"...trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng..."

Niềm Đau Giáo Dục

Posted by Lien Mang Viet San Tuesday, June 02, 2009

Phạm Thanh Phương (Úc Châu)

Sau ba mươi bốn năm được gọi là thống nhất đất nước, nền giáo dục tại Việt Nam dưới chế độ CS vẫn “dậm chân tại chỗ”, không thấy một tiến triển nào được gọi là khả quan để có thể theo kịp đà văn minh của thế giới. Trên mặt hình thức, nhà nước CSVN cũng tỏ ra quan tâm và đã có nhiều dự án, nghị quyết, quyết định nhằm nâng cao trình độ giảng dạy để có được đào tạo được một số tài năng xây dựng đất nước, và có thể đưa đất nước đi lên một vị trí khá hơn so với các nước trong vùng. Tuy nhiên, theo một số nhà giáo dục trong nước nhận định, hầu như tất cả chỉ là những lời nói xuông, không thấy một kết quả nào có thể gọi là khả quan, mặc dù con số tốt nghiệp bậc đại học có gia tăng. Mới đây, theo tin trong nước, Bộ Giáo Dục & Đào Tạo CSVN lại đưa ra dự án “Đổi Mới Cơ Chế Tài Chính Giáo Dục và Đào Tạo Giai Đoạn 2008 - 2012". Trong đó đa số tập trung về lãnh vực tài chánh như tăng học phí và “cổ phần hoá” hệ thống, nhưng không thấy chú trọng đến những lãnh vực cần thiết khác như cải tổ đường lối và chất lượng giảng dạy, đặc biệt trong lãnh vực đại học.

Xoay quanh vấn đề này, theo nhận định chung của giới nhà giáo trong nước cho biết, điều đang quan tâm và khó cải tổ hiện nay là sự yếu kém về phẩm chất, bởi hệ thống giảng dạy vẫn đi theo lối mòn từ chương, giáo điều, vì thế sinh viên khi ra trường không đủ kiến thức để theo kịp thực tế của môi trường xã hội. Hơn nữa, “đội ngũ” giảng viên cũng thiếu chất lượng chuyên môn, có bao nhiêu thì truyền lại bấy nhiêu như một cái máy photo copy, không có gì mới lạ. Sinh viên giống như những con cá nuôi trong hồ, phải nhai mãi một thứ “thức ăn” nhàm chán, không thể bơi ra sông, biển, để tự phát triển thêm kiến thức theo khả năng như những sinh viên khác tại các quốc gia tự do trên thế giới. Và đây cũng là hậu quả của chính sách bưng bít, ngu dân mà CSVN đã áp dụng từ hơn nửa thế kỷ qua.

Theo dự án đề xuất của Bộ Giáo Dục & Đào Tạo CSVN đưa ra, hệ thống giáo dục Việt Nam sẽ cho “cổ phần hoá” một số trường sở thuộc lãnh vực cao đẳng và đại học, sự “cổ phần hoá” này nhằm tạo ra sự cạnh tranh, để có thể nâng cao chất lượng giảng dạy. Tuy nhiên đa số lại nhận định, với hệ thống tham nhũng đã ăn sâu trong xương tủy trong mọi tầng lớp, ban ngành, e rằng khi ngành giáo dục được “cổ phần hoá”, tất nhiên sẽ trở thành một thị trường thương mại như đã và đang xẩy ra trên khắp nẻo đường đất nước. Từ đó, những hiện tượng “Học tiền thi hộ” hoặc mua bán bằng cấp, lại có cơ hội tiếp tục phát triển một cách mạnh mẽ hơn, và hậu qủa sẽ càng thê thảm hơn.

Theo quan niệm chung của đa số những nhà làm giáo dục tại quốc nội cho rằng, hệ thống tư thục tại các nước tiền tiến như Mỹ, Úc, Anh, Pháp.v,v, cũng chỉ là những nơi làm thương mại như những lãnh vực khác. Họ không đủ thiện chí, sáng suốt để nhìn thấy được sự thật, hệ thống tư thục tại các quốc gia tự do trên thế giới đều luôn đặt trọng tâm vào việc đào tạo nhân tài, sự cạnh tranh và lợi nhuận tài chánh được đo lường bằng chất lượng giảng dạy, chất lượng của con số nhân tài mà họ đào tạo, sinh viên hay học viên của họ không bị nhồi nhét bởi giáo điều, mà ngược lại hoàn toàn tự do, như những cánh chim bay nhảy thoải mái trên cánh đồng kiến thức bao la của thế giới. Nó cũng giống như hệ thông tư thục đã từng phát triển trong miền Nam Việt Nam dưới thời VNCH khi xưa. Vì thế, nhiều nhà giáo tại Việt Nam cũng tỏ ra lo ngại khi “cổ phần hoá “hệ thống giáo dục, phát triển tư thục “Nếu không được nghiên cứu kỹ lưỡng, tất nhiên sẽ đưa đến một hậu quả tai hại khó có thể đo lường cho nền giáo dục Việt Nam”..

