"...trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng..."

Con Đường Dân Chủ Theo “Định Hướng XHCN”

Posted by Lien Mang Viet San Monday, June 15, 2009

Từ xưa đến nay, khi nói đến dân chủ, tự nhiên ai cũng hiểu quyền tự do truyền thông và tự do ngôn luận là một điều căn bản quan trọng cần phải có. Một đất nước thực sự dân chủ, tất nhiên chính quyền phải biết lắng nghe tất cả những sự đóng góp ý kiến từ mọi tầng lớp, không phân biệt thành phần xã hội. Tuy nhiên trong chế độ CS, với chính sách ngu dân, hai chữ dân chủ hầu như không có trong tự điển, nếu có chăng thì là một loại định nghĩa bóp méo lệch lạc, để có thể tạo một bình phong với cái cảnh “áo thụng vái nhau” hay “mẹ hát con khen hay” một cách khôi hài như một vở tuồng lừa bịp, mỵ dân một cách trơ trẽn, lố bịch. Vở tuồng này được định nghĩa là một loại dân chủ theo “Định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa”.

Trong xu hướng dân chủ hoá toàn cầu, đảng và nhà nước CSVN lại tái diễn một vở tuồng trong tiêu đề “con đường dân chủ hoá”, hầu mong giảm thiểu sự căng thẳng trong cao trào đấu tranh đòi dân chủ hiện nay trong toàn dân. Vở tuồng này đã được trình diễn với một số diễn viên trong mọi thành phần được đảng đưa ra, và mới đây trong một bài phỏng vấn của báo Đại Đoàn Kết, ông Trần Xuân Giá, cựu bộ trưởng Kế Hoạch và Đầu Tư, đương kim chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng Á Châu nhận định:
"Phát huy dân chủ có nhiều kênh, nhưng “phản biện xã hội” là kênh hết sức quan trọng...''.
Một câu nói với những từ ngữ đao to, búa lớn, nhưng lại “hơi” tối nghĩa, do đó xin tạm dịch “Phát huy dân chủ có nhiều lãnh vực, nhưng lãnh vực tiếng nói từ người dân là quan trọng hàng đầu cần phải lưu tâm”.

Nếu sự nhận định của ông Giá được dừng ở đây, có lẽ nhiều người sẽ tỏ ra vui mừng vì đã có những tiếng nói đòi hỏi dân chủ từ những giới chức có tầm cỡ trong guồng máy cai trị của đảng. Nhưng rất tiếc, sự vui mừng ấy vừa được loé lên đã phải vút tắt khi ông Giá nói tiếp:
“đảng Cộng Sản Việt Nam cần phải trao cho Mặt Trận Tổ Quốc thêm một vai trò mới, vai trò "phản biện xã hội.".
Nếu nói đến dân chủ, chắc chắn ai cũng phải hiểu cái vai trò “phản biện xã hội” mà chỉ dành riêng cho một cơ quan mà ai cũng biết đó là cơ quan do đảng đẻ ra để phục vụ đảng, nó chẳng khác nào sự liên hệ của một tên nô lệ với ông chủ. Như vậy, sự “phản biện” mà ông Giá đưa ra có thực sự mang tính chất trung thực xã hội của quảng đại quần chúng hay không? Hay nó chỉ mang tính cách tung hứng bịp bợm theo kiểu “mẹ hát con khen hay” của một phe nhóm, tập đoàn.

Để tô đậm thêm tính dân chủ, ông Giá nói thêm
”Vai trò của Mặt trận là giúp Quốc hội tập hợp các ý kiến, kiến nghị lên Quốc hội, lên chính phủ và các cơ quan hành pháp”.
Khi nói câu này, đại đa số cho rằng ông Giá đã quên hay cố tình quên, vai trò Quốc Hội CSVN cũng là “con đẻ” cuả đảng trong cái thế “Đảng cử, dân bầu” mà ai cũng biết. Vì thế dưới chế độ CSVN, Quốc hội cũng chỉ là một công cụ tay sai của đảng, không thể đại diện cho toàn dân như như những quốc gia dân chủ trên thế giới với hệ thống “Tam quyền phân lập” rõ ràng. Ngược lại, ba cơ quan Hành pháp, Lập pháp, Tư pháp dưới chế độ CSVN chỉ được định nghĩa là một loại “Tam quyền phân công” mới đúng. Do đó, nhận định và khuyến cáo của ông Giá chính là “Dân chủ theo định hướng XHCN” do đảng đề ra. Cái loại dân chủ lưu manh này không phải lần đâu tiên được biết, mà nó đã từng được kêu gọi và thực hiện qua nhiều hình thức trong nhiều năm, và những cá nhân hay tổ chức, đảng phái chính trị “cánh tay nối dài” của đảng, trong và ngoài nước đã từng rêu rao.

