"...trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng..."

Vi Khuẩn Mãn Tính

Posted by Lien Mang Viet San Tuesday, June 09, 2009

Phạm Thanh Phương (Úc Châu)


Trong chế độc CSVN, có lẽ khó có ai có thể phủ nhận tham nhũng đã được đưa vào hàng quốc sách, tham nhũng đã trở thành huyết mạch của tầng lớp cán bộ và cũng nằm trong hơi thở của người dân. Kể từ sau khi miền Nam bị cưỡng chiếm (30-4-1975), trong những sinh hoạt hàng ngày, bất cứ một việc gì liên hệ đến hệ thống “chính quyền”, người dân đều phải nghĩ đến “thủ tục đầu tiên” (1), bốn “thủ tục đầu tiên” này không biết xuất hiện từ bao giờ, nhưng nó được xử dụng rất nhiều tại Việt Nam gần như là một loại “kinh nhật tụng”. Nó chính là chiếc chìa khóa vạn năng của sinh hoạt xã hội, thiếu nó tất nhiên vạn sự sẽ trở thành vô năng.

Trong thập niên gần đây, dịch tham nhũng tại Việt Nam đã bộc phát qúa mạnh một cách “vô tư” như một tinh túy trong quốc sách của chế độ. Vi trùng tham nhũng đã ăn sâu trong huyết mạch của từng cán bộ đảng từ trung ương đến địa phương, từ thượng tầng đến hạ tầng, tất cả đan vào nhau như một mạng lưới vững chắc. Trong trường hợp một mắt lưới nào đó bị rách, họ phải tìm cách vá lại, nếu không toàn thể cái lưới sẽ bi bung ra nát bét và chế độ sẽ phải cáo chung. Do đó, trong nhiều năm gần đây, hiện tượng chống tham nhũng đã được các cán bộ trung ương thay nhau kêu gào rất thảm thiết, hết nghị quyết đến quyết định, họp tới, bàn lui như một chiến dịch. Nhưng nhìn vào kết quả, tất cả những “nỗ lực kêu gào” ấy vẫn không thể vuợt qua được câu tục ngữ “Mười voi không được một bát nước xáo”. Ngược lại, loại vi trùng này lại được phát triển mạnh hơn nữa và lan tràn sang lãnh vực quốc tế như đã thấy qua công trình PMÙ8 hay PCI mới đây. Sự việc này cũng đã làm cho một số quốc gia đã tỏ ra e ngại khi quyết định đầu tư hay viện trợ cho Việt Nam.

Để trấn an các nhà đầu tư ngoại quốc tế, trong một phiên họp các nhà tài trợ cho Việt Nam tại Buôm Mê Thuột vào ngày 29-5-2009, Nguyễn Văn Truyền, Tổng Thanh Tra Chính Phủ CSVN đã tuyên bố, sẽ
"đảm bảo cơ chế, luật pháp để người phát hiện tiêu cực, tố tham nhũng sẽ không bị trả thù cũng như cơ chế khen thưởng cho người tố giác tham nhũng".
Trước tuyên bố này, tưởng chừng như CSVN đã thay đổi, “giác ngộ” một cách đột ngột, hầu có thể tạo được một sự ngạc nhiên hay phấn khởi trong xã hội. Tuy lời tuyên bố của ông Truyền có vẻ rất tự tin và chắc nịch, nhưng rất tiếc cũng không sức làm cho các nhà tài trợ tỏ ra tin tưởng. Hơn nữa, theo đại đa số nhận định, những câu nói “giác ngộ” như thế này không có gì để lấy làm ngạc nhiên, nó đã từng rả rích trong nhiều năm qua, tuy cách diễn ta có khác nhau, nhưng kết qủa cũng vẫn chỉ là một con số không to tướng, hay nói đúng hơn cũng chỉ là một chiêu bài bịp bợm.