Ngoài ra, một điều đáng quan tâm hơn nữa là số lượng giảng viên tại đại học tại Việt Nam hiện nay đang lâm vào tình trạng thiếu hụt trầm trọng. Theo nhiều nguồn tin cho biết con số giảng viên có học vị Tiến sĩ nay hiện nay tại Việt Nam không đạt được một mức độ khiêm nhường là 20%, nhưng với con số “khiêm nhường” này, cũng không biết có bao nhiêu phần trăm có đủ chất lượng và bao nhiêu phần trăm thuộc thành phần được đào tại theo hệ “chính quy, tại chức và chuyên tu”, đó là chưa kể đến loại bằng cấp được đào tạo bằng kim ngân hay quyền lực. Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại Học An Giang nhận định
"Tình trạng giáo dục của Việt Nam mình nói chung là đang gặp rất nhiều khó khăn về mặt chất lượng cán bộ giảng dạy. Xã hội cũng nói nhiều và các chuyên gia cũng nói nhiều nhưng mà sự thay đổi thì còn chậm lắm. Bây giờ số lượng tiến sĩ đang đứng trên lớp để mà dạy thì còn rất là thấp…”.
Để giải quyết sự thiếu hụt về số lượng và chất lượng hàng ngũ giảng viên đại học, đa số đặt hy vọng vào thành phần du học trở về. Nhưng rất tiếc số học bổng lại quá ít và đa số lại lọt vào thành phần “con ông cháu cha”, thành phần này đa số du học lấy lệ, mục đích của họ thường là chuyển tải một số tài sản đã tham nhũng, bóc lột được tại Việt Nam một cách hợp pháp, đồng thời cố gắng ở lại lập nền tảng khi hữu sự… Nếu phải trở về nước, họ cũng chỉ cần “mảnh bằng” chứng nhận để hợp thức hoá vị thế “ăn trên ngồi chốc”, chất lượng của kiến thức không phải là điều đáng quan tâm. Một số khác thuộc thành phần du học tự túc, nhưng con số này trở về cũng không được bao nhiêu, đa số cũng tìm cách ở lại ngoại quốc. Số còn lại, khi trở về lại không muốn tham gia nghành giáo dục, họ tìm đến những công ty ngoại quốc với số lương cao hơn, không bị gò bó trong chính sách “hồng hơn chuyên” và áp lực bởi bè phái. Trong khi đó, con số tiến sĩ đào tạo trong nước thì cũng không thay đổi được về chất lượng, bởi trong hệ thống yếu kém thì không thể nào đào tạo được những “sản phẩm” đủ phẩm chất, mặc dù thời gian đào tạo có được kéo dài hơn.

Nói về đường lối giảng dạy hiện tại Việt Nam, một số giảng viên nhận định là rất nhàm chán và đã bỏ ra ngoài làm việc khác. Theo ông Lê Văn Nam, một người từng giảng dạy tại Đại học Hà Nội cho biết,
“Cách dạy nhàm chán quá, sinh viên cũng không muốn học, không lắng nghe lời giảng, giảng viên thì lại thiếu kiến thức, không đáp ứng nhu cầu, v.v...”
Theo số liệu của Bộ Giáo dục Đào tạo CSVN cho biết, hiện nay con số giảng viên tại đại học thiếu khoảng 20 ngàn. Để mong đáp ứng nhu cầu số lượng, vào cuối năm 2008 vừa qua, Bộ Giáo dục Đào tạo CSVN đã đưa ra chỉ tiêu là phải cố gắng bằng mọi giá để có thể “sản xuất” được con số 20 ngàn tiến sĩ trong ít năm tới. Với chỉ tiêu này, đa số các nhà giáo dục Việt Nam đã cho đó là một điều không tưởng. Hơn nữa, họ nhận định, nếu không cải tổ được đường lới giáo dục để “nâng cấp” thi dù có “đạt chỉ tiêu” hay “vượt chỉ tiêu” chăng nữa, thì cũng chỉ là hình thức, không bao giờ có được một kết quả mong muốn thực sự của toàn dân.

Tóm lại, tất cả những dự án, quyết định hay nghị quyết về giáo dục tại Việt Nam cũng chỉ mang tính cách hình thức, để chứng tỏ với thế thế giới một thiện chí cầu tiến trong bang giao và bịp toàn dân. Hơn nữa, với chính sách bưng bít thông tin, khống chế truyền thông thì dù có làm gì chăng nữa cũng chỉ luẩn quẩn trong cái thế “giựt gấu, vá vai”, cắt miếng vải mục này, vá lại chỗ rách kia cho có lệ, cuối cùng vẫn là một chiếc áo mục nát tả tơi.

Người ta thường nói, thanh niên là rường cột quốc gia, nhưng dưới chế độ CSVN thì chắc chắn chỉ có thể tạo ra những cây cột èo uột hoặc bên ngoài có thế thấy những cây cột bê tông, nhưng bên trong lại là cốt tre như đã từng xẩy ra trong thực tế. Trong một chế độ độc tài toàn trị, với thành phần lãnh đạo ngu dốt, chỉ biết bóc lột, tham nhũng, đối ngoại thì hèn mạt thì làm sao có một sự cải tổ nào có thể kiện toàn, để đưa đất nước khá hơn. Do đó, muốn thực hiện được một nền giáo dục trong sáng, đào tạo nhân tài để có thể theo kịp đà phát triển của thế giới, chỉ còn một cách đảng CSVN phải ra đi, trả lại quyền tự quyết cho dân tộc, để từ đó toàn dân có thể lựa chọn, trao lại quyền lãnh đạo đất nước cho một lớp người tài năng, có tâm huyết xây dựng quê hương. Ngược lại, khi CSVN còn tồn tại trên quê hương, thì có làm gì chăng nữa cũng chỉ vô ích, dân tộc vẫn lầm than, giáo dục vẫn suy thoái như một căn bệnh trầm kha, không thể vực dậy và phát triển và đất nước suốt đời phải mang uất nhục như hiện nay.

• Phạm Thanh Phương (Úc Châu)

0 Responses to Niềm Đau Giáo Dục