận định chắc chắn sẽ không giống như các phiên toà đã từng xử Lm Nguyễn Văn Lý, Ls Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài hay Ls Lê Chí Quang, Bs Phạm Hồng Sơn khi trước. Và rất có thể vì sự “tự giác, ý thức” đã “nhận tội xin khoan hồng”của các đương sự, đảng và nhà nước sẽ “ban” cho một bản án treo cảnh cáo nào đó. Tuy nhiên đa số lại cho rằng, dù bản án thế nào chăng nữa cũng chỉ là một trò hề bịp bợm trong mưu đồ “hạ bệ” một số “thần tượng” và giảm thiểu được một số niềm tin trong công cuộc đấu tranh đòi dân chủ, tự do, nhân quyền trong hiện tại.


Song song với sự kiện, ông Nguyễn Khắc Toàn nhận định thêm: “Hiện nay ở Việt Nam không thể xuất hiện một Gorbachev, Yeltsin vì đảng cộng sản đã rút kinh nghiệm từ sự sụp đổ Đông Âu. Chúng tôi chỉ trông chờ thế hệ trẻ nối tiếp thế hệ lãnh đạo già và đương quyền hiện nay, sẽ nhìn nhận ra bối cảnh mới và áp lực trong ngoài nước, để họ tự thay đổi”. Tuy nhiên, rất tiếc khi nói đến giới trẻ, ông Toàn không nói rõ là giới trẻ nào, giới trẻ ý thức quê hương, có nhiệt tâm thay đổi hoàn cảnh đi ra từ lòng dân tộc hay giới trẻ cuả CSVN theo lối mòn “Cha truyền, con nối” mà đảng CSVN đã áp dụng từ hơn nửa thế kỷ qua. Nếu ông Toàn hy vọng vào giới trẻ “Cha truyền, con nối” của đảng CSVN, thì rất tiếc ông đã quên rằng “CS không thể thay đổi mà chỉ có thể thay thế” như ông Yeltsin đã nhận định trước đây. Thực sự mà nói, trong qũy đạo “Cha truyền, con nối” của đảng CSVN thì dù già hay trẻ, cũng vẫn mang một bản chất như nhau, thậm chí giới trẻ còn khôn hơn, hiểu biết hơn, để có những thủ đoạn tinh vi hơn trong áp bức, khủng bố, bóc lột, buôn dân, bán nước so với bậc cha anh của họ. Vì thế, dù vô tình hay cố ý, ông Toàn đã tạo ra một cái nhìn ‘sai lệch” không mấy tốt đẹp về cá nhân ông, để nghĩ rằng chính ông Toàn cũng đang thể hiện một sự chán nản, buông xuôi và đã thay đổi quan điểm lập trường để đi tìm ảo tưởng. Thậm chí một số còn “ngộ nhận” cho rằng, với sự nhận định này đã cho thấy, chính ông Toàn cũng là một diễn viên trong “vở tuồng” bỉ ổi cuả CSVN nhằm triệt thoái tiềm lực và niềm tin trong các phong trào đấu tranh.


Tóm lại, trước những sự kiện “Nhân tội, xin khoan hồng” một cách “vội vã” của những “Nhà đấu tranh dân chủ” không phải là một điều quá quan trọng đến độ có thể tạo ra sự thất vọng để làm mất niềm tin trong đấu tranh. Hơn nữa, có lẽ ai cũng biết, đấu tranh dưới một chế độ độc tài, lưu manh, tàn ác như CSVN, những “cơn sóng nổi” chỉ là những “viên gạch lót đường” dùng làm nền tảng cho những “cơn sóng ngầm” hoạt động. Đến một lúc nào đó hội đủ điều kiện thuận lợi, tất nhiên những “cơn sóng ngầm” này sẽ bùng lên nhận chìm “con thuyền” độc ác, tàn bạo CSVN vào hố sâu của lịch sử, và trả lại nền tự do, dân chủ cho toàn dân.

Phạm Thanh Phương


Lối Mòn

Đời rớm rở, trên lối mòn tri thức

Khó đổi thay, dù mang kiếp lưu đầy

Sống vật vờ lơ lửng giữa từng mây

Quên thực tại, một vũng lầy tư tưởng

Đã bao năm lưu vong, đời vất vưởng

Chẳng học gì, được thế giới hôm nay

Vẫn ươm mơ, một lý luận cối chày

Vẫn gào thét, quẩn quanh vùng bóng tối

Buồn biết mấy, đã phải xa nguồn cội

Vẫn đắm hồn trong thế giới mông lung

Dối gian đời bằng một tấm màn nhung

Tìm ảo giác, che nỗi đau thực tại

Hoán vũ, hô phong, bão lòng ngây dại

Hồn lâng lâng quyện đỏ ánh tà huy

Khối óc buồn, tư tưởng bất khả di

Chợt nhìn lại, tre già mùa hạn hán

Buồn biết mấy trên dòng đời ly tán

Một lối mòn, mặc áo thụng vái nhau

Quên chính mình, quên cuộc thế bể dâu

Rồi thờ thẫn “đập gương xưa tìm bóng.

Phạm Thanh Phương