Trong thực tế, nếu lời tuyên bố của ông Truyền được áp dụng một cách “nghiêm túc” người dân và truyền thông thực sự được tự do bạch hóa tham nhũng mà không bị trù dập, thì có lẽ từ Trung Ương Đảng CSVN đến cán bộ hạ tầng xã, ấp và cả chính bản thân ông cũng đều phải ra hầu tòa, thọ án và trả lại tài sản cho quốc dân. Nhìn lại bối cảnh xã hội, chắc chắn không ai có thể phủ nhận, đã có rất nhiều can đảm nói lên cái căn bệnh “tham nhũng mãn tính” của chế độ và cũng đã và đang bị trù dập, tù đầy, trong đó có đủ thành phần kể cả những nhà tu hành và giới truyền thông. Như vậy lời tuyên bố của Tổng Thanh Tra Chính Phủ có gì để tin tưởng. Ngoài ra, ông Truyền cũng tuyên bố
“Việt Nam sẽ sớm phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng”.
Nói về Công ước của Liên Hiệp Quốc chống tham nhũng, đa số cho rằng may ra chỉ có thể áp dụng với những dịch vụ mang tính quốc tế trong lãnh vực đầu tư, viện trợ mà thôi. Còn lại đối với nội địa, tất nhiên sẽ cũng chẳng có gì thay đổi, xã hội vẫn tiếp tục phát triển bóc lột, trù dập và khủng bố, cán bộ nhà nước vẫn tiếp tục cướp nhà, đất của dân và trong sinh hoạt xã hội, cái “thủ tục đầu tiên” vẫn được lưu hành, phát triển.

Một điều rất quan trọng và hiển nhiên mà ai cũng biết, dưới chế độ độc tài toàn trị CSVN, không thể có một hệ thống “Tam Quyền Phân Lập” như các quốc gia tự do, dân chủ trên thế giới, mà ngược lại chỉ có “Tam Quyền Phân Công”. Ba cơ quan Hành Pháp, Tư Pháp và Lập Pháp đều là công cụ của đảng, lập ra để thi hành chỉ thị. Vì thế trong cái gọi là Nghị quyết 21 được Nguyễn Tấn Dũng ký hôm 12/5/2009, Dũng cũng chẳng biết nói gì hơn ngoài một được một điều mà cả thế giới đều biết “tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp". Điều quan trọng hơn nữa là trong hệ thống quái đản CSVN, đảng là nơi làm ra luật, đảng thi hành luật, đảng tham nhũng và đảng xét xử, thì kết qủa chống tham nhũng sẽ đi về đâu, có lẽ ai cũng hiểu.

Song song với lời tuyên bố của Tổng Thanh Tra Chính phủ Trần Văn Tuyền, trả lời phỏng vấn BBC, Nguyễn Vân Nam một tiến sĩ Luật khoa “Việt Kiều” làm việc tại Việt Nam cho biết, thông thường Hối lộ là tham nhũng, nhưng tại
“Việt Nam chưa có quy định rõ ràng thế nào là tiền hoa hồng, thế nào là tiền hối lộ”.
Ts Nam cũng định nghĩa
“Hoa hồng là khoản tiền trả cho công sức môi giới một giao dịch. Quan trọng ở chỗ người nhận tiền, vị trí đó nó quan trọng như thế nào. Nếu là một người có một vị trí trực tiếp (hay gián tiếp có thể quyết định được thành hay bại của một giao dịch) mà nhận khoản tiền như thế. Hoặc chưa cần phải nhận, chỉ cần đưa ra lời hứa hẹn thôi, để mà quyết định cho giao dịch thành đạt. Thì đó là hối lộ. Trong khi khoản tiền gọi là hoa hồng, thì người nhận cái khoản tiền đó, hoàn toàn không phải nằm trong vị trí có thể trực tiếp hay gián tiếp quyết định sự thành bại của mối giao dịch”.
Tuy nhiên, Ts Nam đã quên, hay cố tình quên rằng, trong các dịch vụ làm ăn tại Việt Nam, tất cả những số tiền hối lộ đều không bao giờ được đưa trực tiếp cho “người có một vị trí trực tiếp hay gián tiếp có thể quyết định được thành hay bại của một giao dịch”, mà chắc chắn sẽ được chuyển qua từ một trung gian, môi giới hay còn gọi là cò mồi. Như vậy, theo định nghĩa của Ts Nam, trong chế độ CSVN sẽ không thể tìm ra hối lộ, vì tất cả đã được chuyển thành hoa hồng.

