"...trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng..."

Việt Nam Phát Triển???

Posted by Lien Mang Viet San Monday, July 19, 2010

Trong những năm gần đây CSVN thường tự hào cho rằng, Việt Nam dưới sự lãnh đạo của đảng và nhà nước, với một nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, đất nước mỗi ngày một phát triển theo đà tăng trưởng của thế giới, đang tiến đến một vị thế “dân giầu, nước mạnh”, dù không thể bằng các quốc gia Âu Mỹ nhưng ít nhất cũng phải đứng ngang hàng với các quốc gia trong vùng. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế có lẽ ai cũng thấy sự phát triển của Việt Nam hiện tại chỉ là hình thức mặt nổi qua những khẩu hiệu và những con số trên trang giấy, còn lại đời sống xã hội mỗi ngày một suy thoái, nghèo nàn, lạc hậu bên cạnh những xa hoa, lãng phí của một thiểu số thuộc giai cấp thống trị hay đặc quyền, đặc lợi trong guồng máy cầm quyền.
 
Nói về một đất nước phát triển, thông thường người ta nhìn vào đời sống căn bản của người dân, sự ổn định của xã hội, không thể chỉ nhìn vào số lượng nhà lầu, xe hơi hay ánh sáng lập lòe xanh đỏ của phố thị như nhiều người đã ngộ nhận. Nếu chỉ nhìn vào một số thành phố, đô thị được xây dựng, có thể bị ngộ nhận là đời sống xã hội đã thự sự phát triển, nhưng nếu đi vào toàn diện thì lại thấy ngược lại với một bóng tối cơ cực vẫn bao trùm đời đời sống của đại đa số người dân. Đại đa số không đủ cơm ăn, áo mặc, con số trẻ em thất học rất cao hiện đang kiếm sống trên những vỉa hè phố thị hay trên những bãi rác khổng lồ của xã hội. Sự thay đổi bề ngoài này chỉ là những cơ hội cho quan chức đảng và nhà nước chia nhau  “chấm mút” làm giầu từ những số tiền vay mượn từ ngoại quốc, trong khi tất cả mọi lãnh vực quan trọng khác của xã hội lại bị lãng quên. Như vậy thử khỏi làm sao có thể phát triển để đi đến “dân giầu, nước mạnh” như những khẩu hiệu đảng và nhà nước thường rêu rao. 
 
Nói về một đất nước thực sự phát triển, tất nhiên đời sống xã hội phải ổn định, người dân phải được an cư, lạc nghiệp, trong khi tại Việt Nam dưới chế độ CS, cái gì cũng suy thoái và đời sống xã hội rất bấp bênh. Nhìn vào xã hội Việt Nam trong hiện tại, y tế lạc hậu không đủ sức phục vụ bệnh nhân, giáo dục thì suy đồi, trường sở thiếu thốn, thành phần giảng dạy thiếu chất lượng và thiếu cả lương tâm chức nghiệp, cộng thêm chương trình giảng dạy mang tính từ chương bưng bít, nhồi sọ, bằng cấp buôn bán như hàng hóa ngoài chợ trời, kiến thức tổng quát của người dân cũng bị khống chế bởi hệ thống ngăn cấm thông tin, từ đó người dân cũng không thể định được vị trí, vai trò và trách nhiệm của mình trong xã hội một cách chính xác, cộng thêm tham nhũng, hối lộ chằng chịt đan vào nhau như một mạng lưới vững chắc từ hạ tầng đến trung ương. Như thế làm sao có thể phát triển đây? Đó là chưa nói đến tài nguyên quốc gia mỗi ngày một “thất thoát” đến mức trở thành vấn nạn để có thể đưa đến tình trạng vong quốc trong tương lai.
 
Riêng phần tham nhũng trong giáo dục được bà Marie Ottosson, Công sứ phụ trách hợp tác quốc tế của Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam đánh giá là một lãnh vực quan trọng không được quan tâm đúng đắn, đã trở thành điểm quan trọng cản trở sự phát triển của đất nước Việt Nam trong hiện tại, bà nhận định :
 
“Mục tiêu trở thành một nước có thu nhập trung bình của VN khó thành hiện thực nếu hệ thống giáo dục còn tham nhũng” và ông Rolf Bergman, Đại sứ Thụy Điển tại Hà nội cũng cho biết: "người dân không còn kiên nhẫn, thời gian chẳng còn bao nhiêu trong cuộc chiến chống tham nhũng,". Một hệ thống mà ngay trong lãnh vực giáo dục cũng tham nhũng, bóc lột như vậy thì thử hỏi làm sao có thể đào tạo nhân tài để phát triển đất nước. 
 