Thực sự mà nói, với vai trò của ông Giá, ông không được phép nhìn xa hơn hay không thể nhìn xa hơn, để có một nhận định chính xác hơn với hai chữ dân chủ. Nếu ông Giá có đủ can đảm và thông minh nhìn vào thế giới hôm nay, chắc chắn ông sẽ tự nhận thấy chính ông vẫn còn đang bị luẩn quẩn trong cái cõi u mê bởi chính sách ngu dân cuả CS, cũng có thể ông đang mang một nhiệm vụ thi hành chính sách bịp bợm, tung hỏa mù mỵ dân. Tuy nhiên với phương tiện truyền thông đại chúng tối tân hiện nay, thiết nghĩ cái trò xảo trá này cũng không thể qua mặt được bất cứ ai. Vì vậy đại đa số nhận định, lời nói của ông Gía cũng chỉ là một sự lập lại chủ trương đã thực hiện trong suốt dòng lịch sử đảng CSVN từ xưa đến nay, nó tựa như một cuốn băng nhựa cũ nhão được mở ra nghe lại, chẳng có gì mới lạ để có thể tạo sự ngạc nhiên cho người dân.

Thực sự mà nói, các quốc gia dân chủ trên thế giới, họ không có những chữ đao to, búa lớn một cách tối nghĩa “phản biện xã hội” như ông Giá xử dụng, nhưng họ vẫn hiểu và thực hiện hai chữ dân chủ đúng nghĩa và đúng mức. Thí dụ như tại Mỹ, Tổng thống Obama khi vừa nhậm chức, đã có ngay những phân tích, phê bình chính sách của Tổng thống đủ mọi góc cạnh, từ đủ mọi tầng lớp trong xã hội một cách ồ ạt mà không sợ bị bịt miệng, cầm tù như hình ảnh một Linh mục Nguyễn Văn Lý tại Việt Nam, hoặc một số ký giả đang bị cầm tù chỉ vì nói lên một phần sự thật những ung nhọt của guồng máy cai trị độc tài toàn trị hiện hành.

Nói như vậy, có lẽ đảng CSVN và ông Gía sẽ cho rằng Mỹ là một nước đã có một nền dân chủ tương đối lâu dài, còn nước ta chỉ mới “thống nhất” được hơn ba mươi năm, vì thế phải định nghĩa hai chữ dân chủ khác đi cho phù hợp, mặc dù là một loại quái thai của thế kỷ hiện nay. Tuy nhiên, nếu ông Giá chịu khó nhìn lại lịch sử của một miền Nam Việt Nam chúng ta trước năm 1975, có lẽ ông Giá sẽ tự xấu hổ với chính mình. Nếu không biết, thiết nghĩ đảng CSVN và ông Gía nên tham khảo với những nhân chứng sống của miền Nam Việt Nam trước 1975 hiện còn tồn tại trong đất nước tất sẽ hiểu. Ngày ấy, VNCH dẫu là một nền dân chủ phôi thai, nhưng người dân vẫn được cái quyền tự do ngôn luận, truyền thông vẫn thi hành được chức năng “đệ tứ quyền” của họ một cách tương đối có thể gọi là hoàn hảo. Tất cả mọi tầng lớp dân chúng có quyền nói lên những suy tư của chính họ qua nhiều phương tiện, kể cả những cuộc biểu tình chống chính phủ. Những tiếng nói của người dân không hẳn hoàn toàn đúng, có khi đúng, khi sai, nhưng chính phủ VNCH vẫn phải tôn trọng lắng nghe. Đó mới đúng nghĩa của hai chữ dân chủ. Ngược lại, nếu những tiếng nói mà ông Giá gọi là “phản biện xã hội” mà chỉ trao cho cơ quan tay sai của đảng như “Mặt trận Tổ quốc” thì dân chủ ở đâu, bao giờ đất nước mình mới được mở mặt, mở mày với thế giới bao la hôm nay.

Tóm lại, theo ông Giá con đường “dân chủ hoá đất nước” cứ trao cho đảng là xong. Chính vì những tư tưởng u tối, ấu trĩ như thế này mà đất nước ngày nay dưới chế độ CSVN mới bầy hầy như một đống rác khổng lồ của nhân loại. Cái gì cũng là đảng, đảng làm luật, đảng vi phạm luật và đảng phân xử rồi đảng “phản biện”. Cuối cùng đất nước chỉ được cai trị bởi một đám phường chèo man rợ, không hơn, không kém, và người dân lúc nào cũng là những con cừu cho đảng muá may gọt lông đem bán, hầu phục vụ đời sống xa hoa của tầng lớp cai trị mỗi ngày khá hơn. Đây chính là “Con đường dân chủ theo định hướng XHCN” tuyệt vời mà chỉ có những “Đỉnh cao trí tuệ “ như ông Gía mới có thể nhìn thấy để nêu ra.

Phạm Thanh Phương (Úc Châu)

0 Responses to Con Đường Dân Chủ Theo “Định Hướng XHCN”