"...trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng..."

Sự Kiện Lịch Sử

Posted by Lien Mang Viet San Friday, November 07, 2008

-Phạm thanh Phương-

Trước kết qủa nước Mỹ đã chính thức có một vị Nguyên Thủ Quốc Gia da đen, mà tiền thân là một sắc dân nô lệ đến từ Phi Châu. Điều này đã khiến cho dư luận gần xa bàn tán rất sôi nổi, với những vui buồn lẫn lộn của một tương lai đầy khó khăn trong nhiều mặt tại một cường quốc đang đứng đầu của thế giới hôm nay. Tuy nhiên, dù muốn hay không, vui hay buồn, kết qủa cũng đã an bài và tất cả phải tôn trọng sự chọn lựa của người dân Mỹ. Thế giới cũng hoan hỷ chúc mừng cho một sự thay đổi đạc biệt mang tính lịch sử của nước Mỹ với hơn hai trăm năm lập quốc.

Nhìn vào kết quả cuộc bầu cử, có lẽ không ai có thể phủ nhận chiến thắng vinh quang của ông Obama đã đạt được từ chính niềm tin của đa số người dân Mỹ, không do bất cứ một áp lực nào hay bị khống chế, áp đặt theo cái kiểu CSVN. Điều này chứng tỏ người dân Mỹ đã có một ý thức nhân bản vượt bực, nhận thức được giá trị bình đẳng giữa con người và con người để đánh tan đi được những vị kỷ thấp hèn của sự kỳ thị chủng tộc, điều mà rất nhiều quốc gia trên thế giới chưa thể thực hiện. Cũng trong hoàn cảnh đặc biệt này, vị tân Tổng thống da đen Obama chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong trách vụ của những ngày sắp tới, và cũng có thể nguy hiểm đến cả tính mạng của ông từ một số thành phần cực đoan thủ cựu.

Đi vào dư luận, một thiểu số cho rằng, sự đắc cử vinh quang của ông Obama sẽ là một đại họa cho nước Mỹ và sẽ có những ảnh hưởng xấu đến toàn cầu, chỉ vì ông là một người da đen, có một sự liên hệ nào đó với Hồi giáo trước đây. Hơn nữa những nhóm này cho rằng ông là một người có chiều hướng khuynh tả, thấm nhuần tư tưởng CS, và rất có thể ông sẽ đưa nước Mỹ trở về chính sách nghèo nàn và độc tài. Theo hãng Thông Tấn AFP đã cho biết, có những nhóm chống đối ông Obama “Impeach Obama” đã xuất hiện, và cho rằng
“Có rất nhiều người Mỹ không hiểu gì về Chủ Nghĩa Xã Hội hay Chủ Nghĩa Cộng Sản nên họ đã bầu cho ông Obama trở thành Tổng Thống”
. Tuy nhiên, những sự kiện chống đối vô căn cứ như thế này cũng không có gì mới lạ, nó không dành riêng cho ông Obama, mà cũng đã từng xẩy ra với Tổng thống George Bush khi xưa. Do đó, những lý luận chống đối này cũng không thể ảnh hưởng đến vị thế và công việc của ông. Trong khi đó, đại đa số cho rằng những gì thuộc về lý lịch cá nhân hay những suy đoán vô căn cứ đối với ông Obama không phải là một điều quan trọng để lạm bàn, cái quan trọng cần quan tâm là vị tân Tổng thống có đưa được nước Mỹ qua cơn khủng hoảng kinh tế hiện tại hay không. Hơn nữa trong một thể chế đân chủ như Mỹ, một mình ông Obama cũng không thể khuynh đảo để đưa nước Mỹ vào một đại họa như một số người đã suy diễn. Do đó, tất cả bình luận, suy diễn theo cảm tính trong lúc này đều không đáng lưu tâm và cũng chẳng thuyết phục được ai. Tất cả phải chờ sau khi nhậm chức, tân nội các hoạt động một thời gian mới có thể nhận định rõ đúng, sai, hay, dở.

Nhìn lại bất cứ một cuộc tranh cử nào trên thế giới, các ứng cử viên đều rất sôi nổi và hứa hẹn rất nhiều khi tranh cử, và trong một đất nước dân chủ, cái quyền của người dân thực sự tôn trọng như tại Mỹ thì những lời hứa ấy lại cái dây thòng lọng đe dọa khi đắc cử. Chính vì thế, ngay sau khi biết kết qủa thắng cử với một tỷ số vinh quang, ông Obama cũng đã nhận thức được tầm mức quan trọng khó khăn đến với ông trong những ngày sắp tới. Trong đêm Thứ Ba vừa qua, khi mừng chiến thắng tại Chicago, ông Obama đã tuyên bố
“Con dốc chúng ta sẽ phải vượt qua quá cao, công việc chúng ta làm có thể không đi đến đích trong thời hạn 1 năm hay một nhiệm kỳ…”,
và với một giọng đầy tự tin ông nhân mạnh
“Nhưng chưa bao giờ tôi lại hy vọng cho bằng tối hôm nay vì biết chắc chắn chúng ta sẽ đến được mục tiêu chúng ta muốn đến”
. Cũng trong đêm mừng chiến thắng, thái độ sôi nổi, mạnh dạn hứa hẹn của ông Obama cũng đã biến mất, thay vào đó là một thái độ ưu tư ông phát biểu
“Dù đón mừng đêm nay, nhưng chúng ta đều hiểu rằng mai đây sẽ phải đương đầu với những thách đố lớn nhất trong đời, đó là hai cuộc chiến tranh, những hiểm họa chung cho toàn thế giới và cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng nhất từ một thế kỷ".
Với câu nói này có lễ ai cũng hiểu ông sẽ phải đương đầu với hai cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan, nơi mà chính phủ tiền nhiềm đã đổ quá nhiều xương máu và tiền bạc, mà đây cũng là một trong những nguyên do đã tạo nên sự khủng hoảng về kinh tế của Mỹ. Cái gánh nặng mà chính phủ Obama phải cưu mang và giải quyết chính là sự suy thoái kinh tế, lý do đã đưa đến sự xáo trộn đời sống xã hội của người dân Mỹ hiện nay. Hơn nữa với mầu da của ông, có lẽ ông phải cố gắng tận dụng hết khả năng để giải quyết vấn đề, vì đây là cơ hội duy nhất để ông tạo nên lịch sử, tôn vinh sự bình đảng của nhân loại và thăng hoa nhân bản. Đồng thời chính bản thân ông Obama cũng phải có nhiệm vụ làm cho sự kiện này trở thành một điểm son sáng chói trên dòng lịch sử nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung. Do đó, lập luận cho rằng ông Obama là một tai họa cho nước Mỹ chỉ là những võ đoán theo cảm tính của một thiểu số thiếu tinh thần tôn trọng dân chủ và nhân bản.

Một điều quan trọng mà người dân Mỹ hiện nay kỳ vọng nơi chính phủ mới, là làm sao có thể tạo ra nhiều việc làm cho người dân, giảm thất nghiệp mà không tăng các sắc thuế. Muốn thực hiện điều này, chắc chắn tân chính phủ phải tiếp tục vay thêm nợ, mới mong có thể điều hoà được nhịp sống xã hội. Một khi người dân bớt khó khăn, số tiền tiêu dùng được gia tăng, từ đó mới có thể kéo theo nhu cầu sản xuất để tạo việc làm và kinh tế mới có thể phục hồi. Tuy nhiên, nếu chính phủ vay nợ nhiều qúa để tăng ngân qũy chi dùng, tất nhiên thị trường tài chánh tư nhân sẽ bị giảm, lãi xuất sẽ lại tăng, gây bất ổn, khó khăn cho giới tiểu thương và tư nhân trong buôn bán và tiêu dùng. Đây mới chính là những nghiêu khê khiến ông Obama không còn sôi nổi hứa hẹn mà trở nên ưu tư.

Tưởng cũng nên nhấn mạnh ở đây, Mỹ là một quốc gia có hệ thống kinh tế và tài chánh vững vàng trên thế giới từ xưa đến nay. Do đó, trước tình trạng suy thoái hiện tại, dù trắng hay đen thì vị tân Tổng thống cũng sẽ phải tập trung trong nhiệm vụ tối thượng của mình để dẫn dắt quốc gia thoát khỏi cơn khủng hoảng này, hầu có thể giữ vững được niềm tin đối với người dân Mỹ nói riêng và thế giới nói chung. Ngoài ra, một điểm son trong một đất nước văn minh như Mỹ, hành xử của ngưới dân cũng sẽ văn minh, gạt bỏ được những tiểi tiết cá nhân, tôn trọng sự dân chủ để cùng xây dựng đất nước như lời tuyên bố của ông McCain tại Arizona khi chúc mừng chiến thắng của ông Obama, ông nói: “
Qua lá phiếu, cử tri Hoa Kỳ đã quyết định chọn người lãnh đạo, tôi tôn trọng quyết định của người dân, tôi cũng kêu gọi mọi người cùng giúp vị Tổng thống đắc cử làm tròn trách nhiệm được trao phó” .
Ông nhấn mạnh
"tôi xin dành những lời chúc mừng nồng nhiệt để gửi đến người đã từng là đối thủ chính trị của tôi, và bây giờ là Tổng thống của tôi".
Hơn nữa ông Mc Cain cũng tâm sự:
"Trong giai đoạn khó khăn này của đất nước, tôi cam kết sẽ tận lực cộng tác với ông ta, để giúp ông vượt qua những thách thức mà chúng ta phải đối phó".
Nhìn vào chiến thắng của ông Obama và hành xử của ông McCain qua những câu nói nêu trên. Dù muốn hay không, không ai có thể phủ nhận một nền dân chủ đích thực đã được thể hiện trên nước Mỹ. Sự kiện này cũng chính là một bước đột phá để mở đầu cho một kỷ nguyên mới mang nét đặc thù của nhân bản, chứng tỏ một sự bình đảng đúng mức giữa con người và con người trên quả địa cầu này. Cũng trong sự kiện này, đại đa số dân Việt tỵ nạn phải bùi ngùi cho đất nước mình không biết bao giờ người dân mới có thể thực hiện được một phần nhân bản của nước Mỹ, một khi chế độ thối nát tàn độc CSVN vẫn còn tồn tại trên quê hương. Đồng thời cũng hy vọng, để tôn vinh nhân quyền và bình đảng, Tổng thống Obama sẽ có một thái độ cứng rắn hơn và tích cực hơn trong bang giao với những nước phi nhân quyền như CSVN.

Phạm Thanh Phương (Úc Châu).

0 Responses to Sự Kiện Lịch Sử