Song song với giáo dục và y tế, nông dân bị mất ruộng cày, ngay đến nơi cư trú của người dân cũng không ổn định, bất cứ lúc nào người dân cũng có thể được gia nhập hàng ngũ “dân oan” để lang thang khiếu kiện như đã và đang từng xẩy ra trên khắp nẻo đường đất nước thì thử hỏi phát triển chỗ nào, có chăng chỉ phát triển được tham nhũng, bóc lột băng hoại, nghèo đói và lạc hậu. Còn lại tất cả chỉ là những tấp bình phong bịp bợm.
 
Nói về sự phát triển của Việt Nam dưới chế độ CS, ông Trần Xuân Giá, cựu Bộ trưởng Kế Hoạch Đầu tư CSVN cho biết tất cả chỉ là con số, không thực tế, ông Giá nhận định: "Chúng ta không thể tiếp tục tư duy tăng trưởng theo lượng, khuếch đại, sùng bái con số và che đậy các khuyết điểm của nền kinh tế được nữa... Nếu không, càng tăng trưởng, có thể chúng ta sẽ càng nghèo đi.". Đồng thuận với nhận định của ông Giá, ông Nguyễn Trần Bạt, Giám đốc Công ty Tư vấn Đầu tư tại Việt Nam cho hay: "Tôi đã nói điều này cách đây 10 năm. Trong một số bài báo, tôi cảnh báo tâm lý tăng trưởng bằng mọi giá. Tôi viết từ rất sớm. Hiện nay nó đẻ ra một cái thực tế mà (cựu) bộ trưởng phải lên tiếng. Chúng tôi, với tư cách là người trí thức bình thường, đã từng lên tiếng trước đó, cảnh báo trước đó, không chỉ cho Việt Nam. Mà cho tất cả các quốc gia kiểu Việt Nam". Đồng thời ông Đạt cũng cảnh báo "sùng bái con số sẽ đưa Việt Nam đến một kết cục không hay... Cho nên là tăng trưởng theo kiểu như thế này chính là một trong những biện pháp giết chết tương lai một cách chắn chắn nhất, không chỉ tương lai kinh tế, mà nhiều tương lai khác của Việt Nam."
 
Cũng xoay quanh vấn đề phát triển đất nước, rất nhiều nhân vật then chốt trong guồng máy cai trị CSVN đã nhìn thấy từ vài thập niên qua, nhưng không hiểu sao họ không “giác ngộ” và can đảm đưa ra lúc còn tại chức, mà cứ phải đợi đến lúc hồi hưu hay bị thất sủng họ mới dám lên tiếng như trường hợp các ông Võ Văn Kiệt, Trần Độ, Võ Nguyên Giáp, Lê Hồng Hà, Lê Đăng Doanh hay như ông cựu bộ trưởng Trần Xuân Giá hôm nay. Đây là một thắc mắc lớn của đại đa số dân Việt Nam kể cả trong nước lẫn hải ngoại thường quan tâm. Từ đó đa số nghĩ rằng, có lẽ khi tại chức những nhân vật này cũng không khác những nhân vật trong hiện tại, biết nhưng không thể nói vì quyền lợi cá nhân. Như vậy, phải chăng tình yêu hay sự quan tâm đến đất nước của những con người CS chỉ có thể xuất hiện khi không còn quyền lực trong tay? Đây chính là điều bất hạnh nhất cho đất nước và dân tộc Việt Nam, nếu CSVN còn tồn tại trên quê hương.
 
Tóm lại, CS lúc nào cũng là CS và những con người CS không thể thay đổi khi còn quyền lực. Do đó muốn đất nước được thực sự phát triển, chỉ còn một cách duy nhất làm sao có thể tập trung được sức mạnh của dân tộc triệt tiêu đảng và chế độ CSVN. Chỉ khi nào những con người CSVN mất hết quyền lực, tình yêu nước mới có thể xuất hiện nơi họ như những nhân vật “yêu nước” nêu trên. Ngược lại, một khi đảng và nhà nước còn nắm trọn quyền lực trong tay, thì sự hy vọng phát triển đất nước và con người, để người dân được tự do, “an cư, lạc nghiệp”, đào tạo nhân tài  và đi đến “dân giầu nước mạnh” hầu có thể sánh vai cùng các nước trong vùng và giữ vững bờ cõi vẫn chỉ là một ảo vọng. 
 
Phạm Thanh Phương (SGT - Úc Châu)

0 Responses to Việt Nam Phát Triển???