Xoay quanh vấn đề, thiết nghĩ theo căn bản về ngôn ngữ, không cần phải định nghĩa dài dòng có lẽ ai cũng biết, hai chữ hoa hồng được hiểu là một sự quy định rõ ràng cho từng dịch vụ, nó là điều kiện được đặt ra trước khi ký một hợp đồng hay thoả thuận làm một điều gì. Nếu hai chữ hoa hồng được áp dụng trong những dịch vụ thương mại, tất nhiên nói đã trở thành một điều kiện được ghi rõ trên văn bản. Thí dụ, một thương vụ địa ốc sẽ trả hoa hồng 0.5% cho trung gian bán được một căn nhà trị giá dưới 500 ngàn hay 0.2% cho những căn nhà trị giá trên 500 ngàn, hoặc một số tiền nào đó được xác định trước cho một dịch vụ. Những khoản tiền khác qua lại liên quan đến hợp đồng hay dịch vụ mà thiếu sự minh bạch, đều quy vào hối lộ. Riêng tại các nước dân chủ như Pháp, Anh, mỹ, Úc chẳng hạn, tất cả những món quà biếu xén, dù to hay nhỏ có liên quan đến một sự việc sau khi được giải quyết đều được coi là hối lộ, dù là trực tiếp hay gián tiếp qua trung gian.

Với một hệ thống điều hành đất nước của “đĩnh cao trí tuệ”, chỉ một khía cạnh nhỏ chung quanh “hoa hồng và hối lộ” mà cũng không thể minh bạch, thì thử hỏi những lãnh vực khác như biển thủ công quỹ, những khoản tiền viện trợ nhân đạo như “xóa đói, giảm nghèo”, nâng cao hạ tầng cơ sở, giáo dục, y tế, từ thiện bị “rút ruột”, hay cái gọi là “thuế bôi trơn”(2) cho một dịch vụ nào đó thì sao? Có lẽ những việc này nhà nước CSVN cũng không thể có một định nghĩa nào rõ ràng trong pháp luật. Bởi lẽ, nếu những việc này mà được định nghĩa rõ ràng, rành mạch thì vô hình trung cả cái “cơ chế” CSVN sẽ hiện nguyên hình là một bọn thảo khấu trước nhãn quan nhân loại.

Ông bà ta thường nói, “nhổ cỏ phải nhổ tận gốc”. Do đó, muốn diệt tham nhũng tại Việt Nam, tất nhiên phải diệt cái “cơ chế” tạo ra tham nhũng mới có thể tuyệt nọc di căn. Bởi lẽ, tham nhũng dưới chế độ CSVN đã trở thành một căn bệnh mãn tính, nó tựa như một bứu độc ung thư đến thời kỳ hết thuốc chữa. Vì vậy, chỉ còn một cách duy nhất là làm sao có thể kết hợp được sức mạnh của toàn dân, lật đổ chế độ độc tài toàn trị này, để người dân có thể thay thế nó bằng một chế độ tự do, dân chủ trong sạch. Lúc đó mới mong đất nước được khởi sắc và dân tộc hết lầm than. Ngược lại, ngày nào chế độ phi nhân, tàn bạo, thối nát CSVN còn tồn tại. Tất cả những chiến dịch, nghị quyết, quyết định chống tham nhũng cũng chỉ là tấm bình phong, rêu rao lừa bịp trong cái cảnh “Mười voi, không được một bát nước xáo” như những gì đã xẩy ra trong suốt chiều dài lịch sử của đảng và chế độ CSVN.

(1)- Thủ tục đầu tiên = Thủ tục tiền đâu ?
(2)- Thuế bôi trơn... Số tiền hối lộ cho công việc hay dịch vụ được trôi chảy được dùng trong xã hội VN hiện nay.

Phạm Thanh Phương (Úc Châu)

0 Responses to Vi Khuẩn Mãn